Những câu hỏi về thế giới số và chủ nghĩa tư bản

Khi tôn giáo là sức mạnh phổ biến và ảnh hưởng đến mọi thứ bên dưới nó, Karl Marx cho rằng sự phê bình tôn giáo là cơ sở cho mọi sự chỉ trích. Còn hôm nay, có thể nền tảng đó chính là sự phê bình thế giới số.

Những câu hỏi về thế giới số và chủ nghĩa tư bản

Bài viết của tác giả Mike Grimshaw, Giáo sư Xã hội học và Điều phối viên thuộc Khoa Tôn giáo tại Đại học Canterbury, New Zealand.

Nguồn: Digital society and capitalism / Mike Grimshaw / Nature.com / 14 November 2017.

Biên dịch: Đoàn Hiểu Linh / Redsvn.net.

Bài viết này giới thiệu một tập hợp các câu hỏi về các vấn đề liên quan tới các tác động và thách thức mà xã hội số mang lại cho chủ nghĩa tư bản.

Xã hội số được ca ngợi như một xã hội giải phóng cá nhân khỏi những giới hạn của thời gian, nơi chốn, nhưng nó cũng bị chỉ trích là đã mang đến một loại chế độ phong kiến công nghệ về khai thác dữ liệu. Sự tự do mà xã hội số khoa trương về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, không gian làm việc và chỗ nghỉ ngơi đã đến với với một số người, nhưng với nhiều người khác thì sự tự do đó đã biến thời gian làm việc, thời gian không làm việc lẫn không gian thành sự giám sát số về công việc, bản sắc và tương tác xã hội. Ngoài ra xã hội só cũng có những vấn đề trong sự bất bình đẳng công nghệ và những khác biệt thế hệ.

Sự trỗi dậy của các hình thức tự xuất bản, blog và thông tin truy cập mở đã cho thấy sự khẳng định và khuyến khích tài sản sáng tạo công cộng (creative commons, một loại giấy phép bản quyền cho phép người giữ bản quyền được quyết định sẽ gửi cho cộng đồng những quyền gì, giữ lại cho mình những quyền gì – Người dịch). Tuy nhiên, kể cả khi các nội dung có sẵn là miễn phí, việc đóng góp có thể có chi phí tài chính và việc truy cập luôn luôn được quyết định bởi việc tiếp cận công nghệ. Như thế, kể cả các tài sản sáng tạo công cộng cũng tồn tại dưới nhiều hình thức và kinh nghiệm khác nhau của chủ nghĩa tư bản: số hóa, công nghiệp, hậu công nghiệp, khai thác tài nguyên kiểu thực dân mới, tập hợp và sản xuất công nghệ, gia tăng các khoản nợ và có để thanh toán cho công nghệ v.v…

Vì vậy, xã hội số là xã hội tư bản chủ nghĩa, và kể cả cái được gọi là những hành động phản kháng như các tài sản sáng tạo công cộng cũng không tách biệt với xã hội này. Đó là sự phản kháng từ bên trong chủ nghĩa tư bản chứ không phải là một không gian phi tư bản chủ nghĩa ở phía ngoài một hệ thống tư bản chủ nghĩa rộng lớn hơn.

Việc tư duy và giảng dạy về những điều như thế đã làm gia tăng số lượng câu hỏi tạo nên khung sườn cho bài viết này.

Những câu hỏi về chủ nghĩa tư bản số

Hiện tại, với số hóa thì không có “cái bên ngoài” chủ nghĩa tư bản số. Với xã hội số, điều này có nghĩa là các câu hỏi sẽ trở thành những câu như: Làm cách nào chúng ta dùng số hóa? Để làm gì? Và cái gì đang được làm sẵn “miễn phí”?

Nhiều câu hỏi khác cũng được đặt ra. Liệu giờ đây xã hội số có thể được xem là thuốc phiện mới cho quần chúng nhân dân của chủ nghĩa tư bản tân tự do? Liệu nó có phải là một phần của cái được gọi bằng thuật ngữ “các mặt hàng rộng lớn hơn thuốc phiện” đang thuần hóa chúng ta trong chủ nghĩa tư bản?

Liệu chúng ta có tồn tại trong một xã hội bị xao lãng bởi số hóa đang loại bỏ nhiều người khỏi ảnh hưởng chính trị theo những cách khác nhau, và khiến những người khác tin rằng những cái “likes” và “chủ nghĩa hành động” trực tuyến cũng giống như sự tham gia và hành động trong đời thực? Hay là, những cái “likes” và “chủ nghĩa hành động” trực tuyến dẫn chúng ta tới tin tức giả mạo, những hình thức tuyên truyền và can thiệp chính trị khác thông qua các thủ thuật số?

Những vấn đề và những tiềm năng của xã hội số trong sự chuyển biến mở rộng chủ nghĩa tư bản là gì? Liệu sự mở rộng đó có giống như việc dữ liệu hóa kỹ thuật số trong chủ nghĩa tư bản? (dữ liệu hóa – datasation – là việc phân tích Dữ liệu lớn để gia tăng doanh thu và đạt được những kết quả ngoài mong đợi – Người dịch).

Thật sự lao động kỹ thuật số có ý nghĩa gì và bao hàm cái gì? Chúng ta có thật sự cần tư duy và thảo luận về những mức độ lao động kỹ thuật số về mặt lao động số trực tiếp và lao động số gián tiếp? Đó là những người đang trực tiếp làm việc trong các lĩnh vực lao động số được trả lương, và số đông còn lại đang gián tiếp làm việc trong các lĩnh vực dữ liệu mỗi khi chúng ta trực tuyến, đặc biệt là qua mạng xã hội.

Khi công việc phi kỹ thuật số của bạn yêu cầu bạn có những hoạt động và sự hiện diện trực tuyến, tham gia mạng xã hội, một thực trạng ngày càng chiếm ưu thế, điều đó có nghĩa là gì? Hiện giờ bạn đang làm việc cho ai? Chúng ta có thể bàn về một nền kinh tế ứng dụng (App) và lao động App bằng những cách thức nào?

Chúng ta cũng có thể hỏi rằng xã hội số đã đóng góp gì cho sự tồn vong của chủ nghĩa tư bản sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới? Với sự dịch chuyển sang chủ nghĩa tư bản số, khủng hoảng tài chính thế giới thật ra chỉ là một cuộc khủng hoảng trong những khu vực cụ thể của chủ nghĩa tư bản, không phải là khủng hoảng của toàn bộ chủ nghĩa tư bản như hiện nay. Sự trỗi dậy của cái có thể được gọi bằng thuật ngữ “quyền lực tập trung số”, hay theo cách Hội chợ Phù hoa ăn mừng điều này là “Sự thiết lập mới”, sự trỗi dậy đó đã tồn tại và tiếp tục tồn tại phía trên những tác động bình thường của khủng hoảng tài chính thế giới.

Và sự chỉ trích, phẫn nộ, thảo luận trực tuyến, việc tìm kiếm thông tin và những câu trả lời về khủng hoảng tài chính thế giới của chúng ta, hay những cố gắng tổ chức bản thân, cố gắng làm mình xao lãng khỏi nó, tất cả chỉ bổ sung thêm cho khoản lợi nhuận khổng lồ và sức mạnh thực tế của trật tự mới của chủ nghĩa tư bản số. Do đó, liệu vấn đề có phải là 1% mà phong trào Chiếm đóng Phố Wall tập trung vào (qua xã hội số và truyền thông xã hội), hay vấn đề là các doanh nhân và chính quyền tài phiệt siêu tư bản chủ nghĩa của nền kinh tế số, nền kinh tế số đã được tính toán để trở thành con số nhỏ hơn nhiều 1 phần triệu đó?

Chúng ta cũng cần hỏi là, bằng những cách nào mà chúng ta có thể thảo luận về giới tính và dân tộc trong chủ nghĩa tư bản và xã hội số? Các hình thức chính trị khác nhau trong chủ nghĩa tư bản đã tận dụng xã hội số để đưa hệ tư tưởng và tuyên bố của họ đi xa hơn như thế nào? Xuất bản, tin tức, thể thao và giải trí trong chủ nghĩa tư bản đã bị ảnh hưởng bởi sự trỗi dậy của xã hội số như thế nào? Những tác động đến các trường đại học và các hình thức sản xuất kiến thức khác là gì? Ở đâu và làm cách nào mà các những người lao động thời vụ (precariat, là từ chỉ một giai cấp mới xuất hiện, gồm những người lao động không có sự ổn định và an toàn về việc làm – Người dịch) có thể tồn tại trong ma trận xã hội số và chủ nghĩa tư bản?

Danh sách câu hỏi trên có thể mở ra vô hạn, nhưng đó là vấn đề, với mỗi cấp độ mà xã hội kỹ thuật số về cơ bản chỉ gia tăng các vấn đề và các tiềm năng của xã hội phi kỹ thuật số và “số hóa” chúng trong chủ nghĩa tư bản. Yếu tố then chốt liên quan là, sự bổ sung của “số hóa” đã làm được gì?

Thế giới số của chúng ta

Tôi cũng ý thức rất rõ rằng xã hội số cũng có những vấn đề về bất bình đẳng công nghệ và những khác biệt thế hệ. So với các sinh viên của tôi, hay các con tôi, tôi “gần như là người thế kỷ trước” trong việc tham gia thế giới số hạn chế của tôi. Tôi chưa sẵn sàng ở nơi mà chiếc iphone cổ lỗ sẽ trở thành “lá phổi số” mà tôi cần phải thường xuyên đem theo để tồn tại. Tôi không cần phải liên tục truy cập mạng xã hội để đảm bảo rằng tôi tiếp tục “tồn tại”.

Không giống như nhiều sinh viên của tôi, những người vừa ngồi trong giảng đường ghi chú vừa mở nhiều tab, tìm kiếm trong thế giới thực đa nhiệm và thông tin số một cách hiệu quả, tôi vẫn có thể tập trung vào một nhiệm vụ duy nhất. Tôi thấy họ nhìn xuống màn hình và mỉm cười trong khi tôi không nói bất kỳ điều gì vui nhộn.

Tôi không dành hàng giờ xem video của những kẻ ngu ngốc trên YouTube hoặc lướt Facebook. Tôi không chịu đựng nỗi sợ hãi về các dòng status trên mạng xã hội. Nhưng tôi ngồi viết phần giới thiệu này trên laptop đồng thời nghe một tuyển tập nhạc jazz chọn lọc những năm 1960 qua một đài phát thanh số cũng trên laptop. Để truy cập chương trình đó, tôi phải cung cấp địa chỉ Gmail của tôi và tôi phải làm mọi cách để bỏ qua các quảng cáo số chạy dọc theo lề trang và ngang qua đầu trang.

Một quảng cáo mời tôi học bằng cử nhân thương mại năm 2018 ở trường đại học mà tôi đang giảng dạy. Một cái khác giới thiệu đồ lót đàn ông chính hiệu, kết quả của một lần ghé thăm website bán áo thun giá rẻ của họ. Bây giờ, chỉ 5 phút sau tôi đã có thể nhận được mời chào đăng ký tạp chí Nature đã giảm giá, hay mua vé máy bay giá rẻ tới Melbourne, Australia.

Trong túi tôi, chiếc iPhone cổ lỗ được kết nối với nhiều ứng dụng khác nhau, với một nhà cung cấp email và internet. Nó cũng xác định vị trí của tôi khi tôi di chuyển. Nếu tôi muốn kiểm tra một điều gì đó, có thể tôi sẽ mở một tab mới trên laptop để tra Google, hoàn toàn biết rõ rằng sự tìm kiếm của tôi sẽ được tận dụng bởi các phân tích, và khi làm như thế là tôi đang làm việc không công cho họ.

Đầu ngày hôm nay, tôi đã lướt qua một loạt nhà cung cấp tin tức trực tuyến khắp thế giới, đọc một vài bài luận, đánh giá trực tuyến và thực hiện một vài sự “xao lãng số”. Tối hôm qua tôi đã chọn lựa xem truyền hình từ nhiều giải pháp truyền hình số đang mở rộng hơn bao giờ hết, và xem tin tức buổi tối lúc 6h được live-stream trước đó cũng trên chiếc laptop này.

Thỉnh thoảng tôi Snapchat với con gái lớn của tôi đang tạm nghỉ ở trường đại học, và có vẻ như Skype ngày càng chiếm ưu thế trong gia đình chúng tôi hơn khi làm cho sự vắng mặt tạm thời trở thành sự hiện diện kỹ thuật số. Và dù không mua rượu trực tuyến nhưng tôi cũng thường xuyên kiểm tra các đặc sản và lựa chọn tại trang web của cửa hàng ưa thích của tôi.

Và như vậy, thế giới mà tôi đang sống, thế giới mà tôi làm việc, thế giới mà tôi tiêu dùng, thế giới mà tôi giải trí và bị xao lãng trong đó, đã được số hóa tới mức độ mà tôi cũng liên quan và tham gia vào y như những người mà tôi muốn chỉ trích.

Tôi không có nền tảng đạo đức tốt, kể cả khi tôi muốn tìm một nền tảng như thế. Và đó là vấn đề chính khi nói về cách chúng ta chọn tham gia, và cách chúng ta chọn suy nghĩ và (có thể) kháng cự lại sẽ quyết định việc chủ nghĩa tư bản số có ý nghĩa gì và làm gì cho chúng ta, ở góc độ cá nhân lẫn tập thể.

Khi tôn giáo là sức mạnh phổ biến và ảnh hưởng đến mọi thứ bên dưới nó, Karl Marx cho rằng sự phê bình tôn giáo là cơ sở cho mọi sự chỉ trích. Còn hôm nay, có thể nền tảng đó chính là sự phê bình thế giới số.

>> Trí tuệ nhân tạo, chủ nghĩa Tư bản và chủ nghĩa Cộng sản
>> Tình thế của giai cấp vô sản trong kỷ nguyên trực tuyến
>> Một phân tích Marxist về chủ nghĩa tư bản trong nền kinh tế số
>> Chủ nghĩa tư bản kỷ nguyên số hóa có còn là chủ nghĩa tư bản?
>> Quan điểm Marxist về nền công nghiệp tự động hóa ngày nay
.

ĐOÀN HIỂU LINH / REDSVN.NET

Tags: , , ,