6 bài học chống tham nhũng từ Singapore

Trong các bảng xếp hạng, Singapore vẫn thường nằm trong tốp các nước ít tham nhũng nhất thế giới. Để có vị trí này, Singapore đã trải qua một quá trình chuyển hóa không ít khó khăn.

6 bài học chống tham nhũng từ Singapore

Khi đảng Nhân dân hành động (PAP) của ông Lý Quang Diệu lên nắm quyền, họ nhận thức rằng phải chống tham nhũng thì mới đạt được mục tiêu phát triển.

Trong ba yếu tố tạo nên tham nhũng, ban đầu Singapore chưa thể làm gì với yếu tố lương bổng vì năm 1960, đây vẫn là nước nghèo với GNP trên đầu người chỉ là 443 USD. Vì vậy, chính phủ tập trung vào hai yếu tố tạo tham nhũng còn lại: giảm thiểu cơ hội tham nhũng và tăng cường hình phạt.

Một luật chống tham nhũng mới ra đời, với 32 phần (thay vì 12 như hồi năm 1937). Có một số sửa đổi quan trọng như án phạt tăng lên năm năm tù, người nhận hối lộ phải trả lại hết tiền đã nhận. Văn phòng điều tra tham nhũng (CPIB) được tăng quyền hạn, với khả năng điều tra “mọi tài khoản ngân hàng” của những ai bị nghi có hành vi phi pháp.

Một người có thể bị khép tội tham nhũng ngay cả khi người đó chưa nhận tiền hối lộ, vì ý định phạm pháp đã đủ để khép tội người này. Công dân Singapore phạm tội nhận hối lộ ở nước ngoài cũng bị xử như phạm pháp trong nước. Cả khi bị cáo qua đời, tòa áncũng có quyền ra lệnhtrưng thu tài sản có được từ tham nhũng.

Cho mãi tới thập niên 1980, khi đã phát triển kinh tế, Singapore mới đủ khả năng làm nốt phần còn lại trong chiến lược chống tham nhũng là tăng lương cho nhân viên. Tháng 3/1985, thủ tướng Lý Quang Diệu tuyên bố các lãnh đạo chính trị cần được trả lương thật cao để bảo đảm chính quyền trong sạch. Ông nói cách hay nhất chống tham nhũng là “đi cùng thị trường”, thay vì thói đạo đức giả đã tạo nên tham nhũng.

Theo giáo sư Jon S.T. Quah, khoa chính trị học ở Đại học Quốc gia Singapore, kinh nghiệm của Singapore không dễ lặp lại ở các nước vì hoàn cảnh đặc thù và vì những chi phí chính trị và kinh tế của việc trả lương cao. Tuy nhiên, có sáu bài học có thể tham khảo.

Thứ nhất, bộ máy lãnh đạo phải thực tâm chống tham nhũng và trừng phạt bất cứ ai có hành vi tai tiếng.

Thứ hai, phải có các biện pháp chống tham nhũng đầy đủ, không có lỗ hổng và thường xuyên được xem lại để thay đổi, nếu cần thiết.

Thứ ba, cơ quan chống tham nhũng phải trong sạch. Không nhất thiết phải có quá nhiều nhân viên, và bất kỳ thanh tra nào tham nhũng cũng phải bị trừng phạt và đuổi ra khỏi ngành.

Thứ tư, cơ quan chống tham nhũng phải tách khỏi bộ máy cảnh sát.

Thứ năm, để giảm cơ hội tham nhũng tại các ngành dễ sa ngã như hải quan, thuế vụ, công an giao thông, các cơ quan này phải thường xuyên kiểm tra và thay đổi qui định làm việc.

Thứ sáu, động cơ tham nhũng trong khối nhân viên nhà nước và quan chức có thể giảm bớt nếu lương và phụ cấp cho họ có tính cạnh tranh với khu vực tư nhân.

Và dĩ nhiên, mọi chiến lược đều trở thành công cốc nếu lãnh đạo chỉ nói suông và thiếu ý chí chính trị.

Trong một nghiên cứu ở Hong Kong, Ấn Độ và Indonesia, giáo sư Leslie Palmier (ĐH Bath, Anh) xác định ba yếu tố chính tạo nên tham nhũng:

– Cơ hội (đặc biệt liên quan đến việc viên chức nắm giữ các vị trí “ngon ăn” hay kiểm soát các hoạt động hái ra tiền).
– Lương bổng. Khi lương của nhân viên quá thấp, họ dễ dàng dùng vị trí của mình để nhận hối lộ.
– Khả năng phát hiện và trừng phạt. Tham nhũng lan tràn ở Singapore trong thời thực dân là vì con người xem đây là hoạt động có rủi ro thấp, ít khả năng bị tù tội.

Theo  TRANPARENCY.ORG

Tags: ,