⠀
Suy nghĩ về bản lĩnh của dân tộc Việt Nam
Có nhiều cách hiểu về hai từ “bản lĩnh”, nhưng nghĩ kỹ thì định nghĩa của học giả Đào Duy Anh là gọn nhất mà cũng chuẩn xác nhất: “Cái nền gốc của nhân cách”.
Nếu nhân cách là nét đặc trưng nổi bật của một cá nhân, thì cái “nền gốc” tạo nên nhân cách, quyết định tính bền vững của bản lĩnh được thể hiện trong cả cuộc đời một người. Ấy vậy mà theo đại thi hào Goethe thì trí tuệ của con người trưởng thành trong tĩnh lặng, còn tính cách trưởng thành trong bão táp. Một cá nhân hay một dân tộc đều như thế.
Bàn về sự phát trịển của các nền văn minh, nhà sử học lớn nhất thế kỷ 20, Arnold Toynbee cho rằng: “Thiên nhiên phải đến với con người như một khó khăn cần phải vượt qua. Nếu con người chọi lại thách thức thì sự chống trả của nó tạo những nền tảng cho nền văn minh của họ”. Lịch sử tồn tại và phát triển của dân tộc ta là một minh chứng sống động cho luận điểm đó. Nền tảng hay “nền gốc” xem ra cùng một cách diễn đạt ngọn nguồn tạo thành bản lĩnh của một người, một dân tộc, như cát được ném vào lò nấu để tinh luyện thành chất pha lê.
Bị dồn vào cái thế kẹt oái oăm của vị trí địa lý – chính trị không thuận lợi, dân tộc ta muốn tồn tại và phát triển thì phải phát huy đến mức cao nhất sự chịu đựng kiên cường với khí phách “có cứng mới đứng đầu gió”. Như cây tùng mọc giữa vách đá, hứng chịu gió núi mây ngàn với bao phong ba bão táp vẫn sống nhờ rễ đã bám chặt và chui sâu vào các khe đá để tìm nguồn dinh dưỡng từ đất.
Là một quốc gia biển, vừa nhận được những ân huệ của biển, vừa phải chịu đựng những cơn thịnh nộ của đại dương để tồn tại và phát triển. Những đầu óc giàu tưởng tượng vừa hình dung bán đảo hình chữ S này ưỡn ngực hiên ngang đón gió đại dương, nhưng dường như phải oằn lưng gánh chịu sức nặng của một khối lục địa dồn xuống. Dù gì thì gì, cái bản lĩnh “sóng cả không ngả tay chèo”, sóng gió hung bạo và dữ dằn của biển Đông tiếp nối cơn dập dồn bạo liệt của Thái Bình Dương bao la là một thách đố nghiệt ngã.
Trong “Trúc lâm tông chỉ nguyên thanh”, Ngô Thời Nhiệm đã có lời bình thâm thúy về chuyện vua Trần Nhân Tông rất đáng được suy ngẫm: “Người ta thấy Điều Ngự đệ nhất tổ đến ở chùa Hoa Yên thì bảo Ngài xuất gia, [nhưng] ta biết rằng Đức Ngài lúc bấy giờ biết xem thiên hạ là công trong mối vô sự; nhưng ở phía Bắc vẫn có nước láng giềng mạnh mẽ, chưa được an tâm. Cái ý ấy không tiện nói ra, sợ người dao động, cho nên nhắm được núi Yên Tử là núi cao nhất, phía Đông nhìn về Yên Quảng, phía Bắc liếc sang hai tỉnh Lạng, dựng nên ngôi chùa, thời thường dạo chơi để xem động tĩnh, cốt để ngừa cái mối lo nước ngoài xâm phạm. Thật là một vị Vô Lượng Đại Thế Chí Bồ Tát…”.
Cũng có nhiều bàn thảo về điều này, song ở đây, điểm cốt yếu là thông điệp của ông cha ta gửi hậu thế: ý thức thường trực cảnh giác, “ngừa cái mối lo nước ngoài xâm phạm”, là một đòi hỏi sống còn của dân tộc. Với đôi mắt xuyên không gian, thời gian, ông cha ta đã răn dạy cháu con biết cách gìn giữ mỗi thước núi, tấc sông từng thấm đẫm máu xương của bao thế hệ Việt Nam.
Xin gợi một ví dụ thay cho những giải thích dài dòng : Khi cuộc đàm phán về Hiệp định Paris sắp ngã ngũ, H. Kissinger nói một câu đại ý: “Nếu Việt Nam chỉ anh dũng thì Mỹ thừa sức đè bẹp, nhưng chúng tôi không thể đè bẹp được vì các anh vừa anh dũng vừa thông minh”. Trong chuyến thăm Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở Hà Nội, dừng lại trước các cọc gỗ Bạch Đằng. Khi xem bản ghi câu thơ của Lý thường Kiệt “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”, Kissinger lại nói: “Hình như tôi đã nghe câu này ở đâu nhiều lần rồi”, và tiếp “À, đây là chương I điều 1 của bản Hiệp định Paris”!
Liệu ông Kissinger có biết những chiếc cọc gỗ mà ông nhìn thấy đó không chỉ đã dìm chết quân Nguyên vào thế kỷ 13, mà trước đó hơn hai thế kỷ đã được Ngô Quyền sử dụng để chọc thủng thuyền, dìm chết quân xâm lược nhà Nam Hán. Và sẽ càng thú vị hơn, nếu học giả Kissinger lại được biết thêm rằng, hiện vẫn còn miếu thờ một bà lão mở quán nước bên đường đã mách nước cho Hưng Đạo Đại vương để ngài bày binh bố trận tiêu diệt quân xâm lược. Thắng trận, Trần Hưng Đạo đã cho lập miếu thờ ấy!
Trên đất nước này, cơ man là những miếu thờ, đền thờ những vị anh hùng cứu nước xuất thân áo vải chân đất! Nếu thống kê tất cả các thành hoàng được thờ tại các làng sẽ thấy, cùng với những tổ phụ ngành nghề, tuyệt đại bộ phận là những người có công với nước. Nó là một nét truyền thống cần được trân trọng và phát huy.
Đương nhiên, nói đến truyền thống là nói đến yếu tố “động” của truyền thống không dừng lại ở cái tĩnh, cái “đã định hình” nhằm ru ngủ sự “ổn định trì trệ” vốn có quán tính khước từ mọi canh tân. Tập quán ấy củng cố tính bảo thủ được khoác cho những tấm áo đủ mọi màu sắc để xoa dịu những số phận bị kìm hãm, đánh lừa những đầu óc muốn đổi mới. Biện chứng của cuộc sống đòi hỏi phải tấn công vào sự “ổn định trì trệ” ấy.
Nếu chỉ quen với con đường mòn, người đi sau dẫm lên dấu chân của người đi trước, sẽ dẫn đến thảm họa vì con đường mòn đó không có lối ra trong một thế giới đầy biến động với những bước đột phá mà mọi sự dự đoán đều không chắc chắn. Dám nghĩ đến những “nghịch lý táo bạo” chính là sự thể hiện tinh thần dám chịu trách nhiệm đối với sự nghiệp mình đang theo đuổi, dám chịu trách nhiệm với chính mình.
Cái đó chính là bản lĩnh. Với bản lĩnh ấy, ở vào những tình thế ngàn cân treo sợi tóc, con người Việt Nam vẫn tìm được những giải pháp đột phá, mở đường cho cuộc sống đi tới, đó chính là bài học lịch sử mà thế hệ trẻ hôm nay cần khắc trong tim. Không có trái tim ấy, không thể nuôi dưỡng và phát huy bản lĩnh dân tộc.
Vì rằng, “ở đâu nội dung của sự tất yếu phổ biến không nhất trí được với trái tim, thì sự tất yếu ấy – xét về nội dung- không là gì cả, và phải nhường chỗ cho quy luật của trái tim”. Có lẽ thực chất của “quy luật trái tim” mà Hegel nói đây cần được hình tượng hóa cho dễ hiểu như cách diễn đạt của M.Gorky về trái tim Đankô: “Chàng trẻ tuổi đưa hai tay lên xé toang lồng ngực, dứt trái tim ra và giơ cao trên đầu. Trái tim cháy rực sáng như mặt trời, sáng hơn mặt trời…trước ánh sáng của trái tim Đankô, bóng tối tan tác…”.
Quả thật, những gì mà trái tim thờ ơ thì mắt cũng không nhìn thấy được! Mệnh lệnh của trái tim yêu nước là động lực đẩy tới những hành động thể hiện bản lĩnh của một cá nhân, cũng có thể gọi là bản sắc cá nhân, những bản sắc cá nhân ấy kết nối lại trở thành bản lĩnh dân tộc, đồng thời, bản lĩnh dân tộc hun đúc và phát huy bản sắc cá nhân ấy. Quy luật của trái tim là sự phản ánh chân thực nhất biện chứng của cuộc sống với tất cả những sắc thái phong phú và khó dự báo hết những bước hợp trội tạo ra những đột phá, đẩy cuộc sống đi tới.
Theo LAO ĐỘNG ONLINE
Tags: Việt Nam và quốc tế