⠀
Cơ chế nói ngược: Cần bình thường hóa việc nói ngược và nghe ý kiến trái ngược
Cơ chế nói ngược? Vâng, đúng là như thế. Đây không phải là cách nói theo “mốt”, cái gì cũng quy cho cơ chế, đổ tại cơ chế đâu. Nó có nội dung và yêu cầu xác định.
Tác giả: Tùng Lương (bút danh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi công tác ở Tạp chí Cộng sản).
Nguồn: Tạp chí Cộng sản, số 3-1992.
Ta biết, đã có một thời cái câu “nhất hô bá ứng” gần như trở thành phương châm ứng xử và cơ chế hoạt động của nhiều ngành, nhiều đơn vị. Nghĩa là cấp trên, cấp dưới chỉ có răm rắp tuân theo; thủ trưởng hô một câu, anh em nhân viên, cán bộ dưới quyền chỉ có việc tán tụng, hưởng ứng, không được bàn ra, không được nói khác. Trường hợp cấp trên và thủ trưởng nói đúng (và phần nhiều là đúng) thì tuyệt quá rồi, rất cần thiết phải có sự thống nhất như thế. Nhưng nếu thủ trưởng nói sai?… Thì cũng cứ phải như vậy! Và người ta hiểu như thế là thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ (?). Tác hại thế nào đã thấy cả rồi.
Mấy năm đổi mới gần đây tình hình có khá hơn. Không phải trường hợp nào quần chúng và cấp dưới cũng nhất mực nói theo cấp trên và thủ trưởng. Vì thực tế đã mách bảo người ta: không phải chủ trương nào của cấp trên cũng đúng cả, không phải ý kiến nào, việc làm nào của thủ trưởng cũng hay, cũng tốt cả. Trong không khí dân chủ cởi mở, nhiều người đã dám nói ngược ý của thủ trưởng khi biết rõ ý kiến của thủ trưởng là không đúng. Có người thẳng thắn phê bình, đấu tranh với những việc làm sai trái của thủ trưởng. Rất nhiều thủ trưởng cũng đã chân thành lắng nghe ý kiến của quần chúng và cấp dưới, lắng nghe với thái độ thực sự cầu thị, kể cả những ý kiến ngược. Đó là những biểu hiện tốt.
Tiếc rằng những hiện tượng đó chưa phải là phổ biến, chưa phải đã được coi là bình thường. Vẫn còn cái gì e ấp, ngại ngùng từ phía cấp dưới, và có cái gì khó chịu, bực bội từ phía lãnh đạo. Đã không ít người chỉ vì nói trái ý lãnh đạo (mặc dù với động cơ trong sáng, lành mạnh) mà đã bị thành kiến, bị để ý, thậm chí bị trù dập. Lập luận của người lãnh đạo đó chỉ đơn giản là: trong một tổ chức, một đơn vị muốn gì thì gì phải có kỷ cương thống nhất, không thể có tình trạng cấp trên nói cấp dưới không nghe, quần chúng cãi lại lãnh đạo; chủ trương nào đưa ra cũng bị chống đối thì lãnh đạo nỗi gì!…
Xét về một mặt thì lập luận này không sai, thậm chí còn rất đúng. Kỷ luật và sức mạnh của một tổ chức không cho phép “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”, cấp dưới chống lại cấp trên; không thể nhân danh đổi mới, lợi dụng dân chủ để gây rối nội bộ. Nhưng nếu chỉ thế thôi thì chưa đủ. Vả lại, trong trường hợp đang nói ở đây, lập luận đó chỉ là ngụy biện hoặc chưa đầy đủ vấn đề tập trung dân chủ.
Có khá nhiều vị thủ trưởng miệng vẫn nói dân chủ, khuyến khích mọi người nói thẳng, nói thật ý nghĩ của mình, nhưng khi có ai đó nói trái ý mình; bốp chát lại mình thì không chịu nổi. Có người còn đỏ mặt nóng tai quy kết đủ thứ. Cái chính ở đây là thủ trưởng coi thường ý kiến của quần chúng và cấp dưới, không muốn nghe những lời nói ngược. Một số người cấp dưới thấy thế thì ngán ngẩm, giữ thái độ “mũ ni che tai”, “ngậm miệng ăn tiền”. Có người sinh ra cơ hội, nịnh bợ, luôn luôn đón ý thủ trưởng để nói theo, thậm chí xun xoe, tán tụng cả những ý kiến sai trái.
Thiết nghĩ, đã đến lúc cần chấm dứt những hiện tượng đó. Cần bình thường hóa việc nói ngược và nghe ý kiến trái ngược. Điều đó chỉ có lợi cho công việc chung thôi (đương nhiên nếu biết xử lý đúng và người nói ngược phải với động cơ xây dựng). Người lãnh đạo giỏi là người biết nghe và dám nghe những ý kiến nói ngược, khuyến khích cấp dưới và những người cộng sự suy nghĩ độc lập, thẳng thắn đề xuất những ý kiến riêng, không nên thành kiến và vội vàng quy chụp. Biết nghe và chịu nghe ý kiến người khác, dù ý kiến đó có khác ý mình, có trái tai mình, đó cũng là một phẩm chất rất cần thiết của người lãnh đạo.
Đó còn là hiện tượng rất bình thường trong cuộc sống. Nếu một người lãnh đạo lắng nghe được nhiều ý kiến, biết được thông tin nhiều chiều, nhất là thông tin chiều ngược, thông tin phản hồi, thì chắc chắn khi đề ra chủ trương hoặc quyết định một việc gì đó đỡ sai hơn. Nếu ý kiến anh đúng mà có người phản biện thì tính đúng đắn và sự sáng suốt trong ý kiến của anh càng được khẳng định mạnh mẽ và rõ ràng hơn.
Nếu ý kiến anh sai mà có người chỉ ra cho anh thì thật là quý hóa, cần phải chân thành và nhiệt liệt hoan nghênh, cảm ơn người đó. Sự đời “cờ ngoài bài trong”, đã chắc đâu điều gì anh nghĩ ra cũng đúng, câu nào anh nói ra cũng hay. Có ý kiến nói ngược phản biện cho anh càng góp phần nâng cao tính chính xác, sự đúng đắn trong ý kiến và quyết định của anh. Điều đáng sợ là khi có ý kiến riêng mà người ta không muốn nói ra, khi biết anh sai mà không ai muốn can gián, xung quanh anh chỉ còn toàn những lời khen, vuốt ve, tán tụng!
Đương nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta đồng tình với cấp trên, bênh vực lãnh đạo thì bị quy là “nịnh”, là “cơ hội”. Thực tế đã có không ít trường hợp người ta chuyên nói ngang, phê phán gay gắt lãnh đạo cấp trên (mặc dù cấp trên đúng) chỉ cốt để tỏ ra ta đây là người “có bản lĩnh”, nói “đúng mốt” hiện thời. Chúng ta cũng không thể đồng tình với những người muốn lợi dụng không khí cởi mở nói ngược để đả kích cấp trên, nói xấu lãnh đạo.
Cơ chế bảo đảm cho người cấp dưới dám nói ngược ý kiến người cấp trên là:
– Đưa ra thảo luận tập thể hoặc đối thoại, tranh luận. Nếu sau khi đã thảo luận kỹ mà thủ trưởng vẫn giữ ý kiến và quyết định của mình thì cán bộ cấp dưới phải chấp hành quyết định đó, tuy vẫn được bảo lưu ý kiến.
– Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, là trọng tài phân xử đúng sai. Nếu quyết định của thủ trưởng bị thực tiễn kết luận là sai thì thủ trưởng phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình; còn người nói ngược, can gián thì được khen thưởng. Nghiêm cấm thành kiến, trù dập.
– Những người cố ý nói sai, vu cáo, xuyên tạc thì bị xử lý.
Tất cả những điều đó phải thành quy chế, luật pháp.
Theo TẠP CHÍ CỘNG SẢN
Tags: Bộ máy hành chính, Dân chủ, Nguyễn Phú Trọng