Bảy lý do khiến nhân loại không thể từ bỏ Vladimir Ilyich Lenin

Chủ nghĩa xã hội là một dự án con người, dự án cơ bản nhất trong văn minh toàn cầu kể từ sự ra đời của Cơ Đốc giáo. Di sản của Lenin sẽ không bao giờ mất đi tầm quan trọng của mình trong dự án này. 

Tác giả: Michael Brie, nhà triết học xã hội ở Học viện Phân tích xã hội phê phán thuộc Rosa Luxemburg Foundation (Đức). Ông chuyên nghiên cứu lý thuyết và lịch sử chủ nghĩa xã hội, sự chuyển hóa sinh thái-xã hội của các xã hội hiện đại và các vấn đề chiến lược của cánh tả trong cuộc khủng hoảng chủ nghĩa tân tự do.

Nguồn: Seven Reasons Not to Leave Lenin to Our Enemies; Rosalux.de; 21/01/2024. 

Biên dịch: Đoàn Hiểu Linh / Redsvn.net.

Trong tình hình nhân loại đang đối mặt với khủng hoảng lớn nhất kể từ Thế chiến II, trong thời đại chiến tranh bùng phát và thảm họa tư bản, cánh tả – ít nhất là cánh tả ở châu Âu – ngày hôm nay chỉ còn là cái bóng của chính mình. Việc loại bỏ Lenin khỏi ký ức tập thể của cánh tả là một phần của thất bại lịch sử này. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể nói về Marx mà không có Lenin? Làm sao chúng ta có thể nói về Luxemburg, Gramsci, Che Guevara hay Allende mà không nói tới Lenin? Làm cách nào mà một sự làm mới cánh tả có thể diễn ra nếu nó chối bỏ một phần quan trọng trong di sản cách mạng của nó? Cuối cùng thì phần còn lại của chủ nghĩa xã hội là gì nếu Lenin không có chỗ đứng trong lịch sử của nó? Tôi muốn đưa ra bảy lý do vì sao không nên từ bỏ Lenin.

Một: Sự phản đối chiến tranh của Lenin

Sự trỗi dậy để trở thành một nhân vật thay đổi lịch sử của Lenin bắt đầu bằng sự phản đối Thế chiến I không lay chuyển của ông (cùng vài người khác như Karl Liebknecht và Rosa Luxemburg) và lời kêu gọi của họ về việc chuyển hướng vũ khí sang kẻ thù chính là giai cấp cai trị. Sự phản đối này đã không lay chuyển được tình thế. Lenin đi tới kết luận rằng cuộc chiến này chỉ có thể đi tới kết thúc bằng cuộc nội chiến cách mạng. Ông không muốn kiểm soát các chính sách của giai cấp cai trị mà muốn đối đầu với họ.

Sự phản đối này nhằm vào bản chất cuộc chiến, không phải vào nguyên nhân hay sự khởi phát đặc thù của nó. Lenin luôn luôn xem xét các khác biệt và mâu thuẫn của Thế chiến I từ quan điểm ý nghĩa của chúng đối với việc phản chiến. Ông kiên quyết tìm cách mài giũa các mâu thuẫn này miễn là ông tin rằng làm như vậy có thể mở đường cho cách mạng. Trong tiến trình, ông cũng tìm cách xây dựng không gian cho những sự thỏa hiệp dựa trên quan điểm cánh tả độc lập.

Với Lenin, có những nguyên tắc kiên định không mâu thuẫn với sự linh hoạt, thay vào đó, chúng là hai mặt của một đồng xu. Điều này dẫn tới hiệp ước hòa bình với nước Đức và một chính sách cùng tồn tại trong hòa bình sau năm 1921. Sự phản đối chiến tranh của ông được đo lường bằng tính hữu ích của nó đối với chính sách cách mạng và có thể nhanh chóng biến thành một sự ủng hộ cho cải cách và các nhượng bộ, miễn là chúng phục vụ cho quyền lực chủ nghĩa xã hội.

Hai: Phép biện chứng của Lenin

Quốc tế Thứ hai đã xem phép biện chứng như một thứ vô dụng. Họ đầu hàng trước ý thức hệ tiến triển mang tính tiến hóa, trở nên bất lực trong việc khái quát hóa các đứt gãy. Đặt niềm tin vào “các nguyên tắc phổ biến” tới mức rút gọn chủ nghĩa Marx, họ đóng cửa bộ óc trước nhận thức về điều cần thiết là nhận ra tiềm năng của các sự kiện riêng lẻ đối với việc trốn thoát khỏi nhà tù phổ biến – sự đồng lõa giữa chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa tư bản.

Chính Lenin là người đã nhận ra sự tương ứng giữa Marx và Engels, được công khai trước Thế chiến I, nguồn gốc cách tiếp cận chủ nghĩa cộng sản cách mạng của họ. Đó là lý do vì sao Lenin dành những tháng đầu tiên sống lưu vong ở Thụy Sĩ, khi ông bị kết tội trong một tình huống hoàn toàn không kiểm soát được, để nghiên cứu về phép biện chứng đến tận gốc của nó – qua tác phẩm trừu tượng nhất của Hegel, cuốn Khoa học Logic. Lenin xem “những bước nhảy vọt” thay vì sự tiến hóa là trung tâm, đột ngột đảo lộn mọi thứ. Ông tái khám phá Hegel với tư cách là một nhà tư tưởng cách mạng cánh tả.

Dưới đây là một trong nhiều cách hiểu sâu sắc của Lenin về điều này: “sự chuyển hóa riêng biệt thành phổ quát, ngẫu nhiên thành tất yếu, sự vận động, sự điều chỉnh và mối liên hệ qua lại giữa các mặt đối lập”. Để tạo dựng một nền chính trị cánh tả thuyết phục, sự đúng đắn ở cấp độ “phổ quát” là chưa đủ, thay vào đó, nhiệm vụ là hành động quyết đoán cho vấn đề riêng biệt, đặc biệt là tác động đến quần chúng trong một thời điểm cụ thể, với mục đích tạo điều kiện cho chính trị cánh tả và những người can dự. Bất cứ ai thất bại trong trường hợp riêng biệt này cũng sẽ thất bại ở cấp độ “phổ quát” và trở nên vô nghĩa. Lenin đã tóm tắt bài học quan trọng nhất mà ông học được từ những nghiên cứu của mình về biện chứng trong phân tích ý nghĩa thời cuộc của cuộc nổi dậy miền Đông Ireland năm 1916 như sau:

“Để hình dung cách mạng xã hội là có thể xảy ra khi không có những cuộc nổi dậy của các dân tộc nhỏ ở các thuộc địa và ở châu Âu, không có những cơn thịnh nộ cách mạng của một bộ phận tiểu tư sản với tất cả những thành kiến của nó, không có sự vận động của quần chúng vô sản và bán vô sản không có ý thức về mặt chính trị chống lại sự áp bức của các chủ đất, nhà thờ, chế độ quân chủ, chống lại sự áp bức dân tộc… hãy hình dung tất cả những điều này là sự bác bỏ cách mạng xã hội… Bất kỳ ai kỳ vọng một cuộc cách mạng xã hội ‘thuần túy’ sẽ không bao giờ sống sót để nhìn thấy nó. Người như thế chỉ nói suông về cách mạng mà không hiểu cách mạng là gì”.

Một trong những tệ nạn của cánh tả là họ thất bại trong việc tham gia vào các mâu thuẫn thực sự của giai cấp công nhân thực sự trong các mối quan hệ thực của sự cạnh tranh tư bản và trật tự thế giới đế quốc. Sự tham gia này đòi hỏi chúng ta giải quyết “các thành kiến” của quốc gia, sắc tộc và gia trưởng, vốn phát triển trong giai cấp công nhân dưới những quan hệ như thế, để khai thác năng lượng cho chính trị cánh tả kể cả từ “sự ô trọc” này. Chỉ khi làm được điều này thì chúng ta mới có thể chèo thuyền vượt qua giông bão trong thời đế quốc chủ nghĩa này.

Ba: Phân tích thời đại của Lenin

Những chẩn đoán thiếu sót hoặc không chính xác về thời điểm lịch sử là lời chỉ trích phổ biến đối với cánh tả nhằm giải thích sự yếu kém của nó. Tuy nhiên, chắc chắn không thiếu những chẩn đoán như vậy. Cái chúng ta thiếu là những chẩn đoán lịch sử dựa trên các câu hỏi chiến lược đặt vấn đề dẫn tới những kết luận rõ ràng cho chiến lược cánh tả. Sự thuần khiết của những lời phê bình chủ nghĩa tư bản rất thường được đi kèm với một nỗ lực né tránh những hậu quả “không trong sạch” mà những quan hệ này để lại cùng với giai cấp công nhân. Vì lý do này mà các phân tích đó vẫn không có kết quả. Trong giai đoạn ngắn từ cuối năm 1914 đến 1916, Lenin không chỉ xuất bản cuốn Chủ nghĩa đế quốc, giai đoạn cao nhất của chủ nghĩa tư bản mà còn nghiên cứu vấn đề nông dân nhiều hơn một lần nữa, khi ông nhìn thấy hành vi của nông dân là vấn đề quyết định trong cuộc cách mạng sắp diễn ra. Ông đối chiếu con đường phát triển nông dân tư bản chủ nghĩa ở Mỹ với con đường đó ở Phổ để hiểu rõ những quyết định có thể xảy ra mà người nông dân sẽ đối mặt trong một cuộc cách mạng.

Cũng trong thời gian này, Lenin nghiên cứu tính phức tạp của vấn đề quốc gia dân tộc trong kỷ nguyên chủ nghĩa đế quốc vì ông giả định rằng một cuộc cách mạng chỉ có thể thành công nếu nó hấp thu năng lượng của vấn đề quốc gia dân tộc và có thể giải thích cho vấn đề này mà không bị nó trói buộc. Như vậy, ông không định hướng chú ý nhiều vào giai cấp vô sản có tổ chức (những người mà với ông tiềm năng cách mạng có vẻ rõ ràng) mà vào những người nông dân, các lực lượng tư sản dân tộc nhỏ và các phong trào chống thuộc địa. Ông không hứng thú nhiều với các hạn chế giai cấp của những lực lượng này mà vào tiềm năng chuyển hóa xã hội của họ – cao hơn bất kỳ chủ nghĩa bè phái nào.

Nói cách khác, những xu hướng thống trị của thời khắc hiện tại là gì, kịch bản nào là thực tế, những kẽ hở nào trong hệ thống cai trị có khả năng xuất hiện cao nhất, xác suất nào cho việc tạo dựng các liên minh hùng mạnh kể cả từ vị thể yếu để can thiệp vào các tình huống không quyết định được, và sau đó chúng ta có thể hoàn thành được việc gì – đây là những câu hỏi mà Lenin tự vấn chính mình trong sự thức tỉnh năm 1914, làm cho ông được chuẩn bị kỹ hơn bất cứ ai trong giới cánh tả cho những tình huống cách mạng nổi lên những năm 1917-1919. Quả thật, đây là những vấn đề mà cánh tả hôm nay phải tự hỏi mình một lần nữa.

Bốn: Tầm nhìn và chương trình hành động khẩn cấp của Lenin

Lenin viết Nhà nước và cách mạng khi cư trú bất hợp pháp ở Phần Lan, giữa nỗi kinh hoàng Thế chiến I và những thay đổi chính trị nhanh chóng diễn ra ở Nga sau cách mạng tháng Hai năm 1917. Tất cả những bối cảnh này diễn ra khi ông đang đối mặt với cáo buộc là điệp viên làm việc cho Đức và liên quan trực tiếp tới việc chuẩn bị giành chính quyền của những người Bolshevik.

Ông đã cẩn thận tập hợp mọi thứ mình có thể tìm được bằng văn bản của Marx và Engels về một xã hội cộng sản, và ông bảo vệ những sổ ghi chú này suốt cuộc đời mình. Mục đích của ông không gì khác hơn là tái khám phá chủ nghĩa cộng sản Marxist như là định hướng dẫn đường cho chính sách sau khi cách mạng thành công.

Trong Nhà nước và cách mạng, khái niệm về sự tự quản xã hội trực tiếp từ bên dưới của công nhân có vũ trang và việc công nhân trực tiếp nắm quyền kiểm soát nền kinh tế trong các nhà máy đối lập với tầm nhìn về sự tập trung quyền lực tối đa vào tay công nhân. Như thể cả Bakunin và Marx cùng đồng thời định hướng cho ngòi bút của Lenin. Điều này khả thi một phần vì trong phân tích về Công xã Paris, chính Marx đã lấy nhiều ý tưởng của chủ nghĩa vô chính phủ, và cả ông lẫn Engels đều giả định rằng, trong trường hợp một cuộc cách mạng thành công, nhà nước sẽ dần dần tan rã vì các lợi ích cá nhân và xã hội sẽ ngày càng trùng khớp với nhau nhiều hơn. Không ngẫu nhiên khi theo Lenin (và theo Marx trước đó), tầm nhìn về hiệp hội tự do và việc tổ chức toàn xã hội thành một tổ chức lớn cùng đi đôi với nhau.

Cùng lúc với việc soạn thảo Nhà nước và cách mạng, Lenin thu hút những tranh luận xoay quanh kinh tế thời chiến và hiểu biết của ông về kế hoạch hóa và định hướng nền kinh tế có được từ việc nghiên cứu liên minh giữa các công ty độc quyền và nhà nước để phát triển một chương trình bình ổn nước Nga thông qua hình thức chủ nghĩa tư bản nhà nước dưới sự lãnh đạo của một chính quyền cách mạng. Đây là chương trình mà ông triển khai năm 1918 và quay lại lần nữa với sự dịch chuyển sang Chính sách Kinh tế Mới vào cuối thập niên 1920.

Chính sáchcủa Lenin có thể thay đổi một cách hoàn toàn tùy hoàn cảnh giữa chế độ toàn trị gắt gao nhất và nền dân chủ cấp tiến nhất, sự loại bỏ ngay lập tức thị trường và luật pháp cũng như các biện pháp để củng cố chúng. Chủ nghĩa cộng sản thời chiến và chủ nghĩa cộng sản nhà nước vì vậy có thể được điều chỉnh thành các chính sách xã hội chủ nghĩa. Mọi việc phụ thuộc hoàn toàn vào các quan hệ quyền lực thống trị và các quyết định chính trị được thực hiện. Đối với một nền chính trị cánh tả lâu dài, điều đó mang tính tùy biến.

Năm: Đảng của Lenin

Chắc chắn là từ khi sáng lập ra tờ Iskra (Tia lửa) năm 1900, mối quan tâm chủ yếu của Lenin là xây dựng một đảng của những nhà cách mạng chuyên nghiệp có khả năng kết hợp cuộc đấu tranh vì lợi ích kinh tế của công nhân với cuộc đấu tranh chính trị lật đổ chế độ Sa hoàng. Trong tác phẩm Làm gì, ông phát biểu một cách rất rõ ràng: “Hãy trao cho chúng ta một tổ chức các nhà cách mạng, chúng ta sẽ giành lấy nước Nga!” Đường lối này phát sinh trực tiếp từ trải nghiệm đầy cay đắng về sự bất lực của chính ông khi cố gắng đào tạo và giáo dục công nhân mà không thể giải quyết được sự chia cắt và chia cắt của cuộc đấu tranh kinh tế và chính trị. Lenin muốn thoát khỏi “tính nguyên thủy” này, như ông gọi một cách miệt thị, và đã phát triển khái niệm “đảng kiểu mới”:

“Không có một tổ chức như thế giai cấp vô sản sẽ không bao giờ vươn lên trong cuộc đấu tranh với ý thức giai cấp; không có một tổ chức như thế, phong trào giai cấp công nhân sẽ chết trong sự bất lực. Không được hỗ trợ gì ngoài các hiệp hội lợi ích tương hỗ, giới nghiên cứu, các quỹ, giai cấp công nhân sẽ không bao giờ có thể đáp ứng sứ mệnh lịch sử vĩ đại của mình – giải phóng chính mình và toàn bộ người dân Nga khỏi sự nô lệ kinh tế và chính trị. Không một giai cấp riêng lẻ nào trong lịch sử từng giành được quyền lực mà không sản sinh ra những nhà lãnh đạo chính trị của nó, những đại biểu lỗi lạc có thể tổ chức một phong trào và lãnh đạo nó”.

Những hình thức tổ chức nào có thể tạo điều kiện cho các cuộc đấu tranh thành công, kết nối các vấn đề xã hội và sinh thái với sự chuyển hóa xã hội triệt để, kết hợp các yêu cầu kinh tế với tái cấu trúc kinh tế dài hạn, thực thi các chính sách hòa bình chủ động trong khi vẫn bảo vệ an ninh của chính chúng ta và có đóng góp thuyết phục vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu của Liên Hiệp Quốc? Chắc chắn một điều: Không có những hình thức tổ chức như thế, chúng ta sẽ không thể lật đổ được chủ nghĩa tư bản thảm họa. Thay vào đó, chúng ta sẽ sa vào vũng lầy của tình trạng man rợ hiển nhiên.

Sáu: Cuộc đấu tranh vì quyền lực của Lenin

Đặc biệt trong tình hình hiện nay, Cánh tả cần phải đau đớn nhận thức được sự không có quyền lực nghĩa là gì. Nó dẫn tới sự phân lập và suy thoái cùng một cảm nhận sâu sắc về sự bất lực trước những mối đe dọa ngày càng gia tăng và sự sa lầy khả dĩ vào tình trạng man rợ.

Quyền lực là một hình thức cám dỗ, nhưng không có quyền lực, chúng ta không còn gì ngoại trừ những ý định trống rỗng. Năm 1920, Clara Zetkin đã truyền tải một bình luận của Luxemburg về Lenin năm 1907 như sau:

“Hãy đưa ra một cái nhìn tốt về ông ấy. Đó là Lenin. Hãy nhìn vào cái đầu bướng bỉnh, cương quyết. Một cái đầu nông dân Nga thực sự với một vài nét Á châu. Người đàn ông đó cố gắng lật đổ những ngọn núi. Có lẽ ông ấy sẽ bị chúng nghiền nát. Nhưng ông ấy sẽ không bao giờ đầu hàng”.

Lenin đã dẫn dắt cánh tả xã hội chủ nghĩa giành đến một quyền lực mà họ chưa từng biết đến trước đó. Trong việc nắm quyền và bảo vệ quyền lực, ông thường cương quyết và khuất phục mọi thứ cho mục đích này. Những cố gắng đề phòng sự lạm dụng quyền lực của Stalin và thiết lập các lực lượng có thể phản kháng việc đó đã diễn ra quá trễ. Bị suy yếu do căn bệnh hiểm nghèo, những nỗ lực của Lenin hoàn toàn không thành công. Những lời phát biểu cuối cùng của ông, di chúc của ông là bằng chứng cho sự thất bại của ông trước những lực lượng thống trị không kiểm soát được, những lực lượng mà chính ông đã dẫn dắt bằng cuộc đấu tranh của mình để giành lấy quyền lực qua đảng Bolshevik.

Bảy: Thất bại của Lenin là thất bại tập thể của chúng ta

Cuộc khủng hoảng nền văn minh tự do tư bản đã trở nên hữu cơ và phổ biến. Vì lý do này, đây là lúc nhìn lại và như lời Walter Benjamin, “chuẩn bị một đại tiệc cho quá khứ”, để chúng ta có thể chuyển hướng đến tương lai.

Chúng ta không thể tách biệt tác động lớn lao của Lenin với thất bại của ông trong việc thiết lập một hệ thống chính trị tôn trọng sự tự do cá nhân và tạo điều kiện cho học hỏi cái mới, thay vì hy sinh những điều này vì các lợi ích đấu tranh quyền lực thuần túy. Lenin đã cố gắng giải quyết thất bại này trong những năm cuối đời mình. Các tác phẩm của ông từ 1922 và đầu 1923, trước khi ông mất khả năng nói, là những tiến trình tìm kiếm mới mẻ và có kết thúc mở.

Không có lý do gì để một đảng được truyền thống của Lenin định hướng lại không có khả năng làm mới. Trường hợp của Trung Quốc với cuộc cải cách từ năm 1978 là một minh chứng cho điều này.

Những người duy nhất có khả năng học hỏi từ lịch sử là những người được mời tới bàn hội nghị về chủ đề giải phóng nhân loại. Được gọi là những người đồng chí, họ nói về những nỗ lực lớn của và cả những thất bại của mình. Lenin cũng là một đại biểu trong hội nghị này. Nếu chúng ta không thể phán xét công bằng về ông, chúng ta sẽ không có tương lai.

Tìm một lối thoát

Trong một kỷ nguyên mà các giai cấp thống trị ở châu Âu và Mỹ đang ngày càng thiếu năng lực thực hiện những chính sách của mình, khi những biến cố thảm khốc diễn ra ngày càng thường xuyên hơn, khi niềm tin của dân chúng vào cơ quan của giai cấp thống trị và các thể chế của giai cấp tư sản – nền kinh tế tư bản chủ nghĩa và dân chủ – đã cạn kiệt, khi tinh thần thời đại không còn phản ánh tinh thần của giai cấp thống trị, thì chúng ta rơi vào giờ phút bị “cướp đoạt tàn bạo rõ ràng, chắc chắn”, giờ phút mà Lenin và nhiều nhà chính trị cảnh tả khác từng chứng kiến.

Ngay trước thời điểm 1933, đối đầu với cuộc khủng hoảng nền tảng của nền văn minh tự do như thế, chúng ta đã đối mặt với lựa chọn giữa chủ nghĩa phát xít hay chủ nghĩa xã hội. Karl Polayi viết năm 1934: “Chủ nghĩa phát xít là hình thức giải pháp mang tính cách mạng [đối với cuộc khủng hoảng văn minh tự do] giúp duy trì sự tồn tại chủ nghĩa tư bản… Rõ ràng là có một giải pháp khác. Đó là giữ lại nền dân chủ và loại bỏ chủ nghĩa tư bản. Đó là giải pháp Xã hội chủ nghĩa.”

Nhưng vì vậy mà chủ nghĩa xã hội cần được sáng lập lại về mặt tri thức, chính trị và tổ chức. Điều này là bất khả thi nếu như lịch sử chủ nghĩa xã hội và di sản của Lenin không được kết hợp vào trong chủ nghĩa xã hội mới.

Trong sự sụp đổ hệ thống xã hội chủ nghĩa nhà nước Bulgari, tiểu thuyết gia, đảng viên đảng cộng sản Bulgari Angel Wagenstein đã có quan sát đối với đảng của ông như sau:

“Tôi tin rằng chủ nghĩa xã hội là một dự án con người, dự án cơ bản nhất trong văn minh toàn cầu kể từ sự ra đời của Cơ Đốc giáo… Chúng ta sẽ thấy mọi thứ tiến triển như thế nào. Chúa Jesus không bao giờ biết – sau cùng, ông không phải là một tín đồ Cơ Đốc giáo – Cơ Đốc giáo sẽ tiến triển như thế nào trong thiên niên kỷ thứ ba hay trong những chiều sâu đen tối của thời trung cổ. Tòa thẩm giáo (Inquisition), tổ chức chống lại các thành phần dị giáo của Giáo hội Công giáo là trại cải tạo lao động (gulag) của Cơ Đốc giáo. Cơ Đốc giáo cũng có trại cải tạo lao động của nó, thật ra là nhiều trại. Nói về chủ nghĩa xã hội, tôi không phải là nhà tiên tri. Tôi chỉ biết rằng không có con đường khác cho nhân loại. Không có con đường khác ở bên ngoài”.

Nhưng nếu và làm cách nào con đường này được tạo ra, điều đó còn phụ thuộc vào việc những người cánh tả đối diện với Lenin và di sản của ông như thế nào.

REDSVN.NET

Tags: ,