Sự phân cực chính trị – ngoại giao Mỹ và tác động đến quan hệ Mỹ – Trung

Đối với nước Mỹ, một trong những tiêu chí của sự thay đổi lớn trăm năm qua chính là sự phân cực chính trị. Nhìn từ góc độ quản trị nhà nước, sự phân cực hóa có nghĩa là nhận thức chung giữa hai Đảng ngày càng ít, tranh chấp giữa hai Đảng ngày càng kịch liệt. Từ đó hạ thấp năng lực và chất lượng quản lý đất nước.

Sự phân cực chính trị và ngoại giao Mỹ trong bối cảnh quốc tế mới

Tác giả: Tạ Thao, trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh.

Biên dịch: Nguyễn Phượng.

Cụ thể đối với ngoại giao Mỹ, sự phân cực đã cản trở sự hình thành và thực hiện chính sách đối ngoại của Mỹ, đồng thời làm suy yếu tính nhất quán trong chính sách đối ngoại của Washington. Điều đáng chú ý là, do sự phân cực chính trị, hai đảng tồn tại sự khác biệt rõ rệt về nhận thức mối đe dọa và chính sách cụ thể đối với Trung Quốc. Sự thù địch của Đảng Cộng hòa thậm chí còn sâu sắc hơn, thái độ cứng rắn hơn. Điều này có nghĩa là trong tương lai ngắn hạn, người ta nên chú ý nhiều hơn động thái của Đảng Cộng hòa đối với Trung Quốc.

Tháng 1/2018, Susan Rice, người từng là cố vấn an ninh quốc gia trong chính quyền Obama và Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, đã đăng một bài bình luận trên tờ New York Times với tiêu đề “Chúng ta đã tìm thấy kẻ thù, và đó chính là chính chúng ta”. Bà chỉ ra trong bài báo: “Trên thực tế, sự phân cực chính trị trong nước có thể là mối đe dọa lâu dài quan trọng nhất đối với an ninh quốc gia Mỹ”. Một cuộc thăm dò do Hội đồng Các vấn đề Toàn cầu Chicago thực hiện vào tháng 7 cùng năm cho thấy 50% số người được hỏi coi phân cực chính trị là mối đe dọa nghiêm trọng khi được hỏi về những mối đe dọa có thể xảy ra đối với các lợi ích quan trọng của Mỹ trong mười năm tới, chỉ đứng sau chủ nghĩa khủng bố quốc tế (66%), chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên (59%) và chương trình vũ khí hạt nhân của Iran (52%). Cơ quan này sau đó đã tiến hành một cuộc khảo sát tương tự với những người có ảnh hưởng lớn tới dư luận (Opinion Leader) từ tháng 8 đến tháng 10. Trong đó tỷ lệ người được hỏi cho rằng sự phân cực chính trị là mối đe dọa nghiêm trọng lần lượt là 71%, 74% và 74% đối với đảng Cộng hòa, đảng Dân chủ và những người độc lập. Trong tháng 3/2019, Stephen Walter, một học giả nổi tiếng về quan hệ quốc tế của Mỹ, đã chỉ ra trong một bài bình luận có tựa đề “Sự phân cực chính trị của Mỹ cũng là một vấn đề đối với chính sách ngoại giao Mỹ” cho rằng sự phân cực chính trị làm suy yếu sức mạnh của họ.

Có thể thấy, mặc dù phân cực chính trị đồng nghĩa với việc thiếu sự đồng thuận, nhưng giới tinh hoa và người dân Mỹ vẫn có sự đồng thuận rộng rãi rằng sự phân cực chính trị là mối đe dọa đối với nền ngoại giao Mỹ. Vậy phân cực chính trị là gì? Tại sao nó được coi là mối đe dọa đối với nền ngoại giao Mỹ? Nó ảnh hưởng ra sao đến quan hệ Trung-Mỹ? Bài phân tích này cố gắng giải đáp ba câu hỏi này trong phạm vi hạn chế.

Phân cực chính trị là gì?

Đặc điểm quan trọng nhất trong chính trị nội bộ Mỹ hiện nay là sự phân cực chính trị. Nói một cách đơn giản, phân cực chính trị là việc xã hội Mỹ bị chia thành hai phe tự do và bảo thủ đối lập nhau về mặt ý thức hệ. Hai nhóm này đã lần lượt hình thành liên minh chính trị ổn định với Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Do đó làm trầm trọng thêm sự mâu thuẫn giữa hai đảng trên nhiều mặt và vấn đề. Vì vậy, phân cực chính trị còn thường được gọi là phân cực đảng phái. Nói cách khác, phân cực chính trị có nghĩa là sự không đồng nhất về ý thức hệ giữa hai đảng ngày càng gia tăng (các đảng tranh cãi kịch liệt). Đồng thời sự đồng nhất về ý thức hệ trong hai đảng ngày càng tăng (đoàn kết trong nội bộ đảng).

Khi nói đến sự phân cực chính trị, người ta thường nghĩ ngay đến các vấn đề nội bộ của nước Mỹ, như quyền của người đồng tính, quyền bình đẳng giới, hoạt động bình đẳng, kiểm soát sử dụng súng, phá thai, nhập cư bất hợp pháp, sự đúng đắn về chính trị, và “mạng sống của người da đen cũng quan trọng”. Nhưng sự phân cực chính trị không chỉ giới hạn ở các vấn đề đối nội mà còn bao gồm cả các vấn đề đối ngoại. Dĩ nhiên, ở Mỹ có câu tục ngữ : “Chính trị dừng lại ở mép nước” (Politics Stops at the Water’s Edge), nghĩa là hai đảng có thể căng thẳng trong việc đối nội, nhưng phải đoàn kết trong các vấn đề đối ngoại. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy, bởi ngoại giao thường là sự tiếp nối của các công việc đối nội. Sự phân cực chính trị về các vấn đề trong nước chắc chắn sẽ được truyền sang lĩnh vực ngoại giao qua nhiều kênh khác nhau. Sự phân cực chính trị được phản ánh ở cả cấp độ người dân bình thường và giới tinh hoa chính trị. Sự đồng thuận chung trong giới học thuật Mỹ là mức độ phân cực chính trị của người dân bình thường thấp hơn so với giới tinh hoa chính trị, bất kể đối nội hay đối ngoại.

Sự phân cực trong chính sách đối ngoại của người dân bình thường được thể hiện rõ ràng trong kết quả cuộc thăm dò năm 2022 của Hội đồng Các vấn đề Toàn cầu Chicago. Ngoài sự đồng thuận chung của các đảng trong việc duy trì cam kết đối với NATO, hỗ trợ Ukraine và các mục tiêu tương tự, có sự chênh lệch đáng kể giữa các đảng trong các mục tiêu khác. Khi được hỏi về những ưu tiên ngoại giao quan trọng nhất của Mỹ, tỷ lệ đảng viên Cộng hòa và đảng Dân chủ chọn “Đảm bảo an ninh cho chính nước Mỹ” lần lượt là 48% và 16%. Đối với “lãnh đạo cộng đồng quốc tế giải quyết các vấn đề toàn cầu” và “bảo vệ các giá trị dân chủ”, tỷ lệ ủng hộ của đảng Cộng hòa lần lượt là 9% và 10%, so với 34% và 23% của đảng Dân chủ. Ngoài ra, 55% số người được hỏi của đảng Cộng hòa ủng hộ vai trò tích cực của Mỹ trong các vấn đề quốc tế, mức thấp nhất đối với đảng này kể từ khi Hội đồng các vấn đề Toàn cầu Chicago tiến hành khảo sát từ năm 1974, so với 68% của đảng Dân chủ. Sự chia rẽ đảng phái đặc biệt đáng chú ý khi được hỏi liệu Mỹ có nên đóng vai trò lãnh đạo trong các vấn đề quốc tế cụ thể hay không? Chỉ 19% đảng viên Cộng hòa ủng hộ vai trò lãnh đạo của Mỹ trong việc hạn chế biến đổi khí hậu, so với 73% đảng viên Dân chủ. Về vấn đề “thúc đẩy nhân quyền và dân chủ trên toàn thế giới” và “chống nạn đói toàn cầu”, tỷ lệ ủng hộ của đảng Cộng hòa lần lượt là 31% và 21%, so với 61% và 50% của đảng Dân chủ. Hai đảng cũng có sự khác biệt rõ rệt về các biện pháp cụ thể để thực hiện chính sách đối ngoại của Mỹ: tỷ lệ người Cộng hòa tán thành “duy trì ưu thế quân sự của Mỹ”, “duy trì ưu thế kinh tế của Mỹ”, “tham gia các tổ chức quốc tế”, “cung cấp viện trợ kinh tế cho nước khác” lần lượt là 66%, 56%, 16% và 11%, trong khi tỷ lệ phe Dân chủ lần lượt là 42%, 39%, 48% và 32%.

Trái ngược với số lượng lớn các cuộc thăm dò dư luận về sự phân cực chính trị của người dân bình thường, những cuộc thăm dò dư luận về sự phân cực của giới tinh hoa chính trị lại chiếm số ít. Điều này là do việc lấy mẫu của giới tinh hoa chính trị đặc biệt phức tạp. Ví dụ, có những cuộc tranh cãi lớn về việc ai là giới tinh hoa chính trị, cách thức thu thập mẫu, và các vấn đề tương tự. Theo kết quả cuộc khảo sát năm 2018 của Hội đồng Quan hệ Toàn cầu Chicago, gần như cứ 4 năm kể từ năm 1974 cho thấy 23% đảng viên Cộng hòa cho rằng nhập cư bất hợp pháp là một trong những mối đe dọa quan trọng mà Mỹ có thể phải đối mặt trong mười năm tới, trong khi tỷ lệ từ phía đảng Dân chủ chỉ là 2%. Giới tinh hoa của hai đảng đặc biệt bị chia rẽ về việc có nên tham gia một loạt thỏa thuận quốc tế hay không. Tỷ lệ ủng hộ tham gia Hiệp định Khí hậu Paris, Hiệp định hạt nhân toàn diện với Iran và Tòa án Hình sự Quốc tế của các nhà lãnh đạo chính trị đảng Cộng hòa lần lượt là 36%, 46%, và 48%, trong khi từ phía đảng Dân chủ tương ứng là 99%, 100%, và 89%.

Nói tóm lại, rất nhiều nghiên cứu hiện có cho thấy, bất kể là người dân hay giới tinh hoa, bất kể là mục tiêu hay phương thức ngoại giao của Mỹ, giữa hai đảng đều tồn tại bất đồng rõ rệt.

Tại sao phân cực chính trị là mối đe dọa ngoại giao

Sự phân cực chính trị có thể ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao của Mỹ theo ít nhất ba cách. Thứ nhất, sự phân cực chính trị khiến việc hoạch định các chính sách đối ngoại quan trọng ngày càng khó khăn. Phân cực là sự đối lập ở mức độ cao giữa quan điểm hoặc mong muốn của cả hai bên. Tức là cả hai bên ngày càng khó đạt được sự thỏa hiệp và đồng thuận. Tuy nhiên, dưới hệ thống hiến pháp “tam quyền phân lập” ở Mỹ, các chính sách đối ngoại lớn thường đòi hỏi sự thỏa hiệp và đồng thuận giữa hai bên. Do đó, nạn nhân trực tiếp nhất của sự phân cực chính là chính chính sách đối ngoại. Lấy các công ước quốc tế làm ví dụ. Theo Hiến pháp Mỹ, việc Mỹ tham gia các công ước quốc tế cần phải có sự chấp thuận của 2/3 Thượng viện. Tuy nhiên, một chính đảng hiếm khi có nhiều ghế như vậy trong Thượng viện, thậm chí có nhiều ghế như vậy cũng không thể đảm bảo các nghị sĩ của cùng một đảng sẽ bỏ phiếu nhất trí. Do đó, việc phê chuẩn công ước quốc tế đòi hỏi sự thỏa hiệp của hai đảng và sự hợp tác giữa các đảng. Nghiên cứu cho thấy trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ liệt kê 45 công ước quốc tế đã được đệ trình lên Thượng viện từ năm 1945 nhưng chưa được phê duyệt ký kết, trong đó có 22 công ước do chính quyền Obama đệ trình. So với các tổng thống tiền nhiệm – George W. Bush và William J. Clinton trong nhiệm kỳ lần lượt đệ trình 95 và 189 đề án về ký kết công ước quốc tế, số đề án ký kết công ước quốc tế mà Obama đệ trình (38) không nhiều, nhưng tỷ lệ thông qua lại chỉ có 42%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ thông qua gần 90% dưới thời Bush và Clinton. Điều này cho thấy khi sự phân cực chính trị ngày càng gia tăng, các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa không còn sẵn sàng bỏ phiếu cho Tổng thống Obama, một đảng viên Đảng Dân chủ.

Thứ hai, sự phân cực chính trị sẽ làm suy yếu tính hợp pháp trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Do thiếu sự đồng thuận giữa hai đảng, các quyết định chính sách đối ngoại quan trọng thường chỉ có thể nhận được sự ủng hộ của 1 bên, dẫn đến tính hợp pháp của nó bị nghi ngờ. Lấy việc Mỹ sử dụng vũ lực ở nước ngoài làm ví dụ, mặc dù Tổng thống Mỹ, với tư cách là tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, có thể gửi quân ra nước ngoài mà không cần sự cho phép của Quốc hội. Nhưng Quốc hội Mỹ, với tư cách là cơ quan lập pháp cao nhất, kiểm soát các vấn đề quốc phòng quan trọng như chi tiêu quân sự, quy mô quân đội và mua sắm vũ khí… Vì vậy, các hoạt động quân sự ở nước ngoài của Tổng thống tốt nhất nên nhận được sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, trong bối cảnh chính trị phân cực, điều ngược lại thường đúng. Kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, Hạ viện Mỹ đã thông qua 15 nghị quyết liên quan đến việc sử dụng quân đội Mỹ ở nước ngoài, bao gồm Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991, Chiến tranh Afghanistan năm 2001 và Chiến tranh Syria năm 2011. Kể từ năm 1990, ngoại trừ cuộc xâm chiếm Afghanistan nhận được sự ủng hộ của đa số nghị sĩ cả hai đảng, Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất và cuộc chiến ở Syria chỉ nhận được sự ủng hộ từ đa số đảng của Tổng thống. Từ quan điểm của phe đối lập, những cuộc chiến này thiếu tính chính đáng và là cuộc chiến của một bên khác, không phải của Mỹ. Từ góc độ cộng đồng quốc tế (và thậm chí cả các đồng minh của Mỹ), những cuộc chiến này cũng thiếu tính hợp pháp do thiếu sự ủng hộ của lưỡng đảng, do đó hứng chịu nhiều chỉ trích và phản đối khác nhau.

Cuối cùng, sự phân cực chính trị có thể làm suy yếu sự gắn kết trong chính sách đối ngoại của Washington. Trong hệ thống hai đảng của nước này, hiếm khi có một đảng duy trì chính sách đối ngoại trong thời gian dài (thời kỳ Franklin D. Roosevelt là một ngoại lệ), và hai đảng thường thay nhau nắm quyền. Sự phân cực đảng phái ngày càng gia tăng có nghĩa là một khi hai đảng thay đổi, chính sách đối ngoại của chính phủ trước đó có thể sẽ bị chính phủ tiếp theo phớt lờ, sửa đổi hoặc thậm chí từ bỏ. Điều đó mang lại sự bất ổn nghiêm trọng cho chính sách ngoại giao của Mỹ. Điều này đặc biệt rõ ràng trong các công ước quốc tế. Để giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran, Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Đức và Liên minh châu Âu đã đạt được “Thỏa thuận toàn diện về vấn đề hạt nhân Iran” với Iran vào năm 2015 sau nhiều vòng đàm phán khó khăn, và nó đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhất trí thông qua. Tuy nhiên, sau khi nhậm chức, chính quyền Trump cáo buộc chính phủ Iran vi phạm thỏa thuận và lấy đó làm cái cớ để đơn phương rút khỏi thỏa thuận vào tháng 5/2018, gây ra sự bất bình mạnh mẽ trong các đồng minh của Mỹ. Chính quyền Trump cũng tuyên bố rút khỏi các công ước quốc tế lớn như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Khí hậu Paris và Hiệp ước Bầu trời mở, cũng như các tổ chức quốc tế như Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc. Sau khi chính quyền Biden nhậm chức, Mỹ lại tái gia nhập Hiệp định Khí hậu Paris và UNESCO. Sự qua lại trong các chính sách đối ngoại lớn của hai chính phủ thuộc các đảng khác nhau không chỉ gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín quốc tế của Mỹ mà còn mang đến sự bất ổn lớn cho an ninh và phát triển toàn cầu.

Phân cực chính trị ảnh hưởng như thế nào đến quan hệ Trung – Mỹ?

Đầu năm 2018, Walter Meade, nhà sử học và bình luận thời sự nổi tiếng người Mỹ, đã viết một bài về quan hệ Trung-Mỹ trên tờ Wall Street Journal với tựa đề “ Cánh tả và cánh hữu đạt được sự đồng thuận: Hãy cứng rắn với Trung Quốc”. Sau đó, một số học giả và nhà phân tích khác cũng chỉ ra rằng kể từ chuyến thăm Trung Quốc của Nixon năm 1972, nhận thức chung cũ của hai đảng với Trung Quốc đã được thay thế bởi nhận thức mới về sự cạnh tranh với Trung Quốc. Mà gốc rễ của sự đồng thuận mới này bắt nguồn từ việc Trung Quốc đang trỗi dậy, được coi là mối đe dọa quan trọng đối với vị trí lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Nói cách khác, cái gọi là “thuyết mối đe dọa Trung Quốc” đã khiến hai đảng phân cực tạm thời gác lại những tranh chấp về các vấn đề ngoại giao khác, cùng nhau đối phó với thế giới bên ngoài, từ đó hình thành nên “hiệu ứng tụ cờ” (Rally around the Flag Effect). Phải chăng điều này có nghĩa là chính sách đối với Trung Quốc đã trở thành một ngoại lệ đối với chính sách ngoại giao của Mỹ trong thời đại phân cực? Sự thực không hẳn là như vậy.

Sự đồng thuận giữa hai đảng ở Mỹ về vấn đề Trung Quốc được thể hiện trong nhận thức tiêu cực về Trung Quốc. Dữ liệu thăm dò của Gallup trong nhiều năm cho thấy kể từ năm 2018, thiện cảm của người dân cả hai đảng đối với Trung Quốc đã giảm mạnh, đạt mức thấp nhất lịch sử vào năm 2023 với 6% của đảng Cộng hòa và 17% đối với đảng Dân chủ. Sự đồng thuận giữa hai đảng ở Mỹ đặc biệt rõ ràng về vấn đề eo biển Đài Loan. Khi được hỏi Mỹ nên giải quyết vấn đề eo biển Đài Loan như thế nào, đa số người dân ủng hộ các lệnh trừng phạt kinh tế và quân sự đối với Trung Quốc đại lục (77% Đảng Cộng hòa và 79% Đảng Dân chủ), cung cấp hỗ trợ quân sự cho Đài Loan, Trung Quốc (62% và 69%), cử Hải quân Mỹ phong tỏa eo biển Đài Loan (62% và 64%), nhưng chỉ một số ít người ủng hộ việc gửi lực lượng vũ trang sang Đài Loan (39% và 41%).

Sự khác biệt giữa hai Đảng về Trung Quốc chủ yếu được phản ánh trong nhận thức về mối đe dọa. Cuộc khảo sát của Gallup cho thấy có tới 80% đảng viên Đảng Cộng hòa tin rằng sức mạnh quân sự của Trung Quốc gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với Mỹ, trong khi tỷ lệ này chỉ có 55% đối với Đảng Dân chủ. Trong khi đó, tỷ lệ đảng viên Cộng hòa và đảng Dân chủ coi sức mạnh kinh tế của Trung Quốc là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Mỹ lần lượt là 81% và 49%. Cuộc khảo sát của Hội đồng Quan hệ Quốc tế Chicago năm 2020 cho thấy 67% đảng viên Đảng Cộng hòa tin rằng sự phát triển của Trung Quốc thành một cường quốc thế giới đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với Mỹ, trong khi tỷ lệ này của đảng Dân chủ chỉ là 47%. Sự khác biệt trong việc nhận thức về “thuyết mối đe dọa Trung Quốc” giữa hai đảng ở Mỹ đã được mở rộng thêm vào năm 2022, với tỷ lệ đảng Đảng Cộng hòa tăng lên mức kỷ lục 75%, trong khi tỷ lệ đảng Đảng Dân chủ về cơ bản gần như không thay đổi ở mức 46%. Một nghiên cứu có căn cứ khác chỉ ra rằng khi Trump ủng hộ “thuyết mối đe dọa Trung Quốc”, nhận thức của đảng Cộng hòa về nó đã tăng lên đáng kể, nhưng nhận thức của đảng Dân chủ không thay đổi gì nhiều. Từ đó dẫn đến khoảng cách nhận thức giữa hai đảng ngày càng gia tăng. Có thể thấy, so với đảng Dân chủ, đảng Cộng hòa có nhận thức mạnh mẽ hơn về “thuyết mối đe dọa Trung Quốc”.

Từ cách hành xử của Tổng thống và các thành viên Quốc hội Mỹ, cũng có thể nhìn thấy sự khác biệt trong nhận thức về “thuyết mối đe dọa Trung Quốc” giữa hai đảng. Mặc dù trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Obama, quan hệ Mỹ-Trung đã bắt đầu suy giảm, nhưng mối quan hệ song phương trở nên xuống dốc đột ngột chắc chắn đã xảy ra trong nhiệm kỳ của ông Trump. Ví dụ, việc khởi đầu cuộc chiến thương mại và cuộc chiến công nghệ với Trung Quốc, “đổ lỗi” cho Trung Quốc sau khi dịch bệnh Covid-19 mới bùng phát, hạn chế một số sinh viên Trung Quốc nhập cảnh. Mặc dù chính phủ Biden cơ bản tiếp tục chính sách đối với Trung Quốc của người tiền nhiệm, nhưng hai bên lại có sự khác biệt đáng kể về phương pháp và phong cách. Chính phủ Biden thực hiện chiến lược gọi là “nhà nhỏ, tường cao”, tích cực khôi phục và tăng cường mối quan hệ với các đồng minh. Trong khi chính phủ Trump thì thường thực hiện hành động đơn phương, cách cư xử đơn giản và thô thiển. Ngoài ra, ở cấp độ Quốc hội Mỹ, mặc dù thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc dường như đã trở thành một đồng thuận của cả hai đảng tại Mỹ. Nhưng nếu để so sánh, sự thù địch của các nghị viên Quốc hội Đảng Cộng hòa đối với Trung Quốc lại mạnh mẽ hơn và thái độ của họ cũng cứng rắn hơn. Trên thực tế, từ năm 2016 đến nay, các thành viên Quốc hội Mỹ luôn đi đầu trong việc phản đối Trung Quốc hầu hết đều là các thành viên của Đảng Cộng hòa, bao gồm các nghị sĩ như Mike Gallagher từ bang Wisconsin, Josh Howley từ bang Missouri, Jim Jordan từ bang Ohio và Tom Cotton từ bang Arkansas.

Kết luận

Thế giới ngày nay đang trải qua những thay đổi lớn chưa từng có trong trăm năm qua. Đối với Mỹ mà nói, một trong những dấu hiệu của sự thay đổi lớn này chắc chắn là sự phân cực chính trị. Ở góc độ cử tri, phân cực không phải là điều xấu, bởi phân cực có nghĩa là hai đảng có sự khác biệt rõ ràng về hàng loạt chính sách, có lợi cho cử tri trong việc lựa chọn. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ quản trị nhà nước, sự phân cực hóa có nghĩa là nhận thức chung giữa hai Đảng ngày càng ít, tranh chấp giữa hai Đảng ngày càng kịch liệt. Từ đó hạ thấp năng lực và chất lượng quản lý đất nước. Cụ thể đối với ngoại giao Mỹ, sự phân cực đã cản trở sự hình thành và thực hiện chính sách đối ngoại của Mỹ và làm suy yếu tính tính hợp pháp quốc tế và tính nhất quán trong chính sách đối ngoại của Washington. Do đó phần lớn giới tinh hoa và dân chúng coi đây là mối đe dọa nghiêm trọng đối với ngoại giao nước này.

Điều đặc biệt đáng chú ý là ngay cả “thuyết mối đe dọa Trung Quốc” được thổi phồng quá mức cũng không thể khiến hai đảng ở Mỹ hoàn toàn gạt bỏ sự tranh chấp đảng phái mà nhất trí đối phó với Trung Quốc. Trái lại, giữa hai bên tồn tại sự khác biệt rõ rệt về nhận thức mối đe dọa và chính sách cụ thể đối với Trung Quốc. Đảng Cộng hòa có thái độ thù địch và cứng rắn hơn. Điều này có nghĩa là trong tương lai ngắn hạn, người ta nên chú ý nhiều hơn động thái của Đảng Cộng hòa đối với Trung Quốc.. Trên thực tế, có nhiều dấu hiệu khác nhau cho thấy Đảng Cộng hòa ngày nay không còn là Đảng Cộng hòa khi Nixon đến thăm Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc cần có những điều chỉnh tương ứng kịp thời để đối phó tốt hơn với chính sách Trung Quốc của Mỹ trong thời kỳ phân cực chính trị./.

Theo NGHIENCUUCHIENLUOC.ORG

Tags: , , ,