Cách tiếp cận Marxist về biến đổi khí hậu và khủng hoảng môi trường

Mối quan hệ giữa chủ nghĩa tư bản và môi trường là mâu thuẫn thứ hai của chủ nghĩa tư bản, một mâu thuẫn có ý nghĩa ngang bằng giữa tư bản và lao động. Giống như mâu thuẫn giai tầng trong lòng chủ nghĩa tư bản, cuộc khủng hoảng môi trường sẽ được giải quyết bằng chủ nghĩa xã hội.

Cách tiếp cận Marxist về biến đổi khí hậu và khủng hoảng môi trường

Nguồn: Is there a Marxist view of climate change?,  Morning Star (https://morningstaronline.co.uk), 2019.

Biên dịch: Đại Việt / Redsvn.net.  

Phong trào đấu tranh cho môi trường và những cuộc tuần hành chống biến đổi khí hậu của giới học sinh sinh viên đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho một thế hệ mới về sự đe dọa của biến đổi khí hậu – phần đỉnh của tảng băng đang tan chảy trong cuộc khủng hoảng chủ nghĩa tư bản.

Bề ngoài, những người biểu tình đang yêu cầu một điều rất đơn giản: thừa nhận chính thức rằng tình trạng khẩn cấp của khí hậu là thực tế đang tồn tại và cần những hành động thực sự để giải quyết vấn đề này.

Hiểu rõ về bản chất của các cuộc đấu tranh là một điều thậm chí còn quan trọng hơn – đó là một sự thừa nhận rằng biến đổi khí hậu không phải là một điều gì đó ngẫu nhiên và có thể được khắc phục bằng một sửa chữa đơn giản, mà thực chất là vần đề của một hệ thống bị hỏng.

Nói tóm lại, có một yếu tố chống tư bản đối với phong trào chống lại biến đổi khí hậu đang phát triển hùng mạnh.

Và, giống như Thống đốc Ngân hàng Anh nhận thấy khi khủng hoảng kinh tế ngày càng sâu rộng, các tác phẩm của Marx Marx và Engels một lần nữa lại hợp thời, ngày càng nhiều người cho rằng chủ nghĩa Marx là một cách tiếp cận cuộc khủng hoảng môi trường khủng hoảng nói chung – và tình trạng khẩn cấp của biến đổi khí hậu nói riêng.

Khoảng 160 năm trước, tại London, khi Marx đang thực hiện công trình hoành tráng của mình – Tư bản luận – thì nhà vật lý John Tyndall đamh thử nghiệm khả năng hấp thụ nhiệt của C02 (và các loại khí khác), là phác thảo đầu tiên về cái mà sau này được gọi là hiệu ứng nhà kính của sự hấp thụ bức xạ hồng ngoại của khí quyển Trái đất.

Khi đó, nồng độ CO2 trong khí quyển (được đo bằng không khí bị giữ lại trong lõi băng) là khoảng 286 ppm (286 phần triệu).

Khi các phép đo trực tiếp đầu tiên về khí nhà kính toàn cầu được thực hiện vào năm 1960, nó là 315 ppm. Ngày nay, nó là 412 ppm – mức cao nhất kể từ khi con người xuất hiện trên hành tinh.

Các tác động như băng tan, nước biển dâng, sa mạc hóa và các sự kiện khí hậu khắc nghiệt và hậu quả của chúng đối với sản xuất lương thực, đa dạng sinh học và hệ sinh thái hành tinh không còn là vấn đề cần phải phỏng đoán.

Những gì một cách tiếp cận Marxist có thể làm là tiết lộ các nguyên nhân cơ bản của khủng hoảng.

Xét cho cùng, các giá trị vật chất của con người (thực phẩm, nơi ở, quần áo, và ngày nay là sự đa dạng phi thường của đủ loại hàng hóa) đến từ hai nguồn: Thiên nhiên và sức lao động của con người.

Chủ nghĩa tư bản, trong nỗ lực tìm kiếm lợi nhuận của nó làm suy giảm cả hai yêu tố này. Chính Marx đã tuyên bố rằng sự phát triển kỹ nghệ của nền sản xuất tư bản chỉ được thực hiện dựa trên việc làm suy kiệt nguồn gốc của mọi sự thịnh vượng, đó là đất đai và người lao động.

Là một hệ thống kinh tế, chủ nghĩa tư bản phụ thuộc vào việc khai thác người lao động và nó cũng phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên – dưới dạng có sự sống và không có sự sống – của hành tinh chúng ta. “Chủ nghĩa tư bản không bóc lột” là một khái niệm mâu thuẫn và không thể tồn tại.

Ngày nay, suy thoái đất đai vẫn còn là một vấn đề nhưng đã bị lu mờ bởi một mối đe dọa toàn cầu lớn hơn nhiều: Biến đổi khí hậu.

Và giờ đây, khi sức khỏe con người và môi trường được coi là ngoại tác (Externality, tác động không được bù đắp của hành vi một người đối với phúc lợi của một người ngoài cuộc – Người dịch), chúng không phải là một yếu tố được tính đến trong những bài toán lợi nhuận, trừ khi chúng có thể được giao dịch và đem lại tiền – nghĩa là được sản xuất thành hàng hóa, từ đó sinh ra nhiều lợi nhuận hơn.

Đó chính xác là những gì đã xảy ra với biến đổi khí hậu. Giao dịch trong các khoản tín dụng carbon (về cơ bản là cho phép gây ô nhiễm qua khí thải nhà kính) hiện là một trong những thị trường tài chính quốc tế lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất thế giới, thúc đẩy các công nghệ khác, từ tái tạo đến các đề xuất kỳ lạ cho việc cô lập carbon.

Nó biểu hiện theo những cách kỳ dị – gần đây là với “Ngài” Elton John, người đã biện hộ cho việc sử dụng máy bay phản lực riêng rằng mình đã trả phí “bù đắp carbon” cho chuyến đi.

Tất cả điều này là một khía cạnh của việc tài chính hóa, coi thiên nhiên là hàng hóa, áp dụng giá trị trao đổi bằng tiền mặt cho các quy trình và hệ sinh thái hoang dã, mặc dù thực tế là không có nội dung quy đổi tương xứng nào giống như quy đổi với sức lao động.

Như tuyên bố của nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu trẻ tuổi Greta Thunberg, nếu không có sự thay đổi, những người trẻ tuổi sẽ “thậm chí không còn có một tương lai nữa. Tương lai đó đã được bán để một số ít người có thể kiếm được số tiền không thể tưởng tượng được”.

Khi nhận thức về thiệt hại môi trường do chủ nghĩa tư bản tăng lên, một số người cho rằng mối quan hệ giữa chủ nghĩa tư bản và môi trường nên được coi là mâu thuẫn thứ hai của chủ nghĩa tư bản, một mâu thuẫn có ý nghĩa ngang bằng giữa tư bản và lao động.

Chủ nghĩa tư bản liên tục phá hủy cơ sở kinh tế của chính nó. Sự hủy diệt đó là một trong những động lực chính của thay đổi công nghệ, không ngừng cách mạng hóa các phương tiện (cũng như các mối quan hệ) của sản xuất, từ việc thay thế gỗ bằng than để làm nhiên liệu trong những ngày đầu của cuộc cách mạng công nghiệp, đến việc thay thế than bằng năng lượng hạt nhân, và gần đây hơn là các dạng năng lượng “tái tạo”.

Mâu thuẫn đó là trung tâm của chủ nghĩa tư bản. Là một phương thức sản xuất và là một hệ thống xã hội, chủ nghĩa tư bản làm suy giảm các điều kiện tái sản xuất của chính nó.

Điều đó rất rõ ràng với những người Marxsit thời kỳ đầu. Vào thời điểm đó, không phải ai khác ngoài người Marxsit, là những người có nhận thức sâu sắc về quy mô hủy hoại môi trường của chủ nghĩa tư bản.

Đáng ngại nhất là nguy cơ về một điểm tới hạn – một vòng xoáy của sự thay đổi không thể đảo ngược khi hiệu ứng đệm của các đại dương bị giảm, chất hữu cơ trong tầng đất khô bị phân hủy, làm tan băng, mất khả năng phản xạ bức xạ mặt trời và băng vĩnh cửu giải phóng khí methane vào khí quyển.

Không còn là phỏng đoán, điều không chắc chắn duy nhất chỉ là khi nào điểm tới hạn này sẽ đến, và các chi tiết về hậu quả của nó đối với hành tinh và các dân tộc.

Điều có vẻ rõ ràng là xét trên xu hướng hiện tại, điểm tới hạn ấy có thể xảy ra trong cuộc đời của những đứa trẻ ngày nay và hậu quả sẽ xảy ra trên quy mô toàn cầu, và thảm họa là không thể đảo ngược.

Giống như mâu thuẫn giai tầng trong lòng chủ nghĩa tư bản, cuộc khủng hoảng môi trường sẽ được giải quyết bằng chủ nghĩa xã hội.

Đồng thời, có một khía cạnh khác, tích cực hơn đối với “mâu thuẫn thứ hai” của chủ nghĩa tư bản.

Khi mức độ tàn khốc của cuộc khủng hoảng môi trường trở nên ngày càng rõ ràng, nhận thức của con người về sự cấp bách của một sự thay thế chủ nghĩa tư bản bằng xã hội chủ nghĩa bền vững cũng sẽ tăng lên.

Và bên cạnh đấu tranh giai cấp, đấu tranh cho môi trường cũng có tiềm năng trở thành một tâm điểm cho hành động cách mạng.

Như Jeremy Corbyn (chính khách theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa, lãnh đạo Công đảng và phe đối lập Anh từ năm 2015 – Người dịch) đã tuyên bố khi chào mừng chuyến thăm của Thunberg vào Quốc hội: “Những người trẻ tuổi sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu – đang thấy rằng việc gánh vác trách nhiệm về tương lai của mình là nguồn cảm hứng”.

Đó là một sự tương phản với Thị trưởng London Sadiq Khan. Sau khi phát biểu một cách chiếu lệ với người biểu tình chống biến đổi khí hậu rằng mình có “niềm đam mê về việc khắc phục biến đổi khí hậu”, ông này đã tiếp tục tuyên bố: “Bây giờ bạn phải để London trở lại kinh doanh như thường lệ”.

Tất nhiên, “kinh doanh như thường lệ”, chính xác là những gì đã mang lại khủng hoảng.

Ý nghĩa văn hóa của phong trào chống biến đối khí hậu là một vấn đề cần tranh luận, nhưng ít nhất họ đã đưa ra một lời cảnh cáo dành cho các chính khách phái bảo thủ và sự lươn lẹo của các chương trình truyền hình.

Không có tuyên ngôn chính thức hay bất kỳ chủ thuyết nào, họ đã nhắm vào các biểu tượng vật chất của chủ nghĩa tư bản (từ sân bay Heathrow đến sàn giao dịch chứng khoán) theo cách tương tự như hành động trực tiếp chống lại hội chợ vũ khí DSEI London và các phong trào chống lại mối đe dọa của chiến tranh hạt nhân trước đây.

Trong bối cảnh này, cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu của người trẻ tuổi, cùng với sự đổi mới của chính trị cánh tả ở Anh, là những dấu hiệu hy vọng về sự thay đổi.

ĐẠI VIỆT / REDSVN.NET

Tags: , , ,