Câu chuyện phát triển bền vững từ một cây thốt nốt

Chúng ta, hôm nay, không chỉ nhận của những bậc tiền hiền hoa lành trái ngọt này mà còn đó là cả một mối ân tình, sâu nặng. Nhưng cũng đáng tiếc thay, chúng ta, bậc hậu bối hôm nay không đối xử với con cháu mai sau như cách mà mình đã từng được nhận.

Câu chuyện phát triển bền vững từ một cây thốt nốt

Sáng nay café, anh Út chỉ cây thốt nốt cái trước quán nói cây này bà cộ anh trồng từ hồi ngoại anh còn con gái. Nghe ngoại kể lại, hồi bà cộ đi về hướng Campuchia, là vùng Tri Tôn Tịnh Biên mình, thấy cây thốt nốt nhiều quá, bà cộ mới mang hạt về trồng. Nhưng đất này đất gò, chậm cây, như đâu chừng 25 năm mới thấy rụng đợt trái đầu.

Tôi giật mình. 25 năm mới cho trái. 25 năm!

Nghĩa là, khi bà cộ của anh Út cuốc đất gieo hạt mầm thốt nốt này là bà đang nghĩ về con cháu của mình mai sau. Để bây giờ, nhà có bóng mát, có bông để lấy nước uống ngọt, để làm đường đặc sản, trái tươi ăn và sơ chín làm bánh bò, chưa kể thân lá. Chúng ta, hôm nay, không chỉ nhận của những bậc tiền hiền hoa lành trái ngọt này mà còn đó là cả một mối ân tình, sâu nặng.

Bỗng thấy cảm thán thay.

Nhưng cũng đáng tiếc thay, chúng ta, bậc hậu bối hôm nay không đối xử với con cháu mai sau như cách mà mình đã từng được nhận. Chúng ta để lại cho thế hệ sau một môi trường ô nhiễm và cạn kiệt nguồn tài nguyên, từ rừng tới biển bởi khai thác, đánh bắt bất hợp lý, một lối sống rất vội, với tư duy thực dụng và vô cảm đến rợn người, khủng hoảng niềm tin vào con người và xói mòn lòng tin vào xã hội.

Từ thốt nốt, ngẫm nghĩ đến câu chuyện phát triển bền vững hôm nay. Khái niệm phát triển bền vững rất ngắn gọn, đó là sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau. Ứng vào trong mọi lĩnh vực đời sống, từ kinh tế đến văn hóa, xã hội và môi trường và phải đạt được sự hài hòa, cân bằng giữa các định chế xã hội này. Nhìn lại hôm nay, thấy trong mọi lĩnh vực đều đi chệch khỏi nguyên tắc trên, bởi các nhu cầu cứ không khi nào chịu là đủ.

Chưa bao giờ như bây giờ, cụm từ phát triển bền vững được giới nghiên cứu khoa học nhắc đến sôi nổi như thế, trên các diễn đàn học thuật, hội thảo, nghiên cứu xuất bản. Nhưng, chỉ sự cố gắng của giới khoa học thôi là không đủ, mọi tiếng nói đang ngày càng rơi vào bất lực, trước các dự án khai thác đến tận cùng và bất chấp, phát triển nóng hơn bao giờ hết. Một số người, như tôi biết, đã dần im lặng. Buồn thay!

Cố nhân chắc cũng ngậm ngùi.

Không biết sau này, khi cả thảy chúng ta đều đã ngồi trên nóc tủ, lòng có còn đủ thanh thản để nhận của con cháu một nén hương trầm?

Ba Thê Óc Eo, An Giang – tháng 3/2018.

Theo THANH HƯNG / SPIDERUM.COM

Tags: