⠀
Quan hệ kinh tế – môi trường: Mối quan hệ sinh tử của nhân loại
Đây là mối quan hệ giữa con người, xã hội với giới tự nhiên trong quá trình hoạt động kinh tế suốt chiều dài lịch sử. Nhưng mối quan hệ này đã biến đổi nhanh từ khi loài người hình thành nền kinh tế thị trường hiện đại từ thế kỷ 18.
Từ đó đến nay đã 300 năm, dưới hình thức phát triển nền công nghiệp tư bản chủ nghĩa, mối quan hệ này càng biến đổi sâu rộng ở phạm vi toàn cầu. Khi bước vào thế kỷ 21, mối quan hệ này đã đưa loài người đến một bước ngoặt chưa được tiên đoán trong toàn bộ lịch sử văn minh nhân loại. Bước ngoặt đó thể hiện ởquy mô của cải đã tăng lên rất nhiều đủ sức nuôi sống cả nhân loại (nếu không có tình trạng phân phối bất công) nhưng nhiều vấn đề xã hội tiêu cực tích tụ lại, mức độ tàn phá môi trường đã đến mức nguy hiểm cho toàn bộ hành tinh. Vì sao lại như vậy ?Như lịch sử đã diễn ra, kinh tế thị trường dưới phương thức sản xuất công nghiệp 300 năm qua đều dựa trên động lực và mục tiêu làm giàu của chủ đầu tư, không tính đến vấn đề môi trường và ít quan tâm đến vấn đề xã hội. Sự phát triển phiến diện như vậy qua mấy thế kỷ qua đã đưa đến bước ngoặt đòi hỏi thay đổi định hướng phát triển kinh tế.
Ngay từ giữa thế kỷ 20, các nhà khoa học đã báo động về tình trạng sinh quyển bị mất dần nguồn dự trữ cho sự ổn định, đã chuyển sang ranh giới nguy hiểm không nhìn thấy được. Còn bây giờ ai cũng nhận thấy khí hậu trái đất nóng lên gây ra những hậu quả hết sức tiêu cực, tầng ôzôn bảo vệ sự sống trên trái đất bị bào mòn, sự đa dạng sinh học bị giảm nhanh, sự ô nhiễm làm phát sinh nhiều bệnh tật cho con người, số lượng và chất lượng nước ngọt ở nhiều vùng đã giảm và xấu đi; diện tích rừng giảm dần (mỗi năm mất hàng triệu ha); đất đai bị thoái hoá biến chất (hàng năm thế giới mất đi hàng chục triệu ha đất trồng trọt), những nước ven biển sẽ chịu thiệt hại trước hết.
Cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay không chỉ là khủng hoảng kinh tế, mà là khủng hoảng của cả hệ thống kinh tế – xã hội – môi trường. Vì vậy, nếu các giải pháp cứu vãn nền kinh tế có tạm thời làm dịu nền kinh tế, thì tác động tiêu cực ở chiều sâu của môi trường sẽ lộ ra và không phải dễ dàng cứu chữa bằng những giải pháp tạm thời.
Bước ngoặt của sự phát triển phiến diện hiện nay đang xác minh một dự báo thiên tài của Ph. Engels hơn 100 năm trước về “Sự kết thúc của một quá trình lịch sử mà của cải là mục đích cuối cùng và duy nhất, vì một quá trình phát triển như vậy đang chứa đựng những yếu tố làm cho chính nó bị tiêu diệt” (trong tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình của chế độ tư hữu và của nhà nước”).
Vấn đề cấp bách hiện nay đối với các nước phát triển và đang phát triển là phải thay đổi định hướng phát triển kinh tế thị trường, sao cho gắn liền với tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường, tức là định hướng Phát triển bền vững.
Đòi hỏi cấp bách đó liệu có khả năng giải quyết không ?Rất may, khi đời sống nhân loại đặt ra đòi hỏi gì thì nó cũng chuẩn bị khả năng giải quyết vấn đề ấy. Khả năng đó là nền kinh tế tri thức.
Kinh tế tri thức với những ưu việt vượt trội của nó (so với kinh tế công nghiệp) hoàn toàn có thể đáp ứng đòi hỏi của Phát triển bền vững, khi có thể chế kinh tế chính trị phù hợp.
Phát triển bền vững – cơ hội chưa từng có để Việt Nam điều chỉnh và hoàn thiện mối quan hệ kinh tế với môi trường. Từ nhiều năm trước, văn kiện Đảng đã đề ra định hướng “Tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường” nhưng thực tiễn cuộc sống cho thấy vẫn chưa thực hiện được. Vì sao vậy ? Nhìn thẳng vào sự thật thì thấy rõ: do điểm xuất phát về kinh tế và văn hoá còn thấp đã hạn chế mặt nhận thức và năng lực thực hiện của các cấp không theo kịp những thay đổi nhanh của đất nước và thời đại hiện nay.
Về mặt nhận thức: Mô hình công nghiệp hoá ở nước ta đã không còn phù hợp. Trên thế giới mô hình này đã lỗi thời vào cuối thế kỷ 20, thể hiện trong sự thất bại của nhiều nước Mỹ Latinh (đã tăng trưởng 10% trên 10 năm), sự thất bại trong công nghiệp hoá ở Nigeria, ở Philippines và Indonesia nhưng không làm chúng ta suy nghĩ lại, cứ chạy theo tăng trưởng GDP kém hiệu quả. Chỉ có chuyển sang mô hình Phát triển bền vững mới có khả năng thực hiện các mục tiêu tốt đẹp đã đề ra.
Muốn vậy, phải sớm bắt tay vào xây dựng kinh tế tri thức nhằm tạo nền tảng của Phát triển bền vững và vượt lên trong cạnh tranh quốc tế, nhất là khi nước ta tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu (GPS) và chuỗi giá trị toàn cầu (GVC).
Về năng lực thực hiện mô hình Phát triển bền vững. Phải bắt đầu từ xây dựng thể chế kinh tế thị trường phát triển bền vững. Đó là thể chế phản ánh mối quan hệ tương tác thường xuyên giữa cơ quan nhà nước với các lực lượng thị trường (các doanh nghiệp) và các tổ chức xã hội (các tổ chức chính trị – xã hội; các hội nghề nghiệp, dịch vụ tư vấn, khoa học – công nghệ, giáo dục đào tạo…). Mối quan hệ trao đổi thường xuyên sẽ giúp các bên tìm ra phương án tối ưu cho mình và tạo môi trường ổn định và phát triển cho đất nước. Trên thực tế, thể chế kinh tế thị trường phát triển bền vững một khi vận hành có hiệu quả thì chế độ dân chủ mới toả sáng trong xã hội, mới khắc phục dần những tiêu cực tồn tại trong các quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội.
Tóm lại, chỉ có điều chỉnh và hoàn thiện mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường bằng mô hình và thể chế phát triển bền vững thì nước ta mới có khả năng thực tế phát triển theo con đường rút ngắn, phù hợp với xu thế chủ đạo của thời đại hiện nay.
Cần nhấn mạnh rằng, đối với địa lý nước ta, mối quan hệ giữa con người với tự nhiên sẽ có ảnh hưởng quyết định đến mối quan hệ con người với xã hội. Cuộc sống sẽ tốt đẹp khi hai mối quan hệ ấy hài hoà, hỗ trợ lẫn nhau. Xây dựng cuộc sống như vậy, chẳng những phù hợp với hiện tại và tương lai, mà còn gắn bó với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, nhất là thái độ con người với giới tự nhiên. Đây cũng còn là một giá trị về “tư tưởng sinh thái học trong các tôn giáo” mà Giáo sư Đào Văn Tiến đã nói tới hơn 10 năm trước về thái độ của con người đối với thiên nhiên được nói tới trong Phật giáo, Nho giáo, Thiên chúa giáo, Đạo giáo.
Theo TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ AN
Tags: Chiến lược phát triển, Phát triển bền vững