Chữa lành đất đai cũng là chữa lành tâm hồn

Từ một chuyên viên trong văn phòng của một viện nghiên cứu, chàng trai tuổi đôi mươi Masanobu Fukuoka bỏ ngang xương để trở thành một nhà nông nuôi dưỡng tín điều duy nhất: làm nông theo hình thái tự nhiên.

Chữa lành đất đai cũng là chữa lành tâm hồn

Nguồn: Masanobu Fukuoka, Xanhshop dịch, Tủ sách Xanh & NXB Tổng hợp TP.HCM, 2015

Làm nông nghiệp xanh, cho đến hôm nay vẫn là một khẩu hiệu thời thượng. Dĩ nhiên, phía sau cái khẩu hiệu thời thượng đó, xanh đôi khi là một thứ khởi sinh lắm thói tật tiêu chuẩn hình thức, nhân danh nọ kia để đi đến cái đích cuối cùng là những bài toán thị trường giữa thời đại tiêu dùng. Một khi nông nghiệp được đặt lên chiếc tàu lượn của nền kinh tế, nó không còn là nó, người nông dân không còn thấy vui với công việc của mình, triết lý tốt đẹp của nghề nông đã bị phá hủy.

Chuyện xảy ra trong thời “nông nghiệp xanh”: có hàng trăm nhãn hiệu đăng ký tiêu chuẩn này tiêu chuẩn nọ nhưng người tiêu dùng vẫn lo về độ sạch thực sự của cái ăn hằng ngày con người đưa vào cơ thể. Đôi khi niềm tin của chúng ta đơn giản chỉ đặt vào lớp bao bì mỏng manh bọc ngoài một bó rau hoặc cái logo in trước cửa những cửa hàng gọi là organic food (thực phẩm hữu cơ) với giá cắt cổ.

Nước Nhật từng đi qua thời kỳ này, thời kỳ mà Masanobu Fukuoka (1913-2008) gọi là thứ nông nghiệp thương mại – và ông muốn phản tỉnh không phải bằng lý thuyết suông mà bằng một cuộc đời làm nông thực thụ. Đây, ông phơi bày trong quyển sách cái điều mà chúng ta đang trải nghiệm: “Nếu bạn nghĩ rau củ quả thương mại là từ tự nhiên mà ra thì bạn lầm to. Những thứ rau trái này là sự pha trộn hóa học mọng nước của nitơ, phốtpho và kali với một chút trợ giúp từ hạt giống. Và chúng sẽ có hương vị đúng như thế. Còn trứng gà thương mại (ta có thể gọi chúng là trứng nếu thích) thì không gì hơn là một hỗn hợp thức ăn tổng hợp, các hóa chất và hocmôn. Đây chẳng phải là sản phẩm của tự nhiên, mà là một sản phẩm tổng hợp do con người tạo ra dưới hình dạng một quả trứng. Với những người nông dân tạo ra rau củ và trứng kiểu này, tôi gọi họ là nhà sản xuất”.

Nông sản trái vụ phục vụ thị trường phát triển, lúc nào người ta cũng có thể được đáp ứng cái thèm vô độ với hoa nọ quả kia, nhưng ngay khi cái miệng nghĩ rằng nó đang được phục vụ tốt thì cái dạ dày lại chịu hệ lụy đằng sau đó – tiếp nhận vô số hóa chất của trò phù thủy có tên nông nghiệp lệ thuộc hóa chất và biến đổi gene. Khoa học trong trường hợp này giỏi đáp ứng nhưng không giỏi giải quyết triệt để vấn đề nhân bản.

Nhưng, như đã nói, biết sao được khi nông nghiệp đã leo lên ngồi trên chiếc tàu lượn của nền kinh tế và mất sự chủ động thực sự.

Từ một chuyên viên trong văn phòng của một viện nghiên cứu, chàng trai tuổi đôi mươi Masanobu Fukuoka bỏ ngang xương để trở thành một nhà nông nuôi dưỡng tín điều duy nhất: làm nông theo hình thái tự nhiên.

Ông chia sẻ quá trình thực hành làm nông tự nhiên của mình nghe ra đầy chất thơ và đượm tinh thần vô vi của Lão, có cả Thiền học nữa. Nhưng cụ thể nhất, ông trả cho đất đai sự sống tự nhiên của nó, trái ngược hẳn với quan điểm truyền thống lẫn khoa học cho rằng làm nông là tác động vào đất đai bằng các áp đặt thủ công hay biện pháp khoa học kỹ thuật để đất đai phục vụ tham vọng của mình.

Tiêu chí không can thiệp vào đất đai, không cày xới đất được xem là quan trọng đầu tiên trong bảng nguyên tắc về nông nghiệp tự nhiên (ba tiêu chí sau là: không dùng phân hóa học, không làm cỏ bằng việc cày xới và thuốc diệt cỏ, không phụ thuộc hóa chất). Việc “không cày xới đất”, được ông giải quyết như sau: “Việc cày xới đất phải được dừng lại. Nếu thực hiện các phương pháp nhẹ nhàng hơn như việc trải rơm, trồng cỏ ba lá thay cho việc sử dụng hóa chất nhân tạo và máy móc để tiến hành cuộc chiến hủy diệt, môi trường sẽ quay lại sự cân bằng tự nhiên của nó và ngay cả những loài cỏ dại phiền toái cũng sẽ kiểm soát được.”

Rau sẽ mọc chung với cỏ dại, ngoài bờ sông, trên sườn núi theo lối bán hoang dã, việc trải rơm, trồng cỏ ba lá sẽ trả về cho đất những chất hữu cơ dư thừa, căn cứ trên điều kiện khí hậu thổ nhưỡng vùng miền, quan sát đời sống và tập tính của từng loại sâu bệnh để sử dụng các loài thiên địch một cách hiệu quả, trồng lúa và ngũ cốc vào mùa đông… những câu chuyện về một nhà nông tìm về bổn nguyên của triết lý nông nghiệp trở nên hấp dẫn chúng ta không chỉ bởi những tính toán về mặt hiệu quả năng suất hay lợi nhuận, mà gợi mở cho chúng ta một cách tư duy khác, ngay cả khi chúng ta đóng vai trò là người làm nông hay trong vai những khách hàng hưởng thụ thành quả nông nghiệp sạch: trả tự nhiên về cho tự nhiên.

Những mảnh vườn bị biến dạng, những người nông dân vẫn khó nhọc vì được mùa mất giá, được giá mất mùa, và chúng ta vẫn kêu gào vì sao hết viện nghiên cứu nọ đến trung tâm nghiên cứu kia không cứu vãn nổi một bó rau mà bỏ tiền ra mua nó để ăn nhưng không mua được niềm tin vào con người. Cuốn sách của Masanobu Fukuoka giúp chúng ta cân bằng lại trước những xao động và khủng hoảng mà lắm khi, nguyên nhân nằm ở tại tâm mình và xa hơn, đặt ra một phản biện cho nền văn minh. Ông viết: “Nếu thực sự chúng ta có khủng hoảng lương thực thì nó sẽ không phải do năng lực của tự nhiên không đủ, mà là do bởi ham muốn vô độ của con người.”

Ông cũng nói với chúng ta với giọng của một hiền triết-nông dân, nhỏ nhẹ nhắc nhở nếu chúng ta có lâm vào tình thế lý tính hay mê tín tri thức khoa học thái quá: “Việc cắt đôi trải nghiệm cuộc sống rồi gọi một bên vật chất và bên kia tinh thần là hạn hẹp và rối rắm. Con người không sống phụ thuộc vào thức ăn. Rốt cuộc thì chúng ta không thể biết thức ăn là gì. Thậm chí sẽ tốt hơn nếu người ta thôi nghĩ về thức ăn đi. Tương tự như vậy, sẽ tốt đẹp cả nếu người ta thôi làm bản thân mình bận lòng về chuyện khám phá ra ý nghĩa của sự sống; chúng ta có thể sẽ không bao giờ biết được những câu trả lời cho những câu hỏi lớn về tâm linh, có không hiểu thì cũng chẳng làm sao cả. Chúng ta được sinh ra và sống trên mặt đất này là để trực diện với hiện thực của Việc Sống.”

Ông kêu gọi người nông dân (và không chỉ nông dân) hãy phụng sự thiên nhiên, rồi mọi việc sẽ đâu vào đó, đời sống sẽ trở lại khoan hòa và chìa khóa của hòa bình nằm gần ngay mặt đất.

Thật lạ, tư tưởng tiến bộ này của Masanobu Fukuoka có từ những năm 30 của thế kỷ trước. Có thể ví ông như một Fukuzawa Yukichi trong nông nghiệp xanh của Nhật Bản. Tư tưởng Masanobu Fukuoka dạy ta lối nghĩ khác về cái ăn, cách ăn, cách làm ra lương thực cho đời sống để được sống trong an lạc. Từ bấy đến nay, từ khuynh hướng mà Masanobu Fukuoka khai mở, người Nhật đã đi rất xa trong tư duy nông nghiệp xanh và họ đang cho thế giới thấy rằng họ không chỉ là quốc gia dẫn đầu về công nghệ mà còn là người thầy trong ẩm thực và làm nông nghiệp sạch.

Nước Nhật sau chiến tranh điêu tàn, Masanobu Fukuoka đã bắt đầu với cuộc cách mạng của một cọng rơm và một tinh thần chữa lành đất đai thật sự vì ông nhìn thấy trong đất đai mối tương quan với tâm hồn con người.

Theo TẠP CHÍ TIA SÁNG

Tags: , ,