⠀
‘Tẩy xanh’ doanh nghiệp: Nhận diện một hành vi đạo đức giả
Tẩy xanh – Greenwashing là hành vi lừa dối người tiêu dùng bằng cách quảng cáo sai lệch về tính thân thiện với môi trường của sản phẩm hay dịch vụ được cung cấp.
Tác giả: Phạm Tâm Long, Tiến sĩ ngành Phát triển bền vững.
Khi theo dõi môn cầu lông tại Olympic Paris, tôi nhận thấy: trong các trận đấu, cứ sau 3-5 phút, quả cầu lại được thay mới. Trung bình một trận, các vận động viên đổi cầu khoảng 20 lần. Những quả cầu lông sau khi sử dụng sẽ được xử lý ra sao?
Câu trả lời không có gì bất ngờ. Cầu lông là môn thể thao đề cao sự chính xác tuyệt đối. Tình trạng của quả cầu đóng vai trò quan trọng. Những quả cầu không còn giá trị sử dụng sẽ bị tiêu hủy, do không có khả năng tái chế. Trong một nghiên cứu vào năm 2021, các nhà khoa học Bỉ ước tính khoảng 220 triệu người trên thế giới chơi cầu lông, và số quả cầu bị hủy bỏ lên tới trên dưới 6,6 tỷ/năm; ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường.
Một môn thể thao khác tác động lớn đến môi trường là golf. Nhiều người coi golf là môn thể thao xa xỉ, điều này cũng đúng nếu xét về khía cạnh bảo vệ môi trường. Khắp nơi trên thế giới, nhiều diện tích đất rừng đã bị phá bỏ để làm sân golf. Nhưng đó chỉ là “khoản đầu tư ban đầu”. Thống kê ở Mỹ cho thấy, để chăm sóc mặt cỏ 30 sân golf ở Salt Lake cần tới 34 triệu lít nước mỗi ngày, tương đương thể tích của 13 bể bơi tiêu chuẩn Olympic. Bên cạnh đó là phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, sẽ thải ra lượng lớn hóa chất tồn dư, gây ô nhiễm tới không khí và nguồn nước ở khu vực lân cận.
Olympic London 2012 quảng cáo rằng tổng lượng carbon thải ra sẽ giảm 50% với việc sử dụng 20% năng lượng tái tạo. Con số thực tế là chỉ có 9% năng lượng xanh đã được sử dụng, dù đây vẫn được đánh giá là một trong những kỳ Thế vận hội “xanh” nhất trong lịch sử. Năm 2020, Tokyo cũng đưa ra những mục tiêu lớn lao về trung hòa carbon, zero waste – không rác thải… Điều này phần nào đạt được nhờ lý do khách quan: đại dịch COVID-19. Không có khán giả và du khách đồng nghĩa với không có carbon thải ra từ các hoạt động di chuyển và đương nhiên không rác thải. Tại World Cup 2022, mọi thứ tệ hơn. Được truyền thông rằng đây là kỳ đại hội bóng đá thân thiện với môi trường nhất từ trước tới giờ, thực tế ước tính đây là kỳ World Cup thải ra lượng carbon nhiều nhất trong lịch sử.
Nhưng không thể cấm loài người chơi cầu lông, và vì thế hàng tỷ quả cầu hỏng mỗi năm vẫn cần được thay thế. Cũng không thể đóng cửa các sân golf, khi nhìn ở khía cạnh tích cực, các dự án này mang lại tiềm năng thu hút đầu tư và du lịch, tạo cơ hội công việc và thu nhập cho người dân địa phương.
Nói vậy để thấy rằng, bảo vệ môi trường luôn là bài toán khó, khó nhất là cân bằng giữa lợi ích kinh tế, nhu cầu thể thao giải trí của con người với các tác động tiêu cực tới tài nguyên.
Một trong những lý do giải thích tại sao con người không thực sự hành động để ngăn chặn ảnh hưởng xấu đến môi trường là do luôn coi bản thân là ngoại lệ. Ai cũng biết sử dụng phương tiện giao thông công cộng là bảo vệ môi trường, những vẫn tặc lưỡi đi xe cá nhân: thêm một người đưa xe ra đường, chắc sẽ không ảnh hưởng gì.
Vấn đề tương tự trong thể thao như tại các kỳ Olympic cũng xảy ra với doanh nghiệp. Những người điều hành doanh nghiệp đều thống nhất việc cần hành động ngay lập tức để hướng tới môi trường, nhưng lợi ích kinh tế vẫn quá quan trọng với họ.
Đầu tư ESG không còn là khái niệm mới. Đây là cụm từ viết tắt của Environmental (Môi trường), Social (Xã hội) và Governance (Quản trị doanh nghiệp). Tiêu chuẩn ESG được đánh giá là công cụ hữu hiệu nhằm nhận biết độ quan tâm tới trách nhiệm xã hội của các tổ chức, doanh nghiệp.
Hiện tại, chiến dịch marketing của nhiều doanh nghiệp có xu hướng tập trung vào nhân tố E – môi trường. Điều này có thể được giải thích thông qua mô hình Value Proposition Canvas (Giải pháp định vị giá trị). Trong mô hình, hai xu hướng quan trọng để tìm điểm chạm với khách hàng tiềm năng là thông qua Pain (nỗi đau – những khó khăn mà khách hàng đang trăn trở) và Gain (thành tựu – những điều khách hàng mong muốn có được).
Đặc điểm chính trong các chiến lược bảo vệ môi trường là luôn mặc định sẽ mang ấn tượng tốt với người tiêu dùng. Đánh vào môi trường chính là cách tìm điểm chạm dễ nhất khi các thông tin về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường đang được phổ cập với tần suất ngày càng nhiều hơn. Ai cũng cảm thấy nhức nhối với những diễn biến khó lường của thời tiết cực đoan (Pain), và ai cũng mong muốn đóng góp chút ít tới công cuộc bảo vệ môi trường (Gain).
Thể thao, cũng như bảo vệ môi trường, đều mang ấn tượng tốt về bản chất. Đây là lý do chính khiến nhiều doanh nghiệp sử dụng thể thao và môi trường trong hoạt động “Greenwashing – Tẩy xanh” của mình. Greenwashing là hành vi lừa dối người tiêu dùng bằng cách quảng cáo sai lệch về tính thân thiện với môi trường của sản phẩm hay dịch vụ được cung cấp.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã cam kết tham gia nhiều mục tiêu chung của thế giới như giảm khí thải nhà kính 2030, chấm dứt nạn thất thoát đất rừng 2030, hay trung hòa carbon 2050. Theo Báo cáo minh bạch của PWC năm 2022 về thực trạng ESG tại Việt Nam, 80% doanh nghiệp được phỏng vấn cho biết đã nhận thức về xu hướng mới của thế giới và có cam kết thực thi trong tương lai gần (ngắn hạn 2-4 năm).
Tuy vậy, có tới 82% doanh nghiệp trả lời mục đích chính tham gia ESG là để cải thiện hình ảnh và danh tiếng cho nhãn hiệu. Đây là nguy cơ hiện hữu dẫn đến các hoạt động tẩy xanh. Trong đó 37% số doanh nghiệp cho biết mục đích tham gia là áp lực từ cơ quan quản lý Nhà nước; 40% là áp lực từ các nhà đầu tư và cổ đông.
Thực trạng cho thấy thách thức với các hoạt động chuyển đổi xanh ở Việt Nam vẫn nằm ở ý thức bảo vệ môi trường thực chất. Nếu coi việc tham gia ESG một cách hình thức để tránh áp lực dư luận hay nhằm mục đích thương mại, những ví dụ về tẩy xanh sẽ còn tiếp diễn.
Thách thức lớn nhất hiện tại đối với các doanh nghiệp là thiếu kiến thức để thu thập dữ liệu chuẩn bị cho các khung báo cáo. 71% doanh nghiệp trả lời họ thiếu những hiểu biết cơ bản về các chuẩn báo cáo hiện hành.
Theo tôi, để tăng cường nhận thức bảo vệ môi trường cũng như kiến thức về đầu tư ESG và chuyển đổi xanh một cách hiệu quả, các doanh nghiệp cần sự tham gia trực tiếp của ban lãnh đạo thay vì chỉ tuyển nhân viên phụ trách. Các doanh nghiệp cũng cần tích cực trao đổi thông tin và cùng kêu gọi việc ban hành một hướng dẫn quy chuẩn về thực hành và báo cáo ESG từ nhà chức trách.
Về phía cơ quan quản lý, ngoài việc tiếp tục phổ biến rộng rãi các tiêu chuẩn ESG tới doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua các diễn đàn doanh nghiệp, cần chú trọng vận dụng và tích hợp các chỉ số ESG đã được đánh giá vào các lĩnh vực khác nhau như chứng khoán, thẩm định tín dụng hay quản lý rủi ro… Việc này được coi như một mũi tên trúng hai đích, khi vừa tăng cường nhận thức của các doanh nghiệp, giúp định hướng sự phát triển của nền kinh tế xanh, vừa tránh lãng phí nguồn lực đã sử dụng trong việc đánh giá các tiêu chuẩn ESG.
Trong cầu lông, những đường cầu hoàn hảo luôn yêu cầu chất lượng nguyên bản của quả cầu. Việc bảo vệ môi trường cũng luôn cần những hành động mang tính hệ thống và chú trọng thực chất, thay vì hình thức.
Theo VNEXPRESS
Tags: Bảo vệ môi trường, Kinh doanh - Sản xuất