⠀
Bàn về di sản đô thị và biến đổi khí hậu
“Di sản là một nguồn sống và nguồn cảm hứng không thể thay thế, nó là tài sản kế thừa của nhân loại từ quá khứ, sống với chúng ta trong hiện tại và sẽ truyền lại cho các thế hệ tương lai” (UNESCO). Từ những năm 1970, khái niệm di sản được mở rộng từ phạm vi di tích, công trình đơn lẻ sang qui mô di sản đô thị, trong đó các giá trị văn hoá vật thể lẫn phi vật thể của di sản đô thị được xem xét bảo tồn trong bối cảnh quy hoạch và phát triển chung của toàn đô thị.
Tác giả: PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan – Viện KTQG, Bộ Xây dựng; TS.KTS Nguyễn Phương Nga – Đại Học KHXH và Nhân văn TPHCM.
Nguồn: Tham luận tại Hội thảo quốc tế với chủ đề “Thành phố, di sản, biến đổi khí hậu và đổi mới – triển vọng cho các di sản đô thị ở khu vực Đông Nam Á”. Đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2016.
Đông Nam Á là một khu vực sôi động và đa dạng về văn hóa, chứa đựng nhiều nền văn minh và đế chế lớn của Châu Á trong lịch sử. Bằng chứng về lịch sử huy hoàng của khu vực có thể được nhìn thấy qua sự đa dạng và phong phú của quỹ di sản đô thị thấm đẫm giá trị văn hoá và tâm linh. Có thể kể tên một số những di sản văn hoá thế giới nổi tiếng tại Đông Nam Á bao gồm các di chỉ khảo cổ như Hoàng thành Thăng Long (Việt Nam), Ban Chiang (Thái Lan); các đô thị cổ như Luang Prabang (Lào), Phố cổ Hội An (Việt Nam), Ayutthaya (Thái Lan), cụm các công trình di sản như cụm công trình thành cổ Huế (Việt Nam), Angkor Wat (Campuchia), Thánh địa Mỹ Sơn (Việt Nam) …và nhiều công trình di sản văn hoá thế giới riêng lẻ khác. Những di sản này chỉ chiếm một phần nhỏ trong số hàng chục ngàn di sản kiến trúc, khảo cổ và các khu vực đô thị lịch sử tại khu vực được đề cử là di sản quốc gia và địa phương, và kể cả các di tích lịch sử không có trong danh sách di sản.
Tuy nhiên, quỹ di sản giàu có này – vốn rất dễ bị tổn thương trước những tác động của các yếu tố tự nhiên và xã hội – đang phải đối mặt với những rủi ro ngày càng tăng đến từ quá trình tăng trưởng đô thị, chuyển đổi kinh tế – xã hội nhanh và mạnh mẽ của khu vực, và đặc biệt là những tác động to lớn và lâu dài từ biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh trên, một số câu hỏi căn bản cần được đặt ra làm cơ sở cho những thảo luận về chủ đề “Di sản đô thị dưới tác động của biến đổi khí hậu” và cần được nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, nhằm tìm kiếm những giải pháp bảo vệ thực tiễn hữu hiệu:
– Biến đổi khí hậu đang tác động như thế nào tới di sản đô thị?
– Những giải pháp nào để ngăn chặn sự đe doạ của biến đổi khí hậu tới di sản đô thị?
– Các di sản đô thị có thể làm gì/làm như thế nào để tự nó có thể góp phần giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu?
– Và cuối cùng, đặt ra sự cần thiết và cấp thiết có một cách thức tiếp cận đa ngành để các bên liên quan có thể chung tay bảo vệ di sản và môi trường dưới tác động của biến đổi khí hậu, trong đó điều trở nên quan trọng và then chốt là việc tăng cường nhận thức cho các bên liên quan về biến đổi khí hậu, lắng nghe cũng như kế thừa các tri thức bản địa và kinh nghiệm địa phương trong công tác bảo tồn; giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu lên di sản.
Tác động của biến đổi khí hậu tới di sản đô thị
Theo Báo cáo đánh giá lần thứ 4 của Ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu, đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng lên tương ứng là 2,0 – 4,50C, mực nước biển trung bình sẽ tăng lên từ 0,18 đến 0,59m so với cuối thế kỷ 20 (Ngữ, 2008). Theo đó, tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng ngày một gia tăng: Các đợt nắng nóng ngày càng nhiều (tăng số ngày nóng và đêm ấm, giảm số ngày lạnh và đêm lạnh); sự gia tăng mạnh mẽ các trận mưa lớn cũng như số lượng các trận bão nhiệt đới khiến cho hạn hán, lũ lụt, sạt lở đất xảy ra ở nhiều nơi, gây ra những thiệt hại lớn về tính mạng con người và tài sản.
Đông Nam Á là một trong những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới từ biến đổi khí hậu do các đặc điểm địa lý: Khí hậu nhiệt đới, bờ biển dài, tập trung đông dân cư và hoạt động kinh tế trên các vùng ven bi vùng ven biển, phụ thuộc nặng nề vào các khu vực nhạy cảm với khí hậu với hàng triệu người nghèo có ít khả năng thích ứng. Theo báo cáo mới công bố của Ngân hàng Thế giới (World Bank), khả năng trái đất ấm lên trong hai thập kỷ tới đang làm trầm trọng hơn những thách thức mà Đông Nam Á đang phải nỗ lực vượt qua, và đe dọa đảo ngược những thành quả phát triển họ đã rất khó khăn mới đạt được (WB, 2013). Hình trên cho thấy sự tổng hợp của các rủi ro khí hậu (bao gồm bão nhiệt đới, lũ lụt, sạt lở đất đai, hạn hán, và nước biển dâng) và các điểm nóng tại khu vực Đông Nam Á như vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng ven biển của Việt Nam, Bangkok và các khu vực lân cận ở Thái Lan, tất cả các vùng của Philippines, và phần phía Tây và Đông của đảo Java, Indonesia (Yusuf & Francisco, 2009).
Ủy ban Di sản thế giới tại phiên họp thứ 29 năm 2005 đã công nhận rằng:
– Những tác động của biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến nhiều quỹ di sản thế giới và có khả năng ảnh hưởng đến nhiều hơn, cả di sản tự nhiên lẫn di sản văn hóa trong những năm tới;
– Nếu nhiệt độ toàn cầu chỉ cần tăng trung bình 10C, sẽ có hơn 40 di sản thế giới bị đe dọa trực tiếp bởi ngập lụt trong suốt 2000 năm tiếp theo.
– Nếu nhiệt độ tăng thêm 30C, khoảng 1/5 di sản văn hoá thế giới sẽ bị ảnh hưởng lâu dài: 136 khu vực di sản sẽ ở dưới mực nước biển nếu không có các biện phải bảo vệ thích hợp.
Trên thực tế, thủy triều và bão lũ có thể đã ảnh hưởng đến các khu vực di sản văn hoá sớm hơn nhiều mà vẫn chưa được quan tâm đến.
Các tác động của biến đổi khí hậu sẽ có những hậu quả to lớn cho toàn nhân loại với sự mất đi các sản phẩm sáng tạo của con người. Đối với các công trình di sản đô thị, hậu quả do tác động của biến đổi khí hậu sẽ được biểu hiện ít nhất ở hai yếu tố: (1) các ảnh hưởng vật lý trực tiếp tới công trình và cấu trúc công trình; (2) ảnh hưởng tới cấu trúc xã hội và môi trường sống, dẫn tới sự thay đổi hoặc chuyển dịch các các xã hội nơi đang bảo tồn các di sản.
1. Các ảnh hưởng vật lý trực tiếp tới công trình và cấu trúc công trình di sản
Với các di chỉ khảo cổ, biến đổi khí hậu làm thay đổi sự cân bằng của các quá trình thuỷ văn, hoá học và sinh học của đất nơi bảo quản chứng cứ khảo cổ, dẫn đến ảnh hưởng đến một số lớp khảo cổ, nguy hiểm hơn là có thể làm biến mất những lớp bằng chứng lịch sử của di chỉ. Công trình cổ là những đối tượng dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu hơn là những công trình hiện đại. Sự gần gũi với mặt đất làm tăng sự thấm và dẫn nước lên kết cấu công trình. Đất ẩm cũng góp phần gia tăng sự thẩm thấu và tích tụ muối trong khi các vật liệu xây dựng trong lịch sử mủn nhanh hơn vật liệu xây dựng hiện đại nào, bất kỳ sự tăng ẩm ướt nào của đất cũng có thể sẽ gây ra sự chuyển hóa muối mạnh hơn, các tinh thể muối sẽ làm hư hại dần các vật liệu trang trí bề mặt. Gỗ và các vật liệu tự nhiên là nguyên nhân thu hút các xâm nhập sinh học, gia tăng mối mọt làm hư hại kết cấu dưới thời tiết nóng ẩm. Điều này lý giải sự dễ bị tổn thương của kết cấu công trình gỗ khi có thêm tác động của các hiện tượng khác của biến đổi khí hậu như lũ lụt, gió bão, hay lốc xoáy. Trong đó, lũ lụt tác động rất lớn đến các công trình cổ vốn được xây dựng thấp tầng và với vật liệu không chịu được ngập nước dài ngày. Sau lũ lụt, các công trình tiếp tục bị ảnh hưởng do sự phát triển của các vi sinh vật gây hại như nấm mốc. Dòng nước lũ chảy mạnh có thể làm xói mòn và sụp đổ các công trình. Sự gia tăng của gió và bão có thể dẫn đến tổn thương kết cấu công trình. Những di sản có thể di chuyển được thì bị tác động bởi độ ẩm, nhiệt độ cao và sự gia tăng của tia cực tím. Vấn đề sa mạc hoá, thời tiết nhiễm mặn và xói mòn cũng là những tác nhân đe doạ di sản đô thị.
2. Tác động tới cấu trúc xã hội và môi trường sống
Rất nhiều các di sản thế giới đang là nơi sinh sống của người dân và và phụ thuộc vào các cộng đồng dân cư trong việc gìn giữ và bảo vệ di sản. Người dân và chính quyền cũng khai thác được những giá trị của di sản cho việc phát triển kinh tế và giữ gìn truyền thống văn hoá xã hội. Do vậy, hậu quả của những tác động vật lý từ biến đổi khí hậu tới di sản đô thị cũng sẽ ảnh hưởng tới sự thay đổi về mặt kinh tế xã hội. Sự suy tàn và mất mát di sản do biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến đời sống tinh thần và sinh kế của người dân; làm thay đổi lối sống, cách làm việc, thờ tự của các cộng đồng và xã hội tại các công trình di sản và cảnh quan bản địa; có thể dẫn đến khả năng người dân phải di chuyển chỗ ở và từ bỏ di sản của họ (Steinberg, 1996). Đồng thời, sự tác động của biến đổi khí hậu sẽ làm suy giảm nguồn lực và năng lực khai thác và bảo tồn di sản đô thị. Biến đổi khí hậu cùng với biến đổi kinh tế xã hội tác động đến di sản đô thị lớn hơn là chỉ một mình biến đổi khí hậu. Bảo tồn di sản đô thị dưới tác động của biến đổi khí hậu cần được xem xét trong bối cảnh phát triển chung về mặt kinh tế xã hội và nghiên cứu liên ngành.
Những giải pháp ngăn chặn sự đe doạ của biến đổi khí hậu tới di sản đô thị
Tuy các di sản đô thị đang bị ảnh hưởng mạnh mẽ do biến đổi khí hậu nhưng các hoạt động bảo vệ di sản dưới tác động của biến đổi khí hậu vẫn chưa rõ ràng. Có thể nói thách thức to lớn nhất hiện nay trong công tác bảo tồn di sản đô thị dưới tác động của biến đổi khí hậu chính là sự thiếu nhận thức về vấn đề biến đổi khí hậu của tất cả các bên liên quan. Biến đổi khí hậu – vốn là vấn đề toàn cầu – dường như đang được nhìn nhận như một câu chuyện chung chung, xa vời, hay được coi như mối đe doạ vô hình do không có những hậu quả ngay lập tức hay trực tiếp nhìn thấy được. Trong khi đó, bảo tồn di sản lại là vấn đề địa phương, do chính quyền địa phương, các chuyên gia và người dân tại khu vực trực tiếp quản lý, giữ gìn và thụ hưởng di sản. Điều này cho thấy sự cần thiết một cách tiếp cận mới trong các hoạt động bảo tồn và bảo vệ di sản dưới tác động của biến đổi khí hậu với sự chuyển giao và chia sẻ kinh nghiệm ở mức độ toàn cầu và sự tham gia hợp tác đa ngành của tất cả các bên liên quan ở mức độ địa phương, trong đó tập trung vào các hoạt động chính như giám sát, báo cáo, bảo quản, thích ứng, giảm thiểu và chia sẻ kinh nghiệm (UNESCO, 2007). Biến đổi khí hậu là một vấn đề khách quan, lâu dài và không thể can thiệp, chính vì vậy, ứng phó theo cách tiếp cận “sống chung với biến đổi khí hậu” nhấn mạnh vào ba chiến lược hành động chính: Thích ứng, giảm thiểu, và chia sẻ kinh nghiệm sẽ giúp các bên liên quan có sự chuẩn bị phù hợp để phân phối nguồn lực, xây dựng tiềm lực, thiết lập mạng lưới và đào tạo kiến thức, kĩ năng.
Để gia tăng hiệu quả cho các chiến lược hành động ứng phó biến đổi khí hậu, chúng ta cần phải:
– Tăng cường giáo dục những kiến thức cơ bản cần thiết về di sản và biến đổi khí hậu, cùng với những tri thức truyền thống, tri thức bản địa cho các bên liên quan;
– Đào tạo về các tác động của biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu trong bảo tồn, cụ thể là phát triển các bài học địa phương, giám sát, quản lý và ứng phó khẩn cấp;
– Nghiên cứu hỗ trợ việc ra quyết định của quốc gia/khu vực;
– Đánh giá lại mức độ ưu tiên của công tác quản lý để ứng phó với biến đổi khí hậu;
– Giám sát và bảo trì nghiêm ngặt và liên tục;
– Phải có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là người dân sống trong di sản và khu vực di sản.
Vai trò của di sản đô thị nhằm giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu
Bên cạnh những giải pháp từ bên ngoài, tự thân di sản cũng có thể tham gia góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Tôn trọng phương pháp thiết kế truyền thống trong việc bảo tồn và xây dựng mới chính là chìa khoá để kế thừa và phát huy những giá trị của công trình di sản trong giảm thiểu biến đổi khí hậu. Mỗi công trình di sản là một kho kinh nghiệm thiết kế với nhiều tính năng bền vững phù hợp với với từng khí hậu và địa điểm. Với việc sử dụng các vật liệu truyền thống cùng với các nguyên tắc thiết kế khai thác tối đa lợi thế của hướng, thông gió và ánh sáng tự nhiên, giải pháp kiến trúc của các công trình di sản là công cụ hữu hiệu nhằm cắt giảm khí thải Carbon, tiết kiệm đáng kể năng lượng, chi phí xây dựng, vận hành và bảo dưỡng công trình. Khi khôi phục và tái sử dụng có hiệu quả, các tính năng này có thể giúp tiết kiệm năng lượng đáng kể, cung cấp những bài học có giá trị về thích nghi với khí hậu cho hoạt động xây dựng hiện nay, kết hợp cùng với công nghệ mới, bền vững.
Bên cạnh vai trò và giá trị của từng công trình riêng lẻ, cấu trúc không gian của các đô thị cổ cũng đóng góp một phần không nhỏ trong việc đề xuất các ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị nhân văn và thân thiện với môi trường, giảm thiểu nhu cầu năng lượng, nhiên liệu, và phát thải Carbon. Đây là những cấu trúc không gian nhỏ, mật độ cao, có tỉ lệ công trình và đường phố phù hợp với con người, khuyến khích đi bộ và có bán kính phục vụ phù hợp với việc đi bộ (khu phố cổ Hội An, khu phố cổ Hà Nội). Có thể ứng dụng những đặc điểm cấu trúc của các khu vực lịch sử để đề xuất xây dựng hay đầu tư thiết lập các khu vực sinh sống ưu tiên đi bộ với những tuyến phố đi bộ, tuyến xe đạp trong các cộng đồng dân cư với các tiện ích và dịch vụ hỗ trợ người dân, nhằm khuyến khích đi bộ và hạn chế việc sử dụng phương tiện giao thông cơ giới, góp phần vào mục tiêu giảm phát thải Carbon với chi phí thấp, đồng thời giảm áp lực phát triển lên các không gian mở và đất nông nghiệp.
Lắng nghe tri thức bản địa từ những di sản sống
Di sản sống là “các tập quán, biểu hiện, diễn đạt, kiến thức, kĩ năng – cũng như các công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và các không gian văn hoá liên quan – trong đó cộng đồng, các nhóm dân cư, và cá nhân (trong một số trường hợp) được công nhận như một phần của di sản văn hoá của họ” (UNESCO). Nó được “truyền từ đời này sang đời khác, không ngừng tái tạo bởi cộng đồng để đáp ứng với môi trường, tương tác với thiên nhiên và lịch sử, đem lại cho người dân cảm nhận về bản sắc và tính liên tục, từ đó thúc đẩy sự tôn trong đa dạng văn hoá và sự sáng tạo của con người” (UN Agencies UNESCO, 2003). “Sự khác biệt giữa di sản và di sản sống đó là một bên là lịch sử, một bên đang sống, năng động và thay đổi và bạn cần phải nắm lấy sự thay đổi” (Shriji Arvind Singh Mewar, 2012).
Di sản sống thúc đẩy “cách tiếp cận bảo tồn lấy con người làm trung tâm” trong đó:
– Tôn trọng sự đa dạng;
– Tập trung vào cả quá khứ và hiện tại;
– Ảnh hưởng của di sản tới cuộc sống đương đại và làm thế nào nó có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân;
– Tôn trọng tiếng nói của người dân trong việc bảo tồn và quản lý di sản;
– Việc cải thiện mối quan hệ giữa di sản và người dân;
– Xem xét đến tác động của toàn cầu hóa đối với môi trường sống như các trung tâm đô thị lịch sử và cảnh quan văn hóa;
– Thừa nhận sự giám sát, theo dõi của người dân trong việc chăm sóc và bảo vệ di sản dài hạn;
– Mối liên kết giữa di sản với sự phát triển xã hội bền vững” (ICCROM, UNESCO).
Cách tiếp cận này mở ra lộ trình đưa người dân tham gia vào công tác bảo tồn và gìn giữ di sản đô thị, đặc biệt là những người dân sống trực tiếp tại công trình di sản và các khu vực đô thị lịch sử. Điều này có ý nghĩa đặc biệt trong việc bảo vệ và giữ gìn di sản, vận dụng những kinh nghiệm và kiến thức bản địa của người dân địa phương – những người cũng chịu tổn thương dưới tác động của biến đổi khí hậu. Một nghiên cứu về biến đổi khí hậu và nhà ở tại khu vực dân cư ven mặt nước tại Cần Thơ, đồng bằng sông Cửu Long cho thấy sự tổn thương của người dân và các loại hình nhà ở của họ trước sự đe doạ của lũ lụt hàng năm, đồng thời cũng chỉ ra khả năng thích ứng và khả năng tự phục hồi của cộng đồng trước thiên tai (Nga, 2015). Qua những chỉ số về sự tổn thương, khả năng thích ứng và khả năng tự phục hồi, những tri thức và kinh nghiệm của người dân bản địa chính là yếu tố then chốt trong việc xây dựng những bài học chung sống với thiên tai và giảm thiểu những tác động tiêu cực đến cơ sở vật chất cũng như đời sống hàng ngày của người dân. Những bài học này chính là nền tảng để phát triển các chiến lược hành động với sự tham gia của cộng đồng nhằm bảo tồn di sản và giữ gìn tri thức bản địa trong bối cảnh ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu.
Kết luận
Bảo tồn di sản đô thị là những hoạt động đặc thù, với rất nhiều cấp độ, mức độ, kỹ thuật và nhiều bên liên quan khác nhau. Bảo tồn di sản đô thị đặt trong bối cảnh phát triển đô thị bền vững và biến đổi khí hậu lại càng phức tạp hơn nữa với nhiều biến số ẩn và chưa cụ thể trên một chặng đường dài. Việc bảo tồn các di sản kiến trúc đô thị dưới tác động của biến đổi khí hậu sẽ không như nhiều người lầm tưởng là một hoạt động kiến trúc đơn thuần mà nó chính là một dự án về con người, cho con người và vì con người. Bài viết khuyến nghị cách tiếp cận bảo tồn di sản từ dưới lên (bottom-up), từ góc độ bản thân di sản và với sự tham gia của cộng đồng nhằm chung tay trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị của di sản song song với việc thích ứng với sự thay đổi của khí hậu và môi trường. Sử dụng và khai thác nguồn lực từ cộng đồng gồm nguồn nhân lực, kinh nghiệm và tri thức truyền thống sẽ giúp bổ khuyết cho chiến lược tổng thể bảo tồn và gìn giữ di sản ở cấp độ cá nhân và cộng đồng, cùng với sự hỗ trợ về nguồn lực và chia sẻ kinh nghiệm từ cấp độ toàn cầu và khu vực.
———————————
Tài liệu tham khảo:
– Hoa, T. Q., Loan, P. T., & Nga, N. P. (2006). Đánh giá cảnh quan không gian đường phố khu phố cổ Hà Nội nhằm thiết lập khung hướng dẫn thiết kế đô thị không gian đường phố và khôi phục đặc trưng tuyến phố. Hà Nội Đại học Xây Dựng
– Loan, P. T., & Nga, N. P. (2006). Đánh giá điều kiện sống trong khu phố cổ Hà Nội. Các định hướng cải tạo và nâng cấp. Hà Nội Đại học Xây Dựng
– Nga, N. P. (2015). Deltaic Urbanism to living with flooding in Southern Vietnam Queensland University of Technology Brisbane
– Ngữ, N. Đ. (2008). Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở Việt Nam
– Ninh, N. H., Trung, V. K., & Niem, N. X. (2007). Flooding in Mekong River Delta, Viet Nam. UNDP, Hanoi
– Steinberg, F. (1996). Conservation and rehabilitation of urban heritage in developing countries. Habitat International, 20(3), 463-475.
– UNESCO (2007). Climate Change and World Heritage: UNESCO World Heritage Centre.
WB (2013). Turn down the heat : climate extremes, regional impacts, and the case for resilience (Vol. 1). Washington DC.
Yusuf, A. A., & Francisco, H. (2009). Climate change vulnerability mapping for Southeast Asia. Economy and Environment Program for Southeast Asia
Theo TẠP CHÍ KIẾN TRÚC
Tags: Biến đổi khí hậu, Đô thị