Lời tiên tri của Rosa Luxemburg về sự tàn phá của chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa

Tác phẩm Sự Tích lũy Tư Bản (Accumulation of Capital) của Rosa Luxemburg đã mô tả sự tàn phá mà chủ nghĩa tư bản đã gây ra cho vùng mà ngày nay chúng ta gọi là Bán cầu Nam. Các nhà hoạt động xã hội chủ nghĩa và môi trường ngày nay có thể rút ra những hiểu biết sâu sắc có giá trị từ những kiến thức của Luxemburg về hệ thống thế giới.

Tác giả: Giáo sư Peter Hudis.

Nguồn: Rosa Luxemburg Anticipated the Destructive Impact of Capitalist Globalization / Jacobin.com / 29/07/2023.

Biên dịch: Sally Mju / Vnmarxist.com.

Trong những thập kỷ gần đây, hiếm có vấn đề nào có tầm quan trọng to tát hơn các tác động tàn phá của chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa đối với người dân bản địa, các mối quan hệ xã hội phi hàng hóa và môi trường tự nhiên. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi mối quan tâm trở lại đối với một trong những phân tích nổi bật về hiện tượng này: tác phẩm năm 1913 của Rosa Luxemburg Sự Tích Lũy Tư Bản: Đóng góp cho lý thuyết phê phán kinh tế của chủ nghĩa đế quốc.

Cuốn sách của Luxemburg được xuất bản vào đêm trước Thế chiến thứ nhất, nhưng một số chủ đề trong đó đặc biệt phù hợp với thời đại chúng ta. Một bản dịch tiếng Anh mới, được cải tiến nhiều đã được dịch  trong thập kỷ qua như một phần của dự án xuất bản các tác phẩm hoàn chỉnh của bà. Trong bài luận này, tôi sẽ giới thiệu ngắn gọn về những lập luận chính mà Luxemburg đưa ra về động lực của chủ nghĩa tư bản và thảo luận cách áp dụng chúng vào hệ thống ngày nay.

Lời tiên tri của Rosa Luxemburg về sự tàn phá của chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa

Chân dung Rosa Luxemburg tại cuộc biểu tình phản đối Chiến tranh Việt Nam ở Berlin. Ảnh: Rogge & ullstein bild / Getty Images.

Chủ nghĩa Marx và chống chủ nghĩa thực dân

Rosa Luxemburg là một nhà theo chủ nghĩa quốc tế xuất sắc, người nổi tiếng với những phê phán mang tính đột phá về chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc. Là một phụ nữ Do Thái lớn lên ở Ba Lan do Nga chiếm đóng, bà nhận thức sâu sắc rằng sự thống trị của thực dân là một hành vi xúc phạm đến nhân loại.

Sự phản đối của bà đối với chủ nghĩa thực dân chỉ ngày càng sâu sắc hơn khi giai đoạn toàn cầu mới của chủ nghĩa đế quốc nổi lên trong những năm trước khi bà chuyển đến Đức vào năm 1898, nơi bà trở thành nhân vật chủ chốt trong Quốc tế hai. Từ những bài viết đầu tiên của mình, Luxemburg đã quyết tâm chỉ ra rằng chủ nghĩa tư bản Âu-Mỹ tàn phá các dân tộc bản địa và các hình thái xã hội trong thế giới bên ngoài phương Tây, không phải là một đặc điểm ngẫu nhiên hay thứ yếu của tích lũy tư bản, mà là điều kiện tiên quyết cơ bản của nó. (Nó phải xâm chiếm và phá hoại các dân tộc, xã hội khác để tích lũy thêm nhiều tiền bạc, của cải – N.D).

Bà không đơn độc trong nỗ lực phê phán này. Quốc tế thứ hai bao gồm nhiều khuynh hướng khác nhau, từ những người theo chủ nghĩa cải lương hoặc thậm chí ủng hộ chủ nghĩa thực dân cho đến những người theo chủ nghĩa Marx cách mạng cũng đã lên án chống lại việc cướp bóc và phá hoại các xã hội khác. Karl Kautsky, được coi là “Giáo hoàng của chủ nghĩa Marx” trước năm 1914, đã đưa ra nhiều lời lên án mạnh mẽ chủ nghĩa đế quốc, cho rằng các cuộc nổi dậy chống thực dân ở Trung Quốc và Ấn Độ có thể truyền cảm hứng cho phong trào lao động châu Âu tiến sâu hơn vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản.

Heinrich Cunow, người dạy cùng với Luxemburg tại trường của Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) ở Berlin, là tác giả của một bài phân tích về sự hình thành cộng đồng ở vùng Andean của Nam Mỹ, lập luận rằng “phần lớn lý tưởng Đảng Dân chủ Xã hội phấn đấu, chưa bao giờ đạt được, nhưng người Inca đã thực hiện được trên thực tế.” Và Vladimir Lenin, người dành 2/3 sự nghiệp chính trị của mình, là thành viên của Quốc tế thứ hai, đã viết một nghiên cứu nổi tiếng cho rằng chủ nghĩa đế quốc gắn bó chặt chẽ với sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản độc quyền.

Do đó,một số người trong những năm gần đây cho rằng, các nhà Marxist cách mạng của thời đại chỉ ưu tiên giai cấp công nhân châu Âu, không quan tâm đến lợi ích của “những kẻ khốn khổ trên trái đất” ở Bán Cầu Nam, rõ ràng là không hợp lý. Tuy nhiên, Luxemburg đã đi xa hơn những người theo chủ nghĩa Marx khác cùng thời, khi đưa ra những phân tích được cho là toàn diện và phức tạp nhất về mặt lý thuyết, về mối liên hệ giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc trong cuốn Sự Tích lũy tư bản.

Rào cản tích lũy

Cuốn sách đồ sộ này – được bổ sung bởi cuốn Anti-Critique của bà, được viết hai năm sau đó – là sản phẩm của nhiều năm suy ngẫm về một vấn đề quan trọng trong lý thuyết kinh tế. Động lực của chủ nghĩa tư bản nhằm tối đa hóa lợi nhuận, và nó có xu hướng diệt trừ bất kỳ giới hạn nào của con người hoặc tự nhiên cản trở nó. Khi làm như vậy, nó cũng có xu hướng đàn áp những yêu cầu về tăng lương và điều kiện sống tốt hơn , vì điều là những thứ đe dọa đến việc tối đa hóa lợi nhuận.

Vì giá trị của hàng hóa chỉ được hiện thực hóa khi chúng được đưa ra thị trường và được tiêu thụ, đây là điều kiện tiên quyết cho việc tích lũy tư bản một cách liên tục và với quy mô lớn. Vậy thì cái gì hoặc ai cung cấp sức mua để giá trị của sản phẩm thặng dư có thể được tái đầu tư một cách hiệu quả? Theo phân tích của Luxemburg, rõ ràng giai cấp công nhân đã sản xuất sản phẩm vượt qua cả sức mua của họ, nên họ không thể cung cấp được sức mua. Nhà tư bản cũng không thể cung cấp được sức mua bằng cách tiêu thụ hàng hóa xa xỉ được, số lượng này tương đối ít (ngay cả khi lòng tham của chúng là vô hạn).

Lần đầu tiên bà giải quyết vấn đề vào năm 1899:

Xu hướng dẫn đến khủng hoảng xuất phát từ một thực tế đơn giản và không thể chối cãi rằng việc mở rộng không ngừng là điều kiện tiên quyết cho sự tồn tại của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, và mặc dù [động lực] việc mở rộng này là vô hạn, nhưng vẫn có những giới hạn đối với mỗi quốc gia cụ thể, liên quan đến khả năng bán hàng trên thị trường trong và ngoài nước. Mâu thuẫn giữa việc mở rộng sản xuất và những giới hạn của thị trường, trong đó chủ nghĩa tư bản thất bại ở điểm quan hệ mua bán của chính nó, cuối cùng tất yếu, một thời điểm mà xã hội không thể tiếp nhận được chủ nghĩa tư bản nữa và sự chuyển đổi xã hội chủ nghĩa trở thành một điều cần thiết ở mức độ bình đẳng.

Tất nhiên, chủ nghĩa tư bản cố gắng vượt qua những giới hạn này – động lực tối đa hóa lợi nhuận buộc nó phải làm như vậy. Nhưng làm thế nào nó có thể tìm được sức mua cần thiết để giữ cho hệ thống không chỉ vận hành ở trạng thái cân bằng ổn định (“tái sản xuất đơn giản”) mà còn tăng trưởng liên tục (“tái sản xuất mở rộng”)?

Câu hỏi này hiện lên trong đầu Luxemburg khi bà chuyển sang nghiên cứu chuyên sâu về các xã hội ngoài phương Tây từ năm 1907 đến năm 1912, khi bà dạy lý thuyết Marxist và lịch sử kinh tế tại trường SPD ở Berlin. Trực giác của bà cho rằng chủ nghĩa tư bản không thể thoát khỏi khủng hoảng bằng cách dậm chân tại chỗ ở sân nhà của nó, bà đã khám phá một loạt các xã hội tiền tư bản – Hy Lạp và La Mã cổ đại, phong kiến Châu Âu – cũng như những xã hội phi tư bản vẫn còn tồn tại trong thời đại của bà.

Những người này bao gồm thổ dân Australia, Đế chế Lunda ở trung nam châu Phi, người Kabyles và người Ả Rập ở Bắc Phi, người Iroquois và Seri ở Bắc Mỹ. Các xã hội khác mà Luxemburg tính đến là Botocudo và Bororó ở Nam Mỹ, Aka, Twa và Chewa ở Trung Phi, và Mincopie, Kubu và Aeta ở Nam và Đông Á. Viết vào thời điểm mà hầu hết người châu Âu – bao gồm nhiều người theo chủ nghĩa xã hội – nhấn mạnh đến “sự thấp kém” của các dân tộc không thuộc phương Tây, bà chỉ ra những đóng góp tích cực mà hình thức sống chung của họ đã tạo ra.

Đối với Luxemburg, “quyền sở hữu công cộng đối với các phương tiện sản xuất, sẽ là nền tảng cho một nền kinh tế được tổ chức chặt chẽ, mang lại quá trình lao động xã hội hiệu quả nhất và sự đảm bảo tốt nhất cho tính liên tục và phát triển của xã hội đó trong nhiều thời đại”. Bà khám phá những sự hình thành như vậy với mục đích tìm hiểu được bản chất của một xã hội chủ nghĩa trong tương lai, bà đã chỉ trích không thương tiếc động lực của chủ nghĩa tư bản phương Tây nhằm làm suy yếu và tiêu diệt các xã hội sở hữu công. Phần lớn các ghi chú, bài giảng và bài luận của bà về chủ đề này chỉ được phát hiện tương đối gần đây và xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2013 dưới dạng bản dịch tiếng Anh trong tập một trong Tác phẩm hoàn chỉnh của bà. (The completed work of Rosa Luxemburg books)

Mở rộng sự tái sản xuất

Luxemburg đã tóm tắt các nghiên cứu của bà trong bản thảo cuốn Nhập môn Kinh tế Chính trị (Introduction to Political Economy  ) năm 1911 – một trong những cuốn sách quan trọng nhất của bà, chỉ được xuất bản sau khi bà qua đời. Bà lập luận rằng phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa “vẫn có thể đạt được sự mở rộng mạnh mẽ” bằng cách lấn chiếm và đàn áp các hình thức sản xuất bị coi là “lạc hậu” theo tiêu chí của chủ nghĩa tư bản:

Nhưng chính nhờ sự phát triển này mà chủ nghĩa tư bản bị vướng vào một mâu thuẫn cơ bản. Nền sản xuất tư bản chủ nghĩa càng thay thế những hình thức lạc hậu hơn thì những giới hạn do lợi nhuận đặt ra trên thị trường càng chặt chẽ hơn, làm hạn chế nhu cầu mở rộng của các doanh nghiệp tư bản hiện có. Vấn đề trở nên rõ ràng hơn nếu chúng ta tưởng tượng trong giây lát rằng sự phát triển của chủ nghĩa tư bản đã tiến triển đến mức trên toàn Trái đất, mọi thứ mà con người sản xuất đều được sản xuất theo phương pháp tư bản, tức là xuất hiện rõ ràng về tư nhân, tư bản, và  những người làm công ăn lương hiện đại trong các doanh nghiệp lớn. Lúc này sự bất khả thi mờ rộng thị trường của chủ nghĩa tư bản xuất hiện rõ ràng.

Trong quá trình nghiên cứu sâu hơn vấn đề này trong cuốn Sự Tích lũy tư bản, Luxemburg trở nên hết sức bất mãn với thảo luận của Marx về việc mở rộng tái sản xuất tư bản ở cuối tập hai của Tư bản. Marx chưa hoàn thành cuốn sách này khi ông qua đời vào năm 1883 và nó đã được Friedrich Engels biên tập để xuất bản vào năm 1885.

Trong phần ba, tập thứ hai của Tư bản, Marx đã đưa ra một loạt các công thức toán học nhằm giải thích một mô hình trừu tượng về sự tái sản xuất mở rộng của toàn bộ xã hội tư bản. Khi làm như vậy, ông đã giả định – “vì mục đích đơn giản hóa” – các cuộc khủng hoảng thương mại nước ngoài và hiện thực hóa, toàn bộ thành một xã hội tư bản duy nhất. Marx hoàn toàn hiểu rằng mô hình này không chiếm ưu thế trong thế giới “thực”: ông luôn khẳng định rằng quy luật giá trị là quy luật của thị trường thế giới. Như ông đã viết trong tập hai: “Sự lưu thông của tư bản công nghiệp được đặc trưng bởi tính chất nhiều mặt, nhiều nguồn gốc và sự tồn tại của thị trường với tư cách là thị trường thế giới”.

Marx đưa ra những “giả định đơn giản hóa” này không phải để phủ nhận động lực thống trị toàn cầu của chủ nghĩa tư bản mà để tập trung vào những gì ông coi là đặc điểm cơ bản của nó: sự vượt trội của phương tiện sản xuất so với phương tiện tiêu dùng, hay sự thống trị của lao động chết (tư bản cố định) hơn lao động sống (trong chủ nghĩa tư bản có dạng tư bản khả biến). Tuy nhiên, đối với Luxemburg, lược đồ còn dang dở của Marx – ông đã sửa lại nó vào cuối năm 1881 – đã không giải thích được sự cấp thiết của chủ nghĩa tư bản khi tham gia vào quá trình bành trướng của chủ nghĩa đế quốc.

Lời phê phán của Luxemburg đối với Marx trong Sự Tích lũy tư bản thường bị xuyên tạc, có lẽ vì nhiều người dường như không chịu khó đọc toàn bộ tác phẩm hoặc làm quen với tập hai của Tư bản. Tuy nhiên, Luxemburg tuyên bố rõ ràng rằng cuốn sách của bà không bao gồm một lời phê phán khái quát về Marx, mà là giải quyết (như bà đặt tên nó là “Chống phê phán” – “Anti Critique”) “một câu hỏi lý thuyết thuần túy về một vấn đề kỹ thuật phức tạp liên quan đến phân tích khoa học trừu tượng.”

Bà ấy không nói Marx là người lấy Châu Âu làm trung tâm, và không nói rằng Marx không ủng hộ các cuộc đấu tranh chống thực dân, hay tôn vinh “sứ mệnh văn minh hóa” của Tư Bản trong việc tiếp quản và “hiện đại hóa” thế giới phi phương Tây. Bà hoàn toàn nhận thức được rằng Marx đã gắn sự ra đời và mở rộng của chủ nghĩa tư bản với nạn buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương và nhắc đến chủ nghĩa thực dân trong các tác phẩm như The Poverty of Philosophy (1847) và tập một của Tư bản (1867).

Luxemburg cũng không buộc tội Marx phớt lờ hoặc coi thường những đau khổ do chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa thực dân gây ra cho người dân bản địa. Thay vào đó, bà cho rằng mô hình trừu tượng về tái sản xuất mở rộng của ông ở cuối tập hai không phù hợp với những phân tích của ông về đặc điểm toàn cầu của chủ nghĩa tư bản.

Điều này khiến bà vô cùng lo lắng, vì hầu hết những người chỉ trích bà và những người trong Quốc tế hai đều lấy mô hình này của Marx về sự trừu tượng của ông về ngoại thương, và các hiện thực hóa các cuộc khủng, đều chỉ là về nguyên tắc, và  tích lũy tư bản có thể tiếp tục mãi mãi. Nếu hiểu Marx như vậy, Luxemburg lập luận – thì việc tạo ra một xã hội xã hội chủ nghĩa không phải là một nhu cầu lịch sử mà chỉ đơn thuần là một mong muốn ngoan đạo.

Nhu cầu hiệu quả

Phân tích của Luxemburg tập trung vào nhu cầu thực tế. Vì giá trị của hàng hóa không thể được hiện thực hóa (và do đó đi vào mạch tư bản) trừ khi chúng được mua và tiêu thụ, nên việc công nhân và nhà tư bản trong một xã hội tư bản nhất định, họ mà không có khả năng mua bán và tiêu thụ hiệu quả thì có nguy cơ làm giảm tích lũy tư bản

Chủ nghĩa tư bản nỗ lực khắc phục xu hướng sản xuất thừa và tiêu thụ dưới mức này bằng cách tìm kiếm – và tạo ra – nhu cầu hiệu quả mà nó cần trong thế giới phi tư bản chủ nghĩa (ngoài xã hội phương Tây). Nó phá hủy các nền kinh tế “tự nhiên” tiền tư bản dựa trên các mối quan hệ xã hội tự cung tự cấp, phi tiền tệ và biến chúng thành các công cụ hỗ trợ cho việc tích lũy tư bản. Nó làm như vậy bằng bạo lực, lừa đảo, lừa dối và trong một số trường hợp là diệt chủng – bản thân thuật ngữ này không tồn tại vào thời Luxemburg, nhưng lời chỉ trích gay gắt của bà về nỗ lực tiêu diệt người Nama và Herero ở Tây Nam Phi của chủ nghĩa đế quốc Đức đã chỉ ra chính xác quá trình.

Chủ nghĩa tư bản phá hủy các nền kinh tế ‘tự nhiên’ tiền tư bản dựa trên các mối quan hệ xã hội tự cung tự cấp, phi tiền tệ và biến chúng thành các công cụ hỗ trợ cho việc tích lũy tư bản.

Theo Luxemburg, chúng ta không thể giải thích những hành động đó dựa trên động cơ chủ quan của “những nhà tư bản xấu” (làm gì có nhà tư bản nào tốt?). Chủ nghĩa đế quốc chủ yếu không được thúc đẩy bởi chính trị hay hệ tư tưởng, mặc dù rõ ràng cả hai đều đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình này. Nó được thúc đẩy bởi logic của chính tư bản. Đó là lý do tại sao nó được chấp nhận bởi cả hai hình thức chủ nghĩa tư bản chuyên quyền và “dân chủ”.

Buộc nông dân rời bỏ ruộng đất; phá hủy các quan hệ xã hội cộng đồng bản địa và bắt họ phải bán sức lao động để lấy tiền công; buộc họ sử dụng số tiền lương đó (tối thiểu) để mua hàng hóa được sản xuất tại đô thị đế quốc thay vì tự họ sản xuất – Luxemburg lập luận rằng tất cả những điều này và hơn thế nữa là cách chủ nghĩa tư bản đạt được nhu cầu thực tế mà nó không có được.

Một trong nhiều ví dụ là những gì người Anh đã làm với Ấn Độ: trước khi họ đến, Ấn Độ là nước sản xuất hàng dệt may tự cung tự cấp, nhiều loại có chất lượng tốt nhất. Chủ nghĩa đế quốc Anh đã phá hủy ngành dệt may của Ấn Độ để có được thị trường mới cho hàng dệt may được sản xuất tại Manchester. Không phải vô cớ mà người dân Ấn Độ tránh nhập khẩu hàng của Anh, bằng cách tự may quần áo ở nhà, là một phần trọng tâm của chiến dịch giành độc lập dân tộc cho Ấn Độ.

Một ví dụ khác đến từ sự cai trị của Anh đối với Ai Cập. Anh cố tình cung cấp các khoản vay lãi suất cao cho các nhà cai trị chuyên quyền của Ai Cập, nhà nước Ai Cập không thể trả lại các khoản vay, họ đã tiến hành bán bớt đất công của đất nước cho các nhà đầu tư tư nhân. Các chi tiết cụ thể có thể khác nhau tùy theo thời gian và địa điểm, nhưng Luxemburg sẽ không ngạc nhiên khi thấy quá trình này xảy ra trên khắp bán cầu Nam ngày nay, ngay cả khi thủ phạm không chỉ còn là  các nhà tư bản phương Tây, mà tư bản Nhật Bản và Trung Quốc cũng có liên quan.

Lao động chết và sống

Cuốn Sự tích lũy tư bản của Luxemburg đang nhận được sự lắng nghe mới từ các nhà hoạt động và nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa, các nhà hoạt động phi thực dân và chống phân biệt chủng tộc đương thời, vì nó thừa nhận mối liên hệ nội tại giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc – và theo ngụ ý, giữa phân biệt chủng tộc và tích lũy tư bản, mặc dù bà không nói rõ ràng lý thuyết sau này. Như bà ấy viết trong Sự tích lũy tư bản:

Mặc dù đúng là chủ nghĩa tư bản tồn tại từ những hình thái phi tư bản chủ nghĩa, nhưng nói chính xác hơn là nó đang sống trong sự tàn lụi của chính nó; nói cách khác, trong khi môi trường phi tư bản là không thể thiếu cho sự tích lũy tư bản, cung cấp mảnh đất màu mỡ cho nó, thì trên thực tế, sự tích lũy tư bản lại gây thiệt hại cho môi trường này và liên tục nuốt chửng bản thân nó do các hậu quả về sau. Về mặt lịch sử, tích lũy tư bản là một quá trình trao đổi chất xảy ra giữa các phương thức sản xuất tiền tư bản chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa: tức là, tích lũy tư bản không thể tiến hành nếu không có các phương thức sản xuất tiền tư bản chủ nghĩa này, tuy nhiên, về mặt này, tích lũy chính là việc tư bản dần dần nuốt chửng và đồng hóa các phương thức sản xuất tiền tư bản. Theo đó, tích lũy tư bản không thể tồn tại nếu không có các tổ chức phi tư bản chủ nghĩa, cũng như những tổ chức này không thể tồn tại cùng với nó. Chỉ trong sự xói mòn liên tục và ngày càng tăng của các hình thái phi tư bản này thì các điều kiện tồn tại của tích lũy tư bản mới được tạo ra.

Kohei Saito gần đây đã lập luận rằng việc Luxemburg viện dẫn mối quan hệ trao đổi giữa phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và tiền tư bản chủ nghĩa chứa đựng một sự phê phán sinh thái ngầm đối với chủ nghĩa tư bản: “Luxemburg đã tìm ra giới hạn tuyệt đối đối với tư bản trong sự phụ thuộc của nó vào kiểu trao đổi bất bình đẳng này với Toàn cầu Nam”.

Michał Kalecki, nhà kinh tế học nổi tiếng người Ba Lan, từng nói rằng Sự tích lũy tư bản cung cấp “công thức rõ ràng nhất về vấn đề cầu hiệu quả cho đến thời Keynes”. Luxemburg có thể sẽ cảm thấy thích thú nếu bà sống để chứng kiến điều đó và thấy mình được khen ngợi vì đã đoán trước được công việc của của nghĩa tư bản, và bà được xem là người cứu chủ nghĩa tư bản, trong khi mục đích của bà là phá hủy nó.

Nhưng có nhiều lý do quan trọng hơn để đặt câu hỏi về vai trò trung tâm của nhu cầu thực tế trong Sự Tích lũy tư bản. Nhu cầu thực tế hoạt động ở cấp độ thị trường và thị trường là sự biểu hiện của các mối quan hệ sản xuất cơ bản. Trọng tâm của vấn đề sau là sự thống trị của tư bản cố định (lao động chết, máy móc, v.v.) so với tư bản khả biến.

Tối đa hóa lợi nhuận có nghĩa là nâng cao năng suất lao động và điều này đạt được tốt nhất bằng cách thay thế lao động sống bằng các thiết bị tiết kiệm lao động. Kết quả là, nguồn giá trị duy nhất, sức lao động, giảm đi tương ứng với lượng tư bản tích lũy và có xu hướng giảm tỷ suất lợi nhuận.

Đối mặt với vấn đề này, các nhà tư bản phản ứng bằng cách giảm đầu tư vào các lĩnh vực ít sinh lời hơn, chẳng hạn như trong thời kỳ suy thoái. Điều này dẫn đến tình trạng sa thải và giảm mức sống của người lao động. Có vẻ như, từ quan điểm hiện tượng của thị trường, việc thiếu nhu cầu thực tế là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng. Nhưng trên thực tế, việc thiếu cầu hiệu quả thực chất là hậu quả của khủng hoảng sản xuất.

Các nhà tư bản nỗ lực chống lại sự suy giảm tỷ suất lợi nhuận bằng cách tăng tỷ lệ khai thác, chuyển các cơ sở sản xuất sang các khu vực có mức lương thấp, sử dụng công nghệ để khai thác tài nguyên thiên nhiên hiệu quả hơn, v.v. Do đó, chúng ta có thể thấy chủ nghĩa đế quốc chủ yếu được thúc đẩy không phải do thiếu nhu cầu thực tế mà do sự thúc đẩy của tư bản nhằm nhấn mạnh sự thống trị của người chết đối với lao động sống.

Một hệ thống khép kín

Luxemburg bác bỏ quan điểm này vì đang sống trong thời đại mà chủ nghĩa tư bản tràn ngập siêu lợi nhuận từ chủ nghĩa đế quốc. Tuy nhiên, trớ trêu thay, chính những “giả định đơn giản hóa” của Marx ở cuối tập hai của Tư bản lại tạo cơ sở cho việc lý thuyết hóa mối liên hệ giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc ngày nay.

Khi khối lượng tư bản tích lũy tăng lên đến mức khổng lồ, trong khi tình trạng lao động không có việc làm hoặc thiếu việc làm vẫn tiếp tục gia tăng, chủ nghĩa tư bản gặp phải tình trạng siết chặt lợi nhuận. Tư Bản đã dùng cách tốt nhất để thử và chống lại xu hướng này, đó là tăng cường khai thác (bóc lột) Nam toàn cầu, nơi có số lượng nông dân lớn nhất vẫn còn gắn bó với đất đai và tỷ lệ lớn của cải tự nhiên chưa được tiếp cận?

Lập luận cho rằng tích lũy tư bản phụ thuộc vào sự tồn tại của các xã hội phi tư bản có thể hợp lý vào thời Luxemburg, khi phần lớn thế giới chưa phải là tư bản. Tuy nhiên, ngày nay hầu như toàn bộ thế giới đều là tư bản chủ nghĩa, vậy làm thế nào việc tích lũy tư bản có thể tiếp tục trong một thế giới hoàn toàn tư bản chủ nghĩa?

Người ta có thể lập luận rằng vẫn còn những khu vực phi tư bản trong các xã hội tư bản, nhưng điều này khó có thể đưa ra câu trả lời thỏa đáng. Xét cho cùng, các khu vực phi tư bản trong các xã hội phương Tây vào thời Luxemburg lớn hơn nhiều so với ngày nay, tuy nhiên bà chưa bao giờ gợi ý rằng họ có thể cung cấp sức mua cần thiết để tiêu thụ sản phẩm dư thừa.

Bà ấy không đưa ra lập luận này vì một lý do chính đáng. Vì khối lượng tư bản tích lũy trong các xã hội tư bản lớn hơn nhiều so với các xã hội phi tư bản, và các khu vực phi tư bản tương ứng cũng nhỏ hơn nhiều, nên đơn giản là các khu vực phi tư bản không có cách nào cung cấp sức mua cần thiết để tái tạo giá trị của khu vực tư bản.

Nếu vấn đề khác đi thì Luxemburg đã không cần phải viết Sự Tích lũy tư bản. Trớ trêu hay không, có vẻ như giả định lý thuyết của Marx về một xã hội tư bản khép kín bao gồm công nhân và các nhà tư bản không có “bên ngoài” chủ nghĩa tư bản đang bắt đầu phù hợp với thực tế thực tế, mặc dù các hình thái phi tư bản chủ nghĩa trong các xã hội tư bản rõ ràng vẫn tồn tại.

Cơ quan xã hội chủ nghĩa

Một vấn đề khác được đặt ra bởi lập luận trong Sự Tích lũy tư bản liên quan đến vấn đề cơ quan. Mặc dù Luxemburg cho rằng chủ nghĩa tư bản phải sụp đổ một khi nó chiếm lĩnh toàn bộ thế giới, nhưng bà ấy quá giống một nhà cách mạng nên không thể chấp nhận chủ nghĩa định mệnh như vậy. Bà nhấn mạnh rằng giai cấp vô sản sẽ vùng lên và chấm dứt chủ nghĩa tư bản “rất lâu trước khi” đạt đến điểm cuối cùng. Nhưng kết luận đó xuất phát từ lý thuyết tích lũy của bà ấy hay nó bị lôi kéo bởi một hành động ý chí?

Luxemburg cho rằng các xã hội phi tư bản hoặc bán tư bản trong đó giai cấp vô sản chỉ là thiểu số nhỏ không thể đạt được quá trình chuyển đổi sang chủ nghĩa xã hội, ít nhất là trong một thời gian dài.

Hơn nữa, cơ quan chủ quan tạo nên chủ nghĩa xã hội này lại nằm ở phương Tây tư bản chủ nghĩa. Luxemburg cho rằng các xã hội phi tư bản hoặc bán tư bản trong đó giai cấp vô sản là thiểu số nhỏ không thể đạt được quá trình chuyển đổi sang chủ nghĩa xã hội, ít nhất là trong một thời gian dài. Bà bác bỏ quan điểm cho rằng chủ nghĩa xã hội có thể được tạo ra bởi một tầng lớp lao động thiểu số, đồng thời cho rằng giai cấp nông dân không phải là xã hội chủ nghĩa vì các thành viên của họ khao khát quyền sở hữu tư nhân về đất đai.

Không giống như Marx quá cố, Luxemburg bác bỏ quan điểm cho rằng nước Nga, lúc đó có 90% là nông dân, có thể đạt được một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trên cơ sở các hình thức công xã như obshchina và mir. Bà nhiệt tình ủng hộ các cuộc nổi dậy chống thực dân, nhưng không phải với lý do họ đã hoặc có thể theo chủ nghĩa xã hội.

Luxemburg giao phó hy vọng về chủ nghĩa xã hội cho các quốc gia nơi giai cấp vô sản chiếm đại đa số dân chúng, vì đối với bà, không thể có chủ nghĩa xã hội nếu không có dân chủ và không thể có dân chủ nếu không có chủ nghĩa xã hội. Lập luận thứ hai vẫn là tuyên bố truyền cảm hứng nhất của bà. Nhưng bà đã kết hợp lý thuyết tích lũy tư bản của mình với một quan niệm quá hạn chế về các lực lượng cách mạng, điều này không có ý nghĩa gì đối với thế giới ngày nay.

Bỏ qua những hạn chế này, Tích lũy tư bản vẫn là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất từng được sáng tác về mối liên hệ không thể thiếu giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc. Giống như Luxemburg không ngừng quay lại với Marx, ngay cả khi phê phán ông, chúng ta cũng thu được nhiều điều từ cuộc gặp gỡ phê phán với tác phẩm của bà với tư cách là một nhà hoạt động cách mạng, nhà lý luận chính trị và nhà kinh tế.

Theo VNMARXIST.COM 

Tags: , ,