Vấn đề Quyền lực trong quan hệ quốc tế

Trong quan hệ quốc tế, quyền lực là khả năng của một quốc gia trong việc gây ảnh hưởng lên hành vi của quốc gia khác phù hợp với mục đích của mình. Việc đo lường quyền lực góp phần quan trọng vào việc giải thích và dự đoán hành vi của một quốc gia trong quan hệ với các quốc gia khác.

Vấn đề Quyền lực trong quan hệ quốc tế

Tác giả: Lục Minh Tuấn

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).

Quyền lực (Power) là phương tiện để bảo đảm sự an ninh và tồn tại, thực hiện lợi ích và là mục tiêu mà mọi quốc gia tìm kiếm. Quyền lực theo đó thể hiện qua khả năng của một quốc gia trong việc thực hiện một hành động nào đó. Mặc dù đối với chủ nghĩa hiện thực, quyền lực là khái niệm cốt lõi, nhưng những học giả theo trường phái này vẫn không thống nhất được với nhau cách hiểu về quyền lực. Điều này còn tuỳ thuộc vào việc nhìn nhận khái niệm quyền lực là một khái niệm mang tính tĩnh hay động.

Đối với những người cho rằng quyền lực mang tính tĩnh, họ hiểu quyền lực là sự tổng hoà của tất cả các nguồn lực về kinh tế, quân sự, khoa học công nghệ cùng nhiều yếu tố tĩnh khác của một quốc gia như tài nguyên, lãnh thổ…, từ đó cho phép một quốc gia có khả năng thực hiện một hành động nào đó. Quan niệm này dẫn đến cách hiểu về quyền lực tuyệt đối của một quốc gia. Đối với những người quan niệm quyền lực có tính động, họ đặt quyền lực của một quốc gia trong tương quan với các quốc gia khác. Qua đó, quyền lực của một chủ thể được đánh giá bằng cách đặt khả năng của chủ thể đó trong quan hệ với các khả năng của các chủ thể khác, và quyền lực từ đó có tính tương đối.

Trong quan hệ quốc tế, khi chủ thể chính là các quốc gia thì quyền lực đương nhiên được hiểu là quyền lực của quốc gia. Chính vì vậy quyền lực là khả năng của quốc gia đó trong việc gây ảnh hưởng lên hành vi của quốc gia khác phù hợp với mục đích của mình. Quan điểm này đã kết hợp được tính chất động và tĩnh của quyền lực. Đồng thời, quan điểm này cũng cho thấy việc đo lường quyền lực góp phần quan trọng vào việc giải thích và dự đoán hành vi của một quốc gia trong quan hệ với các quốc gia khác.

Các thành tố quyền lực của một quốc gia

Nhiều học giả cho rằng quyền lực của một quốc gia được nhìn nhận phụ thuộc vào các yếu tố: địa lý, dân số, kinh tế, khoa học công nghệ, quân sự và các yếu tố tinh thần. Đây cũng là những thành tố cơ bản nhất quyết định sức mạnh của một quốc gia, đồng thời cũng là thước đo hiệu quả khả năng ảnh hưởng của quốc gia đó.

Đầu tiên phải kể đến yếu tố địa lý. Đây là một thành tố lâu đời và tồn tại gắn bó nhất của quyền lực, bao gồm vị trí địa lý, diện tích đất đai, địa hình và khí hậu. Đây là những yếu tố cấu thành có ảnh hưởng tương hỗ đến quyền lực của quốc gia. Một quốc gia có vị trí địa lý thuận lợi như gần cảng biển, nằm trên những con đường thương mại sầm uất, có diện tích vừa phải, địa hình đồng bằng và khí hậu ôn hoà chắc chắn sẽ có nhiều điều kiện để phát triển, tăng cường quyền lực; nhưng đồng thời sẽ trở thành mục tiêu thâu tóm của nhiều quốc gia khác, như Trung Quốc là một điển hình. Trái lại, một vùng đất có vị trí xa xôi, diện tích rộng nhưng địa hình đồi núi gập ghềnh, khí hậu khắc nghiệt như xứ Gaul ở Châu Âu thời kỳ cổ đại sẽ gặp khó khăn trong việc hình thành một nhà nước có nền kinh tế phát triển, nhưng lại có lợi thế về việc phòng thủ chống quân thù.

Thứ hai là yếu tố dân số. Dân số mang tính chi phối đối với nhiều khả năng của một quốc gia như khả năng sản xuất, xây dựng, quốc phòng… Trong thời chiến, dân số cần thiết cho việc xây dựng lực lượng quân đội của quốc gia. Nước Pháp năm 1815 nhờ có dân số đông đảo nên đã quy tụ được một đội quân khổng lồ gần 2 triệu người, nhờ vậy đã nhanh chóng đáp trả lại sức tấn công mạnh mẽ của liên minh chống Pháp trên khắp Châu Âu. Trong thời bình, dân số cần thiết cho mọi ngành nghề từ công nông nghiệp, đến thương nghiệp. Tuy nhiên, một quốc gia đông dân không hẳn là một quốc gia hùng mạnh, mà điều này tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Hà Lan là một quốc gia có số dân trung bình ở Châu Âu, nhưng nhờ tài đi biển và khả năng kinh doanh, người dân Hà Lan đã biến quốc gia này trở thành một cường quốc hàng hải của khu vực trong thế kỷ 16.

Thứ ba là yếu tố kinh tế. Kinh tế là một trong những thành tố cơ bản của quyền lực, là công cụ để thực hiện quyền lực trong quan hệ quốc tế. Một quốc gia có nền kinh tế phát triển sẽ có khả năng chi phối các quốc gia khác bằng đồng tiền của mình. Đây là điều mà nước Anh thời cận đại đã thực hiện để xây dựng ở Châu Âu những đồng minh có thể bảo vệ quyền lợi trên lục địa của quốc gia này. Yếu tố kinh tế vì thế càng đóng vai trò quan trọng trong quan hệ quốc tế, khi các quốc gia tăng cường cạnh tranh bằng sức mạnh kinh tế thay vì thông qua chiến tranh. Những quốc gia có sự phát triển về công thương nghiệp ngày càng nắm giữ nhiều quyền lực trong tay. Thời kỳ cận đại ở Châu Âu với những phát triển về thương mại hàng hải đã lần lượt xuất hiện các cường quốc như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Thụy Điển và Anh. Những cường quốc lục địa như Pháp, Phổ, Áo với sự thua kém về phát triển kinh tế thương nghiệp đã không thể cạnh tranh với sự lớn mạnh của các cường quốc hàng hải.

Thứ tư là khoa học công nghệ. Đây cũng là một trong những yếu tố cơ bản của quyền lực, giúp tạo ra sự vượt trội một cách nhanh chóng trong tương quan về quyền lực giữa các quốc gia. Việc tận dụng được những yếu tố tiến bộ về khoa học công nghệ sẽ khiến cho một quốc gia chiến thắng sự cạnh tranh của các quốc gia khác. Chiến thắng của Hà Lan đối với Tây Ban Nha, và sau này là chiến thắng của Anh đối với Hà Lan là bằng chứng điển hình của ưu thế từ việc tận dụng được các yếu tố khoa học công nghệ. Các quốc gia như Nga và Áo, do kiềm hãm sự phát triển của khoa học công nghệ, nên phải chịu sự suy yếu trong một thời gian dài. Nhật Bản và các nước Tây Âu cũng đã tận dụng rất tốt những thành quả của việc phát triển khoa học công nghệ để vượt lên trở thành hai trong ba trung tâm kinh tế – tài chính lớn nhất thế giới, ngang hàng với Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Thứ năm là yếu tố về sức mạnh quân sự. Một đội quân hùng mạnh cũng chính là thành tố cơ bản tạo nên và tăng cường quyền lực của một quốc gia. Đây không chỉ là đòn bẩy để cấu thành quyền lực, mà còn là phương tiện để duy trì và đạt đến một quyền lực cao hơn. Một quốc gia có sự phát triển về kinh tế, nhưng không có một quân đội hùng mạnh, sớm muộn sẽ trở thành mục tiêu thôn tính của các đội quân xâm lược hùng hậu. Trường hợp của Saxony ở Châu Âu cận đại là minh chứng cho điều đó, khi những vùng này có tiềm năng phát triển công nghiệp, nhưng với một đội quân yếu kém đã sớm đưa Saxony trở thành vùng đất bị các nước lớn xâu xé. Trong khi với trường hợp của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai thì ngược lại. Với một lãnh thổ rộng lớn và mật độ dân cư thưa thớt, nếu không nhờ vào sự tinh nhuệ và tinh thần chiến đấu quả cảm của lực lượng Hồng quân thì Liên Xô sẽ đã nhanh chóng trở thành vùng chiếm đóng của quân đội Đức.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng chính là các yếu tố tinh thần, ở đây bao gồm các yếu tố tư tưởng, uy tín, văn hoá, truyền thống, khả năng lãnh đạo và công luận. Đây là những yếu tố trừu tượng, không có khả năng đo lường, nhưng có tác động mạnh mẽ đến quyền lực của một quốc gia. Đối với các quốc gia Châu Âu thế kỷ 18, yếu tố về khả năng lãnh đạo đóng vai trò tối quan trọng đối với việc vận hành một quốc gia. Đây là thế kỷ mà chính sách đối nội lẫn đối ngoại của các nước đều in đậm dấu ấn của những nhân vật lãnh đạo. Một nước Nga trong thế kỷ 18 suy yếu, lạc hậu, nhưng nhờ sự dẫn dắt của Peter Đại Đế đã tiến hành cải cách, chuyển mình thành một cường quốc hùng mạnh. Một nước Phổ chịu thiệt hại nặng nề sau chiến tranh, với sự lãnh đạo của Hoàng đế Frederick đệ Nhị, cũng nhanh chóng phục hồi và trở nên giàu có.

Các dạng quyền lực

Những thành tố trên cấu thành “quyền lực cứng” của một quốc gia. Ngày nay, người ta ngày càng nói nhiều về vai trò của quyền lực mềm, vốn được Joseph Nye, cha đẻ của khái niệm này, định nghĩa “là một loại năng lực, có thể giúp đạt được mục đích thông qua sức hấp dẫn chứ không phải ép bức hoặc dụ dỗ”. Theo Nye, sức hấp dẫn này đến từ quan điểm giá trị về văn hoá, chính trị và chính sách ngoại giao của một nước.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu như Susan Strange cũng phân quyền lực ra làm hai dạng: quyền lực quan hệ và quyền lực cấu trúc. Quyền lực quan hệ là khả năng của một chủ thể buộc chủ thể khác phải làm hoặc không được làm một điều gì đó. Trong khi đó, quyền lực cấu trúc là khả năng hình thành và quyết định cấu trúc của nền kinh tế chính trị toàn cầu cùng các quy tắc mà theo đó các quốc gia và các tổ chức quốc tế vận hành.

Quyền lực cấu trúc ít trực tiếp hơn quyền lực quan hệ, nhưng có hiệu lực hơn trong một vài tình huống. Nhiều học giả cho rằng dù Mỹ không có lợi thế nổi trội về quyền lực quan hệ trong thế giới ngày nay như trong những năm đầu sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, nhưng Mỹ vẫn là quốc gia lãnh đạo trong số các quốc gia dân chủ công nghiệp và nắm trong thay rất nhiều quyền lực cấu trúc. Ví dụ, trong tương quan quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc, mặc dù cả hai nước đều có quyền lực quan hệ khá lớn dưới dạng “cây gậy” để trừng phạt và “củ cà rốt” để khen thưởng, nhưng Mỹ có lợi thế hơn về quyền lực cấu trúc trong cuộc mặc cả với Trung Quốc. Cụ thể, Mỹ có ưu thế hơn trong việc gây ảnh hưởng tới vị thế của Trung Quốc trong hệ thống quốc tế thông qua việc sử dụng ảnh hưởng của mình ở các tổ chức quốc tế quan trọng như WTO, WB, IMF. Chính vì vậy có thể nói quyền lực cấu trúc có thể bổ sung hoặc thay thế cho quyền lực quan hệ. Trong những cuộc mặc cả giữa hai siêu cường, quyền lực cấu trúc sẽ có hiệu lực hơn quyền lực quan hệ do quyền lực cấu trúc ít có khả năng gây đối đầu và dẫn tới sự trả đũa lẫn nhau hơn so với quyền lực quan hệ.

Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ

Tags: ,