Nhận thức đúng bản chất của cái gọi là ‘cách mạng sắc màu’

Các cuộc biểu tình, bạo động vũ trang, bạo loạn lật đổ hay đảo chính ở một số quốc gia thuộc Liên Xô trước đây cũng như Đông Âu cuối thế kỷ 20 và ở Trung Đông, Bắc Phi những năm đầu thế kỷ 21 được truyền thông phương Tây khoác cho cái tên mĩ miều và đầy tính mị dân là “cách mạng sắc màu”. Nhưng thực chất những cuộc chính biến đó là phản cách mạng. Nhận thức đúng vấn đề là nhiệm vụ vừa có tính cấp bách trước mắt và vừa có tính chiến lược lâu dài.

Nhận thức đúng bản chất của cái gọi là ‘cách mạng sắc màu’

CÁI GỌI LÀ “CÁCH MẠNG SẮC MÀU” THỰC CHẤT LÀ PHẢN CÁCH MẠNG

Nếu như các nhà lý luận của giai cấp tư sản tự do cho rằng cách mạng xã hội là một hiện tượng ngẫu nhiên, thì trái lại, chủ nghĩa Marx – Lenin chỉ ra rằng các cuộc cách mạng là kết quả tất nhiên của sự phát triển của các xã hội chia thành giai cấp đối kháng. Các cuộc cách mạng hoàn thành quá trình tiến hóa, quá trình chín muồi dần dần của những điều kiện của một chế độ xã hội mới trong lòng chế độ xã hội cũ, hoàn thành quá trình tích lũy dần dần những mâu thuẫn giữa cái mới và cái cũ. Cách mạng giải quyết mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất mới và quan hệ sản xuất cũ, dùng bạo lực phá hủy quan hệ sản xuất quá thời và mở rộng đường phát triền cho lực lượng sản xuất.

Vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng là vấn đề chính quyền. Phải trải qua đấu tranh giai cấp quyết liệt mới chuyển được chính quyền từ giai cấp phản động thống trị, giai cấp kìm hãm sự phát triển của xã hội sang giai cấp cách mạng. Cách mạng là hình đấu tranh giai cấp cao nhất. Không nên lẫn lộn cách mạng xã hội với cái gọi là “cách mạng trong cung điện” với những cuộc đảo chính, tuần hành, biểu tình trên đường phố. v.v. Những cuộc đảo chính chỉ là dùng bạo lực thay đổi chính phủ, chỉ là những người hay tập đoàn của cùng một giai cấp thay thế nhau nắm chính quyền, còn đặc điềm cơ bản của cách mạng xã hội là hoàn toàn biến đổi chế độ, là chuyển chính quyền từ giai cấp này sang giai cấp khác. Tuy nhiên, không thể gọi tất cả mọi cuộc lật đổ, trong đó một giai cấp này dùng bạo lực lật đổ một giai cấp khác là cách mạng được. Nếu giai cấp phản động gây ra một cuộc nổi dậy chống giai cấp tiến bộ, nếu giai cấp phản động lại chiếm chính quyền, đó không phải là cách mạng nữa, mà là phản cách mạng. Cách mạng là việc giai cấp tiến bộ lên nắm chính quyền, mở đường cho một sự phát triển mới của xã hội.

Đối chiếu với những diễn biến và kết quả các cuộc biểu tình, bạo động vũ trang, bạo loạn lật đổ, đảo chính bất hợp pháp ở một số quốc gia thuộc Liên Xô trước đây và Đông Âu (vào thập niên cuối thế kỷ 20) và ở Trung Đông, Bắc Phi trong (những thập niên đầu thế kỷ 21 với quan điểm chủ nghĩa Marx – Lenin nêu trên cho phép chúng ta khẳng định, đó không phải một cuộc cách mạng xã hội đúng nghĩa, mà thực chất là phản cách mạng. Bởi, tính chất của cách mạng là do những nhiệm vụ xã hội mà nó thực hiện, quyết định. Ví như, nhiệm vụ của Cách mạng Pháp năm 1789 là thủ tiêu chế độ phong kiến đang kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất và ngăn cản không cho người ta mở đường cho quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển trên cơ sở lực lượng sản xuất ấy. Đó là một cuộc cách mạng tư sản cũng như những cuộc cách mạng 1848 – 1849 trong nhiều nước châu Âu. Còn cách mạng vô sản xã hội chủ nghĩa khác về căn bản với tất cả những cuộc cách mạng trước. Đây là cuộc cách mạng vĩ đại nhất chưa từng thấy trong lịch sử vì nó biến đổi đời sống nhân dân một cách sâu sắc nhất. Chỉ có cách mạng vô sản lập nên chuyên chính của giai cấp vô sản, giai cấp cách mạng nhất trong lịch sử nhân loại, mới có thể tiêu diệt mọi hiện tượng người bóc lột người. Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại là một kiểu mẫu của cách mạng vô sản.

“Cách mạng là tiêu diệt những cái gì xấu, xây dựng những cái gì tốt. Chúng ta làm cách mạng để tiêu diệt chế độ thực dân, phong kiến, để xây dựng dân chủ mới”(1) hay “Mục đích của cách mạng là xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, tự do, giàu mạnh. Làm cho nhân dân được hưởng hạnh phúc và xây dựng một xã hội sung sướng, vẻ vang”(2).

Hồ Chí Minh

Trong khi đó, cái gọi là “cách mạng sắc màu” (colour revolution) hay còn được biết đến với những tên gọi như “cách mạng cam / nhung /hạt dẻ / hoa hồng / hoa tulip…” (ở Trung Đông, Bắc Phi); hay “cách mạng đường phố” (Maidan ở Ukraina, ô/dù ở Hồng Kông); hoặc “cách mạng nghị trường” ở Gruzia, Venezuela… là thuật ngữ dùng để chỉ các phong trào biểu tình quần chúng (thường là lực lượng thanh niên cấp tiến có tư tưởng của chủ nghĩa phát xít mới). Đó là các cuộc chính biến do phương Tây và các lượng lượng thân phương Tây ở chính các quốc gia đó can dự vào nội bộ của các quốc gia có chủ quyền, đặc biệt là các nước theo chế độ xã hội chủ nghĩa, thông qua việc thiết kế lực lượng đối lập, dựa vào sức ép dư luận, lấy con bài dân chủ, nhân quyền với ngòi nổ là vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm đẩy các nước rơi vào khủng hoảng chính trị trầm trọng, tạo điều kiện cho phe đối lập lật đổ chính quyền, thiết lập chế độ mới thân phương Tây, đem lại lợi ích chủ yếu cho giới tài phiệt mà không đem lại sự thay đổi chế độ chính trị một cách triệt để, mà đa phần chỉ thay đổi liên minh chính trị bên trong hệ thống chính trị hiện tại. Trên thực tế, chẳng những đại đa số quần chúng không được hưởng bất cứ thành quả gì từ các cuộc chính biến đó – điều mà những thủ lĩnh của các cuộc chính biến từng hứa hẹn – mà còn phải chịu thêm cảnh thương vong, đói nghèo, bệnh tật và mất quyền tự do, dân chủ nhiều hơn so với trước khi nó xảy ra…  Chính vì thế, những cuộc chính biến đó không thể gọi là cách mạng được.

Một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra nguyên nhân sâu xa của “cách mạng sắc màu” từ hai cách tiếp cận: Thứ nhất, tiếp cận từ góc độ xung đột lợi ích địa chính trị giữa phương Đông và phương Tây sau chiến tranh lạnh, “cách mạng sắc màu” là công cụ của phương Tây dùng để củng cố, mở rộng gia tăng phạm vi ảnh hưởng toàn cầu bằng việc thúc đẩy mô hình chính trị với các giá trị dân chủ. Thứ hai, nhấn mạnh vào các phong trào đối lập lại khá lạc quan khi cho rằng “cách mạng màu” là quá trình dân chủ hoá. Họ cho rằng “cách mạng sắc màu” phản ánh khuynh hướng của phe đối lập nhằm đạt được sự đột phá về dân chủ trong bầu cử chính trị để phê phán các trường hợp gian lận trong bầu cử, từ đó lên án những hành động phản dân chủ của liên minh cầm quyền. Trong khi đó, một số học giả cho rằng, “cách mạng sắc màu” là mưu kế then chốt nhằm áp đặt trật tự thế giới mới do Mỹ đứng đầu. Đây là một chiến thuật chính trị che giấu sự mở rộng của NATO và ảnh hưởng của Mỹ đến các vùng biên giới của Nga, thậm chí cả Trung Quốc. Mục tiêu cơ bản trong chiến lược của Mỹ là bao vây Nga và Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự nổi lên của những thách thức đối với quyền lực của Mỹ trong khu vực và trên toàn cầu(3).

Căn cứ vào lý luận và thực tiễn thì tuyệt nhiên không thể gọi những hoạt động/hành động chính biến nêu trên là “cách mạng” được, mà thực chất đó là phản cách mạng.

NHỮNG CẢNH BÁO ĐỐI VỚI VIỆT NAM

Trong tác phẩm Ba nguồn gốc và ba bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Marx, đăng trên tạp chí Giáo dục số 3/1913, V. I. Lenin từng cảnh báo đối với những người cộng sản: “Chừng nào người ta chưa biết phân biệt được lợi ích của giai cấp này hay của giai cấp khác, ẩn đằng sau bất kỳ những câu nói, những lời tuyên bố và những lời hứa hẹn nào có tính chất đạo đức, tôn giáo, chính trị và xã hội, thì trước sau bao giờ người ta cũng vẫn là kẻ ngốc nghếch bị người khác lừa bịp và tự lừa bịp mình về chính trị”(4). Theo đó, nếu chúng ta mất tinh thần cảnh giác cách mạng, mơ hồ giai cấp khi thừa nhận nó là “cách mạng” với cái tên và tuyên bố của các chính trị gia cùng giới truyền thông phương Tây về cái gọi là “cách mạng sắc màu” thì vô hình chung chính chúng ta thừa nhận tính phản động, phản cách mạng của các cuộc chính biến trên; là cổ xúy và tạo một tiền lệ vô cùng nguy hiểm đối với sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, là một trong những nguy cơ kéo lùi sự phát triển của đất nước ta.

Trong chiến lược toàn cầu phản cách mạng tấn công vào các nước xã hội chủ nghĩa hoặc các nước không chịu theo “chiếc gậy chỉ huy” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch thì Việt Nam là trọng điểm chống phá thông qua chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ kết hợp bạo loạn lật đổ với mục tiêu không thay đổi là xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Chính vì vậy, tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1/1994), Đảng đã chỉ ra những thách thức, những nguy cơ lớn đối với sự nghiệp đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. “Những thách thức là: nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới…; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa…; nguy cơ về nạn tham nhũng và tệ quan liêu; nguy cơ “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Các nguy cơ đó có liên quan mật thiết với nhau, tác động lẫn nhau”(5); Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII nhấn mạnh: “Bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn tồn tại, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nguy cơ “diễn biến hòa bình” của thế lực thù địch nhằm chống phá nước ta; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; sự tồn tại và những diễn biến phức tạp của tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí…”(6).

Không phải ngẫu nhiên chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch lựa chọn các nước xã hội chủ nghĩa, định hướng xã hội chủ nghĩa, các nước trong “không gian hậu Xô-viết” để tiến hành cách chính biến bất hợp pháp trong chiến lược toàn cầu phản cách mạng. Hậu quả nặng nề và kéo dài ở các nước bị cái gọi là “cách mạng sắc màu” “càn quét và tàn phá” qua là lời cảnh báo đối với Việt Nam.

Trên thực tế, mặc dù cái gọi là “cách mạng sắc màu” chưa được các thế lực thù địch thực hiện thành công ở nước ta, nhưng đã có manh nha với những biểu hiện cụ thể của âm mưu, thủ đoạn này ở Việt Nam và gây ra những hậu quả nhất định. Những năm vừa qua đã xuất hiện nhiều vụ việc cho thấy rằng, thế lực thù địch và phản động không ngừng nuôi âm mưu và sử dụng “chiêu thức” phản cách mạng để tấn công vào sự nghiệp cách mạng của nước ta. Chúng lợi dụng lòng yêu nước, lợi dụng mạng xã hội, Internet cùng những hạn chế trong nhận thức, hiểu biết của một bộ phận không nhỏ quần chúng để xúi giục nhân dân biểu tình. Điển hình như: lấy danh nghĩa “Hướng về biển, đảo quê hương” để kích động biểu tình, bạo loạn, phá hoại, bài xích quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc (như vụ phản đối giàn khoan HD-981 của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam năm 2014 để tiến hành cái gọi là “cách mạng hoa sen”; vụ Formosa gây ra ô nhiễm môi trường biển khiến cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung để thực hiện cái gọi là “cách mạng cá” năm 2016); lấy danh nghĩa bảo vệ môi trường để thực hiện cái gọi là “cách mạng cây”; kêu gọi “xuống đường tổng biểu tình” năm 2018 tại 23 tỉnh, thành phố liên quan đến việc Quốc hội nước ta chuẩn bị thông qua và ban hành Luật An ninh mạng và Dự thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt…

MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG HỮU HIỆU

Văn kiện Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái, đẩy lùi các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước. Giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế”(7). Theo đó, để ngăn chặn và triệt tiêu những nguy cơ của của cái gọi là “cách mạng sắc màu”, chúng ta cần phải “bắt đầu” từ những yếu tố chủ quan, bao gồm tình hình kinh tế – chính trị – xã hội nội tại. Trong đó, tập trung vào các giải pháp cơ bản sau:

Một là, đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực xã hội; chống nguy cơ tụt hậu về kinh tế; chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo, giải quyết tốt các vấn đề xã hội… để củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Muốn ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả – làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phản động đối với sự nghiệp cách mạng của nước ta thì phải giữ vững được sự ổn định xã hội và làm cho đất nước ngày càng vững mạnh về mọi mặt. Do đó, việc đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực xã hội; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trên các lĩnh vực; chống nguy cơ tụt hậu về kinh tế là giải pháp hữu hiệu để đảm bảo và thúc đẩy yếu tố bên trong của đất nước luôn luôn ổn định.

Để giữ được sự ổn định xã hội thì vấn đề mấu chốt phải giữ vững được định hướng xã hội chủ nghĩa trên các lĩnh vực. Thực chất làm cho các nhân tố xã hội chủ nghĩa ngày càng củng cố, phát triển trong quá trình quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Tránh nguy cơ tụt hậu về kinh tế đồng nghĩa với tránh nguy cơ đời sống nhân dân lao động suy giảm, dẫn đến lòng dân hoang mang, mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước.

Hai là, nâng cao nhận thức về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, nắm chắc mọi diễn biến không để bị động và bất ngờ.

Chủ động nắm bắt, phát hiện kịp thời những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch sử dụng để chống phá cách mạng nước ta có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Yêu cầu đặt ra là phải giáo dục rộng rãi trong toàn xã hội để mọi người dân, mọi tổ chức chính trị – xã hội đều nhận thức sâu sắc âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “diễn biến hoà bình” thông qua cái gọi là “cách mạng sắc màu” của các thế lực phản động. Đảng, Nhà nước tăng cường chỉ đạo cơ quan tham mưu chuyên trách phối hợp các ngành, các cấp trong xã hội chú trọng giáo dục kiến thức quốc phòng – an ninh; thông qua các kênh thông tin đại chúng để nâng cao cảnh giác cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân. Nghiêm khắc đấu tranh phê phán những biểu hiện mơ hồ, mất cảnh giác trong một bộ phận nhân dân, học sinh, sinh viên trước âm mưu, thủ đoạn thâm hiểm trong chiến lược “diễn biến hoà bình” chống phá nước ta của kẻ thù.

Không ai khác và hơn ai hết, mỗi cá nhân phải có ý thức tự giác chấp hành pháp luật của Nhà nước về thông tin, tham gia tích cực đấu tranh chống phao tin đồn nhảm, lưu truyền thông tin xấu và thất thiệt.

Ba là, xây dựng ý thức bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa cho toàn dân.

Bảo vệ Tổ quốc là một trong hai nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch không ngừng từ bỏ âm mưu thôn tính chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Vì vậy, trong khi đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng đất nước, mỗi công dân Việt Nam phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Tổ quốc và các thành quả cách mạng. Ý thức bảo vệ Tổ quốc cần được thấm nhuần sâu sắc trong mọi tầng lớp nhân dân mà trọng tâm là thanh niên.

Yêu cầu nội dung giáo dục ý thức bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa cho các tầng lớp nhân dân phải mang tính toàn diện: tình yêu quê hương, đất nước; cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của kẻ thù; thấm nhuần quan điểm, đường lối của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng mới; tất cả vì mục tiêu độc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc của nhân dân. Vận dụng các hình thức biện pháp giáo dục đa dạng nhưng phù hợp với từng đối tượng.

Bốn là, xây dựng cơ sở chính trị – xã hội vững mạnh về mọi mặt.

Xây dựng cơ sở chính trị – xã hội vững mạnh là “thành trì” bảo đảm cho chế độ xã hội luôn ổn định, phát triển. Trước hết, phải luôn luôn chú trọng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam là đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp nhân dân, mọi thành phần kinh tế, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi vùng mọi miền đất nước; đoàn kết trong Đảng và ngoài Đảng… Để đạt được sự đoàn kết rộng rãi đó, Đảng và Nhà nước phải nâng cao chất lượng các chính sách xã hội nhằm bảo đảm lợi ích chính đáng cho từng giai tầng; củng cố vững chắc khối liên minh công – nông – trí; phát huy tinh thần yêu nước, ý thức tự lực tự cường, lòng tự hào của toàn dân. Đồng thời, Đảng và Nhà nước phải luôn luôn chú trọng xây dựng, củng cố hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương ngày càng vững mạnh về mọi mặt; nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng, phẩm chất, đạo đức, lối sống của đảng viên, năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng ở các cấp, nhất là ở cơ sở; thực hiện tốt quy chế và pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, củng cố nâng cao chất lượng, hiệu quả, nề nếp hoạt động của các tổ chức quần chúng.

Năm là, chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh.

Không ngừng chú trọng xây dựng quân đội nhân dân, công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại (có lực lượng tiến thẳng lên hiện đại), xây dựng vững mạnh lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên, lực lượng an ninh nhân dân ở cơ sở… Đây vừa là lực lượng trực tiếp vừa là một bộ phận của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, do Đảng lãnh đạo, là công cụ chủ yếu bảo vệ Đảng, chính quyền, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Cùng với lực lượng chính quy có sức chiến đấu cao, phải bảo đảm vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, phòng thủ ở các địa phương, cơ sở. Chú trọng giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng, lấy chất lượng là chính.

Mỗi địa phương phải chú trọng kết hợp phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng lực lượng vũ trang ở cơ sở. Thực tiễn cho thấy, quần chúng nhân dân là nền tảng của đất nước, là gốc rễ của dân tộc, là động lực chính để thúc đẩy sự phát triển của xã hội, nhưng cũng là đối tượng mà các thế lực thù địch, phản động thường hướng tới để lợi dụng, lôi kéo nhằm thực hiện âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ để chống phá cách mạng.

————————-

Chú thích:

(1) (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.7, tr.361, 265.
(3) Nguyễn Hữu Cát, Đoàn Thị Mai Liên: Cách mạng sắc màu” và giải pháp phòng, chống, Tạp chí Lý luận chính trị, số 4/2017.
(4) V. I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, H, 2005, t.23, tr.57.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII.
(6) (7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2016, tr.19, 148.

Theo TUYENGIAO.VN

Tags: ,