Trí tuệ nhân tạo, chủ nghĩa Tư bản và chủ nghĩa Cộng sản

Chủ nghĩa Cộng sản của kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo nên áp dụng một khẩu hiệu mới là: “Robot toàn thế giới, hãy đoàn kết lại!”.

Trí tuệ nhân tạo, chủ nghĩa Tư bản và chủ nghĩa Cộng sản

Bài viết của tác giả Feng Xiang, Giáo sư Luật học tại Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc. Bài viết được đăng trên tờ The Washington Post của Mỹ ngày 3/5/2018.

Nguồn: AI will spell the end of capitalism / Feng Xiang / The Washington Post / 2018/05/03.

Biên dịch: Đoàn Hiểu Linh / Redsvn.net.

Thách thức quan trọng nhất mà các hệ thống kinh tế-xã hội đang đối mặt hôm nay là sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo – AI (artificial intelligence). Nếu AI vẫn nằm dưới sự kiểm soát của các áp lực thị trường, kết quả không thể tránh khỏi là tình trạng độc quyền tập đoàn siêu lợi nhuận của các tỉ phú dữ liệu đã giàu lên nhờ robot chiếm chỗ lao động con người và làn sóng robot dẫn tới con số thất nghiệp rất lớn.

Nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc có một giải pháp cho vấn đề này. Nếu AI phân phối các nguồn lực hợp lý thông qua phân tích dữ liệu lớn (big data), và nếu các vòng phản hồi thông tin (feedback loops) mạnh mẽ có thể thế chỗ những khiếm khuyết của “bàn tay vô hình” trong khi chia sẻ vô số của cải mà nó tạo ra một cách công bằng, cuối cùng thì chúng ta sẽ đạt tới một nền kinh tế kế hoạch thật sự hiệu quả (bàn tay vô hình – invisible hand là các áp lực không thể quan sát được của thị trường, các áp lực này có khả năng cân bằng cung cầu hàng hóa trong thị trường tự do một cách tự động, một khái niệm của nhà kinh tế học Adam Smith – Người dịch).

AI càng tiến xa hơn trong các công nghệ đa dụng đang len lỏi khắp mọi ngõ ngách cuộc sống thì việc cho phép nó nằm trong tay tư nhân, chỉ phục vụ cho lợi ích của vài người thay vì số đông sẽ ngày càng ít có ý nghĩa hơn (công nghệ đa dụng – general-purpose technology/GPT là các công nghệ có khả năng thay đổi toàn bộ xã hội thông qua việc tác động đến các cấu trúc kinh tế, xã hội hiện có. Ví dụ một số GPT là điện, hơi nước, công nghệ thông tin… – Người dịch). Hơn bất cứ thứ gì khác, sự thất nghiệp hàng loạt là không thể tránh khỏi và nhu cầu phúc lợi phổ quát sẽ dẫn tới ý tưởng xã hội hóa hoặc quốc hữu hóa AI.

Câu nói nổi tiếng của Marx “Từ phân phối theo năng lực đến phân phối theo nhu cầu” cần được cập nhật trong thế kỷ 21 thành “Từ sự bất lực của nền kinh tế AI trong việc cung cấp công việc và mức lương đủ sống cho tất cả cho đến phân phối theo nhu cầu”.

Kể cả ở giai đoạn đầu tiên này, vẫn có ý kiến cho rằng, bằng một cách nào đó, chủ nghĩa tư bản số sẽ ưu tiên cho phúc lợi xã hội. Ý kiến này chỉ là một câu chuyện cổ tích và điều đó đã được chứng minh. Các tỉ phú Google và Apple, những tập đoàn đã ký gửi lợi nhuận công ty ở các bến đỗ hải ngoại để né thuế, khó mà là mẫu mực về trách nhiệm xã hội. Scandal đang nổi về mô hình kinh doanh của Facebook, mô hình đặt khả năng sinh lợi lên trên trách nhiệm công dân, lại là một ví dụ khác về cách mà các công ty tư nhân chỉ quan tâm đến những lợi ích của chính mình bằng chi phí của cả xã hội còn lại trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản số.

Bất cứ người nào cũng có thể dễ dàng thấy được nơi mà tất cả những công ty tư nhân này hướng tới khi thất nghiệp công nghệ gia tăng nhanh chóng. “Trách nhiệm của chúng tôi thuộc về các cổ đông của chúng tôi. Chúng tôi không phải là một cơ quan tuyển dụng hay một nhà từ thiện”, các chủ robot sẽ nói vậy.

Các công ty này có thể né tránh trách nhiệm xã hội của họ bởi vì hệ thống pháp lý và các lỗ hổng của nó ở phương Tây vốn được thiết kế để bảo vệ tài sản tư nhân trên tất cả những thứ khác. Dĩ nhiên, ở Trung Quốc, chúng ta có các công ty internet tư lớn như Alibaba và Tencent. Nhưng không như ở phương Tây, các công ty này được nhà nước giám sát để không xem mình cao hơn hay thấp hơn sự kiểm soát xã hội.

Sự phổ biến rộng rãi của AI sẽ báo hiệu sự kết thúc tình trạng lũng đoạn thị trường. Thị trường có thể hợp lý nếu sự không công bằng của ngành công nghệ vẫn tạo ra cơ hội việc làm cho hầu hết mọi người. Nhưng, khi ngành công nghiệp chỉ tạo ra sự thất nghiệp vì robot đang ngày càng thống trị lực lượng lao động nhiều hơn, thì không có lựa chọn nào tốt ngoài việc để nhà nước can thiệp.

Khi AI chiếm lĩnh cuộc sống xã hội và kinh tế, tất cả các vấn đề liên quan tới luật lệ riêng tư sẽ sớm trở thành luật công. Việc điều chỉnh các công ty tư nhân sẽ là cần thiết để duy trì một sự ổn định trong các xã hội liên tục đổi mới, và điều này sẽ ngày càng gia tăng.

Tôi cho rằng, tiến trình lịch sử này là một bước tiến gần hơn đến nền kinh tế thị trường kế hoạch. Như chúng ta đã biết, chủ nghĩa tư bản tự do kinh doanh có thể không đi tới đâu ngoại trừ tình trạng độc tài của các nhà tài phiệt AI, những người đã vơ vét tiền công bởi vì sở hữu trí tuệ mà họ có quyết định cả phương tiện sản xuất. Chúng ta dễ dàng hình dung rằng, chủ nghĩa tư bản số không bị kiềm chế này sẽ dẫn tới một cuộc chiến giành thị phần giữa các tập đoàn công nghệ trên quy mô toàn cầu, và chắc chắn cuộc chiến sẽ kết thúc trong thảm họa như các cuộc chiến tranh đế quốc trong thế kỷ 20.

Vì sự an toàn và thịnh vượng của xã hội, các công ty tư nhân và các cá nhân không được phép sở hữu bất kỳ công nghệ hiện đại độc quyền hoặc nền tảng AI cốt lõi nào. Tương tự như các vũ khí hóa sinh và hạt nhân, khi chúng còn tồn tại, không có ai khác ngoài một nhà nước mạnh mẽ và ổn định có thể đảm bảo sự an toàn cho xã hội.

Nếu không quốc hữu hóa AI, chúng ta có thể chìm vào những ký ức tiêu cực trong thời kỳ đầu của cách mạng công nghiệp đầy đau khổ với các nhà máy ma quỷ và những đứa trẻ ăn cắp vặt trên đường phố chỉ để có một cái vỏ bánh mì khô cứng.

Giấc mơ chủ nghĩa Cộng sản là sự loại bỏ tiền công lao động. Nếu AI gắn với việc phục vụ xã hội thay vì các nhà tư bản tư nhân, nó sẽ hứa hẹn làm điều đó bằng cách giải phóng đa số áp đảo khỏi sự lao dịch trong khi tạo ra của cải để duy trì tất cả. Nếu nhà nước kiểm soát thị trường thay vì chủ nghĩa tư bản số kiểm soát nhà nước, chúng ta có thể đạt được những khát vọng cộng sản chủ nghĩa đích thực. Và bởi vì AI ngày càng gia tăng việc quản lý các hệ thống phức tạp bằng cách xử lý một lượng lớn dữ liệu thông qua các vòng phản hồi thông tin cực mạnh, lần đầu tiên nó sẽ đưa ra một lựa chọn thật sự trước những tín hiệu thị trường lâu nay được điều chỉnh bởi hệ tư tưởng tự do kinh doanh, và tất cả mọi bệnh tật sẽ “cuốn gói” theo nó.

Tiến về phía trước, nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa nhắm vào việc khai thác các thành quả sản xuất cho toàn bộ dân số chứ không chỉ có một nhóm nhỏ giới tinh hoa hoạt động vì lợi ích vị kỷ của chính mình. Nền kinh tế Trung Quốc có thể dẫn đầu con đường hướng tới một giai đoạn phát triển mới của loài người.

Nếu AI được điều chỉnh đúng đắn theo cách này, chúng ta nên ăn mừng chứ không nên sợ hãi sự xuất hiện của AI. Nếu được đặt dưới sự kiểm soát xã hội, cuối cùng thì AI cũng sẽ giải phóng những người công nhân đang bán thời gian và mồ hôi của mình chỉ để làm giàu cho tầng lớp trên. Chủ nghĩa Cộng sản của tương lai nên áp dụng một khẩu hiệu mới là: “Robot toàn thế giới, hãy đoàn kết lại!”.

>> Tình thế của giai cấp vô sản trong kỷ nguyên trực tuyến
>> Một phân tích Marxist về chủ nghĩa tư bản trong nền kinh tế số
>> Chủ nghĩa tư bản kỷ nguyên số hóa có còn là chủ nghĩa tư bản?
>> Quan điểm Marxist về nền công nghiệp tự động hóa ngày nay
.

ĐOÀN HIỂU LINH / REDSVN.NET

Tags: , , , , , , ,