NHẬT KÝ HÀNH TRÌNH – Ernesto Che Guevara

32 – Nỗi đau trại phong Huambo

Không còn nơi nào để đi tiếp nên theo lời khuyên của Gardel(1), chúng tôi chuyển hướng sang phía bắc. Abancay là một chặng dừng bắt buộc vì chỉ ở đó mới có xe tải đi Huancarama, thị trấn cuối cùng trước khi đến trại phong ở Huambo. Mánh lới cầu xin giường ngủ và chỗ trọ chẳng có gì thay đổi so với trước đó (tại đồn biên phòng và bệnh viện), và cách xin đi quá giang cũng vẫn như xưa, ngoại trừ lần này chúng tôi phải đợi đến hai ngày vì không có xe trong những ngày lễ Phục sinh. Chúng tôi đi lang thang quanh ngôi làng nhỏ, chẳng thấy gì đặc biệt hấp dẫn để quên cơn đói, vì thức ăn tại bệnh viện rất ít ỏi. Nằm trên cánh đồng cạnh một con suối, chúng tôi ngắm nhìn trời chiều, mơ màng về kỷ niệm của những cuộc tình xưa, hoặc ngắm nhìn hình dáng của mây trời và tưởng tượng những hình ảnh hấp dẫn của thức ăn. Trên đường trở về trạm cảnh sát để ngủ một chút, chúng tôi đi bằng đường tắt và nhanh chóng bị lạc đường. Chúng tôi băng qua những cánh đồng, vượt qua những hàng rào và cuối cùng dừng chân trước cổng một căn nhà. Chúng tôi leo qua bức tường đá và thấy một con chó cùng với người chủ, dưới ánh trăng tròn trông cả hai như những bóng ma. Nhưng chúng tôi đã không nhận ra rằng hình hài của mình trên nền trời đêm cũng thật là khủng khiếp. Chúng tôi lịch sự chào nhưng chỉ nghe đáp lại bằng những âm thanh khó hiểu – tôi nghĩ là tôi nghe được tiếng “Viracocha”(1) – rồi người đàn ông và con chó chạy biến vào nhà, không màng đến những lời xin lỗi và tiếng gọi thân thiện của chúng tôi. Chúng tôi lặng lẽ đi khỏi bằng cổng trước, dẫn đến một con đường có lẽ đưa chúng tôi đi đúng hướng.

Trong lúc buồn chán, chúng tôi đến nhà thờ để xem lễ tại địa phương. Vị giáo sĩ đáng thương cố giảng một bài khoảng ba tiếng đồng hồ, nhưng được một tiếng rưỡi thì số vốn những câu trích dẫn của ông đã cạn kiệt. Ông nhìn về phía giáo dân với ánh mắt như van xin, trong khi bàn tay ông tuyệt vọng chỉ các nơi trong nhà thờ: “Nhìn kìa, nhìn kìa, Chúa đã đến với chúng ta, Chúa đang ngự trị trong mỗi chúng ta và tinh thần của Người hướng dẫn chúng ta”. Sau giây lát im lặng, vị giáo sĩ chuyển sang một chủ đề khác và ngay khi ông ta im lặng một lần nữa – sự im lặng đầy kịch tính – ông ta lại nói những câu vô nghĩa tương tự. Chúa bị đem ra giới thiệu đến năm sáu lần, và chúng tôi nhanh chân ra về trước sự nhốn nháo của những giáo dân

Tôi không thể nói chính xác đâu là nguyên nhân của một cơn suyễn (mặc dù tôi có thể đoán được), nhưng cho đến khi chúng tôi đến Huancarama thì tôi hầu như không còn đứng nổi. Không còn thuốc Adrenalin nên cơn suyễn càng trở nên tệ hại. Cuộn mình trong một tấm chăn của cảnh sát, tôi nhìn trời mưa và hút thuốc lá đen hết điếu này đến điếu khác để làm giảm phần nào sự mệt mỏi. Đến gần sáng, tôi dựa vào cột hành lang cố dỗ giấc ngủ. Sáng hôm sau tôi cảm thấy khá hơn một chút và Alberto đã tìm được một ít thuốc Adrenalin. Adrenalin cùng với thuốc Aspirin đã làm tôi cảm thấy khỏe hẳn.

Chúng tôi trình diện viên trung úy phụ trách, một chức vụ tương đương với trưởng làng, và xin anh ta cấp cho một cặp ngựa để đến trại phong. Con người thân thiện này hứa trong năm phút ngựa sẽ chờ sẵn chúng tôi tại trạm cảnh sát. Trong khi chờ đợi, chúng tôi xem một tốp thanh niên lố nhố tập luyện dưới sự quát tháo của người lính hôm trước đã đối xử với chúng tôi rất tử tế. Khi thấy chúng tôi đến, anh ta đứng chào đầy vẻ tôn kính rồi tiếp tục ra lệnh cho đám thanh niên lóng ngóng tập luyện. Tại Peru, cứ 5 thanh niên đến tuổi thì một người phải thi hành nghĩa vụ quân sự. Những người còn lại phải tập quân sự vào mỗi Chủ Nhật, và đây là những nạn nhân của anh lính mà chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến. Thật ra, tất cả bọn họ đều là nạn nhân: mọi thanh niên đến tuổi nhập ngũ đều phải chịu đựng sự hà khắc của người chỉ huy. Hầu như không ai hiểu được tiếng Tây Ban Nha của người chỉ huy, cũng không hiểu được tầm quan trọng cơ bản của việc quay trái, quay phải; không biết đi đều bước và dừng lại theo mệnh lệnh, những thanh niên này tập luyện không tích cực và như thế cũng đủ làm bất cứ ai tức giận.

Khi ngựa đã sẵn sàng, anh lính phân công một người dẫn đường chỉ biết nói tiếng Quechua đi kèm với chúng tôi. Con đường bắt đầu bằng một đoạn đường núi mà có lẽ không một con ngựa nào khác có thể vượt qua được. Ở những chỗ khó khăn, người dẫn đường dắt ngựa đi trước. Đi được 2/3 đoạn đường thì có một bà lão và một người thanh niên xuất hiện. Họ nắm lấy dây cương và tuôn ra một tràng tiếng chửi rủa mà tôi chỉ đoán được một tiếng “ngựa”. Lúc đầu tôi cứ nghĩ là họ là người bán rổ vì người đàn bà mang theo rất nhiều rổ mây. “Tôi không mua. Tôi không muốn”, có lẽ tôi sẽ tiếp tục nói như thế với bà lão nếu Alberto không nhắc tôi rằng họ là người Quechua, chứ không phải là Tarzan hoặc khỉ đột. Cuối cùng chúng tôi tìm được một người đi từ hướng ngược lại và biết nói tiếng Tây Ban Nha. Anh ta giải thích rằng những thổ dân này là chủ của những con ngựa; rằng họ đang cưỡi ngựa đi ngang nhà của viên trung úy thì anh ta lấy ngựa của họ đem cho chúng tôi. Một trong những thanh niên đang tập quân sự là chủ của con ngựa. Anh phải vượt qua bảy dặm đường để thi hành nghĩa vụ quân sự, và người đàn bà nghèo khổ này sống ở nơi chúng tôi đang hướng đến. Chúng tôi đã hành xử như những con người có hiểu biết – xuống ngựa và tiếp tục cuốc bộ. Người dẫn đường mang hết đồ đạc của chúng tôi trên lưng. Chúng tôi đã hoàn tất đoạn đường cuối cùng để đến trại phong bằng cách ấy. Khi chúng tôi cho người dẫn đường một đồng sol, anh ta cám ơn rối rít cho dù đó chỉ là một đồng bạc nhỏ nhoi.

Ngài Montejo, giám đốc bệnh viện phong, đã tiếp đón chúng tôi. Dù không cho chỗ trọ, ông đã gởi chúng tôi đến nhà của một chủ đất trong khu vực. Người chủ trại cho chúng tôi một căn phòng có giường ngủ và thức ăn, đối với chúng tôi như thế là quá đủ. Sáng hôm sau chúng tôi đi thăm bệnh nhân tại một bệnh xá. Những người ở đây đang làm một công việc rất cao cả, cho dù chẳng ai quan tâm chú ý đến điều đó. Tình trạng của nơi này thật là thảm hại. 2/3 của một khu vực nhỏ, kích thước nhỏ hơn nửa dãy phòng ở bệnh viện, được dùng làm “khu bệnh” và trong đó diễn ra toàn bộ cuộc sống của 31 con người không còn hy vọng sống. Tôi có cảm giác họ đang nhìn thời gian trôi qua và thờ ơ với cái chết đang đến. Điều kiện vệ sinh ở đây thật khủng khiếp. Dù điều này chẳng là gì với thổ dân miền núi, nhưng đối với những người đến từ vùng khác, chỉ cần có một chút trình độ giáo dục, họ sẽ thấy nơi đây thật là khốn khổ. Chỉ nghĩ đến việc phải sống cả đời giữa bốn bức tường gạch, xung quanh là những người khác ngôn ngữ và chỉ có bốn người phục vụ mỗi ngày đến thăm một lần ngắn ngủi, cũng đủ khiến thần kinh người ta suy sụp.

Chúng tôi đến một căn phòng mái lợp rơm, nền đất, nơi một cô gái da trắng đang đọc Cousin Basilio của Queiros. Ngay sau khi chúng tôi bắt đầu nói chuyện, cô gái đã khóc òa, kể rằng cuộc đời cô khổ nhục như khi Chúa bị đóng đinh – cô đang sống trong địa ngục trần gian. Cô gái đáng thương này đến từ vùng Amazon và được thông báo tin chẳng lành. Cô nói người ta sẽ đưa cô đến một nơi tốt đẹp hơn để chữa trị. Bệnh viện ở Cuzco, dù không toàn mỹ, nhưng là một nơi có tiện nghi. Tôi tin vào sự diễn đạt của cô, “Chúa bị đóng đinh” là cách nói duy nhất để diễn tả tình trạng hiện thời của cô gái. Chỉ có một điều có thể chấp nhận được ở bệnh viện này là việc điều trị bằng thuốc, còn những thứ khác tùy thuộc vào định mệnh và tinh thần chịu đựng của những thổ dân miền núi của Peru. Sự kém hiểu biết của cư dân quanh vùng càng làm tăng nỗi cô đơn của những bệnh nhân và nhân viên y tế. Một người đã nói với chúng tôi rằng bác sĩ trưởng kíp mổ của bệnh viện cần phải thực hiện một ca phẫu thuật quan trọng, nhưng ông không thể làm việc này trên bàn bếp trong tình trạng thiếu các thiết bị phẫu thuật. Vậy nên ông đã yêu cầu một nơi để giải phẫu, thậm chí cho dù đó là một nhà xác, tại một bệnh viện gần đó ở Andahuaylas. Nhưng câu trả lời là “Không”, và bệnh nhân đã chết vì không được điều trị. Ngài Montejo bảo chúng tôi rằng khi trung tâm điều trị bệnh phong này được thành lập theo sáng kiến của bác sĩ Pesce, một chuyên gia nổi tiếng về bệnh phong, ông có trách nhiệm tổ chức những dịch vụ mới. Nhưng khi ông đến thị trấn Huancarama, không có một lữ quán hoặc khách sạn nào dám cho ông thuê phòng nghỉ qua đêm; bạn bè quen biết ở thị trấn cũng từ chối không cho ông tạm trú; và khi mưa xuống, ông buộc phải tìm nơi trú ẩn và ngủ qua đêm trong một chuồng heo. Bệnh nhân nói rằng họ phải đi bộ tới trại phong bởi vì không ai dám cho họ mượn ngựa – đó là những năm sau khi trại phong đã được thành lập.

Sau khi chào đón trịnh trọng, họ hướng dẫn chúng tôi lên thăm một bệnh viện mới cách bệnh viện cũ vài kilômét. Khi hỏi ý kiến chúng tôi, ánh mắt của những nhân viên bệnh viện sáng lên vì kiêu hãnh, như thể tòa nhà này là sáng tạo của riêng họ, do mồ hôi công sức của họ xây dựng nên từ từng viên gạch một. Thật là khá nhẫn tâm khi phải phê phán, nhưng bệnh viện phong mới cũng có cùng những thiếu sót như bệnh viện cũ: thiếu phòng thí nghiệm, thiếu trang thiết bị phẫu thuật, tệ hơn nữa, nó nằm trên một vùng đất luôn bị muỗi quấy phá, cho thấy nỗi thống khổ của những ai phải sống cả ngày ở đây. Vâng, nó có thể chứa được 250 bệnh nhân, có một bác sĩ thường trực và có một số tiến bộ về mặt vệ sinh, nhưng vẫn còn nhiều thứ phải làm. Sau hai ngày ở lại nơi này, bệnh suyễn của tôi càng trở nên tệ hại, chúng tôi quyết định ra đi và tìm chỗ chữa trị thích hợp.

Được người chủ trại cung cấp ngựa, chúng tôi lên đường trở về cùng với người dẫn đường chỉ biết nói tiếng Quechua. Anh ta phải mang những bao hành lý của chúng tôi theo như lời dặn dò của ông chủ. Trong suy nghĩ của những người giàu có ở thành thị thì người làm công, dù phải đi bộ, phải mang vác và phải chịu những khó khăn gian khổ, cũng là chuyện bình thường. Chúng tôi chờ cho đến lúc đi qua khúc cua, khi bóng dáng chúng tôi đã khuất thì lấy lại bao hành lý trên lưng người dẫn đường. Gương mặt đầy bí ẩn của anh chẳng lộ vẻ gì là tán đồng hay không trước hành động tử tế của chúng tôi. Trở lại Huancarama, chúng tôi vẫn ở đồn biên phòng và chờ qua ngày hôm sau thì đón được một chiếc xe tải chạy về hướng bắc. Sau một ngày ngồi xe đến kiệt sức, cuối cùng chúng tôi đã đến thị trấn Andahuaylas, và tôi đi thẳng đến bệnh viện để điều trị.

XEM TIẾP: 33 – Hướng đến phương Bắc

Tags: ,