⠀
Về vấn đề kiểm duyệt nội dung chính trị trong điện ảnh phương Tây
“Không một phim Hollywood nào từng làm về một cuộc đình công từ góc nhìn của công nhân. Không một phim Hollywood nào từng khắc họa biểu tình đình công là chính đáng hay lý trí. Không một phim Hollywood nào từng để người Mexico đóng vai chính và người Anglo trong vai phụ. Không một phim Hollywood nào từng xây dựng những người phụ nữ dũng cảm và thay thế đàn ông chèo lái công việc họ một cách hiệu quả”.
Cảnh trong phim “Machorka-Muff” (1963) của đạo diễn Jean Marie-Straub và Danièle Huillet.
1.
Một sĩ quan phát xít cũ thầm nghĩ về sự cả tin của bọn tư sản, dễ lừa cả trong chuyện bỏ phiếu lẫn chuyện giường chiếu. Đó là nội dung tiền đề phim đầu tay của Straub và Huillet, “Machorka-Muff” (1963), chuyển thể từ truyện ngắn “Nhật ký phố Bonn” của nhà văn Heinrich Boll. Tác phẩm đã thật sự chật vật trong quá trình tìm nhà sản xuất tài trợ, mà nhiều người trong số đó nghi ngờ khả năng thu hút khán giả cũng như lo sợ phim sẽ bị cấm. Khi phim cuối cùng cũng tìm được người tài trợ kinh phí, nhà sản xuất đã tìm cách can thiệp vào quá trình biên tập phim. Thời điểm phim được hoàn thành, để đối phó với một tác phẩm mô tả chính quyền Tây Đức chất đầy bọn phát xít và bày tỏ thái độ với Tây Đức bấy giờ trong quá trình tái vũ trang hậu chiến là “một đất nước bị cưỡng hiếp bởi quân đội”, hệ thống kiểm duyệt Tây Đức đã ngăn cản phim đến với số đông khán giả bằng cách không cho phim được chiếu vào ngày lễ và cho khán giả dưới 18 tuổi. Trong tác phẩm của Straub và Huillet, Tây Đức, hay đúng hơn, đó là hình ảnh một Đệ tứ đế chế Đức sống dậy và làm ổ trong các định chế dân chủ tư sản giả tạo thời hậu chiến, và như Straub nói, nếu ở Pháp, phim chắc chắn sẽ bị cấm hoàn toàn.
2.
Vào giai đoạn Khủng Hoảng Đỏ (Red Scare) những năm 1947-1957 với phong trào chống Cộng càn quét qua Hollywood khơi mào bởi thượng nghị sĩ Joseph McCarthy, Herbert J.Biberman là một trong số mười đạo diễn bị đưa vào danh sách đen. Đại Khủng hoảng gây rung chuyển kinh tế những năm 30 đã làm không ít diễn viên, đạo diễn, biên kịch và công nhân xưởng phim có cảm tình với các tổ chức cánh tả. Biberman là thành viên của Đảng Cộng sản Mỹ từ năm 1944 và đã bị bắt bỏ tù trong thời kỳ đấu tố kinh hoàng đó. Sau khi ra tù, ông làm phim độc lập và tác phẩm tiêu biểu nhất của ông là “Vị muối của đất” (Salt of the Earth) ra mắt năm 1954. Dựa trên sự kiện có thật về vụ bãi công của những người lao động trong công ty Empire Zinc ở tiểu bang New Mexico vào đầu những năm 1950, phim xoay quanh câu chuyện về một nhóm công nhân phần lớn người Mỹ gốc Mexico trong cuộc chiến dai dẳng chống lại chủ nhà máy để cải thiện mức lương bèo bọt và điều kiện lao động tồi tàn, đầy hiểm nguy. Gia đình nhà Quintero, đóng vai trò trung tâm trong phim, trở thành lãnh địa để nhà làm phim khai thác nội tại xung đột này, khi người chồng Ramon, một thành viên công đoàn, mang tư tưởng cấp tiến tích cực đấu tranh để họ hưởng những điều kiện lao động bình đẳng với đám thợ mỏ da trắng “Anglo”, nhưng lại đối xử thiếu tôn trọng với chính người vợ của mình, Esperanza. Anh ngăn cản cô tham gia vào những quyết định quan trọng của công đoàn, trong khi chính cô và những người vợ khác sau này đóng vai trò quan trọng giữ cuộc đình công không bị sụp vỡ bởi sự cấu kết chống phá của chủ công ty với cảnh sát.
Quá trình làm phim “Vị muối của đất” có thể nói không khác gì một cuộc đấu tranh du kích. Trong lúc quay phim, một cây bút tờ Hollywood Reporter đã đặt câu hỏi chất vấn về nội dung phim và coi nó như một phim tuyên truyền Cộng sản, có thể làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất ở bang New Mexico và xa hơn, cả nguồn lực cho cuộc chiến tranh Mỹ Triều. Sau đó, một số chính trị gia đã lên tiếng chỉ trích nó là “vũ khí mới của Liên Xô”. Ngay lập tức đoàn làm phim bị tấn công và dọa giết bởi những nhóm người lạ, xe của diễn viên bị bắn thủng lốp, và quá trình quay phim liên tục bị gián đoạn bởi những âm thanh quấy rối. Tệ hại hơn, chính quyền Mỹ dùng thủ đoạn trục xuất nữ diễn viên chính Rosaura Revueltas về Mexico trước khi phim được hoàn thành. Ngay cả sau khi phim quay xong, quá trình sản xuất hậu kỳ cũng trở thành một cuộc chiến không cân sức với đoàn làm phim. Tất cả mọi nơi đều từ chối hỗ trợ, và quá trình biên tập phim diễn ra ở nhiều nơi oái ăm, kể cả trong một nhà vệ sinh ở một xưởng phim bỏ hoang. Khi đem ra công chiếu, các chủ rạp phim bị chính quyền đe dọa ngăn không cho chiếu, và FBI mở một cuộc điều tra vào vấn đề tài chính của phim. Bất chấp bị cấm chiếu ở Mỹ, phim nhận được sự hoan nghênh nồng nhiệt ở nhiều quốc gia khác, bao gồm Pháp, Trung Quốc (trở thành phim duy nhất của Mỹ chiếu ở đây từ năm 1950 đến 1979) và Mexico quê hương nữ diễn viên chính.
Trong bộ phim tài liệu “Red Hollywood” (1996), nhà làm phim Thom Andersen và Noël Burch đã nhận xét về tầm quan trọng không thể phủ nhận của “Vị muối của đất” trong lịch sử điện ảnh: “Không một phim Hollywood nào từng làm về một cuộc đình công từ góc nhìn của công nhân. Không một phim Hollywood nào từng khắc họa biểu tình đình công là chính đáng hay lý trí. Không một phim Hollywood nào từng để người Mexico đóng vai chính và người Anglo trong vai phụ. Không một phim Hollywood nào từng xây dựng những người phụ nữ dũng cảm và thay thế đàn ông chèo lái công việc họ một cách hiệu quả. Salt of the Earth đập vỡ tất cả cùng lúc những điều cấm kỵ trong điện ảnh Mỹ, nhưng nó chưa bao giờ đến được với phần đông khán giả”.
3.
Một trong những tác phẩm kinh điển thuộc dòng phim Blaxploitation, “Tình báo ngoài lề” (The Spook Who Sat by the Door, 1973) của đạo diễn Ivan Dixon, được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Sam Greenlee. Bộ phim xoay quanh Dan Freeman, một người đàn ông da đen được tuyển vào tổ chức CIA, nhưng chẳng qua chỉ là một kiểu tuyển lấy lệ, và anh chẳng được giao nhiệm vụ quan trọng gì trong đấy. Sau vài năm nằm vùng ở CIA, anh đã học được rất nhiều kinh nghiệm làm tình báo, và quyết định sử dụng chúng để ra khỏi CIA, dạy cho những người đàn ông da đen ở Chicago và thành lập nhóm “Những chiến binh tự do”. Freeman đã dẫn đầu nhóm để nổi dậy, mở một cuộc chiến tranh du kích chống lại chính CIA và một cuộc cách mạng giải phóng người da màu trên khắp nước Mỹ. Vào thời điểm ra mắt năm 1973, bộ phim gây tiếng vang lớn với khán giả. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, những người quản lý rạp chiếu đã bị các nhân viên FBI “ghé thăm” và đe dọa ngăn cản không được tiếp tục chiếu phim này, hãng phân phối phim United Artists đã bị chính quyền gây áp lực phải rút phim ra khỏi hệ thống rạp. Tất cả các bản in của phim bị tịch thu và phá hủy. May mắn thay, đạo diễn Ivan Dixon đã nhìn thấy trước số phận đứa con của mình và đã lưu giữ một âm bản phim dưới một tiêu đề khác, và đó là bản phim sống sót duy nhất đến ngày nay. Các nhà nghiên cứu lịch sử vẫn nhận định đây là trường hợp tiêu biểu cho chiến dịch phản gián COINTELPRO, một chiến dịch bí mật và bất hợp pháp của FBI nhằm theo dõi, thâm nhập và phá hoại các tổ chức cánh tả cũng như uy hiếp bất kỳ nghệ sĩ nào sản sinh ra tác phẩm có tư tưởng lật đổ và phản kháng.
4.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình mang tư tưởng chính trị bảo thủ ở New York rồi chuyển đến khu vực Trung Nam Mỹ, đạo diễn Allan Francovich đã sớm chứng kiến tình trạng phân hóa giàu nghèo khủng khiếp diễn ra tại nơi ông lớn lên. Bố là kỹ sư mỏ, nên gia đình của Francovich sống trong khu nhà phức hợp cung cấp bởi các công ty khai mỏ từ Mỹ và Châu Âu, còn Francovich thì học trong một trường nội trú kiểu Anh ở Peru, nơi mà các gia đình giới cầm quyền Trung – Nam Mỹ gửi con đến. “Phần lớn những người nước ngoài như chúng tôi, sống trong hoàn cảnh như vậy, không tiếp xúc mấy với người dân sống quanh, nhưng những bạn cùng chơi với tôi đều là con của thợ mỏ, khiến tôi nhận thức rất rõ sự khốn khổ của những người nghèo”.
Trải qua tuổi thơ ở rất nhiều quốc gia khác nhau, bao gồm Honduras, Peru, Bolivia,…, nhưng đất nước mà Francovich có tình cảm sâu nặng nhất là Chile. Năm 1973, tin rằng nghệ thuật sẽ sớm nảy nở dưới chế độ xã hội chủ nghĩa của tổng thống mới đắc cử, Salvador Allende, ông có ý định hợp tác với nhà sản xuất phim Pablo de la Barra để phát triển nền công nghiệp điện ảnh quốc gia Nam Mỹ. Thế nhưng sau vụ đảo chính ở Chile hậu thuẫn bởi Mỹ để thiết lập chính quyền quân sự của Pinochet, một trong những chính quyền tàn bạo nhất trong lịch sử Trung Nam Mỹ, Francovich đã ở lại San Francisco. Ông làm bộ phim “Chile in the Heart” (1975), một phim tài liệu về nhà thơ cách mạng Pablo Neruda, người đã mất sau khi Allende tự sát ít ngày. Làm bộ phim về nhà thơ Neruda không thể nào không nói đến tình bạn giữa Neruda và Allende, càng không thể không nhắc tới vai trò của tổ chức CIA trong cuộc đảo chính.
Chính vì thế, bộ phim tiếp theo trong sự nghiệp của Francovich, “On Company Business” (1980), là một phim bóc trần các thủ đoạn và vai trò của CIA trong việc can thiệp và lũng đoạn chính trị thế giới. Bộ phim được làm trong suốt 5 năm, kéo dài 3 tiếng đồng hồ, tập hợp từ 150 tiếng đồng hồ các thước phim thời sự và 150 tiếng đồng hồ các cuộc phỏng vấn đặc biệt. Có rất nhiều nhân vật quan trọng được phỏng vấn trong phim của Francovich, từ cựu điệp viên CIA, “kẻ phản bội” Philip Agee đến trợ lý đặc biệt của Phó Giám đốc CIA những năm 60, Victor Marchetti.
Theo hợp đồng với đài PBS, bộ phim sẽ được chiếu 3 phần (mỗi phần 1 tiếng đồng hồ) vào ngày 9, 16 và 23 tháng 5 năm 1980. Tuy nhiên rốt cục bộ phim chỉ được chiếu duy nhất một lần trên truyền hình. Bộ phim của Francovich đã làm “CIA tức tối đến mức dùng áp lực chính trị với đài PBS để nó không được chiếu thêm một lần nào nữa”. Trong thời gian chiếu phần một, Francovich đã bị quấy rối bởi vài thượng nghị sĩ Mỹ, những người cáo buộc ông “nhận tiền từ Liên Xô”. Trong một cuộc họp, Hạ Viện Mỹ đã vu khống rằng Francovich là một thành viên của “một nhóm khủng bố quốc tế”.
5.
Zelimir Zilnik là một trong những đạo diễn tiêu biểu của Làn sóng Đen của điện ảnh Nam Tư cũ. Trong một bài phỏng vấn tháng 4/2018, ông đã nhận xét tình trạng bây giờ ở Serbia tồi tệ hơn rất nhiều so với thời kỳ trước khi Nam Tư tan rã về khoảng cách xã hội và quyền con người. “Có hàng triệu người thất nghiệp, chẳng có tương lai cho họ và con cái họ. Quỹ hưu trí bị cướp đoạt. Các nhà máy mà công nhân đầu tư tiền bạc và công nghiệp đã bị chiếm đoạt. Chính quyền nhà nước “tư bản dân chủ” mới không thừa nhận điều này. Tham nhũng tồi tệ hơn mấy chục lần trước đây. Việc duy trì mối liên hệ với đảng thống trị có tầm quan trọng với việc thăng tiến hơn nhiều so với thời xã hội chủ nghĩa. Không gian dành cho văn hóa truyền thông bị hạn chế, cũng như ủng hộ quyền công nhân”. Ông cũng cho rằng hệ thống tài trợ phim của nhà nước tư bản mới loại bỏ hoàn toàn các tác phẩm phản biện và phê phán chế độ và trong suốt 25 năm của “dân chủ và độc lập”, không có phim nào tử tế và có tính phê phán bằng các tác phẩm Làn sóng Đen dưới thời cộng sản trước đây như “Phục kích” (1967) của Živojin Pavlović, “Còng tay” (1969) của Krsto Papić, “Ngày lễ” (1967) của Đorđe Kadijević,…
Theo HỘI NHỮNG NGƯỜI THÍCH PHIM KINH ĐIỂN
Tags: Phương Tây, Dân chủ, Điện ảnh