NHẬT KÝ HÀNH TRÌNH – Ernesto Che Guevara

22 – Cảm xúc Chilê

Khi ghi lại những trang nhật ký hành trình nóng bỏng và đầy trải nghiệm thực tế này với tất cả nhiệt tình, tôi đã viết về một điều gì đó có lẽ không có khuôn khổ và có lúc hơi xa vời đối với tinh thần khoa học. Có lẽ bây giờ không phải là thời điểm thích hợp để tôi đưa ra một số nhận xét về Chilê. Nhưng tôi muốn hơn một năm sau tôi sẽ xem lại những gì tôi đã viết.

Bắt đầu bằng lĩnh vực chuyên môn của chúng tôi là y khoa. Chúng tôi nhận thấy tình trạng y tế tại Chilê còn rất nhiều thứ cần phải chấn chỉnh (mặc dù những trải nghiệm sau này cho tôi biết nơi đây còn tốt hơn nhiều so với những quốc gia khác). Bệnh viện công cộng và miễn phí là cực kỳ hiếm và thậm chí tại những bệnh viện này luôn xuất hiện những tờ áp phích như: “Đừng phàn nàn về việc điều trị tại đây nếu bạn không đóng góp gì cho bệnh viện!”. Trên lý thuyết thì việc chăm sóc y tế ở miền Bắc là miễn phí nhưng thật ra bệnh nhân phải trả tiền khi sử dụng dịch vụ ăn ở tại bệnh viện. Và những chi phí này có nhiều mức, từ một món tiền rất nhỏ cho đến những món tiền khổng lồ – một hình thức ăn cướp hợp pháp. Công nhân bị bệnh hoặc bị thương ở khu mỏ Chuquicamata được chăm sóc và điều trị tại bệnh viện với chi phí 5 escudo Chilê một ngày, nhưng những ai không làm việc tại khu mỏ phải trả khoảng 300 tới 500 escudo một ngày. Bệnh viện không có tiền nên thiếu thuốc men và thiếu thốn về cơ sở vật chất. Chúng tôi đã nhìn thấy những phòng mổ bẩn thỉu, tồi tàn và không đủ ánh sáng, không phải ở những thị trấn nhỏ mà ngay cả ở Valparaiso. Không có đủ dụng cụ giải phẫu. Phòng tắm thì dơ bẩn. Ý thức vệ sinh còn kém. Tập quán của người Chilê (về sau tôi mới biết tập quán này có tại tất cả các quốc gia Nam Mỹ) là không ném giấy vệ sinh trong bồn toilet mà vứt trên nền nhà hoặc bỏ vào một cái thùng bên cạnh.

Mức sống ở Chilê thấp hơn so với Argentina. Lương nhân công tại miền Nam rất thấp, tình trạng thất nghiệp cao và công nhân hầu như không nhận được sự bảo vệ đáng kể nào từ chính quyền (mặc dù nơi đây còn tốt đẹp hơn so với miền Bắc). Điều này đã tạo nên những làn sóng người Chilê di cư đến Argentina để tìm kiếm một “miền đất hứa”, mà theo những lời tuyên truyền chính trị xảo quyệt, vùng đất ấy kéo dài tới tận phía tây dãy Andes. Ở miền Bắc, công nhân làm việc tại mỏ đồng, nitrate, vàng và lưu huỳnh được trả lương khá hơn, nhưng đời sống đắt đỏ hơn nhiều. Nhìn chung, họ thiếu những vật dụng sinh hoạt thiết yếu, lại thêm khí hậu miền núi vô cùng khắc nghiệt. Điều này làm tôi nhớ đến cái nhún vai đầy ý nghĩa của người quản lý ở Chuquicamata khi trả lời câu hỏi của tôi về vấn đề tiền bồi thường cho hơn 10.000 công nhân được chôn cất tại nghĩa trang địa phương. Bối cảnh chính trị thật là hỗn loạn (1). Có bốn ứng cử viên tổng thống, trong đó Carlos Ibanez là người rất có khả năng thắng cử. Ông vốn là một sĩ quan có xu hướng độc tài và tham vọng tương tự như Peron, và ông đã hô hào nhân dân với tất cả nhiệt tình của một lãnh tụ. Quyền lực chính của ông là Đảng Xã hội Nhân dân, được hậu thuẫn bởi những phe phái chính trị liên kết. Nhân vật thứ hai theo tôi biết là Pedro Enrique Alfonso, ứng cử viên chính thức của chính phủ, ông là người có quan điểm chính trị mơ hồ: dường như rất thân với những người Mỹ mà cũng tranh thủ hầu như tất cả đảng phái chính trị khác. Còn đứng đầu phía cánh hữu là trùm tư bản Arturo Matte Larrain, con rể của cố tổng thống Alessandri, người thích sự ủng hộ của tất cả phe phái phản động. Cuối cùng là ứng cử viên của Mặt trận Bình dân – Salvador Allende (1)- người được những người cộng sản ủng hộ, mặc dù có đến 40.000 người trong số đó bị tước quyền bầu cử vì đã gia nhập Đảng Cộng sản. Có thể Ibanez sẽ theo dõi các hoạt động chính trị tại châu Mỹ La tinh, kích động sự hằn thù đối với Mỹ để tranh thủ sự ủng hộ của dân chúng; quốc hữu hóa các mỏ đồng và những mỏ khác (mặc dù tôi tin rằng việc quốc hữu hóa những quặng mỏ ở Chilê là kém khả thi, ít ra là trong một thời gian ngắn vì Mỹ đang sở hữu những quặng mỏ khổng lồ tại Peru và chuẩn bị khai thác chúng); tiếp tục quốc hữu hóa hệ thống đường sắt và mở rộng mậu dịch giữa Argentina và Chilê.

Chilê là một đất nước hứa hẹn về mặt kinh tế cho những ai không thuộc giai cấp vô sản, nghĩa là bất cứ ai có một trình độ nhất định về giáo dục và kiến thức kỹ thuật. Đất đai của Chilê có khả năng cung cấp đầy đủ gia súc (đặc biệt là cừu) và ngũ cốc cho nhân dân. Có những nguồn khoáng sản thiết yếu để biến Chilê thành một quốc gia công nghiệp giàu mạnh như: sắt, đồng, than, thiếc, vàng, bạc, mangan, và nitrat. Nỗ lực lớn nhất mà Chilê phải làm là hất cẳng những người bạn Yankee khó chịu, một công việc vô cùng khó khăn vào lúc này, vì một lượng lớn đô la mà Mỹ đã đầu tư vào Chilê sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế và phản ứng của Mỹ khi mà lợi nhuận của Mỹ bị đe dọa.

XEM TIẾP: 23 – Miền đất mới Tarata

Tags: ,