NHẬT KÝ HÀNH TRÌNH – Ernesto Che Guevara

30 – Thành phố của những kẻ chinh phục…

Thành phố thịnh vượng trước kia của đế chế Inca đã duy trì thời kỳ vàng son trong nhiều năm. Nơi đây có những con người khoe khoang sự giàu có thật sự của mình. Theo thời gian, họ càng giàu có hơn vì khu vực này là nơi hội tụ của những mỏ vàng, mỏ bạc. Điều làm cho Cuzco không còn mang cái tên “cái rốn của thế giới” lại xuất phát từ bên ngoài. Của cải, châu báu của thành phố đã tuôn về thủ phủ mới ở bên kia đại dương để làm giàu có thêm cho một triều đình khác. Người thổ dân không còn lao động với lòng quyết tâm trên mảnh đất cằn cỗi của mình; mặc dù những kẻ chinh phục người Tây Ban Nha không đến đây để tranh giành đất đai sinh sống hằng ngày, nhưng họ đến để thu gom của cải với mục đích thể hiện chiến công hay đơn giản là do lòng tham. Dần dần Cuzco trở nên tàn lụi, bị đẩy ra ngoài lề, mất hút trong những dãy núi. Trên bờ biển Thái Bình Dương, một địch thủ mới xuất hiện, chính là Lima, phát triển nhờ lợi tức thu được từ việc đánh thuế khi làm nơi trung chuyển của cải tuôn ra từ Peru. Mặc dù không có những biến cố lớn đánh dấu thời kỳ chuyển tiếp này nhưng thủ đô huy hoàng của Inca ngày nay chỉ là những dấu tích của thời gian. Thời gian gần đây có một vài tòa nhà hiện đại mọc lên tương phản với những phế tích, nhưng tất cả những tượng đài của một thời huy hoàng vẫn còn tồn tại.

Ngôi giáo đường đứng sừng sững giữa trung tâm thành phố. Vẻ kiên cố tiêu biểu cho một thời đại đã làm nó trông giống như một pháo đài hơn là một ngôi nhà thờ. Vẻ rực rỡ của kiến trúc bên trong phản ánh một quá khứ huy hoàng; những bức họa khổng lồ trên các bức tường tuy không sang trọng như những vật trang trí khác nhưng dù sao vẫn còn hài hòa với kiến trúc của ngôi giáo đường, và bức họa thánh Christopher hiện lên khỏi mặt nước, theo tôi là một tác phẩm có giá trị. Động đất đã tàn phá ngôi giáo đường: những bức họa bị vỡ khung và tranh thì trầy trụa hoặc nhàu nát. Tất cả khung và cánh cửa bằng vàng ở phía hông bàn thờ đều bị văng ra khỏi bản lề, tạo ra một hình ảnh kỳ lạ, như thể chúng đang phô bày sự tổn thương đối với thời gian. Không như bạc, vẻ mềm mại, dịu dàng chỉ tồn tại trong một thời gian, vàng luôn giữ được màu sắc và vẻ rực rỡ của nó. Chính vì vậy, ngôi giáo đường trông giống như một phụ nữ đã lớn tuổi nhưng lại trang điểm quá lòe loẹt. Đường nét nghệ thuật đích thực của ngôi giáo đường có thể tìm thấy nơi các bục sân khấu dành cho ca đoàn. Sân khấu được làm bằng gỗ do thợ thủ công gốc thổ dân hoặc lai châu Âu thực hiện. Khi chạm khắc để mô tả cuộc đời của các vị thánh, những người thợ này đã pha trộn tinh thần Thiên chúa giáo và tâm hồn đầy bí ẩn của nhân dân miền Andes.

Một báu vật của Cuzco rất đáng để du khách thăm viếng là bục giảng kinh của nhà thờ Basilica ở San Blas. Điểm đặc biệt của chiếc bục này chính là ở những đường nét điêu khắc buộc bạn phải dừng chân lại, chiêm ngưỡng trong sự thích thú. Và cũng như bục sân khấu dành cho ca đoàn, bục giảng kinh này cũng thể hiện sự hợp nhất của hai giống dân thù nghịch nhưng bổ sung cho nhau. Cả thành phố là một viện bảo tàng nghệ thuật rộng lớn: tất nhiên là có sự hiện hữu của những ngôi nhà thờ, nhưng mỗi căn nhà, mỗi ban công nhìn ra đường phố, đều khơi dậy quá khứ. Tất nhiên mỗi thứ có một giá trị riêng của nó. Nhưng giờ đây tại một nơi rất xa thành phố cổ đó, khi tôi viết những dòng nhật ký này, dòng chữ trước mắt tôi dường như nhạt nhòa và trở nên giả tạo, tôi không thể nói điều gì đã gây ấn tượng cho tôi mạnh mẽ nhất. Trong số những dấu tích của những ngôi nhà thờ mà tôi đã viếng thăm, tôi nhớ hình ảnh đáng thương của những tháp chuông nhà thờ Belen đã bị sụp đổ trong một trận động đất, nhìn giống như những con thú bị chặt hết chân tay nằm trên sườn đồi.

Trước sự tàn phá của thời gian, chỉ có vài bức họa còn sót lại. Nhưng Cuzco không phải là thành phố để viếng thăm chỉ vì có bức tranh này hay bức tranh kia, mà cả thành phố cùng tạo ấn tượng về một thủ phủ thanh bình, dù đôi lúc không yên tĩnh, của một nền văn minh đã bị mai một.

XEM TIẾP: 31 – Dấu tích thành phố cổ Cuzco

Tags: ,