NHẬT KÝ HÀNH TRÌNH – Ernesto Che Guevara

43 – Trên đường đến Caracas

Sau một số câu hỏi vớ vẩn với những cái nhìn dò xét đầy nghi ngờ, cuối cùng nhân viên hải quan cũng đóng dấu lên hộ chiếu của chúng tôi với ngày hết hạn là 14 tháng 7 in thật lớn, và chúng tôi đi bộ ngang qua chiếc cầu nối liền đồng thời ngăn cách hai quốc gia. Cũng với dáng vẻ hằn học, hách dịch như binh lính Colombia – dường như đây là điểm thường thấy nơi quân đội – một binh sĩ Venezuela kiểm tra hành lý của chúng tôi, rồi thẩm vấn vài câu để chứng tỏ rằng chúng tôi đang được nói chuyện với một người có quyền hành. Thủ tục hành chính đã cản trở chúng tôi khá lâu tại San Antonio de Tachira, và rồi chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình trên một chiếc xe tải mà người chủ xe đã hứa chở chúng tôi đến thành phố San Cristobal.

Dọc đường có trạm hải quan – nơi chúng tôi bị lục tung cả hành lý và con người. Chúng tôi đã phải giải thích nhiều lần với viên cảnh sát trưởng về xuất xứ của con dao đã gây quá nhiều rắc rối ở Bogota. Những người ở đây có trình độ văn hóa cao nên nói chuyện với họ cũng dễ dàng. Khẩu súng lục vẫn an toàn vì nó nằm trong túi áo jacket da cuộn trong một cái gói mà mùi của nó làm những nhân viên hải quan chịu không nổi nên chẳng để ý. Cuối cùng chúng tôi cũng xin lại được con dao, nhưng đây là một mối bận tâm mới, bởi có nhiều trạm kiểm soát dọc đường từ đây đến Caracas và không phải ai cũng dễ dàng để giải thích. Con đường nối hai thị trấn biên giới được xây dựng hoàn hảo, đặc biệt về phía Venezuela, và nó làm tôi gợi nhớ đến vùng đồi núi quanh Cordoba. Nhìn chung, đất nước này thịnh vượng hơn Colombia.

Trên đường đến San Cristobal đã xảy ra vụ tranh chấp giữa những người chủ của công ty vận tải và chúng tôi, những người muốn đi theo cách tiết kiệm nhất. Lần đầu tiên trong chuyến đi của chúng tôi, lý lẽ của họ về “đi xe tải hai ngày có lợi hơn đi xe buýt ba ngày” đã thắng. Nóng lòng giải quyết vấn đề cho nhanh và để tìm cách làm hạ cơn suyễn, chúng tôi quyết định xuống xe và trả thêm tiền, đành phải hy sinh thêm vài đồng để đến Caracas. Chúng tôi lang thang trong vùng phụ cận San Cristobal cho đến tối và đọc một chút về đất nước Venezuela tại thư viện địa phương. 11 giờ đêm, chúng tôi lên đường đi về hướng bắc, để lại đằng sau tất cả những dấu vết của nhựa đường. Trên băng ghế đã có sẵn ba người ngồi. Họ nhét tiếp bốn người nữa, và như thế không cách nào để ngủ được. Tệ hơn nữa, bánh xe bể phải mất hơn một giờ để sửa chữa và cơn suyễn lại tiếp tục hành hạ tôi. Con đường ở trong tình trạng còn thê thảm hơn, gây thêm nhiều lỗ thủng nữa; vào ngày thứ hai lại có thêm vài lỗ thủng nữa.

Cảnh sát có những chốt chặn dọc đường, kiểm soát tất cả xe tải, và nếu không có thư giới thiệu của một bà hành khách thì chắc là chúng tôi phải gặp những chuyện cực kỳ rắc rối. Tài xế nói tất cả hành lý là của bà hành khách đó, thế là an toàn. Đồ ăn lại lên giá, một phần ăn ba đồng rưỡi thay vì một đồng bolivar như trước. Để tiết kiệm được đồng nào hay đồng nấy, chúng tôi chỉ ăn uống qua loa tại Punta del Aguila, và tài xế thấy tình cảnh đáng thương của chúng tôi đã bao chúng tôi ăn uống no nê. Punta del Aguila là đỉnh cao nhất của dãy Andes thuộc địa phận Venezuela, độ cao 4.108 mét so với mặt biển. Tôi uống nốt hai viên thuốc còn lại để ngủ yên qua đêm. Vào lúc bình minh, tài xế dừng lại trong một giờ để ngủ. Ông ta đã lái xe liên tục không nghỉ trong hai ngày. Chúng tôi hy vọng sẽ đến Caracas vào đêm hôm đó, nhưng bánh xe thủng và bình điện không sạc được làm chúng tôi phải dừng lại để sửa chữa. Ở đây thuộc khí hậu nhiệt đới và khắp nơi đều có chuối cùng những đàn muỗi đói hung hăng. Đoạn đường cuối cùng, nơi tôi ngủ để quên cơn suyễn, được trải nhựa thật tốt và trông thật đẹp. Khi chúng tôi đến nơi thì trời đã sáng. Tôi đã kiệt sức, cố thuê một cái giường với giá nửa đồng bolivar và ngủ như chết với một liều Adrenalin mà Alberto đã tiêm cho.

XEM TIẾP: 44 – Chia tay

Tags: ,