Bàn về thị hiếu thẩm mỹ và cảm thụ nghệ thuật

Nghệ thuật là một lĩnh vực song hành cùng các lĩnh vực khoa học khác. Nghệ thuật nhận diện nền văn hóa của mọi dân tộc chứ không phải là khoa học. Hoạt động nghệ thuật là một nghề như bao nghề khác, nghệ sĩ là nhà bác học trong lĩnh vực của họ. Nhu cầu nghệ thuật là hiển nhiên, tự thân của con người. Xã hội càng phát triển thì nhu cầu thưởng thức nghệ thuật càng lớn.

Bàn về thị hiếu thẩm mỹ và cảm thụ nghệ thuật

Thị hiếu thẩm mĩ hiện diện trong các mặt của đời sống xã hội như thế nào? Câu hỏi dường như quá dễ trả lời song lại có vô vàn đáp số, vô vàn quan điểm và nhận thức khác nhau. Mỗi cá nhân, dân tộc, thời đại, nền văn hóa khác nhau lại có những tiêu chuẩn thẩm mĩ khác nhau tùy vào năng lực nhận thức thẩm mĩ.

Vai trò của nghệ thuật nói chung, nghệ thuật tạo hình nói riêng và ảnh hưởng của thị hiếu thẩm mĩ đối với đời sống con người đã được đề cập nhiều cho nên chúng tôi không định đưa ra ở đây những thống kê ấy. Chúng tôi coi đây là một cách suy luận có tính biện chứng, từ những điều hiển nhiên, mắt thấy, tai nghe hàng ngày mong có thể góp bàn một tiếng nói tuy yếu ớt nhưng lại quan trọng trong thực tiễn cuộc sống.

Chúng tôi là nghệ sĩ, là lớp người thiểu số trong xã hội thiên lệch và thiên vị. Nghệ thuật, nhìn ở mặt ngoài của cuộc sống vốn không ảnh hưởng trực diện đến sự phát triển nhân cách con người, cũng không hẳn cần thiết như cách xã hội ta đang quy chiếu. Nhưng chính nghệ thuật luôn tồn tại trong đời sống con người, nằm ngoài ý muốn chủ quan của chúng ta. Theo nghĩa đó, mỗi người đều là nghệ sĩ của chính mình nhờ thị hiếu thẩm mĩ riêng. Nhưng rất ít người xem trọng và có ý thức vun đắp cho gu thẩm mĩ của mình.

Chúng tôi thử đưa ra một vài diễn giải mong khơi dậy trong mỗi người về các ứng xử với chính những kinh nghiệm xúc cảm sẵn có trong các bạn.

Có thể nói, tạo hóa luôn tạo ra những chuẩn mực thẩm mĩ thông qua sự hài hòa tuyệt vời các quan hệ tạo hình. Chẳng hạn người da vàng thì có tóc đen và môi đỏ tươi, người da trắng thì lại có tóc màu hung vàng, các tộc người da đen thì môi đỏ thẫm và hàm răng rất trắng. Mỗi quan hệ màu vừa nhắc đến đều tạo ra một hiệu quả có lợi cho tổng thể hòa sắc.

Kế thừa tạo hóa, loài người đã lựa chọn cho riêng mình những trang sức cũng hết sức tuyệt vời. Những màu sắc và hình vẽ trên cơ thể của các tộc người da màu mà dùng cho người da trắng thì không thể đẹp. Cũng như một chàng công tử phố thị mà mặc trang phục của người Ba Na thì không thể đẹp bằng chàng trai có nước da sẫm màu của núi rừng Tây Nguyên. Đó là hiệu quả nghệ thuật ngay giữa đời thường nhờ thị hiểu thẩm mĩ tích tụ qua nhiều đời.

Tuy nhiên trong nghệ thuật có những trường hợp hình tượng nghệ thuật rất đẹp bằng cảm quan nhưng không thể đẹp như thế trong đời thường. Chẳng hạn bạn sẽ có cảm xúc thế nào khi đứng trước một cô gái ngoài đời thực với “da trắng như tuyết, môi đỏ như máu, tóc đen như khung của gỗ mun”? Chắc bạn sẽ tưởng mình gặp cơn ác mộng! Cho nên có thể nói rằng, thị hiếu thẩm mĩ trong cuộc sống đời thường về cơ bản vẫn có chân giá trị là sự hài hòa.

Dân gian Việt Nam có câu rằng: “Ăn no thì lại nằm khoèo, nghe giục trống Chèo bế bụng đi xem.”. Câu này có dụng ý sâu sắc rằng phải có cái ăn rồi mới nghĩ đến chơi. Giờ đây khi không còn lo đói ăn nữa, người Việt Nam ta cũng đã bắt đầu quan tâm hơn đến việc làm đẹp, và rồi lại có câu rằng “Nghề chơi cũng lắm công phu”. Nhưng thực chất, nhu cầu và ý thức làm đẹp cho cuộc sống vốn đã tồn tại song hành cùng lịch sử loài người, cùng những nhu cầu khác và không phải chỉ trong xã hội hiện đại mới có. Đồng thời nghệ thuật không tiệm tiến như tiến trình phát triển xã hội loài người, không phải cứ thời kỳ sau thì phát triển tốt hơn thời kỳ trước. Chẳng hạn các bạn sẽ đồng ý rằng, ngôi nhà lợp ngói 5 gian ở vùng quê Bắc bộ sẽ đẹp hơn ngôi nhà mái bằng với bê tông cốt thép. Thậm chí đến cả cái sân gạch không hẳn bằng phẳng, cái bờ ao vốn đầy hang hốc dưới gốc cây sung, cây chuối cũng dễ làm nao lòng người hơn cái bờ hồ được kè rất bền chắc bằng bê tông. Vẻ nên thơ của cảnh quan thôn dã có được nhờ sự ăn nhập kỳ lạ từ những mái nhà, hàng cau, bờ tre, sân gạch v.v… với những đàn gà đủ màu sắc. Những điều giản dị như thế là nhờ cả một nền nghệ thuật kiến trúc truyền thống, bằng kinh nghiệm dân gian mà cha ông đã tích lũy bao đời mới có được. Đó là thẩm mĩ dân gian mà không cần bàn tay của kiến trúc sư có bằng cấp. Nhưng để thụ hưởng giá trị đó thì những nhà kiến trúc, nghệ sĩ lại là người nhận biết và thụ hưởng trọn vẹn nhất.

Bạn sẽ thấy được sự bình yên, thanh thản và ấm cúng với một khung cảnh làng quê như thế. Bạn sẽ thức dậy với nguồn năng lượng dồi dào hơn so với cả khi có thể ngủ ngon trong căn phòng có máy điều hòa mát rượi. Chắc chắn có một phần nhờ hiệu quả nghệ thuật.

Một bác nông dân sẽ có nhu cầu trang trí nhà cửa khác hẳn một nhà khoa học. Nhưng chúng ta đừng nhầm tưởng sự khác biệt ấy do vốn kiến thức học thuật mà chủ yếu là nhờ trải nghiệm và nhu cầu đời sống mà ra.

Trong lĩnh vực màu sắc, đa số tâm lý người Việt Nam đều quan niệm màu đen không đem lại sự may mắn cho những khởi đầu, nhưng trang phục được cho là trang trọng, lịch sự nhất là bộ áo com – lê màu đen thường được dùng trong lễ cưới hay các buổi lễ khai trương… Màu đen rõ ràng đem lại sự sang trọng! Còn màu trắng thể hiện sự trinh trắng, thanh tao, cũng hướng đến nghĩa hồn nhiên vui vẻ nhưng lại là màu dùng trong tang lễ. Vậy là màu trắng có hai nghĩa trái ngược. Người châu Âu ưa màu xanh, người châu Á ưa dùng màu đỏ là ảnh hưởng địa lý và địa văn hóa. Nhưng những dân tộc ở vùng sa mạc nóng thì dùng màu trắng bởi màu trắng có tác dụng hạn chế sức nóng của mặt trời, tức là thiên về kinh nghiệm khoa học. Vậy là tùy vào từng hoàn cảnh khác nhau mà thói quen và ý nghĩa của việc dùng màu sắc cũng khác nhau, đôi khi là đa nghĩa.

Trong lĩnh vực thời trang, người sống bề nổi có gu thẩm mỹ màu sắc mạnh, người dịu dàng thì ưa màu trung tính, người mạnh mẽ thì thích sự khác biệt với số đông, người thâm trầm thì ưa màu đậm v.v… Khi nhìn một người lớn tuổi mặc bộ trang phục nhiều màu hoặc màu quá mạnh là thấy không phù hợp. Một bộ quần áo của bạn trẻ tuổi 20 mà người tuổi 60 mặc là thấy không vào mắt. Thực ra đấy là thị hiếu thẩm mĩ của cá nhân nhưng lại chưa hẳn phù hợp với từng cá nhân cụ thể khi xuất hiện trong những hoàn cảnh khác nhau. Những điều đó nói lên rằng, thời trang có liên quan chặt chẽ với lứa tuổi và ngoại hình của từng người cho nên biết được lợi thế này chúng ta có thể cải thiện hình ảnh của mình một cách đáng kể.

Bạn có tin rằng, khi uống nước chè xanh bằng bát sẽ thú vị hơn bằng cái cốc thủy tinh? Bạn có biết rằng nếu phòng ngủ sơn màu mạnh sẽ khó ngủ hơn? Đó cũng là giá trị hiện hữu của sự hài hòa như chính trong nghệ thuật vậy.

Các bạn đã đi du lịch biển ở đâu, nơi nào để lại ấn tượng mạnh nhất trong các chuyến đi ấy? Sẽ có bạn ấn tượng với Tuần Châu ở Quảnh Ninh, có bạn lại là bãi biển Đà nẵng hay chuyến thăm đảo Vinpearl ở Nha Trang qua đường cáp treo. Ấy thế mà một số đông các họa sĩ lại thường ấn tượng với những bãi biển hoang sơ, ít người và thậm chí không có cả dịch vụ giải trí. Đó cũng là bởi nhu cầu của chúng ta là khác nhau. Trong khi bạn đi du lịch là để hưởng thụ những dịch vụ giải trí hiện đại, mới lạ mà mình chưa bao giờ tưởng tượng ra, thì họa sĩ họ đi tìm những ý tưởng mới từ hiện thực chưa qua bàn tay con người. Thực tế thì không gian nghệ thuật nơi du lịch hiện đại đã có bàn tay nhà nghệ sĩ thiết kế rồi. Vậy là sự khác nhau cơ bản ở mục đích của những chuyến đi.

Như vậy, mặc dù chuẩn mực thẩm mĩ là một dấu hỏi lớn, nhưng nếu tham chiếu bằng ý nghĩa đối với nhu cầu đời sống tính thần thì dường như câu trả lời sẽ khá gọn gàng và thực tế.

Thị hiếu thẩm mĩ thực ra là cũng thuộc bản năng con người nhưng để đạt đến ngưỡng “đẹp” thì cần phải học, phải trải nghiệm. Cũng như các năng lực khác của con người, chẳng hạn năng lực tính toán giúp ta có thể trở thành nhà toán học hay nhà kinh tế, năng lực thẩm mĩ quyết định đến khả năng hưởng thụ nghệ thuật và ảnh hưởng đến ý thức xã hội cũng như vị thế của chúng ta trong xã hội.

Nếu các bạn thống nhất với những điều chúng tôi vừa đề cập ở trên thì nên chăng các bạn hãy lưu tâm đến ý thức tự giáo dục nghệ thuật một cách nghiêm túc. Ngay bây giờ có thể bạn thử kiểm định lại xem mình đã có những kiến thức sơ đẳng gì về các loại hình nghệ thuật. Liệu chúng ta có bị thiếu những hiểu biết quan trọng nhất về nghệ thuật hay không? Chúng tôi cho là có thiếu. Vì thế hãy đừng để mình bị lạc hậu trong thế giới phẳng hay ít nhất bạn đừng để mình bị khó xử khi không thể trả lời những câu hỏi đơn giản về nghệ thuật.

Nghệ thuật là một lĩnh vực song hành cùng các lĩnh vực khoa học khác. Nghệ thuật nhận diện nền văn hóa của mọi dân tộc chứ không phải là khoa học. Hoạt động nghệ thuật là một nghề như bao nghề khác, nghệ sĩ là nhà bác học trong lĩnh vực của họ. Nhu cầu nghệ thuật là hiển nhiên, tự thân của con người. Xã hội càng phát triển thì nhu cầu thưởng thức nghệ thuật càng lớn.

Với nghệ sĩ, nghệ thuật có khả năng giải phóng những uẩn ức nội tâm cho nên nhiều nghệ sĩ thường giữ được sự trẻ trung lâu hơn. Với loài người, ngoài chức năng giải trí, nghệ thuật thậm chí là liều thuốc chữa bệnh, nhất là những căn bệnh có nguyên nhân từ xung đột nội tâm. Cuối cùng, hơn hết, nghệ thuật làm cho chúng ta trở nên có phong cách.

Thep PVT / ĐH SƯ PHẠM HÀ NỘI

Tags: ,