Triết lý nghệ thuật kỳ lạ của Edgar Allan Poe

Quan niệm thẩm mỹ về cái Đẹp và triết lý sáng tác thơ, truyện của nhà văn Mỹ Edgar Allan Poe đã “nhập tịch” vào quan niệm nghệ thuật của nhiều nhà thơ, nhà văn lãng mạn Việt Nam từ những năm đầu thế kỉ 20.

Triết lý nghệ thuật kỳ lạ của Edgar Allan Poe

Đó là quan niệm nghệ thuật về Cái Đẹp thuần khiết, độc lập với Đạo đức và Chính trị, và “Nỗi buồn là địa hạt chính đáng nhất của thơ ca”. Đặc biệt hơn, Poe còn đề cao lý trí, cho rằng “nghệ thuật là sản phẩm của trí tuệ”.

“Triết lý sáng tác” kì lạ của ông tuy ban đầu bị nhiều cây bút lên án, nhưng đến nay, đã trở thành những công thức sáng tác mẫu mực không chỉ cho văn học Mỹ mà còn cả văn học thế giới, trong đó có văn học Việt Nam.

1. Mở đầu

Giới nghiên cứu lâu nay vẫn cho Edgar Poe là một nhà thơ chủ trương “Nghệ thuật vị nghệ thuật”, là “lý thuyết gia” đầu tiên của thi phái này. Có lẽ bởi sáng tác của ông không quan tâm đến những vấn đề chính trị, xã hội, mà chỉ hướng về nội tâm con người. Và có thể bởi Poe quá chú trọng đến hình thức nghệ thuật sáng tác. Thực ra vấn đề này không phải không có những tranh cãi, phủ định, xuất phát từ nhiều điểm nhìn khác nhau. Có người cho rằng sáng tác của ông có ý đồ kỹ thuật quá đậm, nhà thơ chỉ là một “thợ văn” hơn là một thiên tài nghệ thuật đích thực. Thậm chí còn đánh giá tác phẩm của ôngchỉ là những mảnh ráp nối từ cuộc đời ông”, “chỉ là sản phẩm của một kẻ loạn thần kinh, đầu óc bệnh hoạn, thiếu thăng bằng”. Ngay cả James Russell Lowell, mặc dù là một nhà văn thiên tài cũng cho rằng “hai phần năm trong số những tác phẩm của Poe chỉ là những chuyện tầm phào” (Lê Đình Cúc, 2001, 154). Thế nhưng, ngày nay, đã có nhiều bài báo, công trình đặt lại vấn đề này, và đề cao “nhà thơ điên” Edgar Allan Poe là “thiên tài bí ẩn, kì lạ nhất” của văn học Mỹ và thế giới, người để lại nhiều ảnh hưởng nhất ở các nền văn học Đông – Tây thế kỉ XIX đến nay. Bài viết này tập trung tìm hiểu quan niệm thẩm mỹ độc đáo của Poe về Cái Đẹp và những cách tân độc đáo của ông trong việc sáng tạo ra “triết lý” sáng tác thơ, thiết lập các nguyên tắc thẩm mỹ trong truyện ngắn, để lại nhiều dấu ấn trong nghệ thuật sáng tác văn chương Việt Nam.

2. Quan niệm nghệ thuật về Cái Đẹp của Edgar Allan Poe

2.1. Cái Đẹp thuần khiết và Tự nó

“Trước Poe chưa có nền văn học Hoa Kỳ” (J. Cabau, 2009, 35), thế hệ của Poe chính là người khai sinh nó. Edgar Allan Poe được coi là người mở đường chotrường phái thơ tượng trưng, là “lý thuyết gia” đầu tiên của quan điểm “Nghệ thuật vị nghệ thuật” với quan niệm độc đáo, khác lạ về sáng tác so với những tác gia cùng thời. Trong các tiểu luận phê bình tiêu biểu của Poe, nhiều lần ông khẳng định bản chất của thơ là phải Đẹp. Dù muốn tả một cảm xúc, một tâm trạng hay một chân lý thì những thứ đó cũng phải được bao phủ bởi Cái Đẹp, nếu không thì không thể thành thơ. Theo Poe, Cái Đẹp thuần khiết trong sáng vốn không ràng buộc bởi bất kỳ yếu tố khách quan nào, hoàn toàn nằm trong tưởng tượng của nhà thơ. Nếu tách tưởng tượng ra khỏi vạn vật thì cũng có nghĩa là đi ngược với quy luật của tự nhiên, làm cho hiện thực cuộc sống trở nên nghèo nàn trần trụi đi, và, sẽ không còn Cái Đẹp (Sonnet –To Science). Quan niệm này rất được các nhà tượng trưng Pháp đề cao. Với Poe, “Cái Đẹp là lĩnh vực chính đáng duy nhất của thi ca. Đó là một niềm vui thích rất mãnh liệt, rất cao cả, và cũng rất thuần khiết mà con người chỉ có thể tìm thấy trong sự chiêm ngưỡng Cái Đẹp”.[1] (Baym Nina, 1989,1322). Có lẽ Poe cũng là người đầu tiên sớm phân biệt rõ Cái Đẹp với Chân lý và Sự đam mê: “Trong thực tế, Chân lý đòi hỏi sự chính xác còn Đam mê thường là thô thiển (những người thực sự đam mê sẽ thông cảm với tôi), mà cả hai điều này (sự chính xác và thô thiển) lại hoàn toàn đối lập với cái Đẹp”[2]. Và thơ của Poe đã thuần túy đi vào Cái Đẹp bởi cái đẹp của chính nó, chính mục đích của Thi ca.

Trong tiểu luận khá nổi tiếng khác, Nguyên lý thơ (The Poetic Principle) Poe đã định nghĩa bổ sung: “Thơ ca như là sự sáng tạo nhịp điệu của cái Đẹp. Trọng tài duy nhất của nó là Thẩm mỹ. Với Trí tuệ hoặc Lương tâm, nó chỉ có mối tương quan phụ. Trừ phi ngẫu nhiên, nó không có mối liên hệ gì với Trách nhiệm hay Sự thật.” [3]. Poe cũng nhấn mạnh: “bản thân của nguyên lý thơ – nói một cách đơn giản và chặt chẽ – là sự Khát khao của Con người về cái Đẹp cao cả, sự biểu lộ của nguyên lý này luôn luôn căn cứ vào việc nâng cao sự phấn chấn của tâm hồn, hoàn toàn độc lập với Cảm xúc là sự say sưa của Trái tim, hoặc với Sự thật là sự thỏa mãn của Lý trí”[4].

2.2. Nỗi buồn là giọng điệu phù hợp nhất của thơ ca

Mặt thứ hai trong quan niệm về Cái Đẹp của Poe cũng khác hẳn những quan niệm quen thuộc thông thường khi ông cho rằng: “Cái Đẹp ở bất cứ kiểu loại nào, khi đạt tới cực độ thì bao giờ cũng làm người ta phải nhỏ lệ, do đó giọng thơ phải buồn. Vì thế, u buồn chính là giọng điệu phù hợp nhất của thi ca.”[5] (Baym Nina, 1989,tr.1323). Và ông chọn: “Cái chết của người phụ nữ đẹp (trẻ) là đề tài thơ mộng nhất” (The Philosophy of Composition). Hình tượng trung tâm trong nhiều tác phẩm của ông đều có nhân vật nữ chính hoặc điên loạn chết, hoặc ốm yếu và tàn tạ đến chết bởi một căn bệnh quái ác: lao phổi. (Ligeia, Moreilla, Berenice, Sự sụp đổ của ngôi nhà dòng họ Usher, Bức chân dung hình ô-van…). Chính vì luôn tự dày vò trong suy nghĩ đau đớn về cái chết, nhiều bài thơ của Poe mang trạng thái tuyệt vọng – một thứ khoái cảm trong sự tự hành hạ dày vò chính mình, một kiểu bệnh tâm lý (sadism). Bài thơ Con quạ (The Raven) với điệp khúc “Nevermore- không bao giờ nữa” vì vậy đã trở thành một kiệt tác làm nên tên tuổi của Poe và quan niệm về Cái Đẹp của ông: Cái Đẹp là cái u sầu. Nỗi – đau – mất – người – phụ – nữ – yêu – dấu đã trở thành kiểu đề tài “độc quyền” của Edgar Poe. Cũng như nói đến Edgar Poe là người ta nghĩ đến hình ảnh con quạ và nỗi ám ảnh: “Và con quạ vẫn không bay đi, còn đậu đó (…), ánh sáng đèn giội lên nó, rọi bóng nó trên đất, và tâm hồn tôi không bao giờ thoát lên khỏi cái bóng chập chờn trên đất ấy, không bao giờ nữa!” (Nguyễn Hiến Lê, 1957, 29).

Song, cũng cần phân biệt đề tài Cái chết của Poe không nhằm miêu tả bản thân cái chết mà là quá trình con người nhận thức về cái chết và kiểu chết. Suy nghĩ và phản ứng của con người ra sao trước cái chết. Đối mặt hay sợ hãi, chạy trốn? Poe thường miêu tả thật chi tiết những cảm nhận của con người khi đang dần chết đi và những nỗ lực vùng vẫy của họ để được trở về dương thế. Theo Poe, nhận thức quy luật về cái chết không phải là sự yếu đuối mà chính qua đối mặt với cái chết, sức mạnh con người lại được khẳng định. Trong nhiều truyện huyễn tưởng kì ảo của Poe, nhân vật của ông đều trở về từ cái chết. “Không có sự đổi mới nào tránh được cái chết. Con người, như một cuộc chạy đua, không nên mất hết hy vọng, anh ta phải được sống lần nữa.”[6] (E. Poe, 1984, 597). Gia tài nghệ thuật của Poe, ngoài những thông điệp về Cái chết, Tình yêu và Nỗi buồn còn mang nặng những trăn trở giằng xé phản thân của con người khi tự đối bóng để đi tìm cái bản ngã đích thực của mình (William Wilson, Con người của đám đông, Trái tim thú tội, Con mèo đen…).

2.3. Nghệ thuật vị linh hồn con người

Có thể nói một cách khách quan hơn, theo cách dùng từ của Eric Calson, tuy đề cao cái Đẹp, cho trọng tài duy nhất của thơ ca là Thẩm mỹ và đối lập nó với Đạo Đức, Lương tâm…, Poe không hoàn toàn chủ trương “Nghệ thuật vị nghệ thuật” (Art for Art’s Sake) mà đúng hơn là đi theo quan điểm “Nghệ thuật vị linh hồn con người “(Art for the Soul ‘s Sake) (Eric Calson, 1973, 3). Có lẽ điều này mới thật phù hợp với quan điểm nghệ thuật của Edgar Poe. Nghệ thuật trước hết vì chính bản thân việc thoả mãn những cảm xúc thuần túy của con người trước Cái Đẹp, đồng thời cũng là sự khám phá thế giới tâm hồn đa dạng phức tạp của con người. Đó cũng là con đường tuy không trực tiếp nhưng cũng phục vụ cuộc sống, phục vụ nhân sinh chăng? Hiểu được, hiểu đúng về con người phải chăng cũng chính là mục đích mà thơ ca nói riêng và văn chương nói chung luôn hướng tới để làm cho cuộc sống này, thế giới này ngày một tốt đẹp hơn. Chính nhà văn Mỹ Emerson, người hoàn toàn không theo quan niệm “nghệ thuật vị nghệ thuật” cũng thấy rằng: “bao giờ cái đẹp cũng phục vụ cho tư tưởng và sự nâng cao tinh thần” (Nguyễn Đức Đàn, 1997, 126).

Những quan điểm thẩm mỹ tưởng như kì lạ này của Poe về Cái Đẹp, Cái Chết và Kiểu trở về từ cái chết, cũng như sự nhận thức về cái chết đã được tiếp nhận và tiếp biến trong văn chương Việt Nam. Thơ lãng mạn Việt Nam từ những năm 30 cũng đầy ám ảnh về cái chết, có lẽ không chỉ đơn thuần là cái nhìn bi quan yếu đuối mà còn ẩn một thông điệp của sự phản kháng, phủ định thực tại đen tối và khẳng định sức mạnh con người? Còn “cái chết của người con gái đẹp – người yêu dấu” của Poe, cho đến nay, đã trở thành một trong những chủ đề được nhiều cây bút tài hoa ưa thích và khai thác thành công nhất. Quan niệm nghệ thuật của Edgar Poe đã được Thế Lữ, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê và một số nhà văn, nhà thơ Mới khác tiếp nhận trong buổi giao thời với tâm thế khao khát cách tân văn học nước nhà theo con đường hiện đại hoá phương Tây. Chính thức hoặc không chính thức, các nhà thơ Mới này đều có những tuyên ngôn độc đáo về thơ và vai trò của người nghệ sĩ. Có lẽ, với họ, Cái Đẹp tuyệt đối, cái Đẹp thuần khiết, không chịu ảnh hưởng của đạo đức, luân lý ràng buộc, khát khao giải phóng cái Tôi ở mọi cung bậc cũng chính là “khát vọng thành thực” phá vỡ xích xiềng lạc hậu sáo mòn của văn học ảnh hưởng văn hoá Hán ngàn năm trước, trong những năm đen tối ngột ngạt nô lệ của đất nước, tìm một hướng đi mới cho văn học dân tộc. Nghĩa là, ở một mặt nào đó, đã phục vụ nhân sinh?

3. Quan điểm sáng tác: “Nghệ thuật là sản phẩm của trí tuệ”

Poe rất tôn thờ Nghệ thuật, coi đó là nữ hoàng cao cả nhất. Và nhà thơ, như một thiên mệnh, là người trung gian giữa ý tưởng của Thượng Đế và khát vọng của con người. Ông tự ví tâm hồn mình “như một dây đàn”, chỉ rung lên bởi cảm xúc mãnh liệt mà Nàng Nghệ thuật mang đến. Những giấc mơ xa xôi với những “Nàng Thơ”, “Nàng Tiên” – thường được Poe đề cao với một vẻ đẹp thiên thần, bất tử – như là một phương tiện, một phương thuốc nhiệm màu “Để giải thoát trái tim tôi, và những hy vọng sắp tàn”. Bởi vì hễ khi nào: “Còn tin vào những giấc mơ. Tôi còn bị quyến rũ bởi Nàng thơ.”(Gửi nàng Louise Olivia Hunter)[7] Mà như chúng ta biết, cuộc đời lẫn thơ của Poe luôn đầy những giấc mơ. Đó là chuỗi kiếm tìm trong vô vọng “thiên đường đã mất” (Paradise Lost), là sự trốn lánh “thực tại đau buồn đầy hỗn loạn và dục vọng đua chen”. Giấc mơ là một phần đời của Poe. Bởi, với nhà thơ bất hạnh này:

“Tôi chỉ hạnh phúc trong giấc mơ.
Tôi hạnh phúc.
Và tôi yêu điều đó.[8]
(Những giấc mơ)

Tuy nhiên, cần hiểu rõ hơn những tuyên ngôn tưởng chừng như đầy mâu thuẫn của Poe. Có lẽ Poe là nhà văn đầu tiên có ý thức phân định rạch ròi: Bản chất của thơ ca là Cái Đẹp thuần khiết, còn quá trình sáng tạo ra bài thơ lại hoàn toàn là vấn đề của lý trí. Đề cao lý trí, “Etga Pô đã quan niệm sáng tác thơ ca không phải là một hoạt động thần bí, hoặc có tính may rủi ngẫu nhiên mà chịu sự chỉ đạo chặt chẽ của lý trí.” (Hà Minh Đức, 1997, 147). Trong tiểu luận Nguyên lý thơ (The Poetic Principle), Poe viết: “Chia thế giới trí óc thành ba phần khác biệt rõ ràng, chúng ta có Trí tuệ thuần tuý, Thẩm mỹ, và Ý thức Đạo đức. Tôi đặt Thẩm mỹ ở vị trí giữa, bởi nó chỉ có thể chiếm vị trí này trong trí óc.” (Baym Nina, 1989, 1334)[9] Từ những “tuyên ngôn” của Poe, Nguyễn Hiến Lê cũng rút ra kinh nghiệm sáng tác: “hứng thú “chỉ quan trọng có 5%, còn chín mươi lăm phần trăm nữa là công phu” (Nguyễn Hiến Lê, 1957, 38). Việc chọn bài thơ ‘Con quạ’ để giải thích quá trình sáng tác của Poe có lẽ cũng là việc làm độc nhất vô nhị thời bấy giờ. Poe đã chứng minh “không có một điểm nào trong bố cục của bài thơ có thể quy cho sự ngẫu nhiên hay trực giác, mà tác phẩm đã phát triển từng bước cho đến khi hoàn thành với kết quả chính xác và nghiêm ngặt của một bài toán”[10] (Baym Nina, 1989, 1321). Dù còn dè dặt, Hà Minh Đức cũng đánh giá trường hợp cá biệt của Poe mang ý nghĩa tích cực bởi thể hiện được “ý thức của nhà thơ chỉ đạo chặt chẽ quá trình sáng tác” và đã “nói lên được một cái gì chung cho hoạt động thơ ca.” (Hà Minh Đức, 1997,148). Nghệ thuật là sản phẩm của trí tuệ. Quan điểm sáng tác rất lạ, rất mới so với kinh nghiệm thẩm mỹ sẵn có từ trước này của Poe đã vượt ra khỏi tầm đón đợi của thời đại ông sống, từng khiến thời đại của ông lúng túng, chưa chấp nhận ngay được nên không ít nhà phê bình đã phản ứng, coi ông là ‘kẻ điên rồ”!

Ở Việt Nam cũng không ngoại lệ, diễn trình tiếp nhận quan điểm này vẫn còn nhiều ý kiến đối thoại, tranh cãi, bất đồng. Ngay chính Nguyễn Hiến Lê, người dịch và phê bình đầu tiên tiểu luận này, tuy thán phục tài năng nhưng cũng không coi đó là mẫu mực cho sáng tác thơ ca vì theo ông: “phương pháp của Edgar Poe chỉ có thể dùng để sáng tác những tiểu phẩm khéo mà không hồn.” (Nguyễn Hiến Lê, 1957, 32). Ngược lại, nhà thơ Nguyên Sa thì đồng tình: “sáng tạo không phải lên đồng hay cầu cơ và nghệ sĩ ngồi đó như cái xác không hồn để cho ngọn gió từ phương xa, tinh thần từ thế giới khác nhập vào”, mà ý thức về nghệ thuật sáng tạo thể hiện qua sự trăn trở tìm tòi về kĩ thuật sáng tạo, bởi ý thức này “có mặt trước khi, trong khi và sau khi cấu tạo tác phẩm” (Nguyên Sa, 1967,120). Điều này cũng tương đồng với quan niệm quen thuộc của E. Poe về lối thơ duy lý, óc suy luận trong nhiều truyện ngắn của ông.

Đến những năm đầu thế kỉ XXI, quan điểm sáng tác kì lạ của Poe lại được thế hệ những nhà văn mới khẳng định. Tiếp cận nhiều tác phẩm của Poe từ tiếng Nga, kinh nghiệm đọc E.A.Poe của nhà văn – nhà nghiên cứu- dịch giả Ngô Tự Lập lại đưa đến một sự đồng cảm sâu sắc với quan điểm khác thường của Edgar Poe. “Ngay từ trước khi viết văn, tôi vẫn nghĩ rằng viết văn là giải một loại bài toán”. Quan điểm “Nghệ thuật là sản phẩm của trí tuệ” của Edgar Poe đã trở thành lời động viên quý báu cho con đường nghệ thuật của Ngô Tự Lập. Đây là một sự tiếp nhận chủ động và rất ý thức, bởi với tác giả, ý tưởng của Poe đã giúp ông khẳng định chuẩn thẩm mỹ của mình, vì cho dù: “Poe có mô tả đúng những gì diễn ra trong quá trình sáng tác bài thơ nổi tiếng của ông hay không, nhưng có một điều chắc chắn: sự ra đời văn học hư cấu cũng đồng thời là sự lên ngôi của trí tuệ.” (Ngô Tự Lập, 2005, 32).

4. “Triết lý sáng tác” trong truyện và thơ

4.1. Triết lý” về kĩ thuật xây dựng truyện

Hầu hết truyện của Poe đều là thể loại truyện ngắn. E.A.Poe cũng chính là ngườikhai sinh lý thuyết về truyện ngắn qua nhiều bài báo, phê bình tiểu luận của ông, và đã “mang lại cho nó một định nghĩa mà không ai vượt qua nổi” (Lê Huy Bắc, 2003). Trong Triết lý về sáng tác (Philosophy of Composition), kĩ thuật xây dựng cốt truyện được Poe nói rõ: “Mọi cốt truyện đúng như tên gọi là cốt truyện phải được xây dựng nhằm vào sự mở nút của nó trước khi ngòi bút động đến những vấn đề khác”. Và phải làm sao cho “những tình tiết và đặc biệt là những giọng điệu ở mọi điểm đều hướng về sự phát triển của ý đồ.”[11]. Poe cũng nhấn mạnh nên “bắt đầu bằng sự cân nhắc một hiệu quả cho tác phẩm.” Nhất là “luôn phải giữ quan điểm về sự độc đáo – bởi vì những ai liều lĩnh sử dụng nguồn hứng thú quá rõ và quá dễ dàng đạt được vì có sẵn thì sẽ lâm vào tình trạng giả dối với chính mình”[12]. Ngoài ra, dung lượng của tác phẩm được Poe cho là cần xem xét đầu tiên, bởi theo ông “Nếu như một tác phẩm văn học quá dài, không thể đọc được một mạch (one sitting), chúng ta sẽ bỏ mất hiệu quả quan trọng phát sinh từ sự thống nhất ấn tượng (unity of impression) – bởi vì, nếu như phải đọc làm hai lượt, những công việc sự vụ trên đời này sẽ xen vào và cái tổng thể lập tức bị phá huỷ”[13]. Điểm này cũng được ông nêu cụ thể hơn trong tiểu luận Phê bình những truyện kể hai lần của Hawthorne (Review of Hawthorne Twice Told Tales). Muốn đạt hiệu quả ấy, nhà văn phải cân nhắc, tính toán trước những hiệu ứng nào sẽ gây ra nơi người đọc rồi mới chọn lựa, kết hợp các biến cố, các tình tiết để xây dựng thành tác phẩm, phải tạo ra những phương tiện biểu hiện làm tăng hiệu quả của sự rùng rợn và khiếp sợ. Và cũng có thể nói thiên tài của Poe là ở chỗ phát hiện rất sớm vai trò người đọc trong thời điểm bấy giờ. Nguyên tắc viết truyện ngắn này đã được Poe thử nghiệm trong nhiều tác phẩm của ông. Poe thường đặt bối cảnh truyện vào ban đêm, trong bóng tối; tập trung miêu tả những hình ảnh tưởng tượng ghê rợn đến kì lạ vốn không có trong hiện thực như trong Mặt nạ tử thần đỏ, Sự sụp đổ của ngôi nhà Usher, Cuộc trò chuyện với một xác ướp, Linh hồn, Con quỷ trên gác chuông, Con mèo đen…chuyện “nhập xác” trong Ligeria, chuyện Egaeus vì quá thương tiếc người yêu mà trong cơn mộng du đã đào huyệt…mang về 32 cái răng nhỏ trắng của nàng trong Berenice…. Bản thân những hình ảnh ấy đã gợi trí tò mò và sự kinh hãi nơi người đọc. Tính biểu tượng về màu sắc, ánh sáng, âm thanh cũng góp phần tạo nên hiệu ứng khiếp sợ này. Poe đã miêu tả được trạng thái đặc biệt của tâm hồn con người qua tâm lý trái ngược lạ lùng, càng sợ hãi, người ta càng bị sự tò mò thôi thúc và muốn chiến thắng nỗi sợ hãi bằng cách khám phá nó đến cùng.

Cách kể chuyện trong hầu hết các truyện của Poe thường đi theo thời gian hồi tưởng, nhân vật trần thuật thường là ngôi thứ nhất nên truyện của Poe mang dáng dấp những tự thuật, tự thú, dằn vặt, gợi liên tưởng đến những giá trị phê phán xã hội, kinh tởm sự độc ác của con người, dù Poe tuyên bố tách rời văn chương với luân lý, đạo đức…. Giọng người trần thuật Ngôn ngữ độc thoại do chính nhân vật – cũng là người kể chuyện tự kể lại những câu chuyện kì dị, khủng khiếp của mình là chọn lựa khá phù hợp của Poe. Kĩ thuật này góp phần phơi bày những giằng xé nội tâm của nhân vật, hoặc tự phân tích nguyên nhân gây ra tội ác và khiến người đọc như chứng kiến được toàn bộ quá trình phạm tội và cảm thông, sợ hãi, kinh hoàng hay tự đưa ra những phán xét. Những lý thuyết truyện ngắn trên đã tạo nên phong cách tiêu biểu cho truyện ngắn của Poe mà ngày nay đã trở thành khuôn mẫu của thể loại.

4.2. “Triết lý sáng tác” trong thơ ca

Trong tiểu luận nổi tiếng “Triết lý về sáng tác”, Poe đã kể lại cách mình sáng tác bài thơ ‘Con quạ’ như thế nào. Những luận điểm cơ bản về quan niệm nghệ thuật của Poe trong tiểu luận trên chúng tôi đã giới thiệu (phần 2.1.) nên không lặp lại, chỉ nhấn mạnh kĩ thuật xây dựng cấu trúc và ngôn ngữ thơ của Poe bởi các bước sáng tác của ông khá trái ngược với lối thông thường. Trước tiên, Poe cân nhắc độ dài của bài thơ không nên dài quá vì sẽ làm người đọc không thể đọc liền một mạch. Bước thứ hai là chọn lựa cảm xúc định gây nơi người đọc, mà theo Poe, cảm xúc đó phải là sự thích thú, và giọng thơ phải buồn đến ảo não, bi thảm. Thứ ba, điều căn bản nhất là “bài thơ phải có một điểm làm điệu chính, có tính cách nghệ thuật, kích thích. Điểm đó sẽ là điệp khúc (refrain). Nhưng điệp khúc chỉ được lặp lại về âm thanh, chứ không được đơn điệu về ý tưởng.” (Nguyễn Hiến Lê, 1957, 15). Để tránh sự nhàm chán, trong mỗi điệp khúc, âm thanh không thay đổi mà ý tưởng thì phải thay đổi để gây cảm xúc mới cho người đọc. Tất nhiên, điệp khúc cũng không nên dài quá, tốt nhất là những từ đơn, đặt ở cuối mỗi đoạn. Điệp khúc này, theo Poe, phải có âm vang và dài. Đó là bước thứ tư. Rồi ông xét hết thảy các âm tiếng Anh và chọn kết hợp âm O và R thành điệp khúc “nevermore”. Thủ pháp này gần như là thủ pháp nghệ thuật chính trong thơ ông. Điệp khúc ở cuối mỗi khổ thơ, điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc, điệp đầu câu, điệp vòng tròn đều có mặt dày đặc trong hầu hết các bài thơ kiệt xuất của ông. Có thể kể những cách sử dụng điệp khúc ấn tượng như:

Nothing more(6 lần), Nevermore (11 lần), my chamber door (7 lần), his chamber door (2 lần) – (The Raven)
Not all(6 lần) our power, our fame,
the magic, the wonder,
the mysteries, the memories (The Coliseum)
Keeping time, time, time(4 lần) (The Bells)
From the bells, bells, bells, bells,
Bells, bells, bells-
Of the bells, bells,bells, bells
Bells, bells, bells- (7 lần) – (The Bells)
In a kingdom by the sea(5 lần), my Annabel Lee (3 lần), the beautiful Annabel Lee (3) (Annabel Lee)

Với ý thức chọn lựa âm thanh công phu, đúng là Poe đã tạo nên những âm thanh kì diệu bởi ngôn từ. Có thể thấy, chỉ riêng từ “bells” đã xuất hiện 61 lần/112 dòng thơ của bài ‘Những tiếng chuông’. Các từ thính giác và thị giác được liên kết tạo thành một giai điệu bất tận, lan tỏa, diễn tả sự tương hợp xúc cảm giữa con người và vũ trụ. Thủ pháp điệp khúc độc đáo này đã làm tăng nhạc tính cho thơ mà không bị cùn mòn về ‎nghĩa. Rimbaud, Verlaine và nhiều nhà thơ Pháp rất ngưỡng mộ kĩ thuật này.

Bấy giờ mới đến bước thứ năm là tìm ý chính cho toàn bài. Chọn được đại ý rồi ông bắt đầu kiếm ý cho mỗi khổviết ngay khổ kết là khổ buồn thảm nhất và lấy khổ ấy làm chuẩn để viết các khổ trước nó. Cuối cùng ông mới chọn khung cảnh phù hợp cho bài thơ để làm tăng cảm xúc bi thảm đã định. Có thể thấy, Poe đã tính toán hết sức tỉ mỉ các yếu tố hình thức của một bài thơ từ âm thanh, từ ngữ, số câu, số đoạn đến hình ảnh và cảm xúc theo phương pháp hình thức quyết định nội dung. Giới phê bình Âu Mỹ và cả Việt Nam chúng ta đã có biết bao tranh cãi, hoài nghi về các bước hình thành bài thơ của Poe dù không phủ nhận tiểu luận này là tư liệu quý giá cho các nhà nghiên cứu như đã nêu ở mục 3.

Tính nhạc chính là luận điểm quan trọng xuyên suốt nhiều tiểu luận phê bình của Poe và sau này trở thành nguyên tắc quan trọng của thơ tượng trưng. Âm nhạc giúp thơ mở ra những chân trời mới không cùng cho tưởng tượng của người nghệ sĩ. Trong “Thư gửi B” (Letter to B), Poe khẳng định: “Âm nhạc mà không có ý tưởng chỉ đơn thuần là âm nhạc, còn ý tưởng mà không có âm nhạc thì chỉ là văn xuôi”[14] (Baym Nina, 1989, 872). Mặc dù một số nhà phê bình Mỹ cho rằng “cái đẹp trong nhịp điệu và âm thanh của Poe thường chỉ có một nội dung trống rỗng” (Nguyễn Đức Đàn, 1996, 69), hoặc do ý đồ kỹ thuật quá đậm nên thơ của ông thiếu sự hồn nhiên, thành thực. Nhưng nếu đã đọc từng bước tỉ mỉ, cẩn thận theo logic mà Poe giải thích quá trình hình thành một bài thơ trong Triết lý về sáng tác, hẳn có thể thấy Poe là một nhà thơ lao động nghiêm túc đến độ tận tuỵ khi khổ công tính toán, chọn lựa hình ảnh, kết cấu, nhịp điệu cho thơ.

Về ngôn ngữ, Poe thường dùng nhiều định ngữ nghệ thuật mang tính tráng lệ pha lẫn khoa trương tạo ấn tượng mạnh về cảm xúc. Các nhà “Poe học” (Poe scholars) Mỹ và thế giới đã có nhiều công trình khảo sát diễn ngôn nghệ thuật của Poe và đề cao ông là một nhà tu từ học, phong cách học, người sáng tạo ngôn từ bởi sự tinh thông của ông về các phong cách đa dạng của ngôn ngữ văn chương và sự sử dụng từ ngữ, âm thanh khéo léo, tài tình đầy sáng tạo của ông. Burton R. Pollin đã liệt kê những từ đơn, từ ghép và danh từ riêng tiếng Anh do Poe sáng tạo hoặc sử dụng đầu tiên trong công trình Poe, Creator of Words của ông gồm 1143 từ mới xuất hiện trong văn học, nhiều hơn cả Melville 200 từ. Trong Bản chất của thơ ca (The Rationale of Verse), Poe nhắc lời Goold Brown định nghĩa: “Phép làm thơ là nghệ thuật sắp xếp từ ngữ vào những dòng thơ có chiều dài tương ứng, phù hợp để tạo sự hài hòa bởi sự thay đổi luân phiên của các âm tiết khác nhau (dài – ngắn) về số lượng”[15] (E.Poe, 1850, 217) theo một sự tính toán chặt chẽ. Mọi sự sắp xếp này, nếu đo lường được, có thể tìm thấy mối quan hệ toán học chính xác. Theo ông, “nguyên tắc sơ đẳng của thơ có lẽ chỉ tìm được trong nhịp spondee, và mọi mầm mống của ý tưởng đều có thể tìm được trong sự cân bằng của một nhịp có hai âm tiết”[16] (E.Poe, 1850, 223). Poe cũng đòi hỏi phải có sự hài hòa, tính chất du dương tạo nên bởi tiết tấu trong từng vần thơ. Và, tính chất ấy chỉ có thể được tạo nên bởi Âm nhạc. Nhiều bài thơ của ông đã chứng minh quan niệm này. The Raven, The Bells, A Dream within a Dream, The City in the Sea, Annabel Lee…là những đỉnh cao nghệ thuật của thơ Poe không chỉ qua hình tượng nghệ thuật tượng trưng ám dụ, âm điệu u hoài mà còn là sức rung động của từ ngữ, nhất là những từ tượng thanh, cách dùng các phụ âm, hiệp vần, điệp khúc…, với một sự thấu hiểu kỳ lạ về nhiều chức năng của sự giao tiếp bằng ngôn từ.

Trên đây là khái lược những nét cơ bản nhất về quan niệm nghệ thuật kì lạ, mới mẻ về Cái Đẹp, quan điểm sáng tác, triết lý và những nguyên tắc sáng tác một bài thơ, truyện ngắn của E.A.Poe thể hiện qua các tiểu luận phê bình độc đáo và thực tiễn sáng tác của ông. Thời đại Poe sống đã chỉ trích, phê phán, cho là điên rồ, nhảm nhí, chỉ một số rất ít đồng nghiệp của Poe tiếp nhận, bởi nó cách quá xa những kinh nghiệm họ từng đọc, từng biết trước đó. Oái oăm thay, cũng chính những tác phẩm bị nước Mỹ quê hương Poe ruồng bỏ lại được Châu Âu nồng nhiệt yêu mến, tôn thờ. Nga, Pháp, Ý là những nước đầu tiên phát hiện và tôn vinh thiên tài Edgar Poe. Và, một thế kỉ sau, từ các nhà tượng trưng Pháp, Poe lại được sự đồng cảm lạ lùng bởi các nhà văn, nhà thơ lãng mạn Việt Nam.

—————————————

Chú thích:

[1] “Beauty is the sole legitimate province of the poem…That pleasure which is at once the most intense, the most elevating, and the most pure, is, I believe, found in the contemplation of the beautiful. [1, 1323]
[2]“Truth, in fact, demands a precision, and Passion, a homeliness (the truly passionate will comprehend me) which are absolutely antagonistic to that Beauty” [1, 1322]
[3]“In brief, the Poetry of words as The Rhythmical Creation of Beauty. Its sole arbiter is Taste. With the Intellect or with the Conscience, it has only collateral relations. Unless incidentally, it has no concern whatever either with Duty or with Truth.” (The Poetic Principle).
[4]“this Principle itself is, strictly and simply, the Human Aspiration for Supernal Beauty, the manifestation of the Principle is always found in an elevating excitement of the Soul — quite independent of that passion which is the intoxication of the Heart — or of that Truth which is the satisfaction of the Reason” [1,1347]
[5]“Beauty of whatever kind, in its supreme development, invariably excites the sensitive soul to tears. Melancholy is thus the most legitimate of all the poetical tones” [1,1323]
[6]“I could anticipate no regeneration save in death. That man, as a race, should not become extinct…he must be born again” (Cuộc trò chuyện của Monos và Una– The Colloquy of Monos and Una).
[7]“While, on dreams relying, I am spelled by art.” (To Miss Louise Olivia Hunter)
[8]“I have been happy, tho’ in a dream. I have been happy- and I love the theme” (Dreams)
[9]“Dividing the world of mind into its three most immediately obvious distinctions, we have the Pure Intellect, Taste, and the Moral Sense. I place Taste in the middle, because it is just this position which, in the mind, it occupies.” (The Poetic Principle) [1,1334]
[10]I select “The Raven”, as most generally known. It is my design to render it manifest that no one point in its composition is referrible either to accident or intuition — that the work proceeded, step by step, to its completion with the precision and rigid consequence of a mathematical problem. (The Philosophy of Composition), [1, 1321]
[11]“Nothing is more clear than that every plot, worth the name, must be elaborated to its dénouement before any thing be attempt with the pen. It is only with the dénouement constantly in view that we can give a plot its indispensable air of consequence, or causation, by making the incidents, and especially the tone at all points, tend to the developmentof the intention” (Philosophy of Composition) [1, 1319]
[12]“Keeping originality always in view- for he is false to himself who ventures to dispense with so obvious and so easily attainable a source of interest” [1, 1320]
[13]“If any literary work is too long to be read at one sitting, we must be content to dispense with the immensely important effect derivable from unity of impression – for, if two sittings be required, the affairs of the world interfere, and every thing like totality is at once destroyed.” [1, 1321]
[14]“…Music without the idea is simply music; the idea without the music is prose…”(Letter to B)
[15]”Versification is the art of arranging words into lines of correspondent length, so as to produce harmony by the regular alternation of syllables differing in quantity.”
[16]The rudiment of verse may possibly be found in the spondee. The very germ of a thought seeking satisfaction in equality of sound would result in the construction of words of two syllables, equally accented. In corroboration of this idea we find that spondees most abound in the most ancient tongues.” (The Rational of Verse). Spondee: một nhịp được dùng nhiều nhất trong thơ cổ, gồm hai âm tiết mạnh, có nhấn giọng – tạm hiểu tương đương như vần trắc như trong luật thơ tiếng Việt).

*Những phần trích dẫn dịch từ nguyên tác không để tên người dịch là do tác giả bài viết tạm chuyển ngữ.

Theo HOÀNG KIM OANH / ĐH SÀI GÒN

Tags: , , ,