Kachiusa – giai điệu huyền thoại của một thời khói lửa

Những người lính Xô viết đã cùng bài hát này xông vào cuộc chiến với những kẻ xâm lược, và họ đã hát tại các trạm dừng chân trên đường về nhà…

Kachiusa – giai điệu huyền thoại của một thời khói lửa

Sau khi Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại kết thúc, trong nhiều bảo tàng ở Liên Xô cũ xuất hiện những khẩu pháo phản lực BM-13. Trên Đồi tưởng niệm ở Moskva, tại công viên mang tên Petrov ở Kazan, ở Penza, Smolensk và ở các cụm đài kỷ niệm vinh quang của nhiều thành phố khác có những đài kỷ niệm là những khẩu pháo phản lực “Kachiusa” (Катюша). Có một đài kỷ niệm như vậy cả ở Krasnoarmeisk nữa.

Các cuộc thử nghiệm “Kachiusa” kết thúc tại bãi thử nghiệm pháo binh Sofrinsk chỉ vài ngày trước khi chiến tranh bắt đầu. hiện nay hiện vật này được trưng bày trước Viện nghiên cứu “Trắc địa”. Tuy nhiên ngoài ra còn có một bảo tàng của bài hát “Kachiusa” – bài hát nổi tiếng và được bao thế hệ người Nga yêu thích thì không phải ai cũng biết đến.

Bảo tàng bài hát “Kachiusa” duy nhất trên thế giới ở vùng Smolen, ở làng Vskhody quận Ugransk, – quê hương tác giả bài hát, nhà thơ Nga Mikhail Vasilievich Isakovsky. Bảo tàng nằm trong khuôn viên Nhà Văn hóa vốn được xây dựng từ năm 1949, khi Mikhail Isakovsky còn sống, và bằng tiền riêng của ông.

Có lẽ không có người Nga nào mà chưa nghe bài hát “Kachiusa” lừng danh. Bài hát này xuất hiện từ năm 1938, trước Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, khi mà quân đội Hitler đã chiếm đóng Ba Lan và đang chuẩn bị tấn công Liên Xô. Bài hát về cô gái bên bờ sông Ugra gìn giữ lòng chung thủy với “người lính nơi biên phòng xa xôi”, bài hát kêu gọi sự nhạy cảm, sự thận trọng và tình yêu tới người thân không tách rời khỏi tình yêu Tổ quốc – bài hát được nhà thơ Mikhail Isakovsky viết nên. Và trên đôi cánh âm nhạc của nhạc sĩ Matvei Blanter bài hát đã nhanh chóng bay khắp Liên Xô.

Lần đầu tiên bài hát “Kachiusa” được nữ ca sĩ Valentina Batischeva trình diễn trên sân khấu với dàn nhạc do nhạc trưởng Viktor Krushavitsky chỉ huy. Và công chúng đã đón chào bài hát mới ra mắt một cách nồng nhiệt – nữ ca sĩ đã phải hát “bis” 3 lần.

Chẳng bao lâu sau các ca sĩ khác cũng hát bài hát này: Georgy Vinogradov, Lidia Ruslanova, Vera Krasovitskaya. Sau đó thì nhiều dàn đồng ca chuyên nghiệp và nghiệp dư, các đoàn ca múa nhạc dân tộc cũng đưa bài hát này vào danh mục trình diễn của mình.

Bài hát “Kachiusa” được hát cả tại làng quê cũng như thành phố, tại các cuộc mít tinh cũng như tại lễ hội dân gian, hoặc đơn giản trong gia đình, bên bàn ăn ngày lễ. Vừa mới xuất hiện, bài hát đã trở nên nổi tiếng, thân thuộc và gần gũi đối với hàng triệu người.

“Kachiusa” có sắc thái mới trong những năm Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Trên mặt trận và hậu phương bắt đầu xuất hiện nhiều phương án folklore của bài hát này. Nữ nhân vật chính trong bài hát cũng có sự thay đổi – khi thì cô là người lính cầm súng, khi thì là người bạn gái chung thủy của anh chiến sĩ, chờ anh chiến thắng trở về, khi thì cô lại là người y tá mặt trận. Trong thời gian chiến tranh người ta còn hát cả về cô gái Kachiusa – nữ du kích nữa. Sau này các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã sưu tầm được trên 100 dị bản của bài hát này. Còn khi Hồng quân có một vũ khí hùng mạnh mới – pháo phản lực, thì các chiến sĩ cũng đặt cho nó một biệt danh dịu dàng – “kachiusa”.

Theo đơn đặt hàng của tướng A.I.Nesterenko, nhà thơ M.Isakovsky đã viết thêm một bài thơ mới – “Bài hát về “Kachiusa”. Trong đó có những dòng như:

И на море, и на суше –
По дорогам фронтовым –
Ходит русская “катюша”,
Ходит шагом боевым.

Cả trên biển, cả trên đất liền
Trên những con đường tiền tuyến
“Kachiusa” Nga đang bước tiến
Những bước đi oai hùng

Những người du kích Italy đặt lời lại cho bài hát “Kachiusa”, và coi nó như bài hát truyền thống của mình. Họ đã cùng bài hát giải phóng thành Roma khỏi bọn phát-xít.

Vào những năm 1943-1945, khi Hồng quân chuyển sang thế tiến công, một đoạn sau đây đã trở nên rất nổi tiếng:

Пусть фриц помнит
русскую “катюшу”,
Пусть услышит,
как она поет:
Из врагов вытряхивает души,
А своим отвагу придает!

Này anh lính Đức
Hãy nhớ “Kachiusa” Nga
Này hãy nghe
Cô nàng đang cất giọng:
Khiến kẻ thù giật mình kinh hãi
Và quân ta thêm can đảm tiến công!

Cùng với “Chiếc khăn xanh” và “Vùng lên đất nước ta ơi…”, “Kachiusa” đã trở thành bằng chứng ca khúc nổi tiếng nhất của những năm tháng không quên ấy. Những người lính Xô viết đã cùng những bài hát này xông vào cuộc chiến với những kẻ xâm lược, và họ đã hát tại các trạm dừng chân trên đường về nhà…

https://www.youtube.com/watch?v=kmh9TDuLU5g

Cả pháo phản lực BM-13 lẫn bài hát “Kachiusa” đều vô cùng nổi tiếng. Đến bây giờ người Nga vẫn coi “Kachiusa” là một bài hát chiến tranh. Mặc dù, nếu “mổ xẻ” bài hát, thì đó hoàn toàn không phải bài hát chiến trận, mà là một bài hát trữ tình.

Trong những năm sau chiến tranh số phận của bài hát “Kachiusa” đã vượt qua hàng chục năm, qua nhiều quốc gia, châu lục. Sau chiến tranh, khi đến thăm Italy, M.V.Isakovsky thấy rằng tới 2/3 dân số Italy đều biết đến bài hát “Kachiusa” ở dạng này hay dạng khác.

Ở Italy bài hát này có tên “Catarina”, ở Israil – “Cachiuska”. Ở Nga, tại vùng Smolen, “nơi sông Ugra có bờ cao vút”, ngày nay vẫn còn một đài tưởng niệm độc đáo của bài hát “Kachiusa”: tấm biển đồng gắn vào một tảng đá lớn khắc lời bài hát, còn bên cạnh – ngôi nhà hóng mát với chiếc ghế dài do các thân cây ghép lại. “Kachiusa” duyên dáng của nhà thơ Isakovsky vẫn sống không già – bài hát – sáng tạo, bài hát – tình yêu.

https://www.youtube.com/watch?v=CX_U0Il9C5o

S.T

Tags: , , ,