NHẬT KÝ HÀNH TRÌNH – Ernesto Che Guevara

36 – Lima – Thủ đô Peru

Chúng tôi đang ở vào giai đoạn cuối của một trong những chặng đường quan trọng nhất của cuộc hành trình, không một xu dính túi cũng chẳng có bao nhiêu cơ hội để kiếm tiền, nhưng chúng tôi rất vui. Lima là một thành phố đẹp, quá khứ thuộc địa của nó (sau khi chúng tôi thăm Cuzco) như bị đè nén bên dưới những ngôi nhà mới. Việc Lima được xem là một viên ngọc quý có vẻ hơi quá, nhưng nó có những đại lộ rộng thênh thang nối liền các khu dân cư ở ngoại ô với những khu nghỉ mát thật hài hòa nằm sát biển. Người dân Lima đi từ thành phố đến cảng Callao dọc theo nhiều trục lộ chính rộng lớn chỉ trong vài phút. Hải cảng không có gì đặc biệt hấp dẫn (với các công trình kiến trúc được tiêu chuẩn hóa), ngoại trừ pháo đài là dấu tích của nhiều trận chiến. Dọc theo những bức tường khổng lồ của pháo đài,chúng tôi đứng trầm trồ những chiến công phi thường của Cochrane khi ông lãnh đạo những thủy thủ châu Mỹ La tinh tấn công và chiếm pháo đài này, viết nên một trong những trang sử oai hùng nhất của phong trào giải phóng dân tộc châu Mỹ La tinh.

Nơi thật sự đáng được miêu tả ở Lima là khu vực trung tâm thành phố quanh ngôi giáo đường tuyệt vời, hoàn toàn khác với kiến trúc kỳ quái ở Cuzco mà thực dân Tây Ban Nha xây dựng để tự ca tụng họ một cách thô thiển. Ở Lima, nghệ thuật mang phong cách ước lệ, khuôn sáo, với một vẻ mềm mại: tòa tháp của ngôi giáo đường thật cao và duyên dáng, có lẽ đây là công trình kiến trúc thanh tú nhất trong số tất cả những ngôi giáo đường ở các thuộc địa của Tây Ban Nha. Phần trung tâm của ngôi giáo đường ngập tràn ánh sáng và không khí, hoàn toàn tương phản với những hang động tối tăm, đầy vẻ thù nghịch của một thành phố Inca. Những bức họa cũng sáng và rạng rỡ, mang phong cách cận đại hơn là tác phẩm của những họa sĩ lai căng vẽ những vị thánh trong cuồng nộ, ngục tù và bóng tối. Mặt tiền và bàn thờ của tất cả các nhà thờ đều mang phong cách nghệ thuật Churrigueresque(1) trang trí bằng vàng. Của cải đồ sộ này khiến giai cấp quý tộc chống lại những đoàn quân giải phóng châu Mỹ La tinh cho đến giây phút cuối cùng. Lima là một điển hình của Peru chưa phát triển vượt qua tình trạng phong kiến của một thuộc địa. Lima vẫn còn chờ đợi máu của một cuộc cách mạng giải phóng thật sự.

Nhưng có một góc của thành phố huy hoàng đã trở nên rất thân thương đối với chúng tôi, và chúng tôi vẫn thường đến đó để làm sống lại những kỷ niệm về Machu Picchu; đó là Viện bảo tàng Khảo cổ và Nhân chủng học. Người sáng lập là Don Julio Tello, một học giả mang dòng máu thổ dân thuần túy. Trong viện bảo tàng có những bộ sưu tập vô giá, tổng hợp toàn bộ những nền văn hóa châu Mỹ La tinh.

Lima hoàn toàn không giống như Cordoba, nhưng nó có cùng cái dáng vẻ của một thành phố thuộc địa, hoặc đúng hơn là có vẻ hơi tỉnh lẻ. Chúng tôi đến lãnh sự quán để nhận thư, và sau khi đọc xong, chúng tôi xem có thể làm gì với lời giới thiệu của một viên chức tại Phòng Ngoại Vụ. Tất nhiên là ông này không muốn biết chúng tôi. Chúng tôi lang thang từ trạm cảnh sát này đến trạm cảnh sát khác cho đến khi nhận được một dĩa cơm. Vào buổi chiều, chúng tôi thăm bác sĩ Hugo Pesce, một chuyên gia về bệnh phong. Vị bác sĩ này đã tiếp đón chúng tôi thật niềm nở so với vị trí đứng đầu một đơn vị y khoa đáng nể của ông. Ông dành cho chúng tôi một chỗ nghỉ tại bệnh viện phong và tối hôm đó mời chúng tôi ăn tại nhà riêng. Ông là một người nói chuyện rất lôi cuốn, và mãi đến khuya chúng tôi mới đi ngủ.

Chúng tôi thức dậy và ăn sáng rất trễ, hiển nhiên là không có chỉ thị nào về việc tiếp tục thết đãi chúng tôi, vì vậy chúng tôi quyết định thả bộ xuống khu Callao và thăm bến cảng. Chuyến đi thật là chậm vì hôm đó là ngày 1 tháng 5, không có phương tiện chuyên chở công cộng, và chúng tôi phải cuốc bộ 14 cây số. Tại Callao chẳng có gì đặc biệt để xem, có rất ít thuyền của Argentina. Mặt dày mày dạn hơn bao giờ hết, chúng tôi trình diện tại một trạm cảnh sát và xin một ít thức ăn rồi rút nhanh về Lima. Một lần nữa, chúng tôi đến ăn tại nhà bác sĩ Pesce. Ông kể cho chúng tôi những kinh nghiệm về các loại bệnh phong khác nhau. Sáng hôm sau, chúng tôi thăm Viện bảo tàng Khảo cổ và Nhân chủng học. Thật là tuyệt vời, nhưng chúng tôi không có đủ thời gian để tham quan mọi thứ. Buổi chiều chúng tôi đến làm quen với bệnh viện phong De Guia, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ Molina, một chuyên gia về bệnh phong và cũng là nhà phẫu thuật tạo hình ngực xuất sắc. Theo thói quen, chúng tôi đến ăn tại nhà bác sĩ Pesce.

Chúng tôi mất cả một buổi sáng thứ Bảy tại trung tâm thành phố để cố đổi 50 đồng curon Thụy Điển; chạy ngược chạy xuôi, cuối cùng chúng tôi cũng đổi được tiền. Buổi chiều chúng tôi đến thăm phòng thí nghiệm y khoa. Phòng thí nghiệm này chẳng có gì để chúng tôi phải ganh tỵ, trái lại còn có nhiều thứ cần phải bổ sung. Tuy nhiên, các bản thư mục thật đáng nể ở sự rõ ràng sáng sủa, ở phương pháp tổ chức cũng như trong các chi tiết dễ hiểu của chúng. Buổi tối, tất nhiên là chúng tôi đến ăn tại nhà bác sĩ Pesce, và một lần nữa ông lại chứng tỏ mình là một người hoạt bát với những câu chuyện thật sống động.

Chủ Nhật là một ngày quan trọng. Chúng tôi sẽ được xem đấu bò lần đầu tiên, và mặc dù những con bò và đấu sĩ ở đây không đúng tiêu chuẩn, chúng tôi cũng thấy vô cùng thích thú đến nỗi hầu như tôi không thể tập trung vào một trong những cuốn sách của Tello mà tôi đọc trong thư viện vào buổi sáng. Chúng tôi đến khi trận đấu vừa mới bắt đầu và ngay sau khi chúng tôi vào thì đã có một người đang giết con bò, nhưng không phải theo cách thông thường, mà bằng nhát dao ân huệ(1). Kết quả là con bò ngã lăn ra đất, trong khi đấu sĩ cố kết liễu nó trong tiếng reo hò của khán giả. Trận đấu thứ ba thật là hào hứng khi con bò húc vào bụng đấu sĩ và hất anh ta lên không, nhưng tất cả chỉ có thế. Lễ hội kết thúc bằng cái chết của sáu con bò. Nghệ thuật, tôi chẳng thấy gì; lòng can đảm, ở một mức độ nào đó; kỹ năng, không nhiều; hào hứng, tương đối. Nói chung, tất cả tùy thuộc vào việc bạn có gì để làm hay không vào ngày Chủ Nhật.

Sáng thứ hai, chúng tôi lại đến Viện bảo tàng. Vào buổi tối, chúng tôi đến nhà bác sĩ Pesce, tại đây chúng tôi gặp bác sĩ Valenza, giáo sư về tâm thần học, một người nói chuyện rất hấp dẫn. Ông kể cho chúng tôi những giai thoại trong chiến tranh và những câu chuyện đại loại như: “Ngày hôm kia tôi đến rạp xinê ở địa phương xem phim của danh hài Cantinflas(2). Mọi người cười nhưng tôi chẳng hiểu gì cả. Điều này không phải là kỳ lạ; những người còn lại cũng không hiểu gì hết. Thế thì tại sao họ lại cười? Thực ra, họ cười chính họ. Đất nước chúng tôi còn non trẻ, không có truyền thống hoặc văn hóa, đất nước chúng tôi chỉ mới được khám phá thôi. Vì vậy họ cười chế nhạo nền văn minh ấu trĩ của chúng tôi… Nhưng thử hỏi bây giờ Bắc Mỹ đã hoàn toàn trưởng thành chưa, cho dù họ có những tòa nhà cao tầng, xe hơi, và lắm của cải? Họ có quên thời kỳ non trẻ của họ không? Không, sự khác biệt chỉ là hình thức mà thôi, không phải là chủ yếu. Tất cả các nước châu Mỹ đều là anh em. Xem Cantinflas đóng, tôi đã thấy thấm thía tình cảnh của toàn châu Mỹ.”

Thứ ba, chúng tôi lại thăm Viện bảo tàng và thấy chẳng có gì thay đổi. Vào lúc ba giờ chiều chúng tôi gặp bác sĩ Pesce. Ông cho Alberto một bộ complê trắng và tôi được một áo jacket cùng màu. Tất cả mọi người đều đồng ý là bây giờ chúng tôi mới ra dáng con người. Thời gian còn lại trong ngày chẳng có gì quan trọng. Nhiều ngày trôi qua và chúng tôi đã sẵn sàng lên đường, nhưng vẫn chưa chắc chắn sẽ ra đi ngày nào. Chúng tôi dự tính ra đi vào hai ngày trước đó, nhưng chiếc xe tải chịu chở chúng tôi chưa rời bến. Nhiều yếu tố trong cuộc hành trình đã tiến triển tốt đẹp. Về mặt mở mang kiến thức, chúng tôi thăm viếng Viện bảo tàng và các thư viện. Nhưng chỉ có một nơi đáng nói là Viện bảo tàng Khảo cổ và Nhân chủng học do bác sĩ Tello thành lập. Về mặt khoa học, đó là chuyên ngành về bệnh phong, chúng tôi đã gặp bác sĩ Pesce, những người khác chỉ đáng làm học trò của ông, và còn lâu lắm họ mới tạo ra được một cái gì xứng đáng. Vì không có những nhà sinh hóa tại Peru, phòng thí nghiệm được điều khiển bởi các bác sĩ chuyên gia. Alberto đã nói chuyện với một số bác sĩ và giới thiệu cho họ có thể liên lạc với những bác sĩ ở Buenos Aires. Anh nói chuyện tương đắc với hai bác sĩ nhưng đến người thứ ba thì… Alberto tự giới thiệu mình là bác sĩ Granado, chuyên gia về bệnh phong… và họ coi anh là bác sĩ y khoa. Vì vậy mà anh chàng ngốc nghếch này trả lời câu hỏi của Alberto: “Không, ở đây không có nhà sinh hóa. Luật pháp nghiêm cấm bác sĩ mở tiệm thuốc tây, chúng tôi không cho các dược sĩ can thiệp vào những điều mà họ không hiểu.” Alberto sắp sửa nổi giận, vì vậy tôi thúc cùi chỏ ngăn cản anh. Mặc dù giản đơn, nhưng một trong những điều lưu lại ấn tượng sâu sắc trong chúng tôi tại Lima là cách bệnh nhân ở bệnh viện phong từ biệt chúng tôi. Họ quyên góp được một ít tiền cho chúng tôi kèm theo một lá thư đầy những lời lẽ thắm thiết. Sau đó một số bệnh nhân đích thân đến từ biệt chúng tôi và nước mắt đã tuôn rơi khi họ cảm ơn chúng tôi về một chút cuộc sống chúng tôi đã mang lại cho họ. Chúng tôi bắt tay họ, nhận quà, và cùng ngồi lắng nghe với họ buổi tường thuật bóng đá trên radio. Nếu có một điều gì đó khiến chúng tôi cống hiến cuộc đời mình cho ngành điều trị phong, thì đó chính là những tình cảm thân thương mà chúng tôi nhận được nơi tất cả bệnh nhân phong mà chúng tôi đã gặp trong cuộc hành trình. Là một thành phố, Lima không sống theo truyền thống xưa cũ như là một nơi dành cho những bậc vương giả, nhưng những khu dân cư ở ngoại ô thì rất đẹp, thoáng mát và có cả những con đường mới. Một điều thú vị là có quá nhiều cảnh sát bao quanh đại sứ quán Colombia. Có khoảng không dưới 50 cảnh sát mặc sắc phục và cảnh sát chìm đang làm nhiệm vụ bảo vệ thường xuyên quanh toàn bộ khu nhà.

Ngày đầu tiên của chuyến đi khỏi Lima không có gì quan trọng. Chúng tôi thấy con đường lên đến La Oroya và cả đêm chúng tôi đi suốt con đường đó, đến Cerro de Pasco lúc bình minh. Đi cùng chúng tôi có anh em nhà Becerra, mà chúng tôi gọi tắt là Cambalache(1) hay Camba. Họ là những người rất tốt, đặc biệt là người anh. Chúng tôi tiếp tục lái xe cả ngày, chạy xuống những nơi phong cảnh tuyệt đẹp, nhưng cơn đau đầu và cảm giác muốn bệnh mà tôi có từ Ticlio, ở độ cao 4853 mét trên mặt biển, trở nên nặng hơn. Khi chúng tôi chạy qua Huanuco và đến gần Tingo Maria, trục bánh xe trước bị gãy, nhưng may mắn thay, bánh xe chỉ kẹt vào thanh chắn bùn. Đêm hôm đó chúng tôi phải ở nguyên một chỗ. Tôi cần phải chích thuốc, nhưng thật là may, ống tiêm đã bị vỡ. Ngày hôm sau không có chuyện gì xảy ra và tôi lại lên cơn suyễn, nhưng tối hôm đó Alberto bằng giọng buồn buồn nói hôm nay, 20 tháng 5 là kỷ niệm sáu tháng ngày chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình. Đó là cái cớ để rượu pisco tuôn chảy. Cho đến chai thứ ba, Alberto loạng choạng đứng lên, thả con khỉ nhỏ mà anh đang bồng trên tay, và biến đi. Camba em tiếp tục uống nửa chai nữa, rồi lăn đùng xuống đất.

Chúng tôi phải ra đi vội vàng vào sáng hôm sau, trước khi bà chủ nhà trọ đánh thức chúng tôi dậy, bởi vì chúng tôi chưa trả tiền ăn ở và anh em nhà Camba dùng tiền để sửa trục bánh xe nên chẳng còn bao nhiêu. Chúng tôi lái xe suốt ngày cho đến khi phải dừng lại tại rào cản do quân đội dựng lên để cấm người ta đi qua khi trời mưa lớn. Ngày hôm sau chúng tôi lại lên đường và một lần nữa bị chặn lại tại một rào cản khác. Mãi đến chiều tối họ mới cho chúng tôi qua, tuy nhiên chúng tôi lại bị chặn tại một thị trấn nhỏ tên là Nescuilla, chặng dừng cuối cùng trong ngày. Ngày hôm sau đường vẫn còn bị cấm, vì vậy chúng tôi đến một chốt gác của quân đội để xin một ít thức ăn. Chúng tôi ra đi vào buổi chiều, mang theo một binh sĩ bị thương, và nhờ mánh lới này mà chúng tôi có thể vượt qua các chốt chặn của quân đội một cách dễ dàng: hàng đoàn xe tải bị chặn lại nối đuôi nhau đến vài kilômét, còn xe của chúng tôi được phép chạy qua và chúng tôi đã đến Pucallpa vào lúc trời tối. Camba em trả tiền ăn cho chúng tôi và để từ biệt, chúng tôi uống hết bốn chai rượu vang khiến hắn lên tinh thần và hứa hẹn đủ thứ. Sau đó hắn còn trả tiền khách sạn cho chúng tôi. Mục tiêu lớn trước mắt là đến Iquitos, vì vậy chúng tôi tập trung mọi nỗ lực để đến được nơi đây. Người đầu tiên mà chúng tôi liên hệ là viên thị trưởng, một người được gọi là Cohen. Chúng tôi đã nghe nói nhiều về ông này, rằng ông ta là người Do Thái keo kiệt, nhưng chúng tôi thấy ông là một người tốt. Chắc chắn ông ta là một kẻ bủn xỉn; vấn đề cần xác định là ông ta có phải là người tốt hay không. Ông ta từ chối khéo bằng cách giới thiệu chúng tôi đến những nhân viên phụ trách vận tải bằng đường biển. Những người này lại bảo chúng tôi đến gặp thuyền trưởng. Ông này cũng tử tế hứa cho chúng tôi đi vé hạng nhất mà sau đó chỉ trả tiền vé hạng ba. Chúng tôi chẳng thích điều này chút nào, và vì vậy chúng tôi đến gặp chỉ huy trưởng một đơn vị đồn trú, và người này nói ông ta không thể làm được điều gì để giúp đỡ chúng tôi. Rồi chúng tôi đến gặp chỉ huy phó. Sau một hồi tra hỏi (và làm như thế chỉ lộ ra sự ngu ngốc của hắn), người này đã hứa giúp. Chiều hôm đó chúng tôi đi bơi trên sông Ucayali. Sông này trông rất giống thượng nguồn sông Parana. Chúng tôi tình cờ gặp viên chỉ huy phó và hắn nói đã dành nhiều ưu ái cho chúng tôi: thuyền trưởng đã đồng ý cho chúng tôi đi vé hạng nhất mà chỉ trả tiền vé hạng ba. Làm như ghê gớm lắm!

Rất hiếm có cá Bufeo (theo cách gọi của dân địa phương) tại dòng sông mà chúng tôi đang bơi. Truyền thuyết kể rằng những con cá này ăn thịt đàn ông, cưỡng hiếp phụ nữ và làm hàng ngàn tội ác dã man khác. Có vẻ đó là một loại cá heo nước ngọt, và một trong những đặc điểm kỳ lạ của loài cá này là chúng có bộ phận sinh dục giống như của phụ nữ. Vì vậy thổ dân dùng chúng để thay cho phụ nữ, có điều sau khi giao hợp họ phải giết con cá ngay bởi vì bộ phận sinh dục của nó co lại và dương vật không thể rút ra được. Tối hôm đó, chúng tôi phải khổ sở đến gặp các đồng nghiệp ở bệnh viện để xin chỗ ngủ. Tất nhiên là họ rất lạnh lùng tiếp đón chúng tôi, và chắc là họ đã đuổi chúng tôi đi nếu như vẻ bình thản của chúng tôi không chinh phục được họ. Chúng tôi được cho hai cái giường để ngả lưng.

XEM TIẾP: 37 – Xuôi dòng sông Ucayali

Tags: ,