NHẬT KÝ HÀNH TRÌNH – Ernesto Che Guevara

42 – Phút nghĩ về mẹ

Ngày 6 tháng 7 năm 1952

Mẹ kính yêu, Con của mẹ đây!

Bây giờ con chỉ còn cách Venezuela vài cây số, và tốn thêm vài pêsô nữa. Trước hết, con xin chúc mẹ sinh nhật vui vẻ! Con hy vọng sinh nhật của mẹ sẽ được tổ chức trong yêu thương, với những tiếng cười và sự hiện diện của cả gia đình. Kế đến con xin kể lại chuyến đi của con kể từ khi chúng con rời khỏi Iquitos. Chúng con khởi hành tương đối đúng theo kế hoạch; lênh đênh trong hai đêm cùng những đàn muỗi và đến vùng đất có những đồng nghiệp của chúng con ở San Pablo vào lúc bình minh, tại đây chúng con đã nhận được chỗ ăn ở. Vị giám đốc phụ trách chuyên môn, một con người tuyệt vời, đã cảm thấy thích chúng con ngay và chúng con đã sớm tạo được sự thân mật và gần gũi với tất cả mọi người ở trại phong, ngoại trừ những Ma Soeur luôn hỏi tại sao chúng con không bao giờ dự thánh lễ Misa. Những Ma Soeur này trông nom trại phong và những ai không dự thánh lễ sẽ bị cắt giảm phần ăn (nhưng những đứa trẻ ở đó đã giúp chúng con có thức ăn mỗi ngày). Ngoài việc đó ra, đời sống ở đây hoàn toàn thoải mái.

Vào ngày 14, họ tổ chức tiệc chiêu đãi con với nhiều rượu pisco, một loại rượu gin làm cho người ta say thật tuyệt vời. Giám đốc trại phong đã nâng ly chúc mừng chúng con, và cảm kích trước tấm lòng của ông, con đã đáp lại bằng một bài diễn văn thuần túy Mỹ La tinh và được mọi người hoan hô nhiệt liệt. Chúng con ở lại trại phong lâu hơn một chút so với dự tính, nhưng cuối cùng chúng con cũng rời San Pablo để đến Colombia. Vào đêm cuối cùng, một nhóm bệnh nhân từ trại phong đến trên một chiếc xuồng lớn. Họ hát những bài dạ khúc tiễn biệt trên cầu tàu và phát biểu những lời thật xúc động. Alberto cũng có bài phát biểu thật ấn tượng, tạo được niềm vui nơi những con người thánh thiện ở đây. Đây là một trong những kinh nghiệm thú vị trong chuyến đi của chúng con. Một người chơi accordion không còn ngón tay nào, anh cột một cái que vào cổ tay và cứ thế mà say mê nhấn phím đàn; ca sĩ mù lòa; và hầu hết những người khác hình hài đều bị biến dạng do hệ thần kinh bị tổn thương, một tình trạng khá phổ biến ở vùng này. Dưới ánh sáng của những chiếc đèn lồng phản chiếu trên sông, tất cả trông giống như một cảnh trong phim kinh dị. Nơi này thật đáng yêu, xung quanh là những khu rừng nhiệt đới, với những bộ lạc thổ dân cách khoảng một dặm (tất nhiên là chúng con cũng đã thăm viếng những bộ lạc này), và có thật nhiều cá và những đặc sản phong phú khác. Tất cả những điều này làm chúng con mơ đến việc băng qua Mato Grosso bằng đường sông, từ Paraguay đến Amazon, thực tập y khoa dọc theo đường đi…Một ước mơ giống như giấc mơ có được một căn nhà của riêng mình… Có lẽ một ngày nào đó… Chúng con có cảm giác như mình là những nhà thám hiểm thật sự và xuôi dòng trên một chiếc bè lộng lẫy mà họ đóng đặc biệt cho chúng con. Ngày đầu tiên trôi qua êm ả nhưng đêm hôm đó, thay vì thức canh chừng, chúng con lại chui vào mùng ngủ, và sáng hôm sau chúng con thấy bè bị mắc cạn trên bờ.

Chúng con ăn thật khỏe. Ngày hôm đó trôi qua thật vui vẻ và chúng con quyết định thay nhau canh chừng bè để tránh những vấn đề đáng tiếc khác xảy ra, bởi vì khi trời tối thủy triều sẽ mang chúng con vào bờ và rong rêu dưới sông sẽ làm bè bị mắc cạn. Con đã phạm một sai lầm trong một lần canh gác. Một trong những con gà mái mà chúng con mang theo để làm thịt bị rơi xuống nước và bị dòng nước cuốn đi. Con trai của mẹ đã bơi băng ngang qua sông Amazon tại San Pablo bây giờ lại không có can đảm nhảy xuống bắt con gà, một phần bởi vì chúng con thấy cá sấu thỉnh thoảng xuất hiện trên mặt nước, một phần vì chúng con sợ hãi sông nước ban đêm. Nếu mẹ có mặt ở đó, chắc là mẹ đã có thể cứu được con gà, và Ana Maria cũng thế, bởi vì mẹ không có những nỗi sợ hãi vớ vẩn về ban đêm như chúng con.

Một con cá to tướng đã mắc câu và chúng con phải vất vả lắm mới kéo được nó lên bè. Chúng con tiếp tục canh chừng cho đến sáng, cột bè vào bờ, và chui vào mùng để tránh đàn muỗi khát máu. Ngủ được một giấc, Alberto, người thích ăn cá hơn thịt gà, thấy hai chiếc cần câu lẫn con mồi đã biến mất trong đêm. Mẹ có thể tưởng tượng anh ta bực mình như thế nào. Có một căn nhà gần đó, và chúng con quyết định xem đường đến Leticia bao xa. Khi người chủ nói với chúng con bằng giọng Bồ Đào Nha rằng Leticia cách bảy tiếng ở thượng nguồn và chúng con bây giờ đang ở Brazil, Alberto và con đã cãi nhau dữ dội xem ai là người đã ngủ quên trong phiên gác. Nhưng cãi nhau cũng chẳng đi đến đâu. Chúng con biếu ông chủ nhà một con cá và một trái thơm bốn kílô của những người ở trại phong, đổi lại chúng con được ngủ qua đêm và sau đó được ông hướng dẫn đi ngược dòng sông. Chúng con quay ngược trở lại dòng sông rất nhanh, nhưng đó là một công việc khó nhọc, bởi vì chúng con phải chèo bảy giờ trên một chiếc xuồng lạ. Chúng con đã tìm được chỗ trọ tại một đồn cảnh sát ở Leticia; nhưng không được giảm giá vé máy bay và phải trả thêm tiền hành lý vượt quá trọng lượng cho phép. Nhưng bù lại, chúng con được mời làm huấn luyện viên cho một đội bóng trong khi chờ đợi chuyến bay mà hai tuần mới có một chuyến. Lúc đầu chúng con chỉ tính huấn luyện họ cho họ đá được mà thôi; nhưng họ đá tệ quá nên chúng con đành phải nhào vô đá giúp. Kết quả đáng ngạc nhiên là đội bóng yếu nhất lại bước vào vòng chung kết tổ chức trong ngày và chỉ thua ở loạt sút luân lưu. Alberto chơi như cầu thủ Pedernera của Argentina nên được mọi người đặt tên là Pedernerita, và con đã đỡ được một quả penalty, để lại dấu ấn trong lịch sử bóng đá Leticia. Buổi lễ ăn mừng chắc là thật tưng bừng nếu như vào phút cuối họ không hát quốc ca Colombia, và nếu như lúc đó con đừng cúi xuống chùi vết máu trên đầu gối, làm viên đại tá giận dữ quát tháo. Con tính cãi lại thì chợt nhớ đến chuyến đi và đành phải câm miệng lại. Cuối cùng chúng con cũng bay đến Bogota. Alberto tán gẫu với những hành khách khác về chuyến bay tồi tệ mà chúng con đã băng qua Đại Tây Dương khi tham dự Hội nghị quốc tế về bệnh phong tổ chức tại Paris, lúc đó bốn động cơ đã hỏng và chúng con chỉ còn vài phút là rơi xuống Đại Tây Dương…

Chúng con có cảm giác như mình được du hành vòng quanh thế giới hai lần. Ngày đầu tiên ở Bogota trôi qua suôn sẻ, chúng con kiếm được chỗ ăn ở khuôn viên đại học nhưng không có chỗ ở bởi vì ở đó chật cứng sinh viên tham dự những khóa học do Liên Hiệp Quốc tổ chức. Tất nhiên ở đó không có người Argentina nào. Sau một giờ sáng, cuối cùng chúng con cũng tìm được một cái ghế để qua đêm tại một bệnh viện. Chúng con không đến nỗi nghèo mạt, nhưng những nhà thám hiểm với lịch sử và địa vị của chúng con thà chết còn hơn trả tiền để vào ở trong nhà tập thể như thế. Sau đó những người thuộc dịch vụ bệnh phong đã tiếp nhận chúng con, mặc dù ngày đầu tiên họ vẫn còn nghi ngờ lá thư giới thiệu của bác sĩ Pesce chúng con mang từ Peru. Alberto đã phải xuất trình hàng loạt văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận và họ hầu như không kịp thở khi con nói liên tục về những khó khăn và hiểm nguy trong nghề nghiệp của con. Kết quả là cả hai chúng con đều có việc làm. Con không có ý định nhận việc, nhưng Alberto thì có. Khi con dùng con dao của Alberto vẽ trên đường phố thì cảnh sát đến. Chúng con cãi nhau với cảnh sát và kết quả là cả hai chúng con quyết định phải đi Venezuela càng sớm càng tốt. Vì vậy khi mẹ nhận được thư này thì chúng con đang chuẩn bị lên đường. Mẹ có thể gởi thư cho con đến Cucuta, Santander del Norte, Colombia, hoặc gởi chuyển phát nhanh đến Bogota. Ngày mai con sẽ ngồi ở khán đài rẻ tiền nhất để xem Millonarios đá với Real Madrid, bởi vì nhờ cậy người đồng hương ở đây còn khó hơn nhờ bộ trưởng. Ở đây tự do cá nhân bị đàn áp nhiều hơn ở bất cứ quốc gia nào mà chúng con đã từng đặt chân đến. Cảnh sát mang súng trường đi qua đi lại trên các đường phố và cứ vài phút lại xét giấy tờ của người ta, ấy vậy mà một số cảnh sát lại không biết đọc nên cứ lật tới lật lui giấy tờ của khách bộ hành mà chẳng hiểu gì cả. Bầu không khí ở đây rất căng thẳng và dường như cách mạng có thể bùng nổ. Ở nông thôn người ta chống đối công khai và quân đội đã bất lực không thể đàn áp họ. Cuộc chiến trong nội bộ phái bảo thủ vẫn tiếp diễn và biến cố ngày 9. 4. 1948(1) vẫn còn đè nặng lên tâm trí mọi người. Nói tóm lại, ở đây rất ngột ngạt. Nếu người Colombia muốn chịu đựng không khí này, con xin chúc họ may mắn, còn chúng con chỉ muốn ra khỏi nơi đây càng sớm càng tốt. Hiển nhiên là Alberto có cơ hội rất tốt để tìm việc ở Caracas.

Con hy vọng một người nào đó sẽ viết vài dòng cho con biết bây giờ mẹ ra sao. Lần này mẹ sẽ không phải thu thập thông tin qua Beatriz hoặc qua bất cứ người trung gian nào (con sẽ không trả lời thư của cô ấy bởi vì chúng con tự giới hạn chỉ viết một lá thư tại mỗi thành phố chúng con đến, đó là lý do tại sao tấm thiệp cho Alfredito Gabela được gởi kèm theo thư này).

Con trai của mẹ ôm mẹ thật chặt, con nhớ mẹ lắm! Con hy vọng rằng cha có thể xoay xở đến Venezuela. Giá sinh hoạt ở đó đắt đỏ hơn ở đây, nhưng người ta trả lương cao hơn và như thế có lẽ thích hợp với con người tằn tiện như cha. Nếu sau khi sống ở đây được một thời gian mà cha vẫn còn yêu thích Chú Sam… Thôi con lạc đề mất rồi, cha có thể hiểu hết những gì con muốn nói.

Chào mẹ!

XEM TIẾP: 43 – Trên đường đến Caracas

Tags: ,