‘Mùa xuân đầu tiên’ bài hát đặc sắc cuối cùng của Văn Cao

Mùa xuân đầu tiên của dân tộc được toàn vẹn tự do, độc lập, thống nhất, đất nước thu về một mối. Nhưng đó lại là bài hát đặc sắc cuối cùng trong đời sáng tác âm nhạc của Văn Cao, bởi cho đến lúc qua đời, ông không để lại ca khúc đáng kể nào nữa.

‘Mùa xuân đầu tiên’ bài hát đặc sắc cuối cùng của Văn Cao

Bái viết của nhạc sĩ Nguyễn Đình San.

Văn Cao – tác giả bài Tiến Quân ca là Quốc ca của Việt Nam. Văn Cao- tác giả những bài ca tiền chiến nổi tiếng: Thiên thai, Buồn tàn thu, Suối mơ, Cung đàn xưa, Bến xuân… và những ca khúc kháng chiến bất hủ: Sông Lô, Làng tôi, Ngày mùa, Chiến sĩ Việt Nam… Ông là một cây đại thụ trong nền âm nhạc Việt Nam hiện đại. Nhưng tất cả mạch âm nhạc trong ông dường như bị tắc nghẽn từ năm 1954. Tưởng rằng người ta sẽ tiếc mãi cho một tài năng âm nhạc lớn sớm chấm hết mới ở tuổi 31(Ông sinh năm 1923)- cái tuổi trong sáng tác mới bắt đầu nở rộ! Từ đó, ông chỉ vẽ và làm thơ, không thấy có nốt nhạc nào. Đùng một cái, 22 năm sau- 1976- người ta vừa vui mừng vừa lấy làm đột ngột khi thấy ông cho ra đời bài Mùa xuân đầu tiên– một ca khúc quá xuất sắc, xứng đáng nối tiếp giá trị những bài hát ngày trước của ông.

Tất nhiên, giải thích trường hợp hy hữu trên không khó. Cũng như Huy Cận ở lĩnh vực thơ. Sau tập “Lửa thiêng” nổi tiếng trước cách mạng, từ 1946 đến 1957, hơn 10 năm , nhà thơ lãng mạn xuất sắc họ Cù “biệt vô âm tín”, lặn mất tăm đến năm 1958 mới xuất hiện trở lại với “Trời mỗi ngày lại sáng” và sau đó là “Đất nở hoa”. Ở Văn Cao có khác một chút. Nếu Huy Cận là nguyên nhân chủ quan từ nhà thơ thì ở người nhạc sĩ lớn lại có thêm nguyên nhân khách quan: Hồi 1956-1957, bị chút “tai nạn”, tuy không nặng bằng một số văn sĩ khác, nhưng cũng đủ khiến ông cạn mạch cảm hứng sáng tác. Mãi đến năm 1976, sau sự kiện vĩ đại của dân tộc là đất nước được trọn vẹn độc lập tự do, lãnh thổ được thống nhất, tài năng lớn Văn Cao mới hồi sinh. Và Mùa xuân đầu tiên đã được ra đời trong hoàn cảnh như thế.

Rất khác lạ, nhạc sĩ bắt đầu bài hát của mình: “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về. Mùa bình thường mùa vui nay đã về, mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên, với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông…”.  Sao lại nói cách vào bài như vậy là khác lạ? Bởi nó được mở đầu bằng tiếng rồi. Thường thì phải có cái gì trước đó, mới tiếp tục bằng “rồi”. Song, ở đây, ta thấy rõ: mùa xuân đầu tiên như vừa nói không phải bỗng dưng có, từ trên trời rơi xuống, mà là sự nối tiếp cuả lịch sử, là kết quả tất yếu của mấy nghìn năm dân tộc ta có truyền thống đánh giặc, giữ nước. Vậy nên thiên hạ, nhân dân trên thế giới có thể sửng sốt, ngoài sức tưởng tượng về chiến thắng quá vĩ đại của một dân tộc nhược tiểu, đất nước bé nhỏ trước một kẻ địch quá to, nhất thế giới. Nhưng với người Việt Nam lại là bình thường, đúng quy luật, là kết cục tất yếu đã nhằm tới. Vậy nên tác giả đã bắt đầu bằng tiếng “rồi” như thế, và ông còn nói rõ hơn ở câu thứ hai: Mùa bình thường mùa vui nay đã về. Tuy đó là “mùa xuân mơ ước” nhưng chỉ là “bình thường”. Văn Cao đã nói đúng được ý nghĩ, tình cảm của 50 triệu người dân Việt Nam khi đó: sự kiện vĩ đại nhất của lịch sử dân tộc là một kết cục tất yếu, nên bình thường. Đó là ý nghĩ của người có bản lĩnh, tự tin, không bao giờ tự khuyếch trương thành quả dẫu sự thật có lớn lao đến mức nào. Tôi bỗng liên tưởng đến 2 câu thơ rất sâu sắc của Chế Lan Viên như một sự đúc kết về tư thế dân tộc ta:

Người chiến thắng cần chi phải thét
Ở đất này im lặng cũng xung phong

Mùa xuân đầu tiên có cái thâm thuý, sâu sắc của người từng trải, lại có cả sự hồn nhiên, tuơi tắn của tuổi trẻ. Nhưng phải những bạn trẻ hiểu biết, có nhận thức, có suy nghĩ về đất nước, dân tộc, có gu thẩm mỹ cao mới thẩm thấu được bài hát, mới thấy hết giá trị nhân văn và thẩm mỹ của tác phẩm. Ta vẫn thấy một hiện tượng: Ngay cả những nhạc sĩ rất giỏi đôi khi vẫn bị rơi vào tình trạng: bài hát chỉ đặc sắc đoạn đầu, đến phần sau, về cuối, thấy đuối dần, do cảm xúc cạn, phải phát triển âm nhạc bằng kỹ thuật. Nhưng Mùa xuân đầu tiên thì trọn vẹn cảm xúc từ đầu đến cuối. Mở đầu bài đã hay, đã rất độc đáo, ấn tượng như đã nói. Càng về sau, càng cuốn hút người nghe hơn, đặc biệt ở đoạn B với những lời ca thật sâu sắc, tưởng như tác giả đã rút hết ruột gan ra mà viết nên: “Từ đây người biết quê người, từ đây người biết thương người, từ đây người biết yêu người…”.

Mùa xuân 1976 – đó là mùa xuân đầu tiên trong lịch sử dân tộc, Việt Nam mới được trọn vẹn độc lập, tự do, thống nhất mà trước đó chưa có. (Trịnh- Nguyễn phân tranh nhiều thế kỷ bởi sông Gianh. Sau 1954, giới tuyến là sông bến Hải). Tất cả đều từ đây. Mấy tiếng thật nôm na bình dị: Người biết quê người, người biết thương người, người biết yêu người đâu dễ nói được. Sự toàn vẹn từ “mùa xuân đầu tiên” trả lại cho con người nhân cách, trả lại cho họ những gì NGƯỜI nhất. Quả là một tư duy của một nhạc sĩ lớn và không phải bất cứ lúc nào cũng có được.

Khi Văn Cao còn sống, có lần tôi nói với ông: “Bài Mùa xuân đầu tiên khác hẳn những bài hát trước đây của anh. Vẫn là một cô gái đẹp nhưng cô này lạ lẫm. Người đàn ông nào tiếp xúc cũng mê ngay, nhưng không dễ gì chinh phục được trái tim cô ta, kể cả bậc nam nhi tài ba. (Ý tôi muốn nói ai cũng thích bài hát nhưng không dễ gì hát cho hay, ngay cả ca sĩ trứ danh, vì thú thực tôi chưa nghe ai hát bài này hay cả). Văn Cao chỉ cười, khẽ gật gù, không nói gì như phong cách quen thuộc của ông. Tôi lại hỏi tiếp: “Từ căn nguyên gì mà sau mấy chục năm chỉ uống rượu và ho, bỗng nhiên anh lại nghển cổ cất giọng hát lên được một bài đặc sắc, bất ngờ như vậy?” Lúc này Văn Cao mới nói: “Cậu còn đồng thời là nhà lý luận, cứ việc cắt nghĩa bởi lịch sử, bởi bối cảnh xã hội, bởi nọ kia tác động đến người sáng tác. Còn mình chỉ thấy: Lúc đó không thể không viết bài hát. Vẽ, làm thơ chưa thỏa, phải là bài hát mới sướng. Thế là ngồi vào đàn, tuôn ra”. Lại hỏi: “Anh viết bài này có lâu không?” Trả lời: “Nhanh, gần như một mạch, sau đó không cần sửa nhiều về âm nhạc, chỉ mất công nghĩ phần lời”. Rồi ông đột ngột hỏi tôi: “Cậu thấy thế nào? Trong số các ca sĩ hát, cậu có để ý không? Ai hát hợp nhất?”. Tôi mạnh dạn thưa: “Tôi nói rồi, bài này như một cô gái đẹp, lạ lẫm nhưng đài các, rất khó tiến gần để chinh phục. Vì vậy, thú thực, tôi chưa thấy ai hát ra được vấn   đề của bài”. Văn Cao lại gật gù, có vẻ tâm đắc.

Mùa xuân đầu tiên của dân tộc được toàn vẹn tự do, độc lập, thống nhất, đất nước thu về một mối. Nhưng đó lại là bài hát đặc sắc cuối cùng trong đời sáng tác âm nhạc của Văn Cao, bởi cho đến lúc qua đời, ông không để lại ca khúc đáng kể nào nữa.

Theo BÁO DU LỊCH

Tags: ,