Tiếp cận hội họa từ phương diện người xem tranh và người vẽ tranh

Trước tranh, công chúng có nhiều phản ứng khác nhau, nhưng đa số thường thể hiện ở hai chiều trái ngược: hoặc “kính nhi viễn chi” — né tránh không ý kiến, hoặc bình thản bình phẩm — khen cái này “đẹp”, chê cái kia “xấu”, công nhận hoạ sĩ này “tài năng”, gạt phắc hoạ sĩ kia như một thứ “điên rồ” v.v…

Tiếp cận hội họa từ phương diện người xem tranh và người vẽ tranh

Và, trước người xem tranh, không ít hoạ sĩ, cũng vẫn thường nhắc nhở: “cần phải chuẩn bị một tâm hồn”, “cần phải học hỏi về nghệ thuật” v.v…

Ghi chú về người xem tranh

Trong bài viết này, tôi không muốn bình phẩm các phản ứng của công chúng hay hay dở, các ý kiến của các hoạ sĩ đúng hay sai như thế nào, mà chỉ đưa ra một ít ghi chú sơ sài để mọi người nghĩ lại… :

1. Thưởng thức hội hoạ là thưởng thức cái được thể hiện trên mặt tranh. Tuy nhiên sự thưởng thức hội hoạ, theo các nhà tâm lý học nghệ thuật hiện đại, không bao giờ thuần túy có nghĩa là thưởng thức cái được NHÌN THẤY (tranh). Có rất nhiều thứ mai phục bên trong, ẩn kín nơi tâm hồn mỗi người, chi phối cái sự NHÌN VÀ THẤY đó. Đó chính là những hành trang văn hoá, là vốn sống, vốn kiến thức mà mỗi người mang theo khi tiếp cận tác phẩm hội hoạ. Với vốn sống và vốn văn hoá khác nhau, người ta sẽ thấy ở tác phẩm hội hoạ được nhìn những sắc thái và ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Cũng là “Phố” Hà Nội của một Bùi Xuân Phái, nhưng trong mắt nhìn của một người đã từng gắn bó với Hà Nội, đã từng yêu Hà Nội, và trong mắt nhìn của một người chưa từng một lần đến Hà Nội, sẽ hoàn toàn khác nhau. Với những người đã từng gắn bó, từng yêu Hà nội, “Phố Phái”, không chừng, chỉ là những cái cớ dẫn họ vào một không gian nào đó trong ký ức của mình. Với họ, “Phố” của Bùi Xuân Phái, không hẳn đã là đối tượng của sự thưởng lãm nghệ thuật, mà nhiều khi chỉ là đối tượng của kỷ niệm. Cách tiếp cận này, có thể trở thành một trở ngại cho sự cảm thụ nghệ thuật. Bởi, khi là đối tượng của kỷ niệm, người ta thường chỉ nhận thấy khía cạnh Ý NGHĨA, mà ở đó, hình vẽ thuần túy chỉ như một khái niệm, thậm chí, chỉ là cái cớ. Còn với người xa lạ, Bùi Xuân Phái, nhiều khi được nhìn nhận như một hoạ sĩ nhiều hơn. Không biết về Hà Nội, không biết nhiều về tác giả của “Phố Phái”, người ta phải chăm chú vào bề mặt tranh. Phải cảm Hà Nội, phải cảm Bùi Xuân Phái từ những gì hiện diện trên mặt tranh, không bị chi phối bởi những câu chuyện, những huyền thoại, người ta có cơ may trở nên khách quan hơn khi đánh giá tài năng của nhà hoạ sĩ nổi tiếng…

2. Kiến thức về hội hoạ, về nghệ thuật nói chung, và sự tiếp xúc thường xuyên, chính là các yếu tố quyết định cho sự thích ứng — hiểu theo nghĩa quan tâm hay yêu thích —với KÊNH, DÒNG hội hoạ nào đó. Và quyết định cho sự hoà nhập, thụ cảm với một NGƯỠNG, ĐỘ giá trị (nghệ thuật) nào đó. Không tiếp xúc nhiều với thế giới hội hoạ, không thấy sự đa dạng của các hình thức nghệ thuật, và gắn liền với nó là sự đa dạng vô cùng tận của các quan điểm và phương pháp sáng tác v.v… người ta, hoặc rất dễ sa đà trong các ngộ nhận cho rằng, nghệ thuật là cái gì sẵn có, có bản chất bất biến và có những qui phạm có giá trị vĩnh cửu…, hoặc cứ quẩn quanh trong sự đối chiếu nghệ thuật với thế giới hiện thực trong “đôi mắt vật lý” nhìn ra. Trong cách thứ nhất, người ta rất dễ cố thủ trong những giá trị của quá khứ, lấy đó làm chuẩn mực cho sự đánh giá, nhìn nhận. Và, rất dễ có thái độ dị ứng, loại trừ những gì quá mới lạ… Trong cách thứ hai, người ta rất dễ tự nhốt mình trong sự ngưng trệ của tiêu chuẩn hội hoạ “truyền thần”, xem vẽ chỉ là mô phỏng, là tái tạo “hiện thực”, đồng hoá cái đẹp trong nghệ thuật với cái “đèm đẹp”, cái “xinh”, cái “nhã”, cái “cao thượng” trong cuộc sống; đồng hoá công việc sáng tác của người nghệ sĩ như một nghề thủ công, và, xem tài năng hoạ sĩ, chỉ là ở “hoa tay” v.v…

Nói chung, trong mắt người xem, như đã “ghi chú” ở trên, tác phẩm hội hoạ, thực chất, không còn giá trị ĐỘC BẢN nữa. Có bao nhiêu người xem, là có bấy nhiêu DỊ BẢN, và thường, chẳng có cái nào giống cái nào…

Ghi chú về người vẽ tranh

Hoạ sĩ, không ít người luôn “kêu gào tự do”, nhưng chính họ, nhiều khi lại rất “độc đoán” khi bình phẩm về đồng nghiệp — làm như chỉ có họ mới là kẻ cầm nắm “chân lý”…

Thực ra, người hoạ sĩ, khi sáng tác, cũng chịu sự chi phối của các yếu tố mai phục, ẩn kín như ở người xem tranh. Trước khi là con người-sáng tạo, hoạ sĩ là con người-văn hoá. Và, chính cái tính cách và tầm vóc con người-văn hoá này sẽ là những tác nhân thúc đẩy hay kiềm chế con người-sáng tạo nơi mỗi hoạ sĩ. Nó qui định hay quyết định cách nhìn, cách nghĩ của hoạ sĩ về nghệ thuật. Kéo theo là qui định hay quyết định phương pháp sáng tác của hoạ sĩ. Và đương nhiên, cuối cùng, là quan niệm, là tiêu chuẩn về hiệu quả trên mặt tranh.

— Những hoạ sĩ tin rằng hội hoạ là để tôn vinh vẻ đẹp của tự nhiên, là để thanh lọc tâm hồn hay làm thăng hoa các cảm xúc con người… dễ có khuynh hướng đi vào quĩ đạo của các chuẩn mực nghệ thuật đã trở thành Cổ điển. Các chuẩn mực đề cao sự hài hoà (hiểu theo nghĩa cân bằng thị giác…), đề cao sự cao cả, sự trong sáng của hình tượng, của tư tưởng và tình cảm v.v…

— Những hoạ sĩ tin rằng hội hoạ là để phản ánh hiện thực, hay để biểu lộ tâm tư, phơi bày bản ngã… dễ có khuynh hướng bấu víu vào các nội dung chỉ định của hình, vào tầm quan trọng của đề tài, và tính tư tưởng của chủ đề… Hiệu quả trên mặt tranh, được khoanh lại trong các tiêu chuẩn về tính điển hình của hình tượng, về tính chắt lọc và khái quát của ngôn ngữ thể hiện… — tất cả, là nhằm tạo nghĩa, nhằm làm “vang nghĩa” cho tranh. Ở đây, cái biểu đạt (hình thức nghệ thuật) gắn liền với cái được biểu đạt (hiện thực). Và, mức độ bộc lộ sáng tỏ ý nghĩa cái được biểu đạt trở thành tiêu chuẩn xác định giá trị cái biểu đạt (hiệu quả trên mặt tranh). Và dĩ nhiên, cũng là tiêu chuẩn xác định tài năng của hoạ sĩ…

— Những hoạ sĩ tin theo các quan điểm nghệ thuật hiện đại chủ nghĩa, cho rằng các tiêu chuẩn mỹ học cổ điển chỉ là giả tạo (đối tượng của nghệ thuật không chỉ là những vẻ đẹp lý tưởng); cho rằng phương pháp sáng tác Hiện thực hay Lãng mạn chủ nghĩa lấy việc phản ánh chân thực hiện thực cuộc sống, hay lấy việc biểu lộ chân thành cá tính hay tâm tư nghệ sĩ làm mục đích tối thượng chỉ là ảo tưởng hay ngộ nhận do sự trì trệ của tư duy trong tâm thế lạc hậu (Nếu lấy phản ánh chân thực hiện thực cuộc sống làm mục đích tối thượng, hội hoạ không thể nhanh nhạy và hiệu quả như nhiếp ảnh, điện ảnh hay truyền hình; nếu lấy biểu lộ chân thành cá tính hay tâm tư nghệ sĩ làm mục đích tối thượng, thì trước tính chất DỊ BẢN trong cách nhìn và thấy nơi mỗi người xem, cũng trở thành vô nghĩa…) thì, như một lẽ đương nhiên, những hoạ sĩ đó dễ có khuynh hướng tự đưa mình vào cuộc phiêu lưu bất tận của những tìm tòi sáng tạo CÁI MỚI.

Xin lưu ý các chữ “dễ có khuynh hướng” trong các nhận định trên. Không ai có thể loại trừ trường hợp có những nghệ sĩ nghĩ và tin như thế này nhưng lại sáng tác theo một cách khác. Công việc sáng tạo vốn vô cùng phức tạp, bị/được thúc đẩy bởi nhiều động lực khác nhau, trong bản thân người nghệ sĩ cũng như bên ngoài xã hội, từ ý thức cũng như từ tiềm thức, từ những tài sản văn hoá tích luỹ lâu dài cũng như từ những ngẫu hứng bộc phát tình cờ, vượt ra ngoài mọi sự chờ đợi hay tiên đoán. Tuy nhiên, nhìn chung, các nhà lý thuyết nghệ thuật cũng như văn hoá đều tin tưởng vào mối quan hệ gần gũi giữa quan điểm thẩm mỹ và phong cách sáng tác.

Nếu lịch sử nghệ thuật cho thấy có nhiều quan điểm thẩm mỹ và nhiều phong cách khác nhau thì một kết luận không thể tránh được là: không có một tiêu chuẩn chung cho cái gọi là hiệu quả trên mặt tranh nói chung. Cũng như, không có tiêu chuẩn chung cho “cái đẹp”, không có qui phạm chung cho cái gọi là nghệ thuật. Thử xem, nếu xem những thiếu nữ no tròn mũm mĩm trong ánh nắng với bảng màu lung linh của Renoir là “đẹp”, thì những bà già tóp teo, dúm dó trong xó nhà âm u của Van Gogh là gì? Nếu xem những vệ nữ duyên dáng, thanh tao của Botticelli là “đẹp”, thì những hình mẫu đàn bà “cao su hoá” nhễu nhão của Dali, hay những mẫu “nude” như bê tông, như gạch vụn của Picasso là gì?… Nếu xem những bức tranh phản ánh chân thực hiện thực cuộc sống như của Coubert, những bức tranh phơi bày mãnh liệt các xung động nội tâm như của Van Gogh là nghệ thuật…, thì những bức tranh không rõ hình thù, không rõ tâm tình như của Mondrian, của Kandinsky v.v…, thì gọi là gì? v.v… và v.v…

Tính chất đa dạng của những cái gọi là “đẹp” ấy cho thấy lịch sử nghệ thuật là một sự vận động liên tục. Niềm tin vào tính chất phổ quát và vĩnh cửu của môt phong cách hay một kỹ thuật sáng tác nào đó chỉ là một ảo tưởng. Một nghệ sĩ lớn chỉ lớn khi góp phần thúc đẩy quá trình vận động của các quan niệm về nghệ thuật cũng như về cái đẹp. Nói cách khác, chính bản thân họ phải thay đổi cách nhìn cùng lúc với việc thay đổi cách vẽ.

Theo VĂN HÓA HỌC

Tags: ,