Phim lịch sử: Bài toán của sự thật và hư cấu

Phim truyện là mảnh đất của hư cấu. Chất liệu lịch sử đưa vào, trong đó có nhân vật, không khỏi bị thay da đổi thịt theo “góc nhìn và cảm hứng sáng tạo nghệ thuật của tác giả”.

Phim lịch sử: Bài toán của sự thật và hư cấu

Với cách nói có vẻ cao xa và mông lung này, các nhà làm phim, chủ yếu là biên kịch và đạo diễn, cho mình quyền được tô vẽ, nhào nặn, tạo ra các hình tượng nhân vật lịch sử theo ý mình, làm nảy sinh những luồng tranh cãi không dứt với các nhà sử học.

Trước hết, xin đặt câu hỏi: Ai nắm giữ sự thật của các nhân vật lịch sử? Những ghi chép có được trong sử sách về các danh nhân lịch sử không khỏi bị biên tập qua từng biến chuyển của thời cuộc. Tiểu sử của họ hiếm khi được truyền lại một cách trọn vẹn, đôi khi một vài sự việc hoặc tình tiết được thêm vào hay rút ra, nâng cao hoặc hạ thấp tầm vóc nhân vật để phù hợp với những mục đích nào đó. Ngay cả cách giải thích, xét đoán, đánh giá những tính cách và hành động của họ cũng không phải trước sau như một, mà có thể thay đổi bởi muôn ngàn lý do. Xung quanh cuộc đời họ thường có những câu chuyện thực hư thêu dệt, lớn dần thành những giai thoại, huyền thoại được ghi vào sử sách lẫn lộn với những sự kiện có thật, khiến người đời sau khó nhìn ra con người thật của họ.

Nhìn thấy kẽ hở đó, người làm phim khi đưa một nhân vật lịch sử vào phim, cũng thấy có chỗ cho mình khám phá, len lỏi vào từng ngóc ngách để tìm cách giải thích những gì còn bí ẩn. Tướng Trần Khắc Chung giải cứu Huyền Trân Công Chúa là một sự kiện lịch sử, nhưng họ có là tình nhân của nhau không, là một dấu hỏi lớn. Luôn thắc mắc đặt câu hỏi với những gì được ghi trong sử sách là một phương cách tích cực và cần thiết để khám phá về một con người.Hẳn nhiên, người làm phim không phải nhà sử học, và bộ phim truyện lịch sử họ làm không phải là một tấm gương sử liệu phản chiếu lịch sử một cách chính xác. Nhưng họ cần giải mã những tình tiết bao quanh cuộc đời của một nhân vật lịch sử với góc nhìn nhân văn, nhằm soi rọi kỹ hơn con người này, để rồi đưa ra phương án của riêng mình, tạo nên một hình tượng đáng tin cậy.

Lấy ví vụ về một trong các vị vua nhà Nguyễn. Vua Thành Thái có những hành động điên loạn là một sự việc được ghi trong chính sử, nhưng giải thích tại sao, điên thật hay giả, với mục đích gì, là một câu hỏi đầy hứng thú cho người làm phim về cuộc đời của vị vua yêu nước này. Quan văn Nguyễn Văn Tường là một quân sư tài giỏi đã cùng với võ tướng Tôn Thất Thuyết dấy binh chống Pháp dẫn đến việc kinh đô thất thủ, phải đưa vị vua trẻ Hàm Nghi trốn lánh trong rừng sâu. Động cơ nào khiến ông trở về đầu hàng quân Pháp, có phải vì hèn yếu hay vì một kế hoạch bất thành? Đó là những vỉa khai thác dành cho sự sáng tạo của người làm phim truyện mà không sợ đụng chạm đến chính sử.

Người làm phim phải đặt câu hỏi về những chứng cứ lịch sử là một việc, còn phải đặt câu hỏi về những giai thoại thêu dệt và cả những tình tiết đang nằm trong trí tưởng tượng của mình về nhân vật mình muốn mô tả. Những hư cấu thêm vào có ý nghĩa gì, có tác dụng gì với hình tượng nhân vật, có áp đặt vô lý và trái ngược với tầm vóc của họ trong lịch sử?

Jeanne d’Arc là một vị anh thư và nữ thánh của nước Pháp, đã dấy quân chống lại quân xâm lược Anh vào đầu thế kỷ 15 lúc mới 17 tuổi. Dưới áp lực của thần quyền thời bấy giờ, tiểu sử Jeanne d’Arc ghi lại là chính Thượng đế giao cho cô nông dân nhỏ bé này sứ mạng giải cứu dân tộc. Đã có nhiều bộ phim mô tả động cơ của nhân vật lịch sử này theo chiều hướng đó. Nhưng khán giả ngày nay không còn hứng thú với các thế lực siêu nhiên, họ chỉ thích bạo lực, tình dục và những cảnh hoành tráng. Họ cũng chán ngấy những nhân vật nữ nhu mì, thánh thiện. Vì thế đạo diễn Luc Besson làm phim Sứ giả, trong đó ông mô tả cặn kẽ Jeanne d’Arc là một cô gái đầy căm thù vì những người thân trong gia đình bị quân Anh chém giết, hãm hiếp, nên cương quyết nổi loạn trả thù nhà, với những đại cảnh chiến trận đẫm máu. Như vậy, đạo diễn giới thiệu một nhân vật lịch sử với các sự kiện có thật, nhưng xây dựng lại tính cách, xử lý các tình tiết cho phù hợp với luồng tư tưởng hiện tại. Lịch sử được uốn nắn theo cách nhìn mới, dựng lên những “sự thật” mới.

Các nhân vật lịch sử là đề tài ưa thích của đại văn hào William Shaquespeare. Ông thường đặt các nhân vật và các sự kiện lịch sử vào không gian và thời gian mình mong muốn, do tự mình sắp đặt. Có thể nói các vở kịch của ông là sản phẩm của trí tưởng tượng, chỉ dựa một cách phóng khoáng vào các nhân vật lịch sử. Ông chỉ chăm chú rút ra từ lịch sử những xung đột kịch tính giữa các nhân vật và các sự kiện. Shaquespeare dồn nén thời điểm các sự kiện lịch sử, phóng đại tính cách các nhân vật và các tình tiết để phát triển tối đa kịch tính. Vì cho dù viết về lịch sử, sử dụng các sự kiện và các nhân vật lịch sử, nhưng chủ yếu ông uốn nắn cho hợp với bầu khí chính trị, xã hội và thị hiếu khán giả ở thời điểm mình đang sống.

Sống dưới triều đại nữ hoàng Elizabeth, vốn quy phục quyền lực của thánh thần, Shaquespeare xây dựng hình tượng công tước Bolingbroke như là người được Thượng đế chọn, hiền lành, đức hạnh, tài giỏi. Ngược lại, vua Richard, đối thủ của ông ta, lại là người độc ác, ích kỷ. Và kết cục làm vừa lòng mọi người, từ triều đình đến dân chúng, là Bolingbroke đánh bại Richard để lên ngôi vua, Henri IV. Tất cả chỉ vì Shaquespeare muốn phát triển câu chuyện theo kịch tính mình muốn kể. Ông không trình bày các nhân vật lịch sử theo những gì đã được ghi chép, mà bi kịch hóa cuộc sống của họ theo cảm nhận của thời đại ông đang sống.

Qua hai quan điểm trình bày nhân vật lịch sử của hai bậc thầy đó, chúng ta thấy chất liệu lịch sử như một mớ bòng bong phải tuyển lựa đánh bóng lại cho phù hợp với người xem hiện tại. Họ thà làm sai lệch lịch sử hơn là tạo ra những tác phẩm khô cứng, vô hồn. Vì ngay cả đối với các nhân vật lịch sử thời cận đại thì những giai thoại vẫn lan truyền như một mạch sử ngầm. Vì cho dầu các sử gia có nghiên cứu đầy đủ đến đâu đi nữa, thì cũng chỉ mô tả hiện tượng bên ngoài, còn bản chất bên trong vẫn chỉ là suy đoán. Độ tin cậy của sự việc lịch sử luôn cần được đào xới theo nhiều góc nhìn khác nhau. Mỗi cuộc đời nhân vật đều tồn tại những vấn đề khó hiểu. Mỗi sự việc xảy ra có ngụ ý gì đối với họ. Những người làm phim chúng ta phải tìm hiểu những gì xảy ra sau cánh cửa đóng kín của căn nhà họ. Đó mới chính là phần quan trọng của nhân vật phim truyện mà khán giả quan tâm. Đó mới là những con người thực, nơi họ vất bỏ vỏ bọc để trở thành một con người bình thường như mọi người.

Để tìm hiểu cặn kẽ các nhân vật lịch sử, ta có thể lần theo những dấu vết của xã hội nơi họ được sinh ra và lớn lên. Tính cách nhân vật thành hình và phát triển thông qua hoàn cảnh, qua những biến cố họ phải đương đầu trong cuộc sống. Mỗi vĩ nhân cũng chỉ là một cá nhân nhỏ bé nổi trôi giữa dòng chảy xã hội và lịch sử. Họ được chọn làm tiền cảnh cho cả một toàn cảnh lịch sử. Các nhân vật anh hùng của chúng ta như Kim Đồng, Nguyễn Văn Trỗi, Võ Thị Sáu… có thể tiêu biểu cho dạng nhân vật lịch sử này.

Có những nhân vật lịch sử chỉ tình cờ hoặc may mắn bám vào một cơ hội thuận lợi nào đó để vượt qua sóng gió và nổi bật lên như một nhân vật lịch sử. Có khi họ không có giá trị gì đặc biệt, chỉ là chứng nhân của một hoàn cảnh lịch sử, và được dùng như là vật mẩu nhỏ nhoi để thông qua đó nói lên cả một hoàn cảnh lịch sử. Vua Bảo Đại trong Ngọn nến hoàng cung hoặc cậu bé hoàng tử Puyi, nhân vật chính của bộ phim Vị hoàng đế cuối cùng của đạo diễn Bernardo Bertolluci chẳng hạn. Việc hư cấu thêm bớt các tình tiết quanh các nhân vật này không hề ảnh hưởng, trái lại còn tạo cơ hội cho các tác giả tô đậm thêm sự khốc liệt của một giai đoạn lịch sử.

Tới đây, không tránh khỏi có người băn khoăn: Vậy thì những hư cấu thêm thắt về một sự kiện hoặc nhân vật lịch sử trong phim có ảnh hưởng gì đến nhận thức của người xem về sự thật lịch sử? Xin thưa, đối với số khán giả chỉ muốn đắm mình một lúc vào khung cảnh của quá khứ, nhìn ngắm bối cảnh, phục trang, lối sống xảy ra cách mình hàng trăm năm, thì không hề phàn nàn. Còn đối với các nhà sử học hoặc các khán giả muốn nghiên cứu nghiêm chỉnh lịch sử, xin đừng mất công xét nét những tình tiết được cho là không thật, mà nên tìm hiểu những khác biệt so với chính sử đó được các nhà làm phim đưa vào có hiệu quả gì, từ đó rút ra được những hiểu biết thú vị. Việc đối chiếu giữa nhân vật trong phim qua xử lý của nhà làm phim với những gì được ghi trong sử sách để cùng trao đổi sẽ thúc đẩy việc nghiên cứu lịch sử sống động, xác thực hơn. Có lẽ chúng ta nên thay thế khái niệm “hư cấu” bằng khái niệm “giải mã” lịch sử.

Người xem không cần quan tâm tới việc hai nhân vật sống cách nhau hàng chục năm sao lại cùng có mặt, hoặc trong thời điểm lịch sử đó chưa xảy ra sự kiện này, sao tác giả lại đưa vào. Vấn đề là vai trò và ý nghĩa lịch sử của các nhân vật, các sự kiện này vẫn được tôn trọng, thế là đủ. Sự kiện chiến hạm Pa-chôm-kin xảy ra tại Odessa năm 1905, các thủy thủ nổi loạn và bị dìm trong biển máu khiến họ phải cho tàu chạy qua Rumani tị nạn. Sự thật lịch sử này không ngăn cản đạo diễn Sergueï Eisenstein thực hiện bộ phim về cuộc nổi loạn này với thắng lợi cuối cùng, như là một nối kết với thắng lợi của cách mạng tháng mười 1917.

Nhưng quyền hư cấu trong phim lịch sử không phải là không có giới hạn. Như bất cứ công trình nào dính dáng đến lịch sử, chuyện phim phải được xem xét theo những hiểu biết đã có về quá khứ. Nó phải nằm trong nhìn nhận chung của các thành phần khác về tầm quan trọng của sự kiện và ý nghĩa lịch sử. Đưa các nhân vật lịch sử vào phim một cách có trách nhiệm, tức công nhận các khái niệm truyền thống về ý nghĩa và vai trò của họ với lịch sử. Mọi thay đổi và sáng tạo phải thích hợp với ngữ cảnh chung của hoàn cảnh lịch sử bộ phim mô tả.

Hẳn nhiên, phim truyện không thay thế hoặc bổ sung cho chính sử, mà có vị trí và vai trò riêng trong việc phản ánh lịch sử. Đã đến lúc các sử gia phải công nhận phim lịch sử như một định dạng mới ghi lại và truyền bá lịch sử, song hành với sử viết hoặc truyền khẩu, hoặc như các thi sĩ đọc thơ sử trong các phiên chợ xưa. Một lịch sử được kể dưới dạng nghe nhìn có sự cuốn hút đặc thù của nó.

Tuy nhiên, sự khắt khe trong hư cấu các nhân vật và sự kiện lịch sử của dư luận ở nước ta khiến chúng ta khó có thể thực hiện được những phim lịch sử hay. Chúng ta e ngại khi muốn thêm “chất con người” viết thường vào các nhân vật lịch sử. Họ được hình dung xây dựng theo một hình mẫu chỉnh tề được mặc nhiên quy định, từ cử chỉ đến lời ăn tiếng nói, khô cứng và lạ lẫm. Với thời tiết nóng bức của Huế, chúng ta có thể hình dung các vua chúa đôi khi cũng phải ở trần mặc quần cụt mới chịu nổi, hoặc gặp mùa lụt, nước ngập cả kinh thành, sẽ thật thích nếu quay được cảnh vua và các quan lội nước lụt. Xem phim về nhân vật Nguyễn Tất Thành trong giai đoạn đi học ở Huế, nói vô phép, tôi rất thèm có cảnh chú cùng các bạn học nhảy tắm sông Hương hoặc dầm mình đi dưới trời mưa Huế.

Tôi cứ nghĩ, tại sao đạo diễn Martin Scorsese lại cả gan làm phim Cơn cám dỗ cuối cùng của Chúa, trong đó có cảnh chàng Giêsu trẻ tuổi đi nhà thổ để rồi làm quen với cô gái điếm Madalena, người phụ nữ theo Ngài đến giây phút cuối cùng dưới chân thập giá. Thực sự là xem xong bộ phim này, một người công giáo như tôi tìm ra được một góc nhìn về các vĩ nhân gần gũi hơn, hiệu quả hơn.

Theo NGUYỄN VINH SƠN / THẾ GIỚI ĐIỆN ẢNH

Tags: