⠀
Johann Goethe – một gương mặt vĩ đại của nền văn học thế giới
Là chủ nhân của kiệt tác kịch thơ “Faust” cùng những tác phẩm trường tồn với thời gian, mang những cảm xúc dạt dào về tình yêu, về cuộc sống, Johann Goethe đã trở thành niềm cảm hứng dạt dào cho văn học thế giới nói chung và văn học Châu Âu nói riêng ở thời kỳ bấy giờ.
Tiểu sử của Johann Goethe
Johann Wolfgang von Goethe sinh ngày 28 tháng 8 năm 1749 ở Frankfurt am Main. Cha ông là một luật gia và mẹ ông xuất thân từ một gia đình danh giá của thành phố Frankfurt.
Cha mẹ của Goethe rất chú ý đến việc giáo dục con trai của mình. Không chỉ học nhiều ngoại ngữ như tiếng Latinh, tiếng Hy Lạp, tiếng Anh, tiếng Pháp, ông còn được học tập và tìm hiểu các kiến thức của những chuyên ngành như hội họa, âm nhạc, cưỡi ngựa và đấu kiếm.
Người bạn đời của Goethe – Christiane Vulpius kém ông 16 tuổi. Họ có con sau một năm quen biết. Tuy nhiên, Goethe và Christiane không kết hôn cho đến năm 1806, và hai người chỉ có 10 năm chung sống với nhau trên danh nghĩa vợ chồng. Không chỉ là một trong những nhà thơ vĩ đại nhất, Johann Goethe còn viết kịch, viết văn, luật sư, nhà khoa học, họa sỹ…
Cuộc đời nghệ thuật của Johann Goethe
Năm 16 tuổi, chàng trai trẻ Goethe bước chân vào giảng đường Đại học. Ông đã theo học ngành lịch sử và văn học cổ điển ở Göttingen nhưng quyết định đó không được cha ông ủng hộ. Ông đã đưa con trai mình đến Leipzig để học nghiên cứu về luật.
Tuy nhiên, Goethe vẫn tranh thủ tham gia các lớp học văn học ở đó. Goethe đặc biệt bị thu hút bởi hai nhà thơ Johann Christoph Gottsched và Christian Fürchtegott Gellert. Trong đó, Gellert được coi như nhà tiên phong của trào lưu nghệ thuật “Sturm und Drang” (Bão táp và xung kích) – một trong những trào lưu nghệ thuật quan trọng nhất của thời kỳ khai sáng.
Bị ảnh hưởng bởi tinh thần nghệ thuật mới mẻ ấy, ông cũng đã bắt đầu chắp bút những dòng thơ đầu tiên của cuộc đời mình. Năm 1767, ông đã xuất bản tập thơ đầu tiên “Das Buch Annette”.
Năm 1770, Goethe đến Straßburg. Tại đây ông đã hoàn thành cấp học tiến sĩ luật. Ngoài ra, ông còn tham dự các lớp học hóa, đây đồng thời cũng là nền móng cho sự nghiệp khoa học tự nhiên của ông sau này. Ở thành phố của Pháp này cũng đánh dấu những bước ngoặt lớn trong cuộc đời ông: ông đã gặp được tình yêu đầu của cuộc đời mình và cũng chính tại đây, ông có cơ hội làm quen với nhà tâm lý học, triết học, nhà thơ và nhà phê bình văn học Johann Gottfried Herder.
Herder đã truyền cho Goethe nhiều cảm hứng sáng tác văn học. Cuộc gặp gỡ với Herder cũng được Johann Goethe miêu tả nhiều năm sau đó trong tác phẩm tự truyện “Dichtung und Wahrheit” như là “das bedeutendste Ereignis, was die wichtigsten Folgen für mich haben sollte…”.
Trở lại Frankfurt, Johann Goethe đã mở một văn phòng luật sư nhỏ ngay tại nhà của mình. Tuy nhiên, trong bốn năm ấy Goethe hoàn toàn không chú tâm vào công việc của một luật sư. Thay vào đó, phần lớn thời gian và sự hứng thú của ông đều dành cho văn học. Không lâu sau, ông đã bắt tay vào thực hiện “công trình” đầu tiên của cuộc đời mình: “Götz von Berlichingen” (1773) và sau đó là cuốn tiểu thuyết “Die Leiden des jungen Werther” (Nỗi đau của chàng Werther) (1774) ở Wetzlar.
Các tác phẩm của ông đều nhận được sự ủng hộ rất lớn của giới trẻ lúc bấy giờ. Đây cũng chính là ví dụ điển hình cho văn học thời kỳ “Sturm und Drang”, tạo nên danh tiếng và thành công của Goethe với vai trò là một nhà văn.
Cũng có một giai đoạn Johann Goethe không tìm được cảm hứng sáng tác và bị mất phương hướng. Chuyến đi đến Ý của ông năm 1786 giống như ông đang chạy trốn chính bản thân mình. Nhưng ở đây, Johann Goethe đã tìm được cảm hứng sáng tác mới. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã hoàn thành tác phẩm “Egmont” và bắt tay vào viết “Faust” và “Torquato Tasso”. Như vậy, từ thời kỳ “Sturm und Drang” đầy đam mê và nhiệt huyết, ông đã chuyển sang giai đoạn văn học bi kịch sâu sắc và kinh điển.
Trở lại Weimar năm 1788, Goethe tiếp tục hoàn thiện “Torquato Tasso”. Bước ngoặt sang văn học bi kịch của ông đã một lần nữa đặt ra những tiêu chí cho nền văn học và góp phần khẳng định tài năng xuất chúng của Goethe.
Đỉnh cao sáng tạo của Johann Goethe phải kể đến kịch thơ “Faust”. Nếu như “Faust I” (xuất bản năm 1808) chủ yếu nói về tình yêu, những cảm xúc mãnh liệt, phản ánh tinh thần nổi loạn điển hình của trào lưu “Sturm und Drang” thì “Faust II” (hoàn thành năm 1831) lại thiên về lý trí, sự già dặn trưởng thành và hành động.
“Faust” là một tác phẩm thấm đẫm tinh thần nhân văn và đề cao con người, khẳng định sức mạnh của con người chống lại những thế lực hắc ám, chinh phục thiên nhiên và làm chủ cuộc sống của chính mình. Không chỉ vậy, vở kịch còn thể hiện kiến thức uyên bác của Goethe trong rất nhiều lĩnh vực: chính trị, xã hội, khoa học, đạo đức, tôn giáo, triết học. Thật không ngoa khi nói kịch thơ “Faust” đã đưa Goethe lên đỉnh cao và trở thành một trong những nhà thơ vĩ đại nhất mọi thời đại.
Johann Wolfgang von Goethe qua đời ngày 22/3/1832. Cho đến cuối đời, ông vẫn là một nhà văn đầy tâm huyết. Những đóng góp to lớn của ông cho nền văn học thế giới mang giá trị nhân văn sâu sắc và sẽ luôn là niềm cảm hứng mãnh liệt cho những người yêu văn chương sau này.
Tác phẩm tiêu biểu
Tiểu thuyết:
Die Leiden des jungen Werthers (1774)
Wilhelm Meisters Lehrjahre (1796)
Die Wahlverwandtschaften (1809)
Nhạc kịch:
Götz von Berlichingen (1773), Iphigenie auf Tauris (1787), Egmont (1789), Torquato Tasso (1790) và Faust (I und II)…
Thơ:
Một số các tác phẩm thơ của ông bao gồm: Prometheus (1789), Xenien (1797), Hermann và Dorothea (1798), West-östlicher Divan (1819)
Theo IECS.VN
Tags: Văn học, Danh nhân thế giới, Johann Goethe