Hệ thống biểu tượng trong tiểu thuyết Lolita của Vladimir Nabokov

Có thể dễ dàng nhận thấy Lolita sử dụng một hệ thống phong phú các biểu tượng và hệ thống này có vị trí quan trọng đối với toàn bộ tác phẩm.

Hệ thống biểu tượng trong tiểu thuyết Lolita của Vladimir Nabokov

Tác giả: Nguyễn Thị Bích, ThS. Khoa văn học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN.

Tiểu thuyết Lolita (1955) được đánh giá là tác phẩm xuất sắc nhất của Vladimir Nabokov, đồng thời luôn được xếp hạng là một trong những tác phẩm hay nhất của văn học thế giới thế kỉ XX. Thành công của tiểu thuyết này nằm ở đề tài, chủ đề, kết cấu; ở thủ pháp trò chơi, những ám chỉ liên văn bản và hệ thống các biểu tượng… Có thể dễ dàng nhận thấy Lolita sử dụng một hệ thống phong phú các biểu tượng và hệ thống này có vị trí quan trọng đối với toàn bộ tác phẩm. Việc sử dụng các biểu tượng được kết hợp với việc dùng thủ pháp trò chơi và nghệ thuật xây dựng kết cấu… để tạo nên các lớp chủ đề đa dạng cho truyện – vốn là nguồn gốc của thành công, là nguyên nhân làm nảy sinh nhiều tranh luận sôi nổi kéo dài hàng chục năm qua xung quanh tác phẩm. Chính vì thế, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn nhận diện và giải mã hệ thống biểu tượng phong phú và giàu giá trị trong Lolita, hi vọng sẽ giúp lí giải được phần nào sự thành công tiểu thuyết này cũng như tài năng của nhà văn Nabokov.

Vladimir Nabokov (1899 – 1977) là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất của thế kỉ XX, là người thành công trong sáng tác song ngữ (tiếng Nga và tiếng Anh). Lolita (1955) là tiểu thuyết tiêu biểu nhất của Nabokov, là tác phẩm ông đặc biệt yêu thích [17]. Tác phẩm nằm trong bảng xếp hạng những cuốn sách hay hàng đầu thế giới: là 1 trong 100 tác phẩm tiếng Anh hay nhất từ 1923 – 2005 (theo tạp chí TIME), đứng thứ 4 trong danh sách 100 tiểu thuyết hay nhất thế kỉ XX do Moderm Library bình chọn (1998). Đồng thời, đây cũng là một trong những tác phẩm văn học gây tranh cãi của thế kỉ XX: nhiều nhà phê bình ca ngợi Lolita như một tiểu thuyết đặc sắc, nhưng một số khác lại cực lực phê phán tác phẩm này, và cuốn sách bị cấm lưu hành ở nhiều nơi.

Lolita là cuốn tiểu thuyết kể về một người đàn ông trung niên, Humbert Humbert, có hứng thú đặc biệt với các cô bé từ khoảng 9 đến 12 tuổi xinh đẹp và có chút lẳng lơ, gian xảo mà ông gọi là “tiểu nữ thần” (nymphet). Để tiếp cận với Lolita – một cô bé như thế – ông ta đã lấy mẹ của cô. Không lâu sau mẹ cô bé qua đời, từ đó ông ta được thoải mái yêu đương với cô con gái riêng của vợ và cả hai cùng rong ruổi trên khắp nước Mỹ. Nhưng rồi Lolita đem lòng yêu một người đàn ông trung niên khác là Quilty và bỏ trốn cùng người này. Humbert điên cuồng tìm kiếm cô bé nhưng không được. Chỉ đến 3 năm sau, khi Lolita chủ động liên lạc với ông thì ông mới được gặp cô – khi đó đã lấy một cậu trai trẻ và đang mang thai. Ông bỏ qua hết chuyện cũ, tha thiết mong cô bé về bên mình nhưng cô không đồng ý. Sau đó Humbert đã giết Quilty để trả thù rồi cũng chết trong tù, còn Lolita thì qua đời trong khi sinh nở.

Từ khi ra đời đến nay, Lolita là đối tượng của nhiều công trình nghiên cứu trên toàn thế giới. Các nhà phê bình thường tìm hiểu và tranh luận xem đây có phải là một tác phẩm khiêu dâm hay không, ý đồ của tác giả là gì… Cuộc tranh luận này diễn ra sôi nổi, chưa bao giờ chấm dứt, và lại bùng lên mạnh mẽ hơn mỗi khi một phiên bản phim chuyển thể của tác phẩm ra đời. Ngoài ra, các nhà phê bình còn tìm hiểu Lolita dưới góc độ thi pháp, hoặc xem xét đặc điểm của chủ nghĩa hậu hiện đại trong cuốn sách này. Tuy nhiên, chưa có nhiều bài viết tìm hiểu những biểu tượng trong Lolita, trong khi đó là những yếu tố rất đặc trưng của tác phẩm.

Dù Nabokov tự nhận rằng ông “rất ghét dùng biểu tượng và ngụ ngôn”, nhưng người đọc hẳn phải thừa nhận rằng, trong tiểu thuyết, Nabokov sử dụng nhiều những hình ảnh mang tính biểu tượng, đa nghĩa. Qua tìm hiểu những biểu tượng đó, chúng ta sẽ hiểu và nhận ra tài năng đặc biệt của ông trong việc sáng tạo ra tác phẩm; đồng thời lí giải được tại sao sau hàng chục năm, các nhà nghiên cứu vẫn không ngừng tranh cãi về tiểu thuyết này.

Hình ảnh con chó chính là một kí hiệu tiêu biểu mang nhiều ý nghĩa trong Lolita. Con chó xuất hiện khá nhiều lần: con chó mà xe của Humbert suýt chẹt phải khi ông từ nhà của McCoo sang nhà Charlotte ở phố Lawn [12; tr. 51], con chó nhà Đồng Nát gây ra vụ tai nạn của Charlotte [12; tr. 100, 101, 130, 133, 138, 139], con chó cộc Tây Ban Nha ở khách sạn The Enchanted Hunters [12; tr. 158, 159, 356]. Ngoài ra, còn rất nhiều lần hình ảnh con chó xuất hiện khác: hai chó Cavall và Melampus của vợ chồng Jean và John [12; tr. 121, 135], Humbert lấy con chó làm dẫn chứng minh họa cho việc xây dựng nhân vật [12; tr. 140], con chó ở bể bơi [12; tr. 320], con chó của nhà Avis [12; tr. 391].

Không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh này được sử dụng nhiều lần như vậy; đặc biệt nó luôn xuất hiện ở những thời điểm quan trọng. Trong tiếng Anh, con chó – dog đảo ngược lại sẽ thành Chúa trời – God. Quả thực con chó ở đây đóng vai trò như số phận. Con chó đuổi theo xe trong lần đầu Humbert đến nhà Lolita nói lên một điều rằng: số phận đã sắp xếp cho Humbert được gặp Lolita. Chính vì số phận nên ngôi nhà của gia đình McCoo mà Humbert định tá túc trong thời gian Humbert ở Mỹ mới bị cháy, khiến cho ông được giới thiệu đến nhà Lolita. Cũng chính số phận đã giữ chân Humbert đây. Khi mới đến nơi, chứng kiến quang cảnh bừa bộn trong nhà và gặp gỡ bà chủ, Humbert không có ý định sống ở nhà Charlotte. Tuy nhiên, sau khi Charlotte năn nỉ, không hiểu sao Humbert lại bước theo bà ta ra vườn. Ở đây, ông đã gặp tiểu nữ thần và quyết định ở lại vô điều kiện.

Con chó gây ra cái chết của Charlotte cũng chứng tỏ bàn tay của số phận đã sắp xếp việc này. Cái chết của Charlotte đầy bất ngờ, nhưng hợp lí, là cái cớ để để Humbert được tự do bên Lolita. Hình ảnh những con chó luôn luôn xuất hiện trong chuyến đi vòng quanh nước Mỹ của Humbert và người yêu bé nhỏ cho thấy số phận luôn rình rập và sẵn sàng cướp Lolita khỏi tay bố dượng kiêm người tình bất cứ lúc nào. Và quả thực, chính số phận đã cướp Lolita khỏi tay Humbert.

Khi Humbert gặp lại Lolita sau ba năm cô bé mất tích, hình ảnh con chó lại xuất hiện. Nhưng lần này nó không còn là những con chó xinh xắn, nhanh nhẹn, được cưng chiều hay thường chạy theo xe qua đường; mà là một “con chó nhỏ tiều tụy” có “mắt him him, cái bụng lờm xờm lấm lem bùn” [12; tr. 367, 368]. Nó chạy theo xe của Humbert nhưng vì “quá nặng và quá già, nên chẳng mấy chốc đã bỏ cuộc [12; tr. 383]. Lúc này, Humbert đã biết sự thật về việc mất tích của người yêu bé nhỏ và có kế hoạch xử lý kẻ bắt cóc Quilty, dù chưa thực hiện nhưng “hắn thì coi như xong, tiêu diệt rồi” [12; tr. 385]. Số phận đã sắp đặt như vậy, không còn gì khác nữa, như con chó già không còn đủ sức chạy theo chiếc xe. Sau đó, khi Humbert quay trở lại Ramsdale trước khi giết Quilty, thì “không có con chó nào sủa” [12; tr. 393] – số phận đã chấm dứt.

Trong tác phẩm, con số 342 cũng xuất hiện nhiều lần và trở thành một biểu tượng đầy ý nghĩa: số nhà của Lolita là 342 phố Lawn; số phòng của Humbert và Lolita ở khách sạn The Enchanted Hunters là 342; và số lượng khách sạn, motel, nhà trọ mà Humbert ghi tên trong sổ đăng kí cũng là 342 [12; tr. 336]. Sự lặp lại này ám chỉ rằng có định mệnh, và định mệnh luôn đeo bám các nhân vật trong truyện.

Trong truyện, Humbert mất ngày 16 tháng 9 năm 1952, Lolita mất ngày 25 tháng 12 năm 1952. Sau cái chết của Charlotte, Humbert và Lolita đã chu du quanh nước Mỹ “từ tháng Tám 1947 đến tháng Tám 1948” [12; tr. 36], tức là 52 tuần. Bài thơ Humbert viết cho Lolita trong những ngày ông ta đi an dưỡng sau khi đã tặng tất cả đồ đạc của em cho một trại trẻ mồ côi cũng gồm có 52 dòng [12; tr. 347-349]. Quilty tự nhận mình “là tác giả của năm mươi hai kịch bản” [12; tr. 407]. Ta thấy:

1 + 6 = 7

2 + 5 = 7

5 + 2 = 7

3 + 4 = 7

Số 7 là con số có ý nghĩa trong nhiều nền văn hóa. Nó tương ứng với bảy ngày trong tuần, bảy hành tinh, bảy màu cầu vồng, bảy nốt nhạc, bảy tầng trời theo như Kinh thánh… “Nó tượng trưng cho một chu kì hoàn chỉnh, một sự hoàn thiện năng động… Số bảy tượng trưng cho tổng thể không gian và tổng thể thời gian”. Số 3 là con số tượng trưng cho trời, số 4 tượng trưng cho đất (bốn phương trời), kết hợp lại thành số 7 “tượng trưng cho toàn bộ vũ trụ đang vận động” [1]. Vì vậy ngày 16, ngày 25 là ngày cuối cùng của Humbert và Lolita, cuộc đời họ đã kết thúc và đó là do định mệnh đã an bài.

Trong truyện, không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh hồ Hourglass được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần: trong phần 1 khi Lolita đòi đi chơi, ở chuyến đi ra hồ của Charlotte và Humbert, và trong phần 2 khi Humbert bỗng dưng nhớ lại chi tiết không thấm nước, gợi nhớ về chuyến đi chiếc đồng hồ không thấm nước và chuyến đi chơi đến hồ Hourglass trong phần 1. “Hourglass” có nghĩa là đồng hồ cát. Cái tên này ám chỉ đến vấn đề thời gian và số phận. Hình đồng hồ cát chính là hình dáng cấu trúc của tiểu thuyết Lolita. Ngoài phần mở đầu của John Ray, tiểu thuyết gồm 329 trang tiếng Anh, được chia thành hai phần cân đối giống như hai phần của chiếc đồng hồ cát: phần một gồm 144 trang với 33 chương, phần hai gồm 185 trang với 36 chương. Hai phần này có mối quan hệ soi chiếu với nhau như soi gương.

Trong phần một, từ chương 1 đến chương 9, Humbert chưa gặp Lolita; đến chương 10 Humbert đến thuê nhà Charlotte và lần đầu tiên gặp tiểu nữ thần. Sang phần hai, trong hơn 10 chương cuối, từ chương 22 đến chương 36, Lolita mất tích ở bệnh viện. Từ chương 9 phần một trở về trước, trước khi gặp Lolita, Humbert sống với vợ là Valeria; từ chương 23 phần hai trở về sau, Humbert sống với cô nhân tình Rita. Ở chương 20 phần một, Charlotte có nói đến chiếc đồng hồ “waterproof” (không thấm nước) để rồi từ đó Jean chuẩn bị kể về cháu của nha sĩ Quilty – tức Clare Quilty – nhưng rồi bị sự xuất hiện của John ngăn lại. Sang phần hai, ở chương 29, khi Lolita kể về Quilty, hình ảnh “waterproof” được tái hiện trong đầu Humbert.

Trong phần hai, Humbert và Lolita đến Beardsley, sau đó đến Elphinstone và Lolita biến mất ở đây, rồi Humbert lại quay lại Beardsley tìm Lolita. Cũng trong phần hai này, một nửa phần hai là Quilty theo dõi Humbert, và nửa sau là Humbert truy tìm Quilty. Kết cấu này khiến cho tác phẩm rất cân đối; nó ám chỉ đến vấn đề số phận, định mệnh, đúng như Humbert luôn bị ám ảnh bởi bàn tay của McFate – số phận. Nếu tìm hiểu kĩ cách kết cấu này, thì ngay từ khi Lolita vẫn ở bên Humbert, người đọc cũng có thể đoán ra một ngày nào đó cô bé sẽ rời khỏi tầm tay của người cha dượng.

Một biểu tượng khác trong Lolita là hình ảnh bàn cờ vua, được dùng để ám chỉ định mệnh. Sinh thời Nabokov rất thích môn cờ vua, đặc biệt là cờ thế. Ông thường nhắc đến bộ môn này trong nhiều tác phẩm của mình và Lolita không phải là ngoại lệ. Các nhân vật trong truyện rong ruổi trên khắp 50 bang của nước Mỹ, như các quân cờ chạy trên bàn cờ vua: “con đường của chúng tôi bắt đầu bằng một loạt những khúc quanh co ngoắt ngoéo ở New England, rồi lượn xuống phía Nam, lên lên xuống xuống, quẹo đông rẽ Tây; dấn sâu vào… Dixieland… quặt sang phía Tây, đi ngoằn ngoèo theo hình chữ chi qua những cánh đồng ngô và bông… băng qua băng lại dãy Rocky, nấn ná lại những sa mạc phương Nam để nghỉ đông ở đó, tới Thái Bình Dương, ngược lên Bắc… tới sát biên giới Canada; và tiếp tục đi về phía Đông… và kết thúc ở Beardsley” [12; tr. 205-206]. Sau khi từ Beardsley ra đi, có lúc Quilty theo dấu Humbert, có lúc Humbert lần theo dấu vết của Quilty. Ở Beardsley, một hôm cô giáo dạy piano Miss Emperor gọi điện đến báo rằng Lolita đã bỏ hai buổi học. Lúc đó Humbert đang chơi cờ với ông Gaston và Humbert đang sắp mất quân Hậu. Điều này ám chỉ rằng Humbert đang sắp mất Lolita. Nhưng thật bất ngờ, sau “một giờ thê thảm”, Humbert cũng giành được kết quả hòa; và sự thật thì lần đó Lolita đã cãi nhau với Humbert, bỏ đi, nhưng rồi lại quay lại.

Ngoài ra, truyện còn có các biểu tượng khác là con thiêu thân lao vào ngọn đèn. Hình ảnh này chỉ xuất hiện trong mấy câu văn ngắn ngủi mô tả cảnh bậc thềm khách sạn đầu tiên mà Humbert và Lolita qua đêm, nhưng để lại nhiều ý nghĩa sâu xa: “hàng trăm con thiêu thân rắc cánh phấn xoáy lộn quanh những ngọn đèn trong đêm đen sũng nước đầy những dập dềnh và nhộn nhạo” [12; tr. 170]. Hình ảnh con thiêu thân ở đây ám chỉ tới Humbert, Humbert điên cuồng lao vào cuộc tình với Lolita bất chấp hậu họa, cũng giống như những con thiêu thân lao vào ngọn đèn bất chấp cái chết ngay sau đó. Dục vọng dường như đã làm cho Humbert mù quáng như con thiêu thân choáng ngợp bởi ánh sáng ngọn đèn.

Đồng thời, cũng không phải ngẫu nhiên mà cái tên “hunter” (thợ săn) được nhắc đi nhắc lại nhiều lần: tên khách sạn đầu tiên Humbert và Lolita ở sau khi ông đón cô bé ở trại hè là The Enchanted Hunters (Những thợ săn bị mê hoặc), vở kịch Lolita tham gia ở trường Beardsley cũng có tên tương tự (mà có lúc bị bà hiệu trưởng đọc nhầm thành “The Hunted Enchanters” – Những kẻ mê hoặc bị săn đuổi, con phố nơi Lolita ở sau khi lấy chồng cũng có tên là “Hunter Road” (đường Thợ săn). Phải chăng nó nói tới những cuộc săn đuổi, tìm kiếm không ngừng giữa các nhân vật: Humbert là gã thợ săn bị Lolita mê hoặc, Lolita là kẻ mê hoặc bị Quilty săn đuổi, Humbert săn đuổi Quilty…

Trong chương 13 phần một, cảnh Humbert và Lolita ở nhà, Lolita cầm quả táo đỏ khiến người đọc liên tưởng đến vườn địa đàng, Lolita là Eva còn Humbert là Adam. Và quả thực hôm đó họ đã nếm trái cấm theo cách rất đặc biệt trên ghế sofa. Ngoài ra, có thể kể đến rất nhiều những hình ảnh, chi tiết mang ý nghĩa tượng trưng khác, như chiếc xe màu đỏ Aztec ám chỉ cho dục vọng và mối quan hệ của Quilty và Lolita; đường Grimm có nhà của Quilty, nơi Humbert đến để xử lý Quilty, để thiện – ác phân minh như truyện cổ tích của anh em nhà Grimm; chi tiết “con ma gầy đét giơ một khẩu súng lên” trong phim [12; tr. 400] báo trước cho cái chết của Quilty vào ngày hôm sau…

Tất cả những biểu tượng trên, từ con chó đến số 7, đồng hồ cát, bàn cờ vua… đều nhằm nói đến định mệnh. Quay lại phần đầu cuốn tiểu thuyết, chúng ta sẽ nhận ra rằng tác phẩm là lời tự thú của Humbert khi bị bắt sau khi giết Quilty. Vì vậy, qua việc sử dụng những biểu tượng này, Humbert muốn nói đến hai điều. Thứ nhất, Humbert muốn chứng tỏ việc Humbert có Lolita là do định mệnh ban cho, không phải do sự tính toán, sắp đặt xấu xa của hắn, hắn vô tội. Thứ hai, những hình ảnh về định mệnh này chính là những ám ảnh trong đầu Humbert. Qua những những biểu tượng này, ta nhận ra rằng Humbert luôn lo sợ và bị ám ảnh rằng một ngày Lolita sẽ xa rời tầm tay của mình. Một người khi đang sống với người yêu mà vẫn luôn lo sợ đến khổ sở rằng người ấy có thể sẽ ra đi, rằng mình không thể giữ người đó bên mình mãi mãi thì đó là một điều rất khổ sở. Từ đó, người đọc sẽ cảm thấy đồng cảm và thương xót hơn cho Humbert. Quả thực, Humbert là kẻ dụ dỗ Lolita, nhưng thật ra Humbert cũng là nạn nhân, cũng là người bị Lolita dụ dỗ và khống chế. Nhất là khi người đọc nhận ra rằng Humbert thực sự yêu Lolita chứ không chỉ say mê em vì em là “tiểu nữ thần” (khi em đứng trước Humbert trong bộ dạng nhếch nhác, xấu xí của một bà bầu mà Humbert vẫn van xin em sống bên mình trọn đời) thì người đọc càng thương Humbert hơn. Mở đầu truyện, Humbert là kẻ đáng lên án vì mang tội ấu dâm, loạn luân, nhưng đến cuối truyện, người đọc không thể căm ghét mà còn có phần đồng cảm với ông ta. Đó chính là trò chơi của Nabokov, là cái tài của nhà văn trong việc đánh lừa người đọc, dẫn dắt cảm xúc của người đọc đi từ trạng thái này sang một trạng thái hoàn toàn khác. Chính vì thế, những người lên án tác phẩm là khiêu dâm, cho rằng Humbert lợi dụng Lolita là không hoàn toàn chính xác. Và những người cho rằng Humbert là nạn nhân cũng có lí lẽ thuyết phục của họ. Và như vậy, những cuộc tranh luận xung quanh tác phẩm vẫn cứ sôi nổi trong suốt 60 năm qua.

Không chỉ dùng những biểu tượng để tạo nên trò chơi của mình, Nabokov còn dùng biểu tượng để thể hiện quan niệm thẩm mỹ của mình. Hình ảnh Lolita chơi quần vợt được mô tả rất kĩ trong vài trang giấy chính là biểu tượng đó. Nó đã gián tiếp thể hiện quan niệm thẩm mỹ của Nabokov trong việc sáng tác tác phẩm này. Thực chất, đúng như nhà văn đã khẳng định, giá trị lớn nhất của tác phẩm chính là “ân phước thẩm mỹ” mà nó mang lại, tức là “một cảm giác về hiện hữu được kết nối ở điểm nào đó, bằng cách nào đó, với các trạng thái hiện hữu khác ở nơi mà nghệ thuật (sự hiếu kì, lòng yêu thương, nhân hậu, trạng thái mê li ngây ngất) là chuẩn mực” [12; tr. 428]. Và cái mà nhà văn hướng tới không phải là một bài học đạo đức (như ông ngụy tạo bằng lời của John Ray, trong phần mở đầu) mà chính là ân phước thẩm mỹ. Ông viết Lolita cũng giống như cách tiểu nữ thần chơi tennis vậy. Em chơi “thoải mái, bao giờ cũng khá lơ mơ không để ý đến tỉ số, bao giờ cũng tươi vui”. Lolita chơi đẹp, nhưng không nhằm mục đích gì: “Mọi động tác của em đều đạt đến độ sáng sủa tuyệt vời, tương ứng với độ trong trẻo âm thanh vang lên từ mỗi cũ bạt bóng của em. Trái bóng, khi lọt vào vòng hào quang kiểm soát của em, không hiểu sao bỗng thành trắng toát, trở nên nảy hơn, và cái công cụ chính xác em dùng để điều khiển nó dường như quắp chặt quá đáng và thận trọng mỗi khi bắt dính nó. Quả thật, phong độ của em là sự bắt chước tuyệt đối hoàn hảo một thứ tennis tuyệt đối siêu đẳng – mà không hề đạt kết quả thực dụng nào”. Cách chơi ấy khiến cho huấn luyện viên Electra Gold phải thắc mắc với Humbert: “Lưới vợt của Dolly bắt bóng như có nam châm, nhưng quái lạ, tại sao em ấy lại lịch sự thế?” [12; tr. 312-313]. Tác giả sáng tạo ra Lolita – như Lolita chơi tennis – chỉ để chơi trò chơi nghệ thuật, ông không quan tâm tới những bài học đạo đức – như Lolita không quan tâm đến tỉ số trận đấu. Chính vì thế, việc tranh cãi về bài học đạo đức là điều rất lố bịch và buồn cười. Nabokov đã tạo ra một trò chơi để người ta cùng nhau tranh luận, nhưng sau đó họ mới nhận ra rằng tranh luận của họ là vô ích, rằng ai cũng có lí lẽ có vẻ rất thuyết phục của mình, nhưng không ai là đúng.

Tóm lại, có thể thấy, tiểu thuyết tràn ngập những biểu tượng đầy ý nghĩa. Những biểu tượng này được vận dụng nhuần nhuyễn để nói lên quan niệm thẩm mỹ của mình, tạo ra tính trò chơi, tính giễu nhại trong tác phẩm. Và chính tính trò chơi, tính giễu nhại này làm nên thành công của tiểu thuyết. Nhờ đó, Loilta trở thành một tác phẩm mang màu sắc hậu hiện đại đậm nét, và là một tác phẩm thu hút được nhiều cuộc tranh luận sôi nổi dù đã ra đời 60 năm.

>> Tài liệu tham khảo

Theo ĐH SƯ PHẠM NGHỆ THUẬT TRUNG ƯƠNG

Tags: ,