NHẬT KÝ HÀNH TRÌNH – Ernesto Che Guevara

11 – Có một con đường…

Nước len vào từ những lỗ rò rỉ của chiếc thuyền cồng kềnh, cũ kỹ đang chở chiếc môtô của chúng tôi. Những giấc mơ ban ngày đã kéo tôi ra khỏi thực tại mặc dù tôi vẫn còn hì hục với máy bơm để bơm nước ra khỏi thuyền. Một bác sĩ từ Peulla trở về trên chiếc tàu chở hành khách Esmeralda, đã chạy ngang qua chiếc thuyền có cột chiếc môtô của chúng tôi. Ông ta kinh ngạc nhìn chúng tôi trần trụi, bì bõm trong vùng nước loang lổ dầu, vật lộn đổ mồ hôi với chiếc thuyền sao cho nó đừng chìm.

Chúng tôi đã gặp nhiều bác sĩ qua đây. Họ có những bài giảng về bệnh phong, thêm thắt đôi chút, tạo sự ngưỡng mộ với đồng nghiệp của chúng tôi từ bên kia dãy Andes. Họ đã tạo ấn tượng bởi vì bệnh phong không phải là một vấn đề ở Chilê. Thậm chí họ cũng không có những kiến thức cơ bản về bệnh phong và thành thật nhìn nhận rằng có thể họ chưa từng bao giờ tiếp xúc với một người mắc bệnh phong. Họ nói với tôi về khu vực dành cho người mắc bệnh phong trên đảo Easter. Họ nói đó là một hòn đảo rất lý thú, và thế là niềm đam mê y học của chúng tôi đã được đánh thức. Vị bác sĩ này đã rất hào phóng giúp đỡ, làm cho chuyến đi của chúng tôi thêm phần thích thú. Nhưng trong những ngày vui ở miền nam Chilê, khi bụng chúng tôi vẫn còn no nê, khi chúng tôi vẫn còn giữ nguyên lòng tự trọng, đơn giản chúng tôi chỉ yêu cầu ông giới thiệu chúng tôi với chủ tịch hội “Những người bạn của đảo Easter” đang sống tại Valparaiso gần đó. Tất nhiên là ông ta rất vui vẻ nhận lời.

Con đường dọc theo hồ dừng lại ở Petrohue, nơi chúng tôi từ biệt mọi người. Trước đó chúng tôi đã chụp một số ảnh với các cô gái da đen người Brazil, các cô sẽ để hình chúng tôi vào album lưu niệm ở miền nam Chilê. Chúng tôi cũng chụp hình với hai vợ chồng nhà môi trường học biết rất rõ về các quốc gia châu Âu. Họ cũng đã trang trọng ghi lại địa chỉ chúng tôi để gởi ảnh sau này. Một người ở tỉnh nhỏ đề nghị chúng tôi đi bằng xe lửa đến Osorno. Alberto đã lên lớp một bài thật nhanh cho tôi về sự chán ngắt khi đi xe lửa và tôi đã quyết định vẫn di chuyển bằng phương tiện riêng của mình. Như những nhân vật trong phim hoạt hình, tôi nhảy lên yên sau xe Alberto và thế là chúng tôi lại lên đường. Mẹ ơi, mỗi một góc đường là một nỗi khổ ải: thắng, giật, té ngã, nhờ giúp đỡ… Con đường uốn lượn qua miền đồng quê tươi đẹp, uốn quanh hồ Osorno và ngọn núi lửa cùng tên như một người lính gác đang ở phía trên cao. Tôi đã không có may mắn tìm được chỗ dừng chân trên con đường khó đi này để thưởng thức hết vẻ đẹp của thiên nhiên. Tai nạn đáng kể nhất xảy ra do một con lợn nhỏ băng ngang phía trước một chiếc xe hơi trong khi chúng tôi đang đổ dốc và tôi chưa kịp hoàn hồn để bóp thắng xe.

Chúng tôi đến Osorno, chạy vòng quanh hồ, rồi lại tiếp tục theo hướng bắc qua miền đồng quê màu mỡ, phì nhiêu của Chilê. Đồng lúa được chia thành lô để canh tác, hoàn toàn tương phản với vùng đất phía nam cằn cỗi của chúng tôi. Người dân Chilê rất thân thiện, nồng nhiệt chào đón ở bất cứ nơi nào chúng tôi đến. Cuối cùng chúng tôi đến thành phố cảng Valdivia vào Chủ Nhật. Thả bộ quanh thành phố, chúng tôi ghé thăm tòa soạn của tờ báo địa phương Correo de Valdivia, và họ đã cử phóng viên viết một bài thật ấn tượng về cuộc hành trình của chúng tôi. Valdivia đang kỷ niệm bốn trăm năm ngày thành lập và chúng tôi đã tặng cuộc hành trình của mình cho thành phố, cho người Tây Ban Nha sáng lập mà thành phố được vinh dự mang tên. Họ khuyên chúng tôi viết thư cho Molinas Luco, thị trưởng của Valparaiso, về việc đến thăm đảo Easter.

Hải cảng tràn ngập những hàng hóa hoàn toàn xa lạ với chúng tôi. Chợ búa với nhiều loại thức ăn, những căn nhà gỗ kiểu Chilê, quần áo đặc biệt của dân guasos(1) khác xa với những gì chúng tôi biết tại quê nhà. Có một cái gì đó thuần túy Nam Mỹ, không bị ảnh hưởng ngoại lai như miền đồng cỏ ở xứ sở chúng tôi. Có lẽ bởi vì những người Anglo-Saxon di trú tại Chilê không bị pha tạp, vì vậy họ vẫn giữ được tính thuần khiết của bản sắc dân tộc, mà điều này không tồn tại ở đất nước chúng tôi. Ngoại trừ những khác biệt về ngôn ngữ và tập quán phân biệt chúng tôi với những người anh em cao gầy vùng Andean, thì có một tiếng nói chung: “Cho họ uống nước đi”, đó là lời chào mỗi khi thấy bóng dáng cái quần da bò của tôi. Chẳng phải tôi thích quần da bò, nhưng đó là thời trang tôi thừa hưởng được từ lòng quảng đại của một người bạn.

“Nếu có điều gì làm chúng tôi đau buồn chính là những gì chúng tôi đã tận mắt chứng kiến. Cũng như rất nhiều nơi trên đất nước Argentina thân thương của chúng tôi, cần phải có thay đổi triệt để về chính trị – Xã hội để chấm dứt cảnh người bóc lột người và các tập đoàn quốc tế bóc lột đất nước chúng tôi.” – Alberto Granado, Hành trình cùng Che Guevara.

XEM TIẾP: 12 – Trở thành chuyên gia bệnh phong

Tags: ,