⠀
Hoạt hình Disney và những nguyên tác sởn gai ốc
Trong thế giới phim hoạt hình, hẳn ai trong chúng ta cũng biết tới hãng phim nổi tiếng Walt Disney. Rất nhiều bộ phim hoạt hình trong mơ đã được hãng dựng lên từ những câu chuyện cổ tích, điển tích. Nhưng những câu chuyện cổ tích không phải lúc nào cũng có cái kết đẹp như trong mơ và được lòng độc giả.
Tuy nhiên bằng một vài chỉnh sửa thú vị, dường như Disney đã đem lại cho chúng ta những tác phẩm gần gũi hơn, hạnh phúc và công lý hiện diện nhiều hơn. Trong bài viết này, chúng ta sẽ xem xét một số những bản gốc mà hãng hoạt hình Walt Disney đã dựng thành phim. Có lẽ rằng còn nhiều chi tiết chúng ta chưa biết.
1. Pinocchio
Trong bản gốc đầu tiên của câu chuyện này. Mọi chuyện đã diễn biến khá bi thương. Pinocchio sau khi trêu chọc Gepetto (người thợ làm ra cậu bé) đã bỏ đi, Gepetto đã đuổi theo nhưng lại bị bắt vào tù vì cảnh sát nghĩ ông ta đang lạm dụng các chú rối. Khi Pinicchio trở về nhà, chú đã bị trừng phạt cho những tội lỗi của mình – bị treo cổ đến chết, thậm chí còn có chi tiết chú dế ở trong góc nhà bị Pinicchio ném chiếc búa vào mà chết. Đây là kết thúc đầu tiên và không được phổ biến nhiều lắm. Tác giả sau khi xem xét lại cũng đã viết thêm một phần của câu chuyện. Nàng tiên xanh cứu Pinocchio thoát chết nhưng do không biết hối lỗi nên cuối cùng cậu lại bị biến thành một con lừa bán cho rạp xiếc, bị lột da làm mặt trống. Tay trống ném cậu xuống biển để dìm chết. Một đàn cá đã cứu cậu bằng cách cắn xé hết da thịt chỉ để lại khung gỗ. Người cha Gepetto sau khi ra khỏi nhà tù tiếp tục bị nuốt vào bụng cá voi 2 năm, cuối cùng cũng được Pinocchio đến cứu. Sau khi nhận được bài học và trải qua nhiều chông gai, cuối cùng cậu bé đã được trở thành người thật và sống hạnh phúc với cha mình.
Trong bộ phim của mình, Disney hầu như đã bỏ đi hoàn toàn những phần đáng sợ, mọi nhân vật đều được biến tấu vui tươi và hài hước. Các biến cố cậu bé người gỗ phải trải qua cũng nhẹ nhàng và thực sự phù hợp với trẻ em hơn nguyên tác.
2. Cinderella
Câu chuyện về cô bé lọ lem được lưu truyền rất nhiều và là mẫu nhân vật lý tưởng cho sự vươn lên đoạt lấy hạnh phúc trước số phận ngang trái. Trong bộ phim của mình, Walt Disney đã xây dựng nên một câu chuyện “trong mơ” đích thực với một cái kết tuyệt vời. Tuy nhiên bản gốc của câu chuyện lại mang tính răn đe hơn rất nhiều. Phiên bản phim được dựng gần như trong phiên bản truyện qua chỉnh sửa của Charles Perrault năm 1967.
Trong bản gốc, tình tiết ghê rợn đầu tiên đó là một trong những chị em của cô bé lọ lem đã cắt một mẩu chân để đi vừa đôi giày. Tuy nhiên hoàng tử đã phát hiện ra nhờ vết máu. Cuối cùng người chị này đã bị trừng phạt bằng việc bị chim mổ mắt. Bản truyện năm 1634 của Giambattista Basile còn kể lại rằng cô bé lọ lem đã tâm sự với một vài người về việc mình bị mẹ kế hành hạ và đã được đưa lời khuyên phải giết chết bà ta … Tuy nhiên không nhiều người biết và chấp nhận chi tiết kiểu như vậy. Tuy nhiên so với chuyện về cậu bé người gỗ thì dù có tình tiết thế nào để đến phần cuối câu chuyện vẫn là kết hậu cho cô bé lọ lem – sống với hoàng tử hạnh phúc suốt đời.
3. Công chúa ngủ trong rừng
Trong bản phim, những hình ảnh đẹp đã được tạo ra. Và những hình ảnh chân thực đã bị bỏ qua phần nào. Thực sự thì trong lúc công chúa ngủ vài trăm năm trong khu rừng, rất nhiều người đã cất công muốn tới tìm kiếm và làm cô tỉnh giấc. Tuy nhiên có lẽ vì lý do họ tìm sai đường (hoặc không là hoàng tử) mà đám người này đều đã bị kẹt trong hàng rào gai. Bản nguyên tác đã miêu tả một chút khi gọi đó là “những xác chết thối rữa” xung quanh nàng công chúa. Ngoài chi tiết kinh hãi này thì câu chuyện còn được lưu truyền vài phiên bản không được thơ mộng cho lắm.
Theo phiên bản Pháp của Perrault câu chuyện có phần hai. Đó là hoàng tử đưa cô công chúa về lâu đài nhưng bà mẹ của chàng lại rất thích ăn thịt người, đặc biệt là thịt trẻ con. Khi chàng ra ngoài chiến trường, bà ta sai người đưa nàng công chúa kia, giờ đã là hoàng hậu, về miền quê để tiện đường ăn thịt hai đứa con của cô gái. Tuy nhiên người đầu bếp đã lừa được bà ta và giấu hai đứa bé ở nhà ông ta. Bà này sau khi tưởng đã ăn được hai đứa bé, đã tính ăn luôn công chúa. Một lần nữa ông đầu bếp giấu luôn cả hoàng hậu và hai đứa bé trong nhá ông ta, nhưng rồi cũng bị bà ta phát hiện. Bà ta chuẩn bị một cái nồi lớn chứa mấy con vật ghê rợn như rắn rít trong đó dùng để nấu cùng lúc hai đứa bé, hoàng hậu, và ông đầu bếp kia thì vị vua trở về đúng lúc. Thế là bà ta uất ức quá tự nhảy vào nồi, bị mấy con vật trong nồi bâu vào ăn thịt.
Theo một phiên bản khác từ Giambattista Basile. Công chúa đã bị một vị vua hãm hiếp lúc ngủ và có chửa sinh đôi. Một trong hai đứa trẻ sau khi được sinh ra (ngay trong lúc cô ngủ ???) đã mút mảnh gỗ độc từ ngón tay công chúa và cô tỉnh lại. Về mặt logic thì có lẽ phiên bản này khó có thể được chấp nhận.
4. Nàng tiên cá
Theo như truyện kể lại của nhà văn Đan Mạch Hans Christian Andersen, chàng hoàng tử không yêu nàng tiên cá, mà cưới người khác. Và nàng có nhiệm vụ phải giết chàng hoàng tử nếu muốn được lấy lại đuôi và sống thêm 300 năm nữa, bằng không sẽ bị chết lúc mặt trời mọc. Nàng tiên cá không đành lòng làm chuyện ấy, và trong lúc tuyệt vọng, cô ta đã tự tử bằng cách gieo mình xuống biển sâu. Phiên bản phim của Disney gần như cũng dựa theo cốt truyện này, trừ việc làm mới chi tiết và tạo ra một cái kết có hậu : công chúa tìm được hạnh phúc với hoàng tử của mình.
Với những ai đã cảm thấy truyện của nhà văn Đan Mạch đã là bi kịch thì có lẽ họ không nên biết thêm về một phiên bản truyền miệng khác. Phiên bản này không hẳn nhân vật chính là một nàng tiên cá, nhưng đó cũng là một cô gái có hoàn cảnh tương tự. Sau khi quá đau khổ vì mất đi người yêu mình, cô đã tự tử và biến thành một linh hồn. Và linh hồn này đã giết người mình yêu. Theo như nhiều tài liệu thì Andersen đã dựa trên truyện này để tạo ra câu chuyện về nàng tiên cá “bớt đau khổ” hơn. Thật may vì có lẽ cuối cùng bản phim của Disney đã đem lại hạnh phúc cho nhân vật đáng thương này.
5. Hercules
Hẳn ai đã xem bộ phim hoạt hình do Disney sản xuất sẽ đều phải cảm nhận được sự hào hùng, đẹp đẽ, rực , hài hước và cả … sai lệch với bản gốc của câu chuyện về Hercules.
Điều đầu tiên, đó là vấn đề thân thế của chàng dũng sĩ. Không như trong phim là con của nữ vương Hera, Hercules là con của thần Zeus vụng trộm với Alcmene – vợ của Amphitryon. Và sự thật là Hera rất ghét Hercules. Thậm chí Hera là người gây ra rất nhiều khó khăn cho Hercules. Trong phim ta có thể thấy chàng dũng sĩ là một kẻ si tình và cuối cùng đã hi sinh cuộc sống bất tử để sống bên cạnh người mình yêu. Trong bản gốc thần thoại Hi Lạp, vị thần này lại là một người khá đa tình. Người vợ của chàng trong cơn ghen đã tẩm thuốc độc vào áo chồng. Khi Hercules mặc chiếc áo đó, độc đã phát tác và làm chàng đau đớn vô cùng. Cuối cùng để kết thúc nỗi đau đớn tột cùng của mình, Hercules đã lập một giàn thiêu và tự thiêu sống mình. Tuy nhiên dòng máu bất tử trong người anh hùng trỗi dậy và sau khi từ bỏ xác thịt con người, người dũng sĩ đã được lên đỉnh Olympus, hòa giải với Hera và bất tử đích thực.
Tuy đã có nhiều thay đổi so với nguyên tác nhưng không thể phủ nhận được rằng bản phim của Walt Disney rất tuyệt vời. Nó phù hợp với cả người lớn và trẻ em. Trên hết, hình tượng của dũng sĩ Hercules đã được giới thiệu rất thú vị và giữ nguyên được tinh thần anh hùng của chàng.
Theo TRÍ THỨC TRẺ
Tags: Walt Disney, Văn học, Phim hoạt hình