Về cuộc khủng hoảng của nhạc cổ điển trong thế giới đương đại

Là một người yêu nhạc cổ điển, tôi muốn tin rằng thứ nhạc tôi yêu thích có hiệu ứng kỳ diệu lên con người – rằng nó giúp bỏ bùa ngay cả những kẻ thô lỗ dã man theo một lối riêng.

Về cuộc khủng hoảng của nhạc cổ điển trong thế giới đương đại

Tác giả: Colin Eatock (sinh năm 1958), nhà soạn nhạc, phê bình âm nhạc, nhà văn, biên tập và nhà giáo người Canada.

Nguồn: Colin Eatock, “What’s Wrong With Classical Music” (2010). Biên dịch: Nguyễn Đình Đăng.

Mỗi ngày trên đường đi làm tôi đều qua ga tàu điện ngầm phố Bathurst ở Toronto. Đôi khi, vào những ngày không đi trễ, tôi dừng lại để lắng nghe nhạc cổ điển do Sở Giao Thông Công Cộng Toronto (SGTCCT) mở trong nhà ga. Tuy nhiên, trong khi được bắt đầu ngày làm việc của mình một cách nhẹ nhàng bằng một bản giao hưởng của Mozart hay một concerto Vivaldi, tôi cũng hiểu rằng SGTCCT không hẳn đã nhằm thỏa mãn thị hiếu âm nhạc đặc biệt của tôi. Họ làm như vậy vì một động cơ khác.

Ga tàu điện ngầm phố Bathurst là một ngã tư đa văn hóa tại trung tâm thành phố, và gần đó có một số trường phổ thông cấp ba. Trong số những người đi tàu điện ngầm qua ga này có hàng ngàn thanh niên nguồn gốc khác nhau – một sự pha trộn biến động liên tục, luôn có nguy cơ sôi trào lên. SGTCCT đối phó với mối đe dọa này bằng cách mở nhạc cổ điển.

Việc mở nhạc cổ điển ở những nơi công cộng đang ngày càng phổ biến tại các trung tâm mua sắm, bãi đậu xe, và những nơi khác, những chỗ mà đám đông và những kẻ vô công dồi nghề có thể gây chuyện. SGTCCT hoàn toàn không phải là hãng giao thông công cộng duy nhất sử dụng kỹ thuật này: Vào năm 2005, sau khi nhạc cổ điển được phát trong đường tàu điện ngầm London, số vụ cướp bóc, tấn công, và phá phách đã giảm đi đáng kể. Những kết quả tương tự cũng đã được ghi nhận từ Phần Lan tới New Zealand. Ý tưởng này có thể là một sự cách tân phát xuất từ Canada. Vào năm 1985, một cửa hàng 7-Eleven [1] ở Vancouver đã đề xuất kỹ thuật này, và sau đó các nơi khác đã nhanh chóng áp dụng. Ngày nay, khoảng 150 cửa hiệu 7-Eleven trên khắp Bắc Mỹ mở nhạc cổ điển bên ngoài cửa hiệu của họ.

Là một người yêu nhạc cổ điển, tôi muốn tin rằng thứ nhạc tôi yêu thích có hiệu ứng kỳ diệu lên con người – rằng nó giúp bỏ bùa ngay cả những kẻ thô lỗ dã man theo một lối riêng [2]. Tôi muốn nghĩ rằng nhạc cổ điển bằng cách nào đó có thể kích thích những khát vọng cao thượng hơn trong tâm trí của một tên cướp giật, khiến hắn từ bỏ thứ việc kiểu này để chuyển sang làm việc gì đó ổn định hơn và đem lại lợi ích cho xã hội.

Nhưng tôi biết rõ sự thật lạnh lùng là người ta thường cố tình mở nhạc cổ điển ở những nơi công cộng với mục đích khiến một số thành phần trong xã hội cảm thấy không được hoan nghênh. Mở nhạc cổ điển đã được mô tả như một thứ “thuốc xịt bọ dùng âm nhạc“, như một hành động biến nhạc cổ điển thành vũ khí. Việc mở nhạc cổ điển tại ga tàu điện ngầm phố Bathurst phát ra một thông điệp rõ ràng: “Các người hãy giữ trật tự và đi nhanh lên; đây không phải là tụ điểm văn hoá của các người đâu.”

Một số nhà xã hội học lo ngại rằng sử dụng nhạc cổ điển theo cách này chỉ tiếp tục gây chia rẽ trong xã hội theo tuổi tác, giai cấp và sắc tộc. Và, thật không ngạc nhiên là một số người trong cộng đồng âm nhạc cổ điển cảm thấy bị xúc phạm khi thấy nghệ thuật của họ có thêm mục đích mới này. Nhà phê bình âm nhạc người Anh Norman Lebrecht đã viết rằng việc sử dụng nhạc cổ điển như một công cụ cảnh sát đã “đánh tụt phẩm giá của một trong những vinh quang vĩ đại của nền văn minh.”

Tuy nhiên, thực ra không phải lỗi của những người liên quan đến trật tự an toàn công cộng đã khiến nhiều thanh niên có ác cảm với âm nhạc cổ điển – đặc biệt là những thanh niên xuất thân từ những nền kinh tế và văn hóa chưa bao giờ chấp nhận âm nhạc cổ điển phương Tây. Những người quản lý cài đặt các loa phóng thanh và mở nhạc là những người thực dụng đang lợi dụng khía cạnh văn hóa – xã hội đã có để giải quyết vấn đề. Hướng sự công kích vào họ, như Lebrecht đã làm, thực ra là “giận cá chém thớt” [3].

Vì sao nhiều thanh niên không thích nhạc cổ điển?  (Trong số tôi gọi là thanh niên có cả những người ở độ tuổi 40 – 50 và lớn tuổi hơn, những người mà thẩm mỹ âm nhạc đã được hình thành khi còn là vị thành niên).  Gần đây tôi có làm một thăm dò với một số sinh viên lớp thưởng thức âm nhạc do tôi dạy tại đại học Toronto. Tôi hỏi nguyên nhân gì khiến họ cho rằng nhạc cổ điển không hấp dẫn. Đại khái, những nguyên nhân họ nêu ra có thể được chia thành hai loại: một số không thích âm thanh của nhạc cổ điển, một số khác không thích cái văn hóa vây quanh nhạc cổ điển. Ngoài các ý kiến của sinh viên, tôi cũng thêm vào một số suy nghĩ của tôi dựa trên những phê phán về nhạc cổ điển mà tôi từng gặp từ nhiều năm nay. Dưới đây tôi liệt kê những lý do, hay ít nhất những cách nhìn nhận, vì sao nhiều người trong xã hội lại tránh xa thứ âm nhạc tôi yêu thích như vậy.

Nhạc cổ điển quá đầu óc, thiếu cảm xúc xác thịt. Các bản nhạc thường quá dài. Nhịp điệu (rhythm) nói thẳng ra là yếu, và hầu như không có phách (beat), và nhịp độ (tempo) có thể lê thê ảm đạm như đưa đám. Giai điệu tẻ nhạt và thường là không có giai điệu thực sự mà chỉ là sự kéo dài những phối âm rắc rối. Âm thanh của dàn giao hưởng thì nhạt nhẽo và tinh tế quá mức, và thậm chí cả một dàn nhạc giao hưởng lớn cũng không thể tạo được sức mạnh của một nhóm tứ tấu nhạc rock [4] biểu diễn tại sân vận động. Rất nhiều tác phẩm nhạc cổ điển hoàn toàn là khí nhạc, do đó, không có ca từ để giải nghĩa cho âm nhạc. Ngay cả trong thanh nhạc như opera, giọng ca của nhiều ca sĩ là giả tạo, không tự nhiên: rít và rống rất nhiều. Khó mà hiểu những lời họ hát, ngay cả khi họ không hát tiếng ngoại quốc.

Đứng trên bình diện văn hóa mà nói, nhạc cổ điển đóng vai trò thật không đáng kể, khi doanh thu nếu đem ra đọ thì sẽ chỉ là trò cười đối với công nghệ nhạc pop [5]. Nhạc cổ điển không được đại chúng yêu chuộng, vì thế nó không thể sống được trong thị trường tự do, mà phải luôn yêu cầu chính phủ trợ cấp để tồn tại. Tuy nhiên, ngay cả sau khi đã nhận được sự hỗ trợ từ công quỹ, giá vé đi nghe các buổi hòa nhạc cổ điển vẫn ở mức cắt cổ. Các buổi hòa nhạc cổ điển luôn diễn ra trong bầu không khí ngột ngạt và gò bó vì các khuôn phép – và cái đám thính giả ít ỏi lão hóa đi nghe nhạc cổ điển thực sự là một đám ô hợp của những kẻ kênh kiệu lẫn với một lũ “tinh vi”, và một bọn làm bộ ra vẻ như đang đánh giá cao một cái gì đó mà thực sự thì không. Tóm lại, nhạc cổ điển là “tinh hoa”: vốn chỉ được dành cho những ông Tây giàu có – những người nghĩ rằng họ đứng cao hơn những người khác, và được viết ra bởi một đám đàn ông da trắng chết rồi. Nhạc cổ điển không có gì để làm trong thế giới đương đại – và sự già nua của nó chỉ còn hấp dẫn những ai còn cố bám vào các giá trị lỗi thời. Quý vị nói rằng hiện vẫn còn có những nhà soạn nhạc viết nhạc cổ điển? Chẳng bao giờ được nghe nói về họ.

Hai đoạn trên đây là một sự cóp nhặt các thái độ, chứ không phải là một bài phê bình thống nhất. Ví dụ, những than phiền rằng nhạc cổ điển không thể tồn tại mà không cần trợ cấp là một sự phản đối kiểu cánh hữu, trong khi lập luận âm nhạc “tinh hoa” mang xu hướng cánh tả. Các quan điểm đó không hoàn toàn đúng. Giá vé không phải lúc nào cũng cao không chịu nổi. Một số buổi hòa nhạc cổ điển được tổ chức miễn phí. Và thính giả chắc chắn nhiều hơn bọn kênh kiệu, bọn “tinh vi”, và bọn làm bộ. Hơn nữa, liệu có công bằng không khi chửi Bach, Beethoven và Brahms là bọn đàn ông da trắng chết rồi? Không có vẻ gì là Bach, Beethoven, hay Brahms đã lựa chọn những điều đó. Nhưng bất kể những phản đối này đúng hay sai, công bằng hay không, chúng đã góp phần vào việc đào thải nhạc cổ điển trên diện rộng.

Cá nhân tôi không chia sẻ những điều tôi đã cố gắng tóm tắt trên đây, trái lại, chúng làm tôi đau đớn. Và đau nhất là chúng được phát ra không chỉ từ mồm những người bằng lòng sống trong thế giới văn hóa của nhạc pop, truyền hình, và các trận đấu của các liên đoàn thể thao lớn, mà còn từ nhiều người sành điệu tích cực quan tâm đến phim ảnh, văn học, sân khấu và các nghệ thuật khác. Đây là chính là loại người, mà một vài thế hệ trước, từng cảm thấy nhạc cổ điển là âm nhạc “của họ”. Tuy nhiên, ngày nay, ngay cả đối với một số trí thức thiên về nghệ thuật, nhạc cổ điển cũng thường được coi như một món ngoại lai. Những fan còn sót lại của nhạc cổ điển nhận thức rõ về tình trạng bên lề của họ. Giống như các tín đồ Mormon [6], những người ăn chay, hay những người Mác-xít, họ là cư dân của một thứ tiểu văn hóa xa lạ, bên ngoài dòng chính.

Trong thế giới phương Tây ngày nay, nhạc cổ điển không chỉ đơn thuần bị khủng hoảng về tính đại chúng, mà còn bị khủng hoảng về mục đích và tính chính thống. Trong khi tôi không chia sẻ quan điểm của một số người gieo hoang mang rằng toàn bộ toà dinh thự sẽ sụp đổ bất kỳ lúc nào trong tương lai gần, tôi tin rằng cần có hành động khẩn cấp, nếu chúng ta muốn cứu hình thức nghệ thuật này khỏi sự cảm nhận rằng đó là một vị hoàng đế cởi truồng [7], chẳng đóng góp gì nhiều cho thế giới hiện đại. Tất nhiên, nói thì dễ. Trong khi một số điểm từ các lo ngại mà tôi đã nói trên đây có thể được giải quyết dễ dàng, những điểm khác tỏ ra khó khăn hơn, mà chưa chắc có thể làm nên cơm cháo gì. Ta hãy bắt đầu với những điều dễ trước.

Nhạc cổ điển bị mắc kẹt trong các truyền thống của chính nó

Văn hóa nghe nhạc cổ điển có nguồn gốc từ thế kỷ XIX. Thời đó người ta công khai phân biệt giai cấp, và đi nghe “âm nhạc đỉnh cao” là một minh chứng hùng hồn cho địa vị xã hội của mình. Nghi thức trong buổi hòa nhạc đã được nuôi cấy trong môi trường này dựa trên các thang giá trị về hình thức, sự trang trọng, và chuẩn mực của tầng lớp thượng lưu. Tuy nhiên những cái mà thời đại này coi là chính thức, trang trọng, và phù hợp có thể trở thành cứng nhắc, nhàm chán và gò bó trong một thời đại khác – và đó chính là thời đại của chúng ta hôm nay. Nhiều thứ phải được thay đổi đề cải tổ cơ bản cách nhìn phổ biến về buổi hòa nhạc cổ điển.

Thực ra người ta đã bắt đầu các cải cách theo hướng này. Nhiều dàn nhạc hiện nay có những “buổi hòa nhạc bình dân”: thính giả được khuyến khích ăn mặc bình thường, và các nhạc trưởng giải thích cho thính giả về âm nhạc được diễn trong chương trình. Truyền thống nhạc trưởng vận áo đuôi tôm, thắt nơ trắng cũng dần trở nên lỗi thời,  đang phai mờ dần đi.

Có cả những thay đổi khác, gây nhiều tranh cãi hơn. Không vỗ tay giữa các chương là một quy tắc mà một số người (như Alex Ross, nhà phê bình âm nhạc của tờ The New Yorker) muốn bãi bỏ.  Nó không tồn tại trong t.k. 18 – 19. Thậm chí ý tưởng táo bạo dựng màn hình khổng lồ trong phòng hòa nhạc để khán giả có thể vừa nghe vừa đồng thời nhìn thấy các nhạc công từ các góc nhìn khác nhau, hay nhìn cận cảnh tay của pianist, đã được thực hiện ở vài nơi. Công nghệ này tốn kém, nhưng đầu tư vào việc này đã làm nên một cuộc cách mạng trong cách tổ chức các buổi hòa nhạc, tương tự như việc cho chạy chữ điện tử ca từ đã cách mạng hóa thế giới opera 25 năm trước đây. Một số tổ chức âm nhạc còn đặt câu hỏi liệu các phòng hoà nhạc có còn là những nơi tốt nhất cho các buổi hòa nhạc hay không: Các địa điểm khác, ít trịnh trọng và giàu tưởng tượng hơn có thể phục vụ tốt hơn cho việc cập nhật hình ảnh của âm nhạc cổ điển.

Tất cả những ý tưởng này đều hấp dẫn. Tuy nhiên, một số sáng kiến nhằm thu hút khán giả mới cần minh bạch hơn so với các thủ đoạn tiếp thị chỉ nhằm mục đích duy nhất là làm thế nào khán giả ngồi kín chỗ trong phòng hoà nhạc. Trước hết, các tổ chức âm nhạc cổ điển cần tạo ấn tượng rằng họ thực sự muốn tự thân hoà nhập với thời cuộc, chứ không phải là đang vừa bị lôi kéo vào thế kỷ 21, vừa giãy giụa vừa la hét. Làm theo cách mới chưa đủ, mà còn cần thuyết phục “thế hệ trẻ” rằng họ không bị mồi chài, và sự nỗ lực quyến rũ họ quan trọng hơn nhiều so với chỉ “chém gió” hay những hành vi tuyệt vọng.

Những rắc rối với nhạc mới

Thật không may, khi chuyển từ những thách thức trong cải tổ môi trường của buổi hòa nhạc sang cải tổ các tiết mục hòa nhạc, mọi việc trở nên khó khăn hơn nhiều. Một trong những vấn đề hóc búa nhất trong chương trình biểu diễn ngày nay là âm nhạc cổ điển đương đại.

Trong thế kỷ XX, nhiều nhà soạn nhạc cổ điển đã chấp nhận một lập trường phản thẩm mỹ, cố ý viết nhạc khó hiểu, ngược hẳn giá trị thẩm mỹ của âm nhạc mà hầu hết mọi người từng nghe. Đối với một số nhà soạn nhạc, việc không được quần chúng ưa chuộng lại được xem như là có giá trị như một huy chương danh dự. Những lý tưởng sai lầm như vậy không lưu hành trong nhạc pop: trong khi nhạc jazz, rock, rap quả có gặp một số cản trở ban đầu, chúng đã nhanh chóng trở thành phong cách chủ đạo, thu hút hàng triệu fan. Ngược lại, các nhà soạn nhạc cổ điển đương đại đã bị chìm sâu vào quên lãng đến nỗi ngày nay hầu như ít ai còn biết đến sự tồn tại của họ.

Trớ trêu thay, các nhà soạn nhạc của thế kỷ XX, những người từng tuyên bố mình là những nhà vô địch của kỷ nguyên hiện đại, đã viết ra một loại nhạc thiếu tính xác thực về văn hóa tới mức đau đớn. Nói như vậy, tôi chỉ đơn giản muốn nêu ra rằng các nhà soạn nhạc cổ điển hiện đại, sau một thế kỷ cố gắng với những quyết tâm rất ấn tượng, đã thất bại trong việc tạo ra bất kỳ không gian văn hóa đáng kể nào cho nghệ thuật của họ, hoặc thuyết phục một nhúm thính giả tin rằng thứ nhạc mà họ sáng tác là tiếng nói thực sự của hiện đại. Những gì đã xảy ra thật hoàn toàn ngược lại: âm nhạc mới này đã khiến cả một thế hệ xa lánh, và nhiều người mê nhạc cổ điển ngày nay rất ngờ vực thứ nhạc này. (Tiện đây, tôi thật chẳng thích thú gì khi nói những điều này ra: một số nhạc phẩm nhạc hiện đại mà tôi yêu thích có thể được coi là thất bại trên bình diện văn hóa.)

Vậy các dàn nhạc phải chơi những loại nhạc gì để thu hút các thính giả mới? Các giai điệu nhạc Pop soạn cho dàn nhạc chăng? Các buổi hòa nhạc có mời các nghệ sĩ nhạc rap cùng tham gia chăng? Một chương trình như vậy không đáp ứng được sự cần thiết của một nền âm nhạc cổ điển đương đại: loại hình âm nhạc vừa mới, song bằng cách nào đó vừa phải gắn liền với những lý tưởng và truyền thống của nghệ thuật âm nhạc châu Âu. Một cách tiếp cận khác là, thông qua hợp đồng sáng tác và biểu diễn, khuyến khích các nhà soạn nhạc nhớ lại “một thời vang bóng” và sáng tác theo phong cách gợi lại Puccini, Rachmaninov, hoặc Richard Strauss. Thực tế, có một số nhà soạn nhạc ngày nay đang làm chính điều này, nhưng những bài tập hoài niệm âm nhạc của họ không đáp ứng nhu cầu của một nền âm nhạc cổ điển mới với âm thanh mới. Cái khó là ở chỗ: một nhạc phẩm cổ điển đương đại thực sự thành công sẽ phải vừa thực sự mới, vừa đích thực cổ điển, lại vừa thực sự hấp dẫn thính giả.

Những năm gần đây có một số dấu hiệu hy vọng, với các nhà soạn nhạc như John Adams [8], Arvo Pärt [9] và Osvaldo Golijov [10]. Họ viết nhạc theo hướng cố thoát ra khỏi cái ngõ cụt mà các nhà soạn nhạc cổ điển đương đại đã tự dồn mình vào. Nhưng con đường phía trước không rõ ràng: vẫn chưa có ai đạt được một bước đột phá lớn, và âm nhạc cổ điển đương đại vẫn bị bêu xấu là nghe không lọt tai. Tuy nhiên, bổn phận của các nhà các soạn nhạc là phải cố gắng giải quyết vấn đề hóc búa này – và bổn phận của những người biểu diễn là phải hỗ trợ những nỗ lực của các nhà soạn nhạc. Từ bỏ thách thức này có nghĩa là thừa nhận rằng âm nhạc cổ điển thực sự là một “nghệ thuật đã chết.”

Những rắc rối với nhạc xưa

Những ai luôn đắm mình trong văn hóa của âm nhạc cổ điển có lẽ khó nhận thấy rằng các chương trình biểu diễn theo tiêu chuẩn xưa quả thực có vấn đề. Ấy vậy mà hầu như không có gì từ những sáng tác trong năm mươi năm qua được đưa vào các chương trình diễn tiêu chuẩn. Như vậy, âm nhạc cổ điển chính tắc ngày nay đã trở thành một dạng bảo tàng của các giá trị âm nhạc từ các thời đã qua. Và trong khi nền văn hóa bảo tàng này có thể thu hút một số người có xu hướng vọng cổ, việc một số đáng kể dân chúng thời nay không còn quan tâm nhiều tới quá khứ nữa là cả một vấn đề. Các giá trị âm nhạc đã thay đổi đáng kể trong thế kỷ qua.

Ớ đây tôi không mắng nhiếc âm nhạc quần chúng, hay lên án rock and roll là “âm nhạc quỷ ám”. Ngược lại, tôi đã lớn lên trong sự tiếp thu rất nhiều âm nhạc quần chúng trong cuộc đời tôi, và tôi vẫn tiếp tục thích thứ nhạc này. Nhưng cái mà tôi lo ngại là sự thống trị của nhạc pop, mà theo tôi, đã có một ảnh hưởng sâu sắc đến cách người ta nghe nhạc cổ điển, trên thực tế là ảnh hưởng tới khả năng của họ để lắng nghe nó. Những người đã quen nghe âm nhạc quần chúng trong suốt cuộc đời họ (lại một lần nữa, một số đáng kể dân chúng) sẽ tự giả định âm nhạc phải vang lên như thế nào. Một người chỉ nghe chương trình ba phút Top 40 bài hát có thể sẽ thấy chương trình hoà nhạc không lời của dàn nhạc là thoái chí và dai dẳng. Một người sau khi “cai sữa” nhạc rock hoặc nhạc rap âm lượng lớn có thể thấy tứ tấu đàn dây là yếu ớt và èo uột. Và một người ngưỡng mộ giọng ca “tự nhiên” của Bob Dylan hay Tom Waits có thể cho Placido Domingo là nhân tạo và quá mệt mỏi.

Tôi tin những phản ứng kiểu này là những thách thức lớn nhất đối mặt với thế giới nhạc cổ điển bởi vì chúng nhấn mạnh một sự đoạn tuyệt với các giá trị cốt lõi của chính âm nhạc. Làm sao mà “giải quyết được vấn đề” khi đàn violin không phải là một nhạc cụ có tiếng kêu đặc biệt to, hoặc khi octet của Schubert không có lời, hoặc giao hưởng số 9 của Mahler dài tới một tiếng rưỡi đồng hồ? Cuối cùng, âm nhạc cổ điển là những gì nó có, và sự tồn tại của nó phụ thuộc vào một bộ phận dân chúng chấp nhận nó và hồ hởi với nó theo cách của họ.

Vài đề xuất khiêm tốn

Có những người cho rằng cần các có nhiều chương trình giáo dục âm nhạc hơn để dạy con em chúng ta trong nhà trường, tập trung vào nhạc cổ điển. Chắc chắn tôi không phản đối điều này, nhưng tôi lo rằng những nỗ lực như vậy thường tạo ra một vầng hào quang xung quanh âm nhạc cổ điển, kết quả là tiếp tục tách nó xa hơn ra khỏi cuộc sống (Nghệ thuật thơ đã chịu số phận hẩm hiu này). Mục tiêu của chúng ta phải là đưa âm nhạc cổ điển trở lại cuộc sống đời thường của những người người dân bình thường.

Các nhạc sĩ, các nhà giáo dục, những người giới thiệu các buổi hoà nhạc, và tất cả những ai tham gia trong việc thúc đẩy âm nhạc cổ điển cần có một cái nhìn nghiêm khắc vào các thông điệp văn hóa có thể phá hoại những nỗ lực của họ. Cần nhớ rằng việc phân chia văn hóa âm nhạc thành “cao” (“âm nhạc đỉnh cao”, “âm nhạc trí tuệ”) và “thấp” (“âm nhạc tầm thường”, “âm nhạc thấp kém”) – tách riêng nhạc cổ điển ra khỏi nhạc quần chúng – phần lớn là sáng chế của chính thế giới âm nhạc cổ điển. Loại tư duy này có một lịch sử lâu dài, nhưng chỉ trong thế kỷ XX, nó mới biến tướng thành một ý thức hệ giáo điều cứng nhắc của sự chia rẽ và loại trừ.

Bây giờ chính là lúc âm nhạc cổ điển phải khắc phục được cái thứ tư duy cho rằng nó không chỉ đơn thuần khác mà còn đối đầu với các thứ nhạc khác, rằng âm nhạc cổ điển là âm nhạc duy nhất tồn tại “phi thời gian”, “phổ quát”, và “vĩ đại”. Tất nhiên chỉ bằng việc đó không đủ để giải quyết vấn đề làm sao cho nhiều người thưởng thức được opera của Wagner, hoặc ngay cả chịu ngồi nghe từ đầu chí cuối. Nhưng ít nhất, nó cũng đưa âm nhạc cổ điển quay về liên hệ với các giá trị của thế giới đương đại. Nếu ngày nay âm nhạc cổ điển thấy mình bị cô lập ở một phía – phía nhầm lẫn và sai trái – của một bức tường Berlin về văn hóa, thì đó là một bức tường mà chính nó đã xây dựng nên. Chúng ta phải phá hủy bức tường đó, nếu chúng ta muốn thuyết phục thế giới rằng nhạc cổ điển cần phải và thực sự có chỗ đứng trong thế giới đương đại.

——————————-

Chú giải của người dịch:

[1] 7 – Elevenn (Seven-Eleven): Cửa hàng tiện lợi, bán các nhu yếu phẩm như thức ăn chín, các đồ dùng hàng ngày. Hệ thống cửa hiệu này do công ty Seven & I Holdings Co. của Nhật Bản làm chủ, có chi nhánh tại 16 nước, lớn nhất tại Nhật Bản, Bắc Mỹ, Philippines, Hongkong, Malaysia và Thái Lan. Tại Nhật các cửa hiệu 7-Eleven mở cửa 24/24 giờ mỗi ngày và không có ngày nghỉ.
[2] Nguyên văn: “It soothes the savage breast in some unique way”. Tác giả mượn câu đầu tiên trong vở kịch “Cô dâu chịu tang” (The mourning bride) của văn hào và thi sĩ Anh Wiliam Congreve (1670 – 1729): “Music has charms to soothe a savage breast” (Âm nhạc có những quyến rũ xoa dịu được bầu vú hoang dã).
[3] Nguyên văn: “to shoot the messenger” có nghĩa là “bắn (chém) sứ giả”, ý nói tức giận người đưa tin xấu. Trong chiến tranh thời xưa, chỉ huy của phe này thường đưa thông điệp của mình cho sứ giả mang sang trao cho chỉ huy của phe đối nghịch. Không ít lần, vì không trút được giận lên đầu tác giả của bức thông điệp, tướng của phe đối nghịch đã ra lệnh chém đầu sứ giả.
[4] Tác giả chơi chữ “punch” (cú đấm, sức mạnh) khi so sánh nhạc giao hưởng với punch rock.
[5] Theo D. Throsby, “The music industry in the new millennium: Global and local perspectives” (Công nghệ âm nhạc trong thập kỷ mới: Những triển vọng toàn cầu và cục bộ) (UNESCO, Paris, 10/2002), thị trường băng đĩa âm nhạc trên toàn thế giới trong năm 2000 thu về khoảng 37 tỉ US$, trong đó Hoa Kỳ đứng đầu (14 tỉ US$), sau đó là Nhật Bản (hơn 6.5 tỉ US$), toàn châu Âu cộng lại được hơn 11 tỉ US$. Trong số đó doanh thu của nhạc cổ điển chỉ chiếm khoảng 4%. Hơn 80% thị trường âm nhạc thế giới nằm trong tay 5 công ty xuyên quốc gia là EMI, BMG, Warner Music Group, Sony Music Entertainment và Universal Poly/Gram.
Việc vi phạm tác quyền âm nhạc (music piracy) đã gây thiệt hại rất lớn cho doanh thu của công nghệ âm nhạc. Trung Quốc đứng đầu danh sách Top 10 các quốc gia “vi phạm tác quyền âm nhạc” (trong năm 2000) với doanh thu do bán băng đĩa lậu đạt 600 triệu US$, kế đến là Nga (240 triệu US$), và đội sổ là Hy Lạp (40 triệu US$).
[6] Mormon: nhóm Thiên Chúa giáo do lãnh tụ tôn giáo Mỹ Joseph Smith (1805 – 1844) khởi xướng năm 1820, hiện có khoảng 14 triệu tín đồ trên toàn cầu.
[7] Hoàng đế cởi truồng: thành ngữ rút ra từ truyện ngắn của văn hào Đan Mạch H.C. Andersen (1805 – 1875). Trong truyện “Bộ quần áo mới của Hoàng đế” (1837) của Andesen, hai gã thợ may hứa may cho Hoàng đế một bộ y phục mà khi mặc những kẻ không xứng với địa vị của mình, hoặc ngu dốt sẽ không nhìn thấy được. Khi Hoàng đế mặc bộ “y phục” này ra mắt triều đình và dân chúng, tất cả đều trầm trồ khen ngợi bộ y phục, cho đến khi một đứa bé thốt lên: “Nhưng Hoàng đế có mặc quần áo gì đâu!” Mặc dù nhiều học giả cho rằng truyện ngắn này có nguồn gốc từ truyện Aesop hay truyện cổ Ba Tư, bản thân Andersen nói rằng ông sáng tác truyện này dựa trên hồi tưởng thời thơ ấu của chính mình, khi ông và mẹ ông đứng trong đám đông dân chúng chào đón vua Frederic VI. Khi nhà vua xuất hiện, Andersen kêu lên: “Ôi, ông ấy chẳng có gì hơn là một con người.” Mẹ ông sợ quá, nói: “Con điên rồi à?” rồi bắt ông im lặng. Câu chuyện Hoàng đế cởi truồng chế diễu thói kênh kiệu và đạo đức giả mà chính Andersen đã gặp khi mới chân ướt chân ráo ra mắt giới thượng lưu Đan Mạch.
[8] John Adams (sinh năm 1947) – nhà soạn nhạc Mỹ theo trào lưu tối thiểu, đoạt giải Pulitzer về âm nhạc năm 2003 nhờ bản hợp xướng tưởng niệm các nạn nhân của vụ khủng bố 11/9/2001.
[9] Arvo Pärt (sinh năm 1935) – nhà soạn nhạc Estonia, một trong những nhà soạn nhạc thánh đương đại nổi tiếng, theo trào lưu tối thiểu.
[10] Osvaldo Golijov (sinh năm 1960) – nhà soạn nhạc Argentina gốc Do Thái, đoạt giải Grammy năm 2007.

Theo VNMUSIC.COM.VN

Tags: ,