NHẬT KÝ HÀNH TRÌNH – Ernesto Che Guevara

5 – Con ngựa sắt khốn khổ và bệnh cúm bất ngờ

Chiếc xe môtô thở phì phò, ì ạch trên một chặng đường dài mà không bị ngã thêm một lần nào. Và người chúng tôi bám đầy bụi đất, gương mặt phờ phạc vì kiệt sức. Chạy xe trên con đường đầy sỏi đá thô đã khiến chuyến du ngoạn thú vị trở thành một thử thách nặng nề.

Khi màn đêm buông xuống, sau một ngày trời liên tục bị chặn lại ở những trạm kiểm soát, chúng tôi được phép đi tiếp nhưng chỉ muốn ngủ ngay bây giờ vì đã quá mệt, thay vì tiếp tục cuộc hành trình đến thị trấn Choele Choel như dự định, nơi chúng tôi có cơ may tìm được một chỗ trọ miễn phí. Vì vậy chúng tôi dừng lại tại Benjamin Zorrilla, tìm một căn phòng tồi tàn tại nhà ga xe lửa, quăng chiếc xe bên ngoài rồi lăn ra ngủ như chết. Sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm, nhưng khi tôi đi lấy nước pha trà mate thì một cảm giác kỳ lạ xâm chiếm cơ thể, tiếp theo là một cơn ớn lạnh thật lâu. Mười phút sau, tôi run bắn, lắc lư như kẻ lên đồng. Những viên ký-ninh mang theo chẳng thấm thía gì và đầu tôi như một cái trống đánh lùng bùng những nhịp điệu kỳ lạ. Những hình thù kỳ quái mang nhiều màu sắc như nhảy múa trên tường và một vài cơn đau thắt khiến tôi nôn ra một chất lỏng màu xanh. Tôi phải chịu tình trạng này cả ngày, không ăn, không uống. Tới chiều, tôi cảm thấy khỏe hơn, đủ để có thể leo lên xe, và tôi tựa vào lưng Alberto ngủ trên đường đến Choele Choel. Ở Choele Choel, chúng tôi đến nhà bác sĩ Barrera, giám đốc một bệnh viện nhỏ và là thành viên của Quốc hội. Ông rất tử tế và cho chúng tôi một phòng để ngủ. Ông cho tôi một liều Penicillin và trong vòng bốn giờ tôi đã hạ sốt, nhưng bất cứ khi nào chúng tôi nói tới chuyện lên đường thì ông lắc đầu và bảo, “Bệnh cúm: phải nằm trên giường”. Vậy là chúng tôi phải ở lại nhiều ngày tại Choele Choel, và tôi được chăm sóc kỹ lưỡng như một ông hoàng. Alberto đã chụp một bức ảnh cho tôi tại bệnh viện. Trông tôi lúc đó thật khủng khiếp: đôi mắt trũng sâu, hốc hác, đỏ ngầu và bộ râu rậm rì kỳ khôi (và hình dáng của nó không thay đổi suốt nhiều tháng trước khi tôi cạo nó đi). Tiếc là tấm ảnh chụp không rõ lắm, nhưng đó là một dấu ấn, ghi nhận hoàn cảnh đang thay đổi của chúng tôi và những đường chân trời mà chúng tôi đang tìm kiếm. Một buổi sáng, vị bác sĩ không còn lắc đầu như thường lệ nữa. Như thế là đủ. Thu xếp hành lý trong vòng một giờ, chúng tôi lại lên đường, hướng về vùng hồ ở phía tây. Chiếc môtô lại lắc lư, ì ạch lăn bánh. Nó cũng có những dấu hiệu căng thẳng, hơi rệu rã, đặc biệt là bộ khung xe. Chúng tôi phải liên tục siết ốc lại bằng món đồ nghề mà Alberto rất khoái dùng – dây thép. Không biết hắn cóp câu này ở đâu mà tự gán cho là của Oscar Galvez (1): “Khi một cọng dây thép có thể thay thế một con ốc vít, thì hãy đưa cọng dây thép cho tôi, vì nó an toàn hơn”. Bàn tay và hai cái quần tả tơi của chúng tôi là bằng chứng rằng chúng tôi đồng tình với Oscar Galvez, ít nhất là sự nhận xét về dây thép. Trời đã về đêm, đường hoang vắng. Chúng tôi đang cố chạy đến nơi mà con người có thể trú ẩn được. Đèn trước của chiếc xe cà tàng đã hỏng, mà ngủ đêm ở ngoài trời thì chẳng hay ho chút nào. Chúng tôi phải đốt đuốc và chạy thật chậm. Khi chiếc môtô phát ra một âm thanh lạ lùng và cây đuốc không đủ ánh sáng để tìm ra bộ phận nào hư hỏng thì chúng tôi không còn một lựa chọn nào khác ngoài việc phải dừng lại qua đêm. Chúng tôi dựng tạm một cái lều rồi chui vào, hy vọng có thể đè nén cơn đói khát bằng giấc ngủ mệt nhoài. (Chúng tôi đã hết thịt cũng như thức ăn mang theo, và ở đây cũng chẳng có nước). Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, làn gió chiều êm nhẹ lúc đầu giờ đã trở thành một cơn lốc mạnh, thổi tung chiếc lều và phơi chúng tôi ra giữa cái lạnh thấu xương. Chúng tôi bèn phải buộc chiếc xe vào cột điện thoại, trùm cái lều lên xe và nằm phía sau để tránh gió lạnh. Chúng tôi không thể dùng giường cá nhân trong cơn gió lốc. Đó là một đêm chẳng mấy dễ chịu, nhưng dù sao, giấc ngủ cuối cùng cũng chiến thắng cơn gió, cái lạnh và đói khát. Chúng tôi thức giấc vào chín giờ sáng hôm sau, khi mặt trời đã lên cao. Dưới ánh sáng ban ngày, chúng tôi phát hiện âm thanh kỳ lạ đêm qua là do phần trước của khung xe bị gãy. Chúng tôi cột tạm khung xe lại và tìm một thị trấn để hàn chỗ gãy. Cọng thép, một người bạn của chúng tôi, đã tạm thời xử lý ổn thỏa vấn đề. Chúng tôi thu xếp đồ đạc và lên đường, không biết còn bao xa nữa mới tới thị trấn gần nhất. Thật là một ngạc nhiên tuyệt vời khi đến khúc quanh thứ hai thì chúng tôi thấy một căn nhà. Họ ân cần tiếp đãi, làm dịu cơn đói của chúng tôi với món thịt cừu nướng tuyệt vời. Từ đó chúng tôi ì ạch dẫn bộ 20 kilômét đến một nơi có tên là Piedra del Aguila, nơi chúng tôi tìm được một nơi hàn xe, nhưng lúc đó trời đã tối và chúng tôi quyết định ngủ đêm tại đó.

Ngoại trừ vài lần ngã xe không làm xe hư hại bao nhiêu, chúng tôi tiếp tục lặng lẽ đến San Martin de los Andes. Khi gần tới nơi thì chúng tôi bị ngã một cú trời giáng ở miền nam (Argentina) tại một khúc quanh tuyệt đẹp nhưng đầy sỏi, gần kề một con lạch nhỏ. Lần này khung chiếc La Poderosa bị hư hỏng nặng, buộc chúng tôi phải dừng lại. Điều tệ hại nhất mà chúng tôi luôn lo sợ đã xảy ra: bánh sau bị thủng. Để vá xe, chúng tôi phải dỡ hết hàng hóa, tháo dây baga, và vật lộn với bánh xe bằng cái xà beng tồi tàn. Chúng tôi uể oải thay bánh xe mất hai tiếng. Vào lúc xế chiều, chúng tôi ghé vào một trang trại. Chủ trại là một người Đức nhiệt tình, rất giống ông chú đã mất của tôi, một người du hành lãng tử kỳ lạ mà tôi đang noi theo. Họ cho chúng tôi câu cá ở con sông chảy qua trang trại. Alberto quăng dây, và trước khi anh biết chuyện gì xảy ra, anh đã giật cần lên, kéo theo đầu lưỡi câu một hình thù lấp lánh giãy giụa dưới ánh mặt trời. Đó là một con cá hồi màu sắc tuyệt đẹp, trông rất ngon lành (thậm chí còn ngon hơn khi đã được nướng lên và nêm nếm bằng món gia vị đói cồn cào của chúng tôi). Tôi làm cá trong khi Alberto thừa thắng thả câu tiếp tục. Nhưng nhiều giờ trôi qua mà chẳng có thêm con cá nào cắn câu. Chắc ở đây chỉ có mỗi một con cá hồi! Trời đã tối và chúng tôi đành phải ngủ đêm trong nhà bếp của trang trại. Vào năm giờ sáng, cái lò khổng lồ ở giữa gian bếp được đốt lên, khói bay dày đặc. Những người nông dân giúp việc của trang trại chuyền nhau món trà đắng nghét của họ và ném những lời chế giễu cái món “trà mate dành cho đàn bà” của chúng tôi. Họ gọi món trà mate ngọt bằng một cụm từ như thế. Nói chung, họ không muốn giao tiếp với chúng tôi, như cách thức điển hình của những người bản xứ Arauca, một chủng tộc vẫn còn duy trì một mối ngờ vực, thù hằn sâu xa đối với dân da trắng – những người trong quá khứ đã mang tới cho họ nhiều bất hạnh và tới ngày nay vẫn còn tiếp tục bóc lột họ. Họ chỉ đơn giản trả lời câu hỏi của chúng tôi về vùng đất và về công việc bằng cách nhún vai và nói, “không biết” hoặc “có lẽ” rồi nhanh chóng kết thúc câu chuyện.

Điều may mắn là họ cho phép chúng tôi hái dâu. Tôi ăn nhiều đến nỗi khi chuyển sang cây mận thì đành phải nằm nghỉ một chút. Alberto chỉ ăn một ít để giữ vẻ lịch sự. Nhưng khi trèo lên cây thì chúng tôi ăn ngấu nghiến như thể đang tranh ăn với nhau. Thằng con trai người chủ trại nhìn lên cây và có vẻ không mấy tin tưởng vào những ông “bác sĩ” ăn mặc lôi thôi lếch thếch và rõ ràng là đang gần như chết đói này. Nhưng nó chẳng nói gì và cứ để chúng tôi ăn thoải mái. Đến lúc ra đi, chúng tôi phải bước thật chậm để khỏi đau bao tử. Chúng tôi sửa cần đạp và siết lại những ốc vít của chiếc xe máy rồi tiếp tục lên đường. Chúng tôi đến San Martin de los Andes trước khi trời sụp tối. Và nếu có ai bảo rằng chúng tôi rất lãng mạn, rằng chúng tôi là những kẻ liều lĩnh, rằng chúng tôi chỉ nghĩ đến những điều không thể làm được, thì chúng tôi sẽ chỉ mỉm cười im lặng. Nhưng hành động và suy nghĩ trong chúng tôi sẽ lên tiếng : Vâng! đúng vậy! có gì là sai nào?”. – Ernesto Che Guevara, The CHE Handbook.

XEM TIẾP: 6 – San Martin De Los Andes – Cảm xúc miền đất lạ

Tags: ,