NHẬT KÝ HÀNH TRÌNH – Ernesto Che Guevara

28 – Lãnh địa người Inca

Bao quanh thành phố Cuzco là những ngọn núi. Những ngọn núi này không là thành trì để bảo vệ thành phố mà lại là mối nguy hiểm cho dân Inca. Chính vì vậy, để tự bảo vệ mình, họ đã xây dựng pháo đài Sacsahuaman khổng lồ. Giải thích như vậy cho sự ra đời của pháo đài này ít nhất cũng thỏa mãn tính hiếu kỳ của con người, và là một giải thích có vẻ hợp lý. Tuy nhiên, rất có thể pháo đài là cơ sở ban đầu của một thành phố vĩ đại. Vào khoảng thời gian ngay sau khi từ bỏ đời sống du mục, người Inca là một bộ tộc không có nhiều tham vọng và họ cần phải chống lại kẻ thù mạnh hơn mình. Để bảo vệ cư dân thì những bức tường của pháo đài Sacsahuaman là một giải pháp lý tưởng. Kiến trúc của pháo đài đã thể hiện chức năng kép của nó. Sẽ chẳng có nghĩa lý gì khi mục đích của pháo đài là để đẩy lùi quân xâm lược, bởi vì Cuzco sẽ thất thủ ở những hướng khác. Cần phải lưu ý rằng pháo đài được xây dựng để có thể kiểm soát được hai thung lũng sâu dẫn vào thành phố. Những bức tường có cấu trúc hình răng cưa để khi quân thù tấn công thì chúng sẽ bị chặn lại ở ba sườn núi, và nếu chúng chọc thủng phòng tuyến này, thì khi tiến lên chúng sẽ gặp một bức tường thứ hai tương tự rồi gặp bức tường thứ ba. Những người phòng thủ có chỗ để luyện quân, khiến họ có thể tập trung vào việc phản công.

Tất cả những điều ấy và sự vinh quang sau này của thành phố đã tạo ra một ấn tượng rằng những chiến binh Quechua là bất khả chiến bại trong việc bảo vệ pháo đài. Mặc dù những kỹ thuật xây dựng pháo đài cho thấy đó là kết quả sáng tạo của những con người có óc phát minh và có trình độ toán học, nhưng theo quan điểm của tôi, pháo đài thuộc về thời kỳ văn minh tiền Inca, thời kỳ trước khi họ biết đánh giá cao sự tiện nghi của đời sống vật chất. Quechua là giống dân trầm tĩnh và nhạy cảm, mặc dù không đạt tới một nền văn hóa huy hoàng, rực rỡ, nhưng họ đã có những tiến bộ đáng kể trong lãnh vực kiến trúc và hội họa. Thắng lợi liên tục của các chiến binh Quechua đã đẩy lùi các bộ tộc thù địch xa khỏi Cuzco, tạo giới hạn an toàn cho pháo đài, giúp họ mở rộng lãnh thổ xuống các thung lũng lân cận dọc theo con suối. Nhận thức cao về vinh quang hiện thời, họ hướng về quá khứ để tìm lời giải thích cho sự ưu việt của mình. Để tưởng nhớ đấng toàn năng đã cho họ vươn lên đến vị trí thống trị, họ đã xây dựng nhiều đền thờ và tạo ra tầng lớp tăng lữ. Và công trình thể hiện sự vĩ đại của họ chính là pháo đài đồ sộ Cuzco được xây dựng bằng đá, dần phát triển thành một thành phố mà sau này đã bị người Tây Ban Nha xâm chiếm.

Thậm chí ngày nay, khi những hành động dã man đầy thú tính của bọn người chinh phục vẫn còn để lại dấu ấn qua những hành động tàn phá, mặc dù tầng lớp tăng lữ với quyền lực thống trị đã biến mất, nhưng những công trình bằng đá của người Quechua vẫn còn đó một cách thần bí, trường tồn bất kể sự hủy hoại của thời gian. Những toán quân da trắng đã cướp phá thành phố thất thủ, đã tấn công những ngôi đền Inca trong cơn cuồng nộ. Những biểu tượng bằng vàng tượng trưng cho thần mặt trời Inti treo đầy trên các bức tường đã bị chúng cướp mất do lòng tham và sự tàn ác. Biểu tượng của niềm vui và sự dâng hiến của một dân tộc đau khổ đã bị đám người kia đem trao đổi trong sự khoái trá và bạo ác. Những đền thờ thần Inti bị san bằng hoặc những bức tường của ngôi đền phải phục vụ cho việc xây dựng những ngôi nhà thờ của một tôn giáo mới: ngôi giáo đường được xây dựng trên những tàn tích của một cung điện tráng lệ, và bên trên những bức tường của đền thờ Mặt Trời đã mọc lên nhà thờ Santo Domingo, một bài học và là sự trừng phạt của kẻ chinh phục đầy kiêu hãnh. Tuy nhiên khu vực trung tâm của châu Mỹ đã nhiều lần rùng mình phẫn nộ nên những cơn chấn động thường xuyên lan qua phía sau dãy Andes, sóng chấn động dữ dội tàn phá khắp mặt đất. Ba lần ngôi nhà thờ Santo Domingo đầy kiêu hãnh đã sụp đổ và những bức tường trên cao cũng rớt xuống. Nhưng nền đá mà ngôi nhà thờ được xây dựng vẫn không hề hấn gì, những khối đá khổng lồ của ngôi đền thờ Mặt Trời vẫn thản nhiên phô bày những viên đá xám; bất kể những thảm họa to lớn đổ xuống đầu những kẻ xâm lược, không một khối đá khổng lồ nào bị lay chuyển.

Nhưng sự báo thù của thần Kon chẳng là gì so với nỗi ô nhục của cả một dân tộc. Những khối đá đã chán với những lời cầu xin các vị thần hộ mệnh tiêu diệt những kẻ chinh phục tàn ác, và giờ đây chúng chỉ là những tảng đá mòn vô tri vô giác – chỉ có giá trị cho vài du khách trầm trồ này nọ. Mồ hôi và xương máu của thổ dân – những người xây dựng cung điện Inca Roca, những nhà kiến trúc công trình bằng đá tinh tế – nào có ý nghĩa gì trước sự tàn ác dã man của những kẻ chinh phục da trắng chỉ biết các công trình xây dựng bằng gạch, mái vòm, và kiến trúc hình vòng cung. Người thổ dân buồn rầu trông chờ sự báo thù từ những vị thần của họ giờ đây chỉ thấy hàng loạt những ngôi nhà thờ mọc lên, xóa nhòa những dấu tích của một quá khứ đầy kiêu hãnh. Những bức tường bằng đá cao sáu mét của cung điện Inca Roca bị những kẻ chinh phục sử dụng làm vật chịu tải cho tòa nhà thuộc địa, cấu trúc hoàn hảo của bức tường giờ đây trở thành biểu tượng của tiếng kêu khóc từ những chiến binh bại trận.

Nhưng giống dân đã tạo nên Ollantay(1) đã để lại một cái gì đó còn hơn việc kết hợp những khối đá của Cuzco thành một tượng đài tưởng niệm một quá khứ vĩ đại. Hơn 100 km dọc theo Vilcanota hay sông Urubamba, người ta thấy rải rác những dấu tích của Inca trong quá khứ. Dấu tích quan trọng nhất luôn ở trên những ngọn núi cao, nơi những pháo đài của họ không thể bị chọc thủng và rất an toàn trước những cuộc tấn công bất ngờ. Sau hai giờ đi dọc theo con đường gồ ghề, chúng tôi đã lên đến đỉnh núi Pisac, nơi xưa kia những thanh gươm của binh sĩ Tây Ban Nha đã tiêu diệt những người bảo vệ Pisac và cả ngôi đền. Giữa những khối đá rải rác, bạn có thể nhận biết rằng nơi đây đã từng là một công sự phòng thủ, là nơi cư trú của những tu sĩ; là nơi ở của Intiwatana và cũng là nơi ông bị bắt và trói dưới ánh mặt trời giữa trưa. Di tích chẳng còn lại bao nhiêu!

Lần theo hướng Vilcanota đi qua một số nơi tương đối không quan trọng, chúng tôi đã đến Ollantaytambo, một pháo đài rộng lớn nơi Manco II(1) khởi nghĩa vũ trang chống lại những kẻ chinh phục Tây Ban Nha, chống lại những đội quân của Hernando Pizarro và lập nên triều đại Inca son trẻ. Triều đại này cùng tồn tại với đế chế Tây Ban Nha cho đến khi đại diện nhu nhược cuối cùng bị sát hại theo lệnh của Phó vương Toledo. Một ngọn đồi đá cao hơn 100 mét đổ dốc đột ngột xuống sông Vilcanota. Pháo đài nằm trên đỉnh đồi và phía dễ bị tấn công của nó thông với ngọn núi lân cận bằng những con đường hẹp. Pháo đài được bảo vệ bởi những công sự phòng thủ bằng đá giúp lực lượng phòng thủ có thể ngăn chặn bất kỳ hướng tấn công nào. Phần bên dưới của pháo đài chỉ có mục đích phòng thủ, những khu vực ít dốc hơn tỏa ra thành 20 khu vực phòng thủ, mỗi phía có thể phản kích lại những cuộc tấn công. Phần trên của pháo đài là doanh trại của binh sĩ, và bên trên là một ngôi đền thường dùng để chứa những chiến lợi phẩm bằng kim loại quý. Nhưng tất cả những vết tích đó, ngay cả những khối đá khổng lồ xây dựng nên ngôi đền, đã bị xóa sạch.

Trên đường trở lại Cuzco, gần pháo đài Sacsahuaman, có một công trình điển hình cho kiến trúc của Inca, mà theo lời người hướng dẫn thì đó là chỗ tắm của người Inca. Khi ước lượng khoảng cách giữa chỗ tắm và Cuzco tôi thấy thật kỳ lạ. Ắt hẳn đây phải là nơi tắm theo nghi thức của hoàng tộc. Nếu giả thuyết này đúng thì da của những vị hoàng đế Inca thời xưa chắc là dẻo dai hơn con cháu sau này bởi vì nước ở đây dù uống rất ngon nhưng cực kỳ lạnh. Nơi này được gọi là Tamboma, có ba công trình hình thang đầy bí ẩn (hình dạng và mục đích vẫn chưa rõ), và nằm tại lối vào thung lũng Inca. Nhưng địa danh mà ý nghĩa về mặt khảo cổ và du lịch của nó nổi bật hơn tất cả những nơi khác trong khu vực là Machu Picchu, tiếng địa phương có nghĩa là Núi Cổ. Theo Bingham, nhà khảo cổ người Mỹ người đã khám phá ra di tích này, nơi này không những là nơi trú ẩn, chống lại quân xâm lược, mà còn là nơi định cư đầu tiên của những người Quechua và là nơi thiêng liêng đối với họ. Sau này, vào thời người Tây Ban Nha chinh phục, nó trở thành nơi ẩn náu của đội quân bị đánh bại. Thoạt nhìn có nhiều dấu hiệu cho thấy nhận xét của nhà khảo cổ là đúng. Ở Ollantaytambo chẳng hạn, công trình phòng thủ quan trọng nhất này cách xa Machu Picchu nhưng mặt sau của nó không có độ dốc đủ để đảm bảo phòng thủ hiệu quả chống lại những cuộc tấn công từ bên ngoài nên dễ dàng bị phong tỏa hơn là Machu Picchu. Một dấu hiệu nữa là nhìn từ bên ngoài, rất khó phát hiện ra nơi trú ẩn này, nên đây là một nơi ẩn nấp rất an toàn, thậm chí mọi người vẫn có thể ở đây sau khi tất cả những ổ kháng cự khác đã bị tiêu diệt. Người Inca cuối cùng bị bắt ở chỗ rất xa Machu Picchu, nơi Bingham tìm thấy những bộ xương hầu hết là của phụ nữ. Ông phát hiện đó là những trinh nữ của đền Mặt Trời mà các binh sĩ của đoàn quân Tây Ban Nha không bao giờ dám chạm đến. Ngôi đền Mặt Trời với thần Intiwatana nổi tiếng đã làm tôn vinh thành phố. Ngôi đền được xây dựng từ những khối đá làm nền móng, và gần đó là một loạt những bức tượng được điêu khắc công phu cho thấy đây là một nơi rất quan trọng. Nhìn ra xa về hướng con sông là ba cửa sổ hình thang tiêu biểu cho kiến trúc của người Quechua, mà Bingham mô tả như những cửa sổ mà qua đó anh em Allyus trong thần thoại Inca bước ra ngoài thế giới để chỉ cho những người được lựa chọn con đường đến miền đất hứa. Theo hiểu biết của tôi thì giải thích này đã gây ra cuộc tranh luận khá căng thẳng và bị nhiều nhà nghiên cứu có uy tín phản đối. Có nhiều cuộc tranh cãi về chức năng của đền thờ Mặt Trời mà Bingham, người khám phá ra nó, cho rằng đó là một cấu trúc rào kín tương tự như ngôi đền thờ thần Mặt Trời ở Cuzco. Cho dù thế nào chăng nữa thì hình thức và nghệ thuật cắt những khối đá khổng lồ cho thấy đây là một nơi có ý nghĩa quan trọng, và người ta cho rằng bên dưới những khối đá khổng lồ làm nền cho ngôi đền là những lăng mộ của người Inca.

Ở đây bạn có thể dễ dàng thấy sự khác biệt của những tầng lớp xã hội trong làng. Mỗi tầng lớp chiếm một nơi riêng biệt tùy theo chủng tộc, và về một phương diện nào đó vẫn còn độc lập với những thành phần còn lại của cộng đồng. Thật là tội nghiệp, họ không biết vật liệu làm mái nhà nào khác ngoại trừ rơm rạ; và bây giờ không còn mái nhà nào kiểu ấy còn sót lại, ngay cả tại những nơi từng là chỗ sang trọng nhất. Nhờ có những nhà kiến trúc với sự hiểu biết về kiến trúc mái vòm và cấu trúc chống đỡ hình vòng cung, nếu không ắt hẳn vấn đề nhà ở của nơi này đã khó giải quyết. Trong những tòa nhà dành cho các chiến binh, chúng tôi thấy những cái hốc trong những bức tường bằng đá, giống như những căn phòng nhỏ; ở hai bên là những cái lỗ vừa đủ cho một cánh tay thò vào. Hiển nhiên đây là một nơi để tra tấn. Nạn nhân bị buộc phải cho hai tay vào lỗ và sau đó bị đẩy từ sau lưng cho đến lúc gãy xương. Tôi không tin về hiệu quả của việc tra tấn này nên thử cho hai cánh tay vào lỗ. Alberto đẩy từ từ phía sau: áp lực tạo ra sự đau đớn cùng cực và tôi có cảm giác như cơ thể mình bị vỡ tan nếu như Alberto tiếp tục đẩy.

Nhưng bạn có thể thực sự chiêm ngưỡng vẻ đồ sộ của thành phố-pháo đài này từ Huayna Picchu (Núi Trẻ), cao hơn khoảng 200 mét. Nơi này ắt hẳn là được sử dụng để canh phòng hơn là một nơi để ở hoặc xây dựng pháo đài, bởi vì những vết tích còn lại cho thấy nó chỉ có tầm quan trọng thứ yếu. Machu Picchu không thể bị chiếm cứ từ hai bên hông, bởi nó được bảo vệ bởi một vực sâu rơi thẳng 300 mét đến con sông và một hẽm núi thông với “núi trẻ”. Phía sườn dễ bị tấn công nhất được bảo vệ bởi những thềm đất cao liên tục nối tiếp nhau, khiến cho bất cứ cuộc tấn công nào cũng trở nên khó khăn, trong khi đó về hướng nam của Machu Picchu, những pháo đài to lớn và địa thế hẹp tự nhiên của ngọn đồi cũng cản trở những cuộc tấn công từ hướng này. Nếu bạn còn nhớ rằng dòng sông Vilcanota như thác lũ cuồn cuộn quanh chân núi, thì bạn sẽ thấy rằng những cư dân đầu tiên của Machu Picchu quả là rất khôn ngoan trong lựa chọn của họ.

Trong thực tế, chúng tôi hầu như không quan tâm đến nguồn gốc của thành phố. Tốt nhất là hãy để những vấn đề này cho các nhà khảo cổ. Tuy nhiên, quan trọng nhất và không thể chối cãi được là ở đây, chúng tôi tìm thấy vẻ thuần khiết của một giống dân bản xứ hùng mạnh nhất ở châu Mỹ – một giống dân chưa bị nền văn minh chinh phục và có nhiều thứ quý báu giữa những bức tường. Bản thân những bức tường cũng đã chết vì sự quạnh hiu do không có cuộc sống nào ở đó. Phong cảnh ngoạn mục bao quanh pháo đài tạo thành một cái phông thu hút những người hay mơ mộng lang thang đến khu di tích này. Những du khách Bắc Mỹ, với cái nhìn thực dụng và hạn hẹp, có thể gộp chung những thành viên của những bộ tộc đã tan vỡ họ gặp trong chuyến du lịch vào giữa những bức tường này mà không hề ý thức được khoảng cách tâm linh phân biệt những tộc người đó, chỉ có tinh thần bản xứ của những người Nam Mỹ mới có thể nắm bắt được sự khác biệt tinh tế này.

XEM TIẾP: 29 – Một đám rước…

Tags: ,