⠀
Nghệ thuật dân gian trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt
Ở Việt Nam, tín ngưỡng thờ Mẫu là tín ngưỡng mang đậm chất bản địa và nguyên thuỷ. Bởi vì tín ngưỡng thờ Mẫu có nguồn gốc sâu xa từ chế độ mẫu hệ, trong đó người mẹ, người vợ giữ vị trí quan trọng trong gia đình.
Do vậy, trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong văn chương nghệ thuật thì chữ “Mẫu”, chữ “Mẹ”, chữ “Cái” vẫn giữ nguyên giá trị như nó vốn có cho đến bây giờ.
Cũng như thế, ý nghĩa của chữ Mẫu-Mẹ trong các danh từ đền Mẫu, Thánh Mẫu trong tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam cũng không nằm ngoài ý nghĩa đó. Ra đời từ trong cuộc sống đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt, với cường quyền đè nén, với ngoại xâm tàn bạo, tín ngưỡng thờ Mẫu đã có một mối gắn bó rất tự nhiên với người dân lao động, cho nên hình thức của ngôi đền thờ Mẫu vừa nhỏ nhắn về kích thước, vừa giản dị chỉ tương đương với một ngôi nhà dân vào loại khá giả ở nông thôn, đầu hồi có cửa và mái lợp ngói. Trong đền không để nhiều tượng mà người ta để các khám bên trong có các tượng nhỏ. Khám thờ được chạm trổ như một ngôi chùa nhỏ bằng gỗ.
Cách bày biện của đền, phủ cũng khác với cách bày biện của chùa. Nếu như ở chùa người ta bố trí theo thứ tự sự tu hành của đạo Phật thì ở đền người ta bài trí theo Tứ phủ, gồm có bốn cấp là Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Nhạc Mẫu và Mẫu Thoải. Ở điện thờ Mẫu Thiên, người ta làm các cảnh sắc, mô hình thuộc về cõi trời. Mẫu Địa thì đó là các cảnh núi non, bờ đất như ở đồng bằng rộng lớn. Nhạc Mẫu thì họ làm các cảnh núi non, cây cỏ và các cô gái mặc áo chàm, còn ở điện thờ Mẫu Thoải thì họ làm các mô hình bờ sông và các bè trôi nổi trên sông đó. Như vậy, cách bài trí trong điện thờ Mẫu của Tứ Phủ, đền đựợc mô tả theo tự nhiên của bốn hình thái cơ bản của địa lý và thiên văn có mối quan hệ gắn bó mật thiết với cuộc sống con người.
Thường ra, đạo Mẫu cũng vẫn chịu ảnh hưởng của đạo Phật cho nên trên cùng của điện thờ Mẫu có tượng phật để thờ thêm. Cũng cần phải nhấn mạnh thêm sự ảnh hưởng sâu rộng của tín ngưỡng thờ Mẫu-tín ngưỡng bản địa với các tín ngưỡng khác du nhập từ bên ngoài vào theo con đường khởi nguyên từ dân gian như Phật giáo-một tín ngưỡng đã được nhân dân lao động hồ hởi đón nhận ngay từ khi mới được truyền bá vào nước ta (khoảng thế kỷ thứ VI) để thấy được vai trò của người phụ nữ trong xã hội, đặc biệt là trong nền nghệ thuật của nước nhà. Trong quá trình tín ngưỡng thờ Phật du nhập vào nước ta, các bộ phận quan trọng của tín ngưỡng này đã phát triển theo khuynh hướng dân gian hóa giữa tín ngưỡng thờ Phật và tín ngưỡng thờ Mẫu có sự thâm nhập và tiếp thu ảnh hưởng lẫn nhau. Điều dễ nhận biết nhất là ở hầu hết các ngôi chùa hiện nay ở nông thôn đều có điện thờ Mẫu. Trong đó phổ biến nhất là dạng “tiền Phật hậu Mẫu”. Người ta đi chùa vừa để lễ Phật, vừa để cúng Mẫu. Nhiều khi điện Mẫu đã tạo nên không khí ấm cúng, gần gũi nhộn nhịp hơn cho các ngôi chùa làng. Ở Bắc Giang, phần lớn các ngôi chùa đều có ban thờ Mẫu, tiêu biểu là khu thắng cảnh Suối Mỡ, huyện Lục Nam trong đó có các di tích nổi tiếng như đền Hạ, đền Trung, đền Thượng lại thờ Mẫu là chính, trong đền có những tượng Mẫu rất đẹp cả về mỹ thuật và nghệ thuật tạo hình.
Không chỉ có con đường các điện Mẫu đi vào chùa, mà còn có con đường ngược lại Phật đi vào đền, phủ thờ Mẫu. Trong điện thần cũng như cách thức phối tự ở các ngôi đền, phủ ta đều thấy sự hiện diện của Phật, mà đại diện cao nhất là Phật Bà Quan Âm cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng: Quan Âm trong Phật giáo Ấn Độ vốn là một nam thần, nhưng khi qua Trung Quốc vào nước ta đã bị “nữ thần hóa”, thậm chí “Mẫu hóa” để trở thành Quan Âm Thánh Mẫu trong tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam. Trong các ngày giỗ Mẫu, giỗ Mẹ đều có nghi thức rước Mẫu lên chùa để đón Phật về đền, phủ cùng tham dự ngày hội. Trong hệ thống các bài chầu văn thì có văn chầu nhị vị Bồ Tát… Điều đó chứng tỏ vai trò của người phụ nữ được khẳng định từ xưa.
Trong các truyền thuyết về Liễu Hạnh công chúa (tức Thánh Mẫu Liễu Hạnh) có truyền thuyết ghi rõ sự tích Sòng Sơn đại chiến. Truyền thuyết kể rằng trong lúc Mẫu Liễu Hạnh đang ở vào tình thế nguy kịch bởi sự truy sát của các đạo sĩ phái Đạo Nội thì Phật Bà Quan Âm đã hiện ra và ra tay cứu độ, giải thoát cho Liễu Hạnh công chúa. Từ đó Thánh Mẫu Liễu Hạnh quy Yên Dũng, nghe kinh tuân pháp, chuyển hóa từ bi theo gương Phật.
Sự thâm nhập và ảnh hưởng lẫn nhau giữa đạo Phật và tín ngưỡng thờ Mẫu theo khuynh hướng dân gian hóa là điều dễ hiểu bởi lẽ, đó là tín ngưỡng dân dã của người dân, cùng hướng về cái từ bi bác ái, tinh thần cộng đồng, khuyến thiện trừ ác vốn là nền tảng trong nguyên tắc ứng xử của xã hội cổ truyền. Hai thứ tín ngưỡng này bổ sung cho nhau đáp ứng nhu cầu tâm linh của người nông dân: Theo Phật để tu nhân tích đức cho đời, kiếp sau được lên cõi Niết Bàn để cuộc sống tươi sáng hơn, tự do hơn, còn theo đạo Mẫu là mong được sự phù hộ độ trì đem lại sức khỏe, tài lộc, may mắn cho đời sống thường ngày.
Tính dân gian của tục thờ Thánh Mẫu ở nước ta thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau, trong đó tranh thờ Mẫu là một trong những dạng thức biểu hiện sinh động về điều đó. Ở Việt Nam, tranh thờ Mẫu phong phú về đề tài và nghệ thuật tạo hình. Tuy nhiên, điều dễ nhận biết nhất ở thể loại tranh này là tính nhân dân vừa giản dị vừa gần gũi lại dễ hiểu. Trong bộ tranh Tam Phủ, Tứ Phủ của tín ngưỡng thờ Mẫu, ngoài các vị Ngọc Hoàng Thượng Đế, các bà chúa là những người cai quản giang sơn riêng được đặt ở trung tâm bức tranh chiếm tỷ lệ vượt trội thì ở xung quanh và ở dưới còn thấy rất nhiều những “Cô”, những “Cậu” đứng hầu. Những “Cô” và “Cậu” này có tỷ lệ nhỏ hơn. Đây hẳn có mối quan hệ giữa tín ngưỡng thờ Mẫu với tục thờ gia tiên của người Việt từ ngàn xưa. Trong đó, các “Cô”, các “Cậu” ấy cũng chính là các bà cô, ông mãnh, các thiện nam, tín nữ đã mất từ rất sớm mà chưa kịp làm phận sự của một con người mà ít gia đình nào không có. Lại thấy trong các tranh này các “Cô”, các “Cậu” trên tay cầm hoặc bưng các thứ đồ vật như khay trầu, gương, lược, hoa quả… là những thứ các bà, các cô ở Việt Nam dùng thường nhật hoặc sai các con, các cháu cầm giúp, điều đó đã tạo nên một không gian đầm ấm và thanh bình. Tranh thờ Bà chúa Thượng Ngàn ở đồng bằng Bắc Bộ là một ví dụ điển hình. Như vậy có thể thấy giá trị cơ bản nhất trong tranh tượng thờ Mẫu chính là ở sự dân gian hóa các bức tranh thờ, tượng thờ ở mức độ khái quát nhất, tiêu biểu nhất để trở thành sức mạnh tâm linh, sức mạnh tinh thần cho con người. Bởi thế bất kỳ ai khi đến với các đền phủ thờ Mẫu, được chiêm bái trước tranh thờ, tượng thờ, các cảnh vật và hương sắc trong đền, phủ đều thấy rất gần gũi, ấm áp, thanh bình.
Ngoài ra, các nghi thức của tín ngưỡng thờ Mẫu cũng rất gần với các nghi thức trang trí của dân gian. Trong đền, phủ ta thấy có đủ các nón ba tầm, kiệu, võng đến các đồ dùng trong sinh hoạt thường ngày vẫn thấy trong các nhà dân Việt Nam xưa mà những người phụ nữ thường dùng như khay đựng trầu, cau, nón, quạt, ấm nước… Tất cả các đồ vật này chủ yếu được làm bằng giấy, đó là các thứ giấy tráng kim rực rỡ mà mềm mại, duyên dáng rất phù hợp với tính cách nữ. Màu sắc trong đền, phủ thường dùng các màu sặc sỡ, chủ yếu là 5 màu chính: Xanh, trắng, vàng, đỏ, đen tức “Ngũ sắc”. Năm màu này được thể hiện rõ nhất trong hình tượng Thánh Mẫu gắn với các chức năng của họ như Mẫu Thượng Thiên thường dùng y phục màu xanh, Mẫu Địa thì màu vàng… Tất cả các yếu tố ấy đều tương ứng với thuyết “Ngũ phương”, “Ngũ hành” là những thuyết mang đậm chất văn hóa của các dân tộc Á Đông. Các hình thức này giúp người ta hình dung một không gian với những vẻ đẹp của trần gian và những hình thức của đền, phủ cũng là những hình thức quen thuộc trong sinh hoạt của người nông dân trong cộng đồng Việt Nam.
Về các điệu múa được sử dụng trong các lễ hội đền, phủ thờ Mẫu cũng mang tính dân gian Việt Nam rất rõ, nhất là dạng múa của phụ nữ. Có thể chỉ là bận các áo chàm, áo mớ bảy, mớ ba và họ múa những điệu múa giống như múa chèo nhưng nhịp điệu, lời ca lại hợp với nhạc cung văn. Có những điệu múa mà người múa đội trên đầu cả một mâm hoa quả nhưng họ rất mềm mại uyển chuyển không làm rơi, đổ các thứ lễ bày trên mâm đó. Và những bước đi, nhưng nhịp điệu mềm mại, uyển chuyển của các động tác, lời ca hết sức cô đúc, nhuần nhị và gây ấn tượng hết sức mạnh mẽ của sự múa ấy lại được cung văn tấu lên các thứ nhạc có nhịp điệu vui nhộn làm cho không khí của các ngày lễ hội đền, phủ Mẫu thêm tưng bừng. Mặt khác, nếu chúng ta hiểu sâu về đạo Mẫu chúng ta sẽ tìm thấy những giá trị mang tính nhân văn tốt đẹp trong phong tục tập quán của tổ tiên ta từ xa xưa truyền lại, đồng thời góp phần ngăn chặn kịp thời những biểu hiện sai lệch tín ngưỡng thờ Mẫu và làm ảnh hưởng không tốt đến nhiều người.
Như vậy, tín ngưỡng thờ Mẫu góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đó là các phong tục tập quán có từ lâu đời từng hun đúc lên sức mạnh của nhân dân trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; là nền tảng đạo đức trong cách thức ứng xử giữa con người với con người, được thể hiện ở sự kính trọng với những người đã sinh thành ra mình, những người có công với dân, với nước. Tất cả những nghi lễ, tập tục cổ truyền tốt đẹp cần phải được giữ gìn và phát huy trong xu thế toàn cầu hóa trên mọi lĩnh vực đang phát triển nhanh, mạnh và rộng khắp nhưng không làm mất đi những giá trị văn hóa truyền thống.
S.T
Tags: Đạo Mẫu, Văn hóa Việt