Vĩ tuyến 17, ngày và đêm – bản hùng ca lịch sử

Vĩ tuyến 17, ngày và đêm có dung lượng và quy mô dàn dựng thuộc loại hoành tráng bậc nhất của phim truyện Việt Nam từ trước tới nay. Bộ phim từ lâu đã trở thành biểu tượng oanh liệt về cuộc đấu tranh giành tự do, thống nhất tổ quốc mà nhân Nam đã kiên cường tiến hành trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt.

Vĩ tuyến 17, ngày và đêm – bản hùng ca lịch sử

Các tác giả, thông qua câu chuyện đa tuyến, dung chứa nhiều tình huống kịch phức tạp, đan chéo nhau; nêu bật khí chất, phẩm cách trung kiên của cán bộ cách mạng và nhân dân yêu nước trong điều kiện hết sức ngặt nghèo, quyết liệt; qua đó giới thiệu dạng thức cùng sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân độc đáo. Nhận lãnh trách nhiệm phản ánh, phân tích, tuyên truyền cuộc chiến đấu mang tính đặc thù của giai đoạn sau hiệp định Geneve; chuyện phim trải dài theo thời gian lịch sử, chứa đựng những sách lược lớn như thực hiện “ba mũi giáp công”, “kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị”, mà “đội quân tóc dài” là sáng tạo có một không hai.

Truyện phim có cấu trúc vượt qua nguyên lý tự sự thông thường, nhưng cũng không ngả theo hướng phi tự sự đơn thuần,theo cách chỉ tập trung liên kết hệ thống các đặc trưng biểu hiện mang tính kỹ thuật. Tác giả đã chọn phương thức khác làm cơ sở thể hiện: dựa vào ý đồ tư tưởng và lập luận định sẵn để đúc kết, phản ánh, phân tích sự kiện theo tuyến thời gian. Phương thức cấu trúc này có thể giúp tác giả phim sắp xếp, triển khai hệ thống sự kiện và tình huống một cách nhất quán, chính xác, nổi bật những ý nghĩa ấp ủ. Nhưng ở phương diện khác, phương thức đó lại tạo tiền đề khiến nhân vật bị sự kiện chi phối, che lấp; hạn chế khả năng biểu hiện sinh động, sâu sắc hơn đối với nhân vật.

Được khai triển trong quy mô rộng lớn của nội dung câu chuyện, của cảnh trí và không gian– thời gian mang dấu ấn lịch sử; bộ phim tập hợp rất nhiều gương mặt nhân vật khác nhau. Trong đó, với các nhân vật trung tâm, tác giả phim đã dành nhiều công sức xây đắp, khắc họa cả dung mạo lẫn cốt cách, hình thức lẫn bản chất của từng hình tượng; tạo nên mối xung đột đối địch điển hình giữa một bên là lực lượng cách mạng yêu nước, hiện thân bởi nhân vật Dịu, với bên kia là thế lực chống đối, mà kẻ đại diện là Trần Sùng. Hai nhân vật này nổi lên, chống chọi, đồng thời nương tựa nhau; trở thành nguồn lực chính yếu thúc đẩy tính cách, tình huống phát triển, hình thành câu chuyện phim. Hình ảnh Dịu – mẫu phụ nữ Việt thời chiến, nặng lòng yêu quê hương, giàu nhân ái, đảm đang, kiên cường, được tái tạo như một điển hình tiêu biểu, rực sáng trên màn ảnh miền Bắc thời kỳ đấu tranh thống nhất nước nhà. Như một sắp đặt tối ưu, nữ diễn viên Trà Giang đã nhập vai, trở thành Dịu một cách êm ái, thuần nhất.

Nữ nghệ sĩ trẻ, trong trường hợp này, đã hòa nhập tự nhiên vào nhân vật, sống cuộc sống của nhân vật, thậm chí còn làm nổi bật những khía cạnh bản chất vốn ẩn tàng trong nhân vật bằng lối thuật diễn giản dị, chân thực, căn cơ. Trà Giang hồi ấy, mặc dù chưa đủ thời gian tích lũy phong phú kinh nghiệm sống và diễn, song với phong thái đằm thắm, tự tin và hết mình vốn có; diễn xuất của chị đã tráng lên tâm tưởng người xem lớp men mẫn nhạy, làm tích tụ và bung nở những cảm xúc đa chiều, đặc biệt trước các cảnh gây ấn tượng: sinh con trong tù, bị treo và tra tấn bằng nước, bấm bụng trao con cho người khác nuôi để tiếp tục đấu tranh… Bằng độ tinh khiết của tâm hồn nghệ sĩ, bằng bản tính chân thực đầy trách nhiệm, và có lẽ bằng cả sự hòa trộn nhuần nhuyễn giữa bản năng với tài năng; nữ nghệ sĩ trẻ như đã xuất thần trong một khuôn diễn hài hòa giữa xả thân với tiết chế; tạo nên một hình tượng vừa gần gũi, chân thực vừa cao cả, đồ sộ. Vai diễn lớn trong bộ phim này đã đưa Trà Giang lên bục vinh dự của Liên hoan phim quốc tế Matxcơva năm 1973, nhận giải nữ diễn viên xuất sắc nhất – một giải thưởng quốc tế mà cho đến thời điểm này, vẫn là duy nhất đối với diễn viên điện ảnh Việt Nam. Đối diện với nhân vật Dịu là nhân vật cảnh sát đặc trưng của bờ Nam: trung tá Trần Sùng.

Đây là một gương mặt kẻ địch đích đáng, hiện lên một cách vạm vỡ, có sức mạnh vật chất lẫn chiều sâu nội tâm. Nghệ sĩ Lâm Tới, bằng thủ pháp biểu đạt tiết chế cao độ, sử dụng phương thức diễn chậm rãi, từ tốn nhưng luôn có điểm nhấn; đã kết hợp sắc sảo nội tâm với hoàn cảnh, đặc tả nổi bật một Trần Sùng đa tính cách, nham hiểm thâm độc, lại khoác lên tấm khiên xuề xòa mị dân – một con người có hai bộ mặt, vừa mềm mại ve vuốt, vừa trơ lỳ bất chấp. Bằng lối diễn kết hợp nhuần nhị tính cách với ngoại hình, Lâm Tới đã gắn hợp tinh tế bản chất với hình hài nhân vật, tạo nên một giọng điệu biểu hiện rắn rỏi, sắc sảo riêng có. Cả hai nghệ sĩ thủ diễn hai vai trò trung tâm của bộ phim đều đã xuất sắc đi tới đích, và đều có mặt trong hàng ngũ những trụ cột xứng đáng của điện ảnh Việt Nam suốt thời gian dài sau này. Ở lớp nhân vật kế tiếp – ngoài trục trung tâm kể trên, phần lớn không được tác giả đặc biệt tập trung mổ xẻ, khắc họa như là những cá thể có mạch sống và tính cách riêng; mà nói chung, được mô phỏng thành một tập thể nhân vật với những chí hướng, khuôn mẫu cùng tính cách chung, trong đó phân ranh rạch ròi thành hai khối: ta và địch.

Phía ta, nổi lên hai hình tượng: bác cả Thuận và mẹ Đỡ. Đó là người bí thư chi bộ kiên cường, thà chịu chết thiêu chứ không đầu hàng giặc, và đó là người mẹ chịu thương chịu khó như bao bà mẹ Việt Nam khác trong đấu tranh cách mạng. Phía địch hiện lên dáng dấp của lính Vệ và đồn phó Hách, những số phận mù quáng đáng thương. Mỗi nhân vật, trong thân phận và tư thế riêng của mình,đã góp chất liệu vẽ nên bối cảnh lịch sử, hình thành những mô phỏng riêng lẻ, góp phần đúc kết hình tượng nghệ thuật của tác phẩm. Ở góc nhìn khác, như đã đề cập ở trên; từ bộ phim này có thể nhận diện một hiện tượng sáng tác- cũng là một phương pháp sáng tác có dấu ấn đặc trưng mang tính lịch sử của thời kỳ, đậm tính “chỉ định” – đặc biệt trong việc xây dựng và miêu thuật nhân vật: mỗi nhân vật quan trọng đều được tác giả cố gắng xây đắp như một khối điêu khắc hoàn chỉnh, qua đó người xem có thể dễ dàng cảm nhận thái độ, phẩm chất, tư tưởng… của nhân vật ấy,song không dễ nhận diện tâm tư, tính cách riêng biệt của mỗi con người nhân vật. Vì thế mà, trong lúc âm hưởng hùng ca từ tác phẩm dội lên dạt dào bao nhiêu, thì tính truyện và chất người trong ấy lại vơi mỏng bấy nhiêu.

Một sự hài hòa cần thiết trong bút pháp thể hiện – tựa như sự kết hợp nhuần nhị giữa ký sự với tiểu thuyết trong một tác phẩm văn học, chắc hẳn sẽ đem lại sự sinh động có khả năng làm sâu sắc hơn nữa hình tượng. Bên cạnh thành công tô đắp nhân vật Dịu – hình tượng tiêu biểu của phẩm giá phụ nữ mang bản sắc riêng của dân tộc Việt – thì một số nhân vật khác đã bị cường điệu, hoặc quá siêu phàm, hoặc quá ngờ nghệch, khiến cá tính nhân vật có phần bị san bằng, hình ảnh bị mờ nhạt. Tại trường đoạn cuối phim, khi Dịu bị binh lính ngụy bao vây, Trần Sùng đã cố kéo dài cuộc đối thoại tay đôi, dẫn đến kết cục là binh lính đã theo lời kêu gọi của Dịu, nổi lên phản kháng, giết chết chính Trần Sùng… cảnh trí này không mấy đem lại hiệu quả thuyết phục bởi có phần sắp đặt khiên cưỡng, thiếu logic khách quan.

Vĩ tuyến 17, ngày và đêm, như đã biết, được coi là một trong những tác phẩm tiêu biểu của phim truyện Việt Nam về quy mô dàn cảnh. Trong không gian rộng lớn, sự kiện diễn biến dồn dập, thôi thúc đám đông nhân vật hoạt động căng thẳng và liên tục; đòi hỏi đạo diễn khả năng bài binh bố trận hoàn hảo cùng tầm bao quát nhạy bén. Cuộc đấu tranh giữa đám đông dân chúng với cảnh sát bờ Nam với sự hỗ trợ của xe cơ giới ở trường đoạn cuối phim, là một cao trào quyết định đối với cấu trúc truyện phim, cũng là cao trào điểm nhấn trong suốt quá trình dàn dựng cảnh trí của bộ phim. Trong nhiều cảnh nhỏ, ở những không gian hẹp, không ít cảnh trí đã được dàn dựng tỉ mỉ, công phu, tô đậm ý nghĩa hoàn cảnh diễn biến sự kiện. Đó là cảnh Dịu bị tra tấn trong phòng kín, ống kính từ trên cao thu trọn cảnh tượng căng nặng, lạnh lẽo của cuộc đấu trí giữa tên đồ tể hung hãn với cô gái vừa mới sinh con. Đó còn là cảnh bác cả Thuận hiện lên như một thiên thần, điềm tĩnh nhận lấy cái chết khi bị quân thù tra tấn bằng cách thiêu sống, một cái chết mang ý nghĩa không bao giờ chết! Rồi cảnh Dịu cướp đứa con thơ bị thương, bế vượt qua sông để giành lại sự sống cho nó… Cảnh trí được lựa chọn và sắp đặt, trong các trạng huống kịch tình cụ thể, có thể nói, đều phù hợp với dụng ý mô thuật của tác giả, và gây được cảm xúc chân thực. Vào năm 1972, khi bộ phim này được thực hiện, khó khăn thiếu thốn trăm bề, thành công như thế của tác phẩm, thực sự đáng ghi nhận.

Phù hợp với mục tiêu ca ngợi, tuyên truyền khí phách tất thắng và sự chính nghĩa của cuộc đấu tranh chống bạo lực, chia cắt lâu dài đất nước; các tác giả bộ phim, bằng phương pháp biểu đạt của mình, đã đạt mục tiêu trong nghệ thuật thiết lập hệ thống hình ảnh mang tính năng biểu tượng đa nghĩa, khơi gợi liên tưởng đa cấp độ. Ngay tựa đề tác phẩm: Vĩ tuyến 17, ngày và đêm cũng mang hàm ý về tính chất lâu dài, liên tục mà vùng đất vĩ tuyến 17 phải dấn thân trong cuộc đấu tranh; đồng thời còn làm nổi lên một ám chỉ có tính tượng trưng giữa sáng với tối, giữa chính nghĩa với phi nghĩa, giữa thiện lành với ác độc. Một cách tổng quát, bộ phim đã hướng tới và đạt hiệu quả cao trong mục tiêu xây đắp tượng đài của chủ nghĩa anh hùng cách mạng nhân dân trong một thời kỳ đặc biệt của lịch sử.

Phong cách tạo hình của phim mang đậm đấu ấn tài liệu. Ống kính máy quay linh hoạt bám sát bao cảnh tượng dồn dập diễn ra, đầy ắp tư liệu thời sự. Kết hợp những cảnh toàn rộng lớn với hàng loạt cảnh gần, mô tả chi tiết sự kiện; câu chuyện phim được thuật kể sinh động, cụ thể, tạo sức lôi cuốn mạnh. Cạnh đó, các tác giả cũng tạo ra một số khoảng lặng làm cân bằng cảm xúc, khi điểm xuyết vào bức tranh hừng hực lửa tranh đấu những cảnh sinh hoạt đời thường thân thương, với bếp lửa gia đình ấm cúng, khung trời quê hương xanh thẳm, cánh buồm nâu lộng gió, hoặc với cảnh họp chi bộ trên những chiếc thuyền thúng, lênh đênh thơ mộng và độc đáo giữa biển nước…. Được tác giả dày công tô dựng , hình tượng tác phẩm hiện hình nổi bật; tư tưởng tác phẩm lan tỏa, tác động khá mạnh mẽ và tích cực đối với người xem. Song, một cách toàn diện hơn, tiếc rằng, trong nhịp tiến triển dồn dập của hàng loạt sự kiện nóng bỏng, đã thiếu vắng thủ thuật làm chùng giãn cần thiết, nhằm tập trung khắc họa nhân vật chi tiết hơn để có thể tạo độ thấm sâu về thân phận con người,từ đó tác động tư tưởng sâu sắc và thuyết phục hơn. Mặt khác, dù biết rằng độ dài của phim tùy thuộc vào quy mô dung lượng được đề cập, vẫn nhận thấy câu chuyện phim chưa được cô đúc chặt chẽ, dẫn đến hiện tượng trùng lặp và kéo dài ở một số trường đoạn, nhất là ở tập II.

Vĩ tuyến 17, ngày và đêm, được xem như pho chính luận bằng hình ảnh về tâm lý – chính trị của thời kỳ đấu tranh thống nhất nước nhà, thuộc hàng các tác phẩm nghệ thuật điện ảnh tiêu biểu.

https://www.youtube.com/watch?v=Do2BYqLlX-0

———————————————–

Thông tin về phim Vĩ tuyến 17, ngày và đêm:

Xưởng phim Truyện Việt Nam sản xuất năm 1972. Phim đen trắng dài 2 tập.

– Kịch bản: Hải Ninh – Hoàng Tích Chỉ
– Đạo diễn: Hải Ninh
– Quay phim: Nguyễn Xuân Chân
– Họa sĩ: Trịnh Thái
– Nhạc sĩ: Hoàng Vân
– Diễn viên: Trà Giang vai Dịu, Hồ Thái vai Thạch, Lâm Tới vai Trần Sùng, Đoàn Dũng vai Vệ, Lại Phú Cương vai Bác cả Thuận
– Giải thưởng:
Giải của Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới
Giải nữ diễn viên xuất sắc dành cho Trà Giang tại Liên hoan phim Quốc tế Matxcơvalần thứ VIII, năm 1973

TÓM TẮT NỘI DUNG:

Cuộc chiến chống thực dân Pháp kết thúc.Thực hiện Hiệp định Geneve, lực lượng hai phía tập kết về hai bên Nam và Bắc sông Bến Hải, nơi được xác định là vĩ tuyến chia cắt tạm thời trong 2 năm. Thạch cùng đơn vị chuyển quân ra Bắc; trong lúc Dịu, vợ anh, ở lại bờ Nam. Chính quyền phía Nam tăng cường đàn áp, cố dập tắt phong trào đấu tranh đòi triệt để thi hành hiệp định hòa bình của dân chúng. Với bản tính yêu nước và kiên cường bất khuất trước kẻ thù, trong quá trình đấu tranh gian nan một mất một còn, Dịu dần trở thành hạt nhân. Sau khi bác cả Thuận, bí thư chi bộ Đảng địa phương hy sinh, Dịu gánh trên vai trọng trách lãnh đạo phong trào. Sức mạnh đoàn kết của đông đảo quần chúng- chủ yếu từ lực lượng nữ, đã được tập hợp và phá tan mọi kế hoạch kềm kẹp của địch; vùng lên tiêu diệt địch bằng đấu tranh vũ trang, kết hợp tài tình với đấu tranh chính trị.

Theo THẾ GIỚI ĐIỆN ẢNH

Tags: , ,