Cảm xúc trong nghệ thuật dưới góc nhìn của tâm lý học nghệ thuật

Tâm lý học và Nghệ thuật là hai lĩnh vực nghiên cứu độc lập, song sự kết hợp hai thuật ngữ này đã tạo nên một khoa học mới “Tâm lý học Nghệ thuật”… để xem xét các mối quan hệ bên trong giữa tâm lý của người sáng tạo và của những người thưởng thức tác phẩm nghệ thuật.

Cảm xúc trong nghệ thuật dưới góc nhìn của tâm lý học nghệ thuật

Những nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà Tâm lý học cho chúng ta một bức tranh khác biệt hơn về các điều kiện tâm lý bảo đảm cho hiệu ứng nghệ thuật. Rất nhiều quy luật nghệ thuật được nhìn nhận đều cùng lúc bao hàm quy luật của Tâm lý học. Bài viết dưới đây sẽ phân tích về cảm xúc trong nghệ thuật dưới góc nhìn của Tâm lý học Nghệ thuật.

Đối tượng nghiên cứu của Tâm lý học Nghệ thuật

Tâm lý học nghệ thuật nghiên cứu những điều kiện bên trong và bên ngoài của quá trình sáng tạo và tiếp thu nghệ thuật một cách tích cực nhằm phát hiện ra toàn bộ các cơ chế vận hành của nghệ thuật. Do đó việc tìm hiểu nhân cách người nghệ sĩ, những cơ sở tâm lý học của thành quả nhận thức khoa học, của quá trình sáng tạo nghệ thuật, của việc tiếp nhận nghệ thuật và ảnh hưởng của nghệ thuật đối với sự phát triển nhân cách có ý nghĩa đặc biệt.

Trong các điều kiện ảnh hưởng đến quá trình sáng tác của người nghệ sĩ, cảm xúc được đánh giá là yếu tố cốt lõi, là nhân tố trung tâm quan trọng hơn cả tri giác. Theo Ribớt, nhà Tâm lý học người Pháp: Cảm xúc của người nghễ sĩ luôn luôn tuôn trào khi họ đứng trước một sự vật, một con người, một sự kiện tồn tại trong thế giới hiện thực và có liên quan ít nhiều đến họ. Tư chất đầu tiên và cơ bản đòi hỏi phải có ở người sáng tác là một tâm hồn giàu xúc động, đã là người ai cũng có những yêu, ghét, hờn giận, vui buồn… nhưng ở người nghệ sĩ điều này trở nên đặc biệt, dễ xúc động, dễ nhạy cảm. Như thế muốn có nghệ thuật trước hết người sáng tác phải có tình cảm nồng nàn, cảm xúc mãnh liệt. Puskin cũng cho rằng: Ý chí, lí tính sẽ bất lực nếu người nghệ sĩ thiếu cảm xúc ngập tràn tâm hồn. Thậm chí H.Ibsen, nhà văn Na Uy còn khẳng định: Khả năng biết đau khổ là phẩm chất cần có của nghệ sĩ thiên tài. Cảm xúc mãnh liệt góp phần tạo nên cảm hứng sáng tác giúp các nghệ sĩ có khả năng tập trung cao độ, tưởng tượng sáng tạo có hiệu quả.

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW là những đối tượng có năng khiếu về nghệ thuật, nhạy cảm với cái đẹp, tinh tế trong cách cảm thụ hiện thực khách quan. Chính các em sẽ là những người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm nghệ thuật, cảm nhận, phát hiện, khám phá và chiếm lĩnh bản chất thẩm mĩ của tác phẩm nghệ thuật, Bên cạnh đó sinh viên sư phạmTrường ĐHSP Nghệ thuật TW sẽ là người trực tiếp, đồng thời bồi dưỡng mĩ cảm phong phú, tinh tế, độc đáo cho học sinh. Do đó việc nuôi, dưỡng, bồi đắp những xúc cảm, suy ngẫm, tưởng tượng, “nhập thân” vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm là hết sức cần thiết.

Vì vậy, nhà trường luôn chú trọng tới việc làm thế nào để phát huy cao nhất năng lực sáng tạo nghệ thuật, giúp sinh viên phát triển trí tuệ và các năng lực riêng biệt, được bộc lộ bản thân và những quan điểm thẩm mỹ, nâng cao tính độc lập và hứng thú học tập. Nhà trường đã đưa vào chương trình đào tạo mônTâm lý học Nghệ thuật, qua đó giúp sinh viên có thể hiểu một cách cơ bản cơ chế tâm lý của quá trình sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật, từ đó hình thành động cơ và vận dụng trong học tập, sáng tạo nghệ thuật.

Cảm xúc trong nghệ thuật

Cảm xúc là một trạng thái cảm nhận liên quan đến suy nghĩ, sự thay đổi về sinh lý và một biểu hiện (hoặc hành vi) ra bên ngoài. Cảm xúc còn là một hình thức trải nghiệm cơ bản của con người về thái độ của chính mình đối với sự vật, hiện tượng của hiện thực khách quan, với người khác và với bản thân. Sự hình thành cảm xúc là một điều kiện tất yếu của sự phát triển con người như là một nhân cách.

Cảm xúc trong nghệ thuật là trạng thái rung động của con người đối với nghệ thuật, là sự cảm nhận cái đẹp khách quan với cái đẹp chủ quan, qua đó làm nảy sinh nhu cầu biểu đạt cái đẹp. Cảm xúc trong nghệ thuật chỉ có thể tồn tại trong một số hình thức xác định, và ngược lại, tác phẩm nghệ thuật thể hiện cảm xúc một cách biểu tượng. Vì vậy, tác phẩm nghệ thuật không thể tồn tại nếu thiếu cảm xúc và ngược lại. Nghệ thuật không có gì chung với thực tế, không gian vật chất và thời gian. Nhờ khả năng trừu tượng hoá của mình, nghệ thuật biến đổi không gian và thời gian thực thành không gian và thời gian “ảo”, tức là ảo ảnh, tưởng tượng. Sẽ là một sai lầm nếu cho rằng trong một tác phẩm nghệ thuật chỉ thể hiện cảm xúc thực. Nghệ thuật sử dụng cảm xúc dưới dạng phương tiện biểu hiện và do đó cho thấy đối tượng sống động như đang trong quá trình tự thực hiện, tất cả những gì người nghệ sĩ miêu tả hay đúng hơn là được tái hiện một cách sinh động, đều là những điều đã được cả người khác trải qua vô số lần, hoặc đúng y như thế, hoặc gần như thế, song chỉ có một số ít người có khả năng truyền đạt sự thể nghiệm của mình như một hồi tưởng về một điều có thật, làm thỏa mãn được chúng ta bằng sự phác họa hình ảnh sâu sắc, trung thực. Khả năng này ở người nghệ sĩ cần được đánh giá như một trong những đặc điểm cố hữu của tài năng, một trong những phẩm chất quý báu tạo thành bản thân tài năng nghệ sĩ.

Nghiên cứu cảm xúc liên quan đến việc sáng tạo nghệ thật và cảm thụ nghệ thuật, ngay cả trong thời cổ đại đã cho thấy vai trò quan trọng của hiện tượng “phấn chấn”. Hiện tượng này cho phép: thứ nhất là để giới hạn các “cảm xúc” thường nhật với các chấn động cảm xúc tạo nên bởi sự tiếp xúc với tác phẩm nghệ thuật; thứ hai là để phát hiện mối quan hệ bên trong giữa tâm lý của người sáng tạo và của những người thưởng thức tác phẩm nghệ thuật; thứ ba là chỉ ra sự tác động của chúng đối với cá nhân không chỉ trong bình diện nhận ​​thức nghệ thuật thực tế, mà còn là sự chuyển đổi nền tảng sâu sắc mối quan hệ của cá nhân đối với thực tiễn, đối với những người khác và đối với chính mình.

Trong nghệ thuật tồn tại nhiều dạng cảm xúc khác nhau:

Cảm xúc “biểu hiện tự tôi” – cảm xúc tự tôi: là cảm xúc cá nhân của người nghệ sĩ. Nghệ thuật thuộc về bản thân người nghệ sĩ, giá trị nghệ thuật nằm ở chỗ cảm xúc cá nhân của người nghệ sĩ đó có được biểu lộ một cách trọn vẹn hay không. Nghệ thuật chỉ có biểu hiện một cách trọn vẹn cảm xúc của nghệ sĩ thì cảm xúc của tác phẩm nghệ thuật mới chân thành và chân thực, mới có thể cảm động lòng người, tìm được sự cộng hưởng từ người khác.

Cảm xúc “biểu hiện nhân loại” – cảm xúc nhân loại: cảm xúc của người nghệ sĩ không chỉ là cảm xúc riêng của cá nhân mình mà thông qua tác phẩm nghệ thuật lại đem đến cho người hưởng thụ nghệ thuật những cảm xúc mới, tức là đem đến cho đối tượng của mình, đối tượng của nghệ thuật những cảm xúc mới. Tônxtôi L.N nói “Sự hoạt động của nghệ thuật chính là dựa trên cái khả năng của những người này bị lây cảm xúc của người khác… Những cảm xúc hết sức đa dạng, rất mạnh mẽ và yếu ớt, rất có ý nghĩa và rất nhỏ nhặt, rất xấu xa và rất tốt đẹp, chỉ cần chúng lây lan sang được độc giả, khán giả, thính giả tức là đã làm nên đối tượng nghệ thuật…” (Tônxtôi L.N. thư gửi -N.N Xtrakhốp ngày 23/4/1876), đó là sự lây lan cảm xúc, các cảm xúc ấy lây lan từ người này sang người khác và nhờ có sự lây lan cảm xúc này thông qua nghệ thuật mà con người gần gũi nhau hơn. Rồi từ cảm xúc mới đó của họ đã giúp họ có sự đánh giá, nhìn nhận sự vật, sự kiện khách quan hơn, và nó được coi như công cụ thúc đẩy sự phát triển của xã hội loài người.

Như vậy, để nghệ thuật có thể lay động được lòng người thì người nghệ sĩ nhất thiết phải tìm được điểm tiếp xúc, điểm trùng hợp, điểm kết hợp giữa cảm xúc tự tôi và cảm xúc nhân loại, làm cho hai loại cảm xúc này được dung hòa thành một thể thống nhất. Không có cảm xúc nghệ thuật cũng đồng nghĩa không có sự sáng tạo nghệ thuật. Ở người nghệ sĩ, cảm xúc góp phần làm nên sự khác nhau giữa tài năng này với tài năng khác, cho dù họ có giống nhau về tư tưởng và quan điểm nghệ thuật..

Có thể nói, cảm xúc có vai trò to lớn trong mọi hoạt động nghệ thuật. Trong hoạt động sáng tạo thì cảm xúc chính là động lực mạnh mẽ thôi thúc người nghệ sĩ sáng tạo. Cảm xúc có trong mọi giai đoạn của quá trình sáng tạo nghệ thuật. Việc nghiên cứu cảm xúc qua các thử nghiệm, phương án khác nhau đến kết quả cuối cùng cho phép chúng ta phân tích các yếu tố tâm lý của người nghệ sĩ, từ đó làm sáng tỏ vai trò của các yếu tố cá nhân trong việc phát triển các giá trị thẩm mỹ. Những khía cạnh này đã xác định được vấn đề chính của Tâm lý học Nghệ thuật, đó là nghiên cứu các đặc điểm cụ thể để xây dựng hình ảnh cảm xúc cá tính mà chúng được tạo ra bởi sự kết nối cá tính, đưa nó vào quá trình sáng tạo và nhận thức các giá trị thẩm mỹ; phân tích sự nhận thức nghệ thuật giống như hình thức đồng sáng tạo trong các giai đoạn phát triển cá thể khác nhau và ở đội ngũ khán giả khác nhau (người đọc, người nhận); ảnh hưởng của nghệ thuật đối với các định hướng hành vi của chủ thể cũng như thế giới quan của nó.

Theo NGUYỄN QUỲNH TRANG / SPNTTW.EDU.VN

Tags: ,