Studio Ghibli – huyền thoại của nền công nghiệp phim hoạt hình Nhật Bản

Ghibli được ví như giấc mơ của anime Nhật Bản, sáng lập bởi những nghệ sĩ tài năng và vô cùng tâm huyết với anime là Hayao Miyazaki và Isao Takahata. Mặc dù bắt đầu sự nghiệp và sau đó trưởng thành từ việc làm những bộ phim anime cho truyền hình, nhưng hai đạo diễn Hayao Miyazaki và Isao Takahata lại quyết tâm hướng hãng phim Ghibli của mình chỉ tập trung vào những bộ phim truyện dài hoạt hình chiếu rạp.

Năm 1937, hãng Walt Disney công chiếu bộ phim Nàng Bạch tuyết và bảy chú lùn, bộ phim truyện hoạt hình đầu tiên thế giới. Đây là cột mốc quan trọng của lịch sử điện ảnh, đánh dấu việc phim hoạt hình được nhìn nhận ngang tầm với phim người đóng và hãng Walt Disney cũng trở thành tượng đài trong thế giới phim hoạt hình.

Tuy nhiên, sau sự ra đời bộ phim Nàng Bạch tuyết và bảy chú lùn, nhiều hãng phim của các nước Tây Âu hay châu Á cũng tham gia sản xuất phim truyện hoạt hình, nhưng không có được ảnh hưởng sâu, rộng như những bộ phim hoạt hình điện ảnh của Disney. Mọi chuyện bắt đầu đổi khác vào đầu những năm 1960, khi Siêu nhí Atom từ truyện tranh Nhật Bản bước vào thế giới phim hoạt hình trong series truyền hình trắng đen do hãng Mushi sản xuất. Với đôi mắt to tròn đầy biểu cảm, Siêu nhí Atomtrở thành tiêu chuẩn cho một thể loại hoạt hình mới và nổi tiếng toàn thế giới tên là anime. Anime là từ vay mượn của tiếng Pháp (animé) có nghĩa là hoạt hình, nhưng thuật ngữ này dùng riêng cho những phim hoạt hình sản xuất tại Nhật Bản hay với phong cách Nhật Bản. Ngày nay, anime đã thành thuật ngữ quốc tế, biểu thị một dòng phim hoạt hình được yêu thích ở nhiều nước trên thế giới.

Hãng phim nổi tiếng chuyên làm phim truyện anime, được coi là Walt Disney của Nhật Bản, là hãng phim hoạt hình Ghibli. Các bộ phim của Ghibli không chỉ tạo ra những cơn sốt phòng vé tại Nhật, mà còn thắng lớn tại những thị trường điện ảnh khắc nghiệt như Mỹ. Ghibli là nhà sản xuất phim truyện hoạt hình Vùng đất những linh hồn (2001), một bộ phim không nói tiếng Anh duy nhất nhận được giải thưởng Oscar cho phim truyện hoạt hình hay nhất năm 2002. Theo bảng xếp hạng của trang web dữ liệu điện ảnh uy tín IMDB, có tới 5 tác phẩm của hãng Ghibli nằm trong top 10 phim hoạt hình hay nhất mọi thời đại.

Không có gì ngạc nhiên khi một bộ phim hoạt hình Nhật Bản gặt hái thành công tại chính quê hương. Nhưng sẽ là điều thần kỳ khi một bộ phim Nhật, nói tiếng Nhật lại có thể làm mưa làm gió trên thế giới. Điều gì đã khiến những tác phẩm phim truyện hoạt hình của hãng Ghibli có được thành công đó? Hai đạo diễn phim hoạt hình nổi tiếng Hayao Miyazaki và Isao Takahata, những người sáng lập ra Ghibli đã làm thế nào để phim của hãng không bị nhầm lẫn với phim hoạt hình của các nước châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc? Làm sao để tác phẩm điện ảnh của hãng được chấp nhận và chào đón ở nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới?

Những điều làm nên thành công của hãng Ghibli

Ngoài việc phát huy và kế thừa những giá trị khác biệt mà anime đã đạt được qua thời gian, chính cách làm khác của hãng cũng như sự khác biệt của đạo diễn Hayao Miyazaki đã khiến phim anime của Ghibli đạt được nhiều thành tựu.

Luôn hướng đến trẻ em.

Hayao Miyazaki từng nêu quan điểm “Hoạt hình nên là một hình thức giải trí, và mục đích của nó là phục vụ trẻ em. Đó là điều tôi luôn tâm niệm” (1). Hayao Miyazaki luôn trung thành với quan điểm của mình. Các bộ phim của ông trước hết mang tính giải trí cao với cốt truyện hấp dẫn, lôi cuốn. Không một bộ phim nào nặng nề hay mang những thông điệp khó hiểu. Ngay cả bộ phim có vẻ triết lý, mang tinh thần phản chiến như Lâu đài của Howl cũng dễ xem với những tình tiết, nhân vật đáng yêu và kết thúc tuyệt vời. Nhưng tất nhiên, Hayao Miyazaki không bao giờ làm phim để giải trí hay thư giãn thuần túy. Phương châm làm phim của ông là “Tôi không bao giờ cố làm những bộ phim mua vui cho trẻ em, tôi làm những bộ phim mà tôi nghĩ rằng tôi sẽ muốn xem khi còn nhỏ, hoặc tôi tin rằng con cái của tôi muốn xem những bộ phim như thế” (2) Thực ra, quan niệm mua vui Hayao Miyazaki dùng ở đây ám chỉ thế giới anime trên truyền hình lúc bấy giờ của Nhật Bản. Hayao Miyazaki thường phàn nàn về sự thất vọng với ngành công nghiệp anime, niềm tự hào của Nhật Bản. Ông cho rằng anime trên truyền hình đã bị thương mại hóa. Quanh quẩn chỉ là mấy đề tài về robot, chiến tranh không gian, những siêu nhân biến hình hoặc yêu đương phù phiếm. Chúng có tính giải trí cao, nhưng không dạy bất cứ điều gì hay giúp tâm hồn con trẻ tìm được ý nghĩa cuộc sống. Với Hayao Miyazaki, ông muốn làm những bộ phim “khuyến khích những đứa trẻ tự lập hơn, những bộ phim mang thông điệp tích cực đến những đứa trẻ đang cảm thấy mất dần niềm tin trong cuộc sống” (3).

Và tất nhiên, Hayao Miyazaki không bao giờ làm những bộ phim giáo điều hay mang đầy tính bài học, dọa dẫm. Ông cho rằng cuộc sống bản thân nó đã quá mỏi mệt, một đứa trẻ cần bảo toàn tâm hồn trong trẻo của nó. “Tôi sẽ không bao giờ làm những bộ phim mang thông điệp các con hãy tuyệt vọng và chạy cho xa vào mà thay vào đó là những bộ phim để các em cảm thấy thật tốt khi được sống ở trên đời”.

“Thay vì dạy dỗ cho trẻ em những vấn đề phức tạp và mệt mỏi của cuộc sống, tôi chỉ muốn chúng lớn lên thật lành mạnh. Tôi muốn làm những bộ phim khuyến khích những đứa trẻ tin vào cuộc sống tốt đẹp” (4).

Có thông điệp và mục đích rõ ràng

Trước khi quyết định làm phim, Hayao Miyazaki luôn biết mình sẽ gửi thông điệp gì, gửi như thế nào trong một bộ phim. Đó không phải thông điệp kiểu chúng ta hãy chung tay bảo vệ môi trường hay hãy cố gắng làm con ngoan trò giỏi. Thông điệp trong những bộ phim của ông không bao giờ phát ra trong thoại của nhân vật, mà luôn để người xem tự cảm nhận. Nếu với Totoro, ông muốn làm một bộ phim “vui vẻ, dễ chịu mà sau khi xem xong, khán giả sẽ ra về với nụ cười trên môi cùng tâm lý thoải mái, hạnh phúc” (5), thì khi xem phim, khán giả sẽ cảm nhận chính xác những điều đó. Hay như Laputa, ngay từ đầu Hayao Miyazaki đã chỉ ra rằng “đây là bộ phim dành cho trẻ em tiểu học, một bộ phim sẽ khiến các em thực sự thích thú. Pazu (tên tắt của Laputa) sẽ tràn ngập tiếng cười và nước mắt, sự chân thành, những tình cảm ngọt ngào và sự hy sinh – những thứ mà giới trẻ ngày nay thấy hoài nghi nhưng thực ra ẩn sâu trong lòng họ lại vô cùng thèm muốn. Bộ phim kể câu chuyện về một cậu bé quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình được làm với một cách dẫn dắt câu chuyện thật sự dễ hiểu và hấp dẫn với khán giả trẻ” (6).Một bộ phim khiến ta cảm phục trước sự kiên trì của Pazu, cảm động khi thấy những tình cảm tốt đẹp giữa người với người, và thót tim với nhiều pha hành động gay cấn không kém phim hành động bom tấn của Mỹ.

Cách chọn, xác định thông điệp cũng như mục đích rõ ràng khiến phim của Hayao Miyazaki luôn có chiều sâu. Điều này làm cho nhiều phim anime của Ghibli đôi lúc được đánh giá cao về mặt nội dung hơn cả những bộ phim Disney.

Hình ảnh đẹp

Phim của Ghibli vốn nổi tiếng vì hình ảnh đẹp được vẽ bằng tay. Có thể nói Hayao Miyazaki là họa sĩ truyền thống, ông căm ghét việc vẽ bằng máy tính hay dùng kỹ xảo, bởi chúng làm mất đi giá trị của những bộ phim hoạt hình. Mặc dù từ phim Công chúa Mononoke, Hayao Miyazaki cũng chấp nhận sử dụng đồ họa và đổ màu bằng máy tính trong một số cảnh, nhưng ông làm vậy chỉ để tiết kiệm thời gian khi sắp đến hạn cuối phim ra mắt. Phần lớn các tác phẩm của hãng Ghibli đều được vẽ bằng tay.

Không chỉ chăm chút cho cốt truyện hấp dẫn và thông điệp sâu sắc, Hayao Miyazaki đặc biệt khó tính về hiệu quả hình ảnh của phim. Hayao Miyazaki thường tự mình xem tất cả các cảnh phim và đích thân chỉnh sửa từng chi tiết. Thậm chí khi cần, ông còn đòi thay đổi cả phông nền của từng cảnh. Ví như cảnh Ashikata nhảy lên mái nhà đuổi theo San trong bộ phim Công chúa Mononoke. Vì San nhẹ và nhanh hơn nên cô bé lướt trên mái nhà nhẹ nhàng, vì thế khi thực hiện cảnh này, họa sĩ không cần phải động đến phông nền mà chỉ vẽ động tác. Nhưng với Ashikata thì khác. Anh nặng hơn nên khi nhảy lên mái nhà, Hayao Miyazaki muốn mái ngói ở vị trí chạm chân của Ashikata bị vỡ vụn, và như vậy là họa sĩ sẽ phải can thiệp cả vào phông nền cho từng cảnh. Hayao Miyazaki vô cùng cầu kỳ với phần hình ảnh trong bộ phim của mình. Chính vì thế, mỗi bộ phim của hãng Ghibli do Hayao đạo diễn đều là những bữa tiệc của thị giác. Bộ phim nào cũng có những khung cảnh đẹp như tranh vẽ hoặc các trường đoạn hoành tráng đến nghẹt thở như đoạn chiến đấu của robot trong Laputa, đàn Ohmu tấn công vào thung lũng hay cảnh chiến tranh khói lửa của Lâu đài của Howl. Vì vậy, phim của Hayao Miyazaki luôn được coi là đỉnh cao của anime.

Xây dựng nhân vật gần gũi, thân thiết với người xem

Hayao Miyazaki luôn đưa những nhân vật nữ làm tâm điểm. Có thể nói, nhân vật nữ trong phim của hãng Ghibli là các cô bé hoặc cô gái trẻ bình thường, dễ dàng tìm thấy trong cuộc sống. Một cô công chúa mê thiên nhiên và thích bay lượn trong Nausicaa; một cô gái mồ côi không có tài năng ngoài việc sở hữu viên đá thần trong Laputa; Chihiro cũng chỉ là một học sinh và Sophie, cô gái làm mũ quản lý một xưởng mũ nhỏ bé… Tất cả đều không có gì xuất chúng hay nổi bật, nhưng đều trở thành anh hùng đúng nghĩa trong câu truyện của mình. Hành trình của mỗi nhân vật khác nhau, nhưng cùng chung một điểm: họ có tâm hồn trong sáng, mục đích sống tốt đẹp và cố gắng hết sức vì những điều tin tưởng. Góc nhìn mới về siêu anh hùng kiểu hang phim Ghibli khác hẳn với những nền văn hóa khác, đặc biệt là văn hóa Mỹ, nơi mà anh hùng được hiểu là người có sẵn năng lực đặc biệt với nhiệm vụ đi cứu thế giới.

Cách viết kịch bản độc đáo

Tên Hayao Miyazaki được đặt ở phần biên kịch của bộ phim, nhưng thực chất ông chưa bao giờ viết một kịch bản nào. “Tôi chưa bao giờ học biên kịch và tôi cũng chưa bao giờ có ý định nghiên cứu các kịch bản ngoài những kịch bản tôi dự định làm. Mà thực ra, ngay cả với những dự án của mình, tôi chỉ đọc lướt qua kịch bản và để phần lớn những việc còn lại cho trí tưởng tượng và cảm xúc” (7). Hayao Miyazaki quan niệm kịch bản chỉ như bản nháp của ý tưởng, quan trọng là từ ý tưởng đó, ta sẽ thêm thắt, phát triển câu chuyện thế nào để trở thành bộ phim hoàn chỉnh. Hayao Miyazaki phản đối việc họa sĩ phải vẽ theo kịch bản của biên kịch, theo ông, phim hoạt hình không giống với điện ảnh, người họa sĩ luôn có trí tưởng tượng riêng cho câu chuyện của mình. Đôi khi nhà biên kịch viết ra câu chuyện hay, nhưng lại khó thực hiện trên phim hoạt hình, còn người họa sĩ, họ có thể hình dung kịch bản một cách trực tiếp bằng hình ảnh, và vì thế Hayao Miyazaki thường bỏ qua giai đoạn viết kịch bản mà đi thẳng vào vẽ phân cảnh cho bộ phim. Ông nắm được cốt truyện, gạch đầu dòng những thứ quan trọng hay nút thắt của kịch bản và sau đó vẽ luôn phân cảnh cho từng bộ phim. Vừa dựng phân cảnh, ông và Isao Takahata vừa chỉnh sửa cho đến khi ưng ý với đường đi của câu chuyện. Được tự mình quyết định về kịch bản, những bộ phim của Hayao Miyazaki mặc dù phức tạp, nhiều phân đoạn, nhưng câu chuyện lại có tiết tấu nhanh, chặt chẽ, hấp dẫn, chuyển tải được nhiều thông điệp. Không chỉ với kịch bản gốc, ngay cả chuyển thể một tác phẩm cũng được Hayao Miyazaki làm theo cách này.

Hayao Miyazaki quan niệm để có kịch bản thành công “người viết kịch bản phải nắm rõ được anh ta muốn gì ở bộ phim. Đường đi của câu truyện phải đơn giản và rõ ràng như một thân cây vững chãi. Những gì khán giả thấy được là ngọn cây với cành lá xum xuê đẹp mắt. Nhưng điều quan trọng là cái cây đó phải có bộ rễ ăn sâu và một thân cây đủ chắc chắn để làm chỗ dưạ cho cành và lá. Những thứ khác như hoa, quả hay đồ trang trí thì ai cũng có thể đóng góp được. Một kịch bản xuất sắc là một cái cây mà ở đó có những tán lá xum xuê và cả những chú côn trùng đậu trên lá” (8).

Quan điểm làm phim và cách thực hiện những bộ phim của Hayao Miyazaki và Isao Takahata đã tạo ra nhiều tác phẩm anime khác biệt. Họ dùng sự nhiệt huyết, đam mê cùng những suy nghĩ, quan điểm tích cực và tài năng để làm những bộ phim tuyệt đẹp về tạo hình, hoản hảo về nội dung, khiến khán giả khắp thế giới đều đồng cảm và yêu thích.

_______________

Chú thích:

1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8. Hayao Miyazaki, Starting Point 1979 – 1996, VIZ Media, USA, 2009, tr.49, 50, 51, 109, 255, 252, 58, 73.

Theo TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ THUẬT

Tags: , , ,