Dấu ấn Champa trong âm nhạc truyền thống Nhật Bản

Ít người biết Phật Triết – tăng sĩ Champa được suy tôn là tông sư của Gagaku hay Nhã nhạc Nhật Bản, đặc biệt với loại vũ nhạc gọi là Rinyugaku hay Lâm Ấp Nhạc (Lâm Ấp vốn là tên gọi Champa theo sử sách Trung Quốc từ thế kỉ 2), mang sắc thái Phật giáo và Ấn giáo của Chiêm Thành trong biên chế nhã nhạc cung đình.

Dấu ấn Champa trong âm nhạc truyền thống Nhật Bản

Tác giả: Nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng.

Năm 736, sử kí Nhật Bản công nhận sự du nhập âm nhạc Đông Dương, chủ yếu từ Champa do tăng sĩ Phật Triết truyền vào Nhật Bản. Phật Triết (âm Nhật là Buttetsu) sang Nam Ấn học với cao tăng Bồ Đề Tiên Na (Bodhisena), sau đó cả hai du hành sang Trung Quốc truyền đạo. Tới năm 736, Phật Triết và thầy qua Nhật Bản thể theo thỉnh cầu của các vị tăng của xứ này, họ trú ở Đại An Tự và Đông Đại Tự, và ở đó truyền dạy cho tới khi qua đời.

Nhã nhạc Nhật Bản hay Gagaku được truyền nhập chủ yếu bắt đầu từ thế kỉ 8 thời Nara (Nại Lương), lên đến cực thịnh giữa những thế kỉ 9 đến 11 trong thời Heian (Bình An). Năm 752,  trong ngày lễ lịch sử và trọng đại là Đại Hội Khai Nhãn Tượng Đại Phật Như Lai tại Đông Đại Tự (Tôdai-ji) do cao tăng Bồ Đề Tiên Na chủ trì buổi lễ và làm khai nhãn đạo sư. Triều đình muốn cử hành lễ cúng dường vào dịp này để đánh dấu 200 năm Phật giáo du nhập vào Nhật Bản, chùa Đông Đại Tự mời tới 25 ngàn tăng lữ ngoại quốc tới tham dự đại lễ, chủ yếu từ Đông Dương (gồm các nước Đông Nam Á) và Ấn Độ. Vào dịp này, trước sự hiện diện của Hoàng đế và tất cả bá quan văn võ, trong lễ khai mạc Phật Triết là nhạc sư truyền thụ và cúng dường bằng Lâm Ấp Nhạc với những vũ điệu như Bồ Tát, Bạt Đầu, Bội Lư… Nhạc Lâm Ấp cũng được diễn tấu trong những sự kiện quan trọng, các buổi khánh yến của triều đình,… Vào năm 809, đã chọn ra ban nhạc công từ xứ Lâm Ấp ở Đại An Tự lên tới 107 người.

Những vũ điệu do Phật Triết truyền dạy được khai triển thành Nhã nhạc, qua sự cải cách thành 8 khúc gọi là Lâm Ấp Bát Nhạc, có thể liệt kê: 1) Bosatsu/Bồ Tát; 2) Karyobin/Ca Lăng Tần ; 3) Ryô-ô/Lăng Vương hoặc Long Vương; 4) Anma /An Ma Nhị Vũ, 5) Bairo/Bội Lư; 6) Bato/Bạt Đầu, phối hợp với vũ khúc khác là Hoàn Thành Nhạc còn gọi là Kiến xà nhạc; 7) Koinju/Hồ Ẩm Tửu; và 8) Manjuraku/Vạn Thu Nhạc. Dưới đây, ta hãy lướt qua từng vũ khúc trong Lâm Ấp Bát Nhạc.

Vũ điệu thứ nhất là Bồ Tát, nay còn dấu vết ở vũ điệu Bồ Tát đeo mặt nạ ngày nay còn thấy trong những lễ rước cúng dường ở các chùa, đặc biệt tại Đương Ma Tự (Taima-dera) ở Nara.

Vũ khúc thứ hai là Ca Lăng Tân, được cho là xưa vũ chung với khúc Bồ Tát sau này được tách ra. Ca Lăng Tần Già (phiên âm từ tiếng Phạn), là tên một loài chim quý của Ấn Độ có tiếng hót tuyệt hay, được xem như là loài chim của thế giới Cực Lạc. Trong nghệ thuật, hình tượng chim thần Ca Lăng Tần Già thường được thể hiện dưới hình dạng đầu người mình chim có đuôi dài, hoặc như là những thiên thần nhạc công múa vỗ trống bồng và dâng hoa mà ta thấy trong nghệ thuật điêu khắc Champa đặc biệt trên tháp Mẫm, hoặc chùa Phật Tích (thời Lý) và chùa Thái Lạc (thời Trần), đây chính là những vết tích của vũ điệu Chiêm Thành chim thần Ca Lăng Tần Già một thời thịnh hành trong các ngôi chùa thời Lý-Trần.

Điệu múa Karyobin / Ca Lăng Tần.

Khúc thứ ba, Lăng Vương hay Long Vương, danh khúc này với phong cách lữ luật tuyệt đẹp đặc trưng cho Lâm Ấp Nhạc, trội bật trong những điệu vũ tương đối nhanh gọi là tẩu mã (hashiri-mai) trong Tả nhạc. Long Vương là điệu múa độc diễn. Qua so sánh về động tác vũ đạo của Long Vương, nhà nghiên cứu văn hoá Vũ Ngọc Liễn đã cho rằng sự hình thành sân khấu hát bội Bình Định sau này vốn bắt nguồn từ hình thái nghệ thuật sân khấu ‘Phạn hí’ hay Kịch Nhà Chùa của Champa mà ngay từ thế kỉ thứ 8 đã đạt đến trình độ có kịch bản thành văn. Những lễ hội dân gian ở Nhật từ thời Bình An, thường phối hợp điệu vũ Long Vương với chức năng để cầu mưa, vì rồng là vị thần coi về nước, mưa và phương Đông.

Vũ khúc thứ tư, An Ma Nhị Vũ, là vũ điệu một cặp vũ công (nam nữ lớn tuổi) đeo mặt nạ bằng lụa trắng vẽ bằng mực đen trên đó những hình dạng trừu tượng. Hai nhân vật tương tự các vị thần A-tu-la thờ trong các đình miếu và mang sắc thái pháp thuật, tay cầm cái hốt làm những động tác vừa phất vừa ngâm xướng.

Vũ khúc thứ năm Bội Lư/Bairo (từ tên vị thần Ấn giáo là Bairava biểu hiện cho cơn thịnh nộ và hủy diệt của thần Shiva) là vũ khúc nhóm bộ tứ, tương tự những điệu múa kiếm và là vũ khúc chiến binh.

Vũ khúc thứ sáu Bạt Đầu (Batô) là vũ khúc đơn. Hình ảnh chính: vũ công quỳ như thể tuyệt vọng, mái tóc rũ xuống che kín mặt đeo mặt nạ; biểu hiện tâm trạng của người con trai khóc thương cha bị hổ vồ chết. Người con lang thang trong rừng cho tới khi gặp được và giết hổ. Sau đó, người con nhảy vũ điệu chiến thắng.

Vũ khúc thứ bảy Hồ ẩm tửu (Koinju) đeo mặt nạ màu đỏ tượng trưng sự say sưa, cái mũi to tướng đặc trưng cho người Hồ hay

Tây Vực. Tiếp theo 7 khúc vũ nhạc Lâm Ấp nói trên do Phật Triết làm nhạc sư truyền thụ ở Đại An Tự, 10 năm sau, trong Lễ hội ở Đại Phật điện của Đông Đại Tự, ngài công khai truyền thụ vũ nhạc thứ 8 là Vạn Thu Nhạc, đây là một đại khúc, vũ công gồm 6 hoặc 4. Âm nhạc vốn là bộ môn giáo dưỡng bắt buộc của giới quý tộc và cung đình mà trong đó Vạn Thu Nhạc là vũ nhạc tiêu biểu và là bí khúc được bảo lưu riêng.

Như vậy, suốt mười mấy thế kỉ, nước Nhật tàng chứa một kho báu nghệ thuật vô giá và đa văn hóa, đó là nền vũ nhạc cung đình gọi chung là Nhã nhạc hay Gagaku, ngoài bản địa ra còn bao gồm nhiều nền vũ nhạc quốc tế như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mãn Châu, Thái Lan, Ba Tư…. đặc biệt quan trọng là vũ nhạc Champa (hay Đông Nam Á) với công trạng của Phật Triết.

Theo TIỀN PHONG

Tags: , , ,