Văn học – điện ảnh, hành trình chung và riêng

Mối quan hệ giữa văn học và điện ảnh và sự chuyển hóa những tác phẩm văn học thành tác phẩm điện ảnh không phải là vấn đề mới mẻ. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu trong nước vẫn thường xem xét mối quan hệ này dựa trên những tác phẩm cụ thể hơn là đi sâu vào hệ thống lý thuyết. Đầu thế kỷ 21, lý thuyết cải biên đã có những bước phát triển đáng kể dưới tác động của các lý thuyết trong trào lưu hậu hiện đại. Từ đó, những vấn đề của văn học và điện ảnh được đưa ra soi chiếu một cách triệt để hơn nhằm giúp cho độc giả và khán giả nhận thấy được những nét riêng biệt trong từng loại hình cũng như sự tác động qua lại lẫn nhau giữa hai loại hình này.

Văn học – điện ảnh, hành trình chung và riêng

Tác giả: Đào Lê Na.

Nguồn: Tạp chí Văn hóa nghệ thuật số 376, tháng 10/2015.

1. Ngôn từ, hình ảnh và sự chuyển hóa

Mặc dù văn học tựa trên chất liệu chính là ngôn từ, điện ảnh tựa trên chất liệu chính là hình ảnh nhưng giữa ngôn từ và hình ảnh không hề có sự tách biệt mà giao thoa bổ sung lẫn nhau. Trong văn học vẫn có những hình ảnh được gợi lên từ ngôn từ và trong điện ảnh vẫn có sự xuất hiện của ngôn từ để làm rõ nghĩa cho hình ảnh. Chính vì vậy, hai loại hình nghệ thuật này gắn bó mật thiết với nhau trong hành trình hiển lộ bản thân với tư cách là một loại hình nghệ thuật.

Kể từ khi ra đời đến nay, điện ảnh dù gắn với hình ảnh nhưng ngôn từ vẫn đóng vai trò quan trọng. Các bộ phim, dù là phim câm cũng có những lời trần thuật, hoặc lời thoại viết xen giữa các cảnh. Ví dụ, trong bộ phim Đứa trẻ (The Kid) của Charlie Chaplin, cảnh hai cha con nói chuyện với nhau sẽ bị ngắt quãng bằng dòng chữ trên màn hình đen: “Con có biết những con phố mà chúng ta đã làm việc hôm nay không?”.

Ngôn từ trong phim xuất hiện ngày càng nhiều. Những lời thoại, những đoạn độc thoại nội tâm và những tiếng ngoài hình (voice over) dường như không thể thiếu trong các bộ phim hiện đại. Một minh chứng rõ ràng nhất để thấy sự liên quan đến ngôn từ trong điện ảnh là hầu hết các bộ phim đều được quay trên những kịch bản đã được viết ra trước đó. Như vậy, văn học và điện ảnh tuy có những đặc trưng loại hình riêng nhưng vẫn có những sự giao thoa nhất định dựa trên chất liệu của chúng. Cầu nối rõ ràng nhất của văn học và điện ảnh chính là những bộ phim cải biên từ văn học, dựa trên chất liệu có trước là văn học. Tuy nhiên, cũng chính việc dựa vào chất liệu có trước này mà mối quan hệ giữa văn học và điện ảnh thường bị xem là không đồng đẳng và tác phẩm cải biên hay bị xem là không trung thành với tác phẩm văn chương mà nó cải biên…

Khi nói đến những bộ phim dựa trên chất liệu là các tác phẩm văn chương, lâu nay trong điện ảnh Việt Nam vẫn sử dụng thuật ngữ chuyển thể với hai mức độ phổ biến là: chuyển thể trung thành với nguyên tác văn học và chuyển thể tự do. Chuyển thể trung thành với nguyên tác văn học còn được gọi là dựa theo, trong đó “nhà biên kịch bám sát đường dây câu chuyện, tôn trọng cấu trúc thậm chí cả hình thức của tác phẩm văn học gốc” (1). Những bộ phim chuyển thể trung thành theo nguyên tác còn được gọi là phim minh họa cho tác phẩm văn học. Mức độ chuyển thể thứ hai thường được gọi là phỏng theo, trong đó “nhà biên kịch lựa chọn trong tác phẩm gốc những yếu tố thích hợp theo cách nhìn của mình, hoặc theo ý muốn của nhà sản xuất để đưa lên phim” (2). Mức độ chuyển thể này khá phổ biến để các nhà làm phim tự do thoải mái thể hiện sự sáng tạo của mình qua việc đọc và tiếp nhận nội dung, ý nghĩa từ tác phẩm văn học. Vậy, nếu chỉ xét riêng về những tác phẩm điện ảnh có lấy chất liệu từ tác phẩm văn học thì nội hàm của thuật ngữ chuyển thể theo cách hiểu truyền thống của điện ảnh Việt Nam và thuật ngữ cải biên trong giới hạn nghiên cứu từ tác phẩm văn học đến tác phẩm điện ảnh là gần tương đương nhau. Tuy nhiên, nếu mở rộng ra những bộ phim dựa trên những câu chuyện có thật từ đời sống hoặc lấy ý tưởng từ những tác phẩm nghệ thuật khác như hội họa, điêu khắc thì chỉ có thuật ngữ phim cải biên tiếp tục được sử dụng.

Trong kỷ nguyên mới, với sự phong phú của các hệ thống lý thuyết, đặc biệt là lý thuyết liên văn bản, giải kiến tạo, hậu hiện đại, tác phẩm cải biên đã được xem xét và đánh giá lại như là một cách đọc khác của các nhà làm phim đối với tác phẩm văn học và là một sự đồng sáng tạo, tái sáng tạo trong dòng chảy vô cùng vô tận của liên văn bản.

2. Về đánh giá tiểu thuyết hay hơn phim

Nghiên cứu tác phẩm cải biên cũng chính là nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và điện ảnh từ những góc độ đa chiều và qua những trường hợp cụ thể. Lâu nay, trong nghiên cứu cải biên, dù là trong nước hay ngoài nước, việc nghiên cứu này cũng “gặp hạn chế vì thiếu một phương pháp nghiêm ngặt cho phép kiểm tra sự cải biên như một đối tượng văn hóa với những giá trị tự thân của chúng” (3). Nhà nghiên cứu Thomas Leitch trong bài viết Mười hai sai lầm trong lý thuyết cải biên đương đại đăng trong tạp chí Phê bình cũng đã chỉ trích những quan điểm không đúng đắn khi nghiên cứu các tác phẩm cải biên.

Trước hết, tác phẩm cải biên thường bị đem ra so sánh với tiểu thuyết mà nó cải biên để đưa đến kết luận tiểu thuyết hay hơn phim. Diễn ngôn này được đưa ra bởi rất nhiều nhà phê bình và khán giả. Nguyên nhân của việc đánh giá này chính là sự kỳ vọng của độc giả sau khi đọc xong cuốn tiểu thuyết với dung lượng rất lớn nhưng bộ phim lại chọn lọc cô đọng lại ở một mức độ giảm thiểu đáng kể. Do đó, dung lượng của một bộ phim so với cuốn tiểu thuyết lại càng cô đọng hơn nữa. Trong tài liệu Tự học viết kịch bản phim, tác giả Ray Frensham đã đưa ra nguyên tắc cải biên một tác phẩm văn chương thành một tác phẩm điện ảnh bằng cách đặt ra những câu hỏi: “Liệu tôi có thể rút ngắn tác phẩm đó lại thành một mạch truyện hay, đơn giản, có độ dài hai giờ đồng hồ? (Một câu chuyện trên tiểu thuyết có thể được kể qua bao nhiêu trang tùy ý, nhưng bạn chỉ có 120 trang)” (4). Chỉ dẫn trên của nhà biên kịch cho thấy giới hạn của một tác phẩm điện ảnh khi thể hiện trên trang giấy và do đó, đòi hỏi các nhà làm phim sắp xếp, lựa chọn các chi tiết từ tác phẩm văn học sao cho phù hợp với thời lượng hạn chế đó.

Như thế, nếu đánh giá tiểu thuyết hay hơn phim trong điều kiện tiểu thuyết có nhiều điều kiện cho nhân vật tự do hoạt động, tự do suy nghĩ hơn thì sẽ không công bằng cho điện ảnh.Với một sân chơi khai phóng, tiểu thuyết có thể khai thác nhiều khía cạnh, nhiều vấn đề. Tuy nhiên, với thời lượng khoảng 90 phút đến 120 phút, cô đọng với phim là điều cần thiết. Thế nhưng, sự cô đọng ấy không có nghĩa là điện ảnh sẽ hời hợt, đơn giản. Điện ảnh là loại hình nghệ thuật tổng hợp, nó mang trong mình những loại hình nghệ thuật khác và kế thừa cả sự tinh tế của các loại hình nghệ thuật ấy trong hình thức thể hiện. Do đó, với một quyển sách mấy trăm trang trong tay, chúng ta có thể tùy thời, tùy ý đọc đi đọc lại những dòng, những đoạn văn mang đậm chất triết lý, hay những áng văn đẹp, giàu xúc cảm. Trong khi đó, điện ảnh là nghệ thuật thời – không gian nên đòi hỏi người xem vừa thưởng thức trọn vẹn một bộ phim theo diễn tiến thời gian vừa quan sát, chiêm nghiệm những góc máy, những khuôn hình tĩnh trong không gian nhất định như hội họa, điêu khắc, kiến trúc. Thế nhưng với một bộ phim được xem ở rạp, những hình ảnh, những chuyển động, những cử chỉ, nét mặt của các nhân vật chỉ thoáng qua trong mắt ta. Chúng ta có thể bỏ qua rất nhiều chi tiết, nhiều sự sắp đặt, nhiều dàn cảnh, âm thanh, ánh sáng và diễn xuất tinh tế của diễn viên trong từng khuôn hình. Như vậy, khâu tiếp nhận của điện ảnh và văn học đã khác xa nhau. Do đó, nhiều nghiên cứu điện ảnh chỉ bàn về nội dung của phim, nhiều nghiên cứu phim sử dụng chất liệu từ văn học cũng chỉ để cập đến sự thay đổi nội dung của phim so với nội dung của tác phẩm văn học chứ ít đề cập đến sự chuyển hóa các ký hiệu từ văn học sang điện ảnh. Trong khi đó, tác phẩm văn học được xuất bản ra thành sách, được đưa đến tận tay độc giả nên họ có thể đọc đi đọc lại và nghiền ngẫm từng chi tiết.

Ngày nay, với sự ra đời của internet và DVDs, người xem có thể có quyền năng như một độc giả văn học, biến những sản phẩm điện ảnh trở thành vật sở hữu của riêng mình thông qua những chiếc DVD hoặc những bộ phim được chiếu trực tuyến trên mạng internet. Việc xem đi xem lại những bộ phim giúp khán giả và các nhà phê bình có thể hiểu rõ hơn những ý tưởng được các nhà làm phim chăm chút, gửi gắm trong cách sắp đặt bối cảnh, cách sử dụng âm thanh, ánh sáng nhằm tạo hiệu quả trong từng khuôn hình, chứ không đơn thuần là những khuôn hình đặt cạnh nhau để kể một câu chuyện.

Việc đánh giá tiểu thuyết hay hơn phim còn bắt nguồn từ nguyên nhân văn hóa. Timothy Corrigan đã cho rằng: “Tính tôn ti thứ bậc thường thấy đặt văn chương cao hơn lĩnh vực ít có vẻ nghiêm túc hơn là phim ảnh” (5). Venuti, trong bài viết Cải biên, dịch thuật, phê bình, cũng đã có những lý giải tương tự về thói quen đánh giá tiểu thuyết hay hơn phim của các nhà nghiên cứu: “Văn bản văn chương được xem xét trong các nghiên cứu về phim cải biên thì thường được gán cho một giá trị lớn hơn, nó phản ánh không chỉ giả định của một khái niệm lãng mạn về tính độc sáng, quyền tác giả tự biểu hiện, và do đó đặt ra ngoài lề sự sáng tạo bậc hai như cải biên” (6). Rõ ràng, chính việc đề cao quyền tác giả, gán cho tác giả quyền năng tuyệt đối đã vô tình nâng cao vị thế của tác phẩm văn chương và phát sinh tâm lý coi thường những tác phẩm ra đời có sử dụng chất liệu của các tác phẩm văn chương đó bởi chúng dường như là “sao chép”, là “không chính thống”. Liên văn bản và luận điểm cái chết của tác giả của Roland Barthes cho phép nhìn nhận lại vai trò của tác giả. Bản thân tác giả khi sáng tác các tác phẩm văn chương cũng hòa trộn không ít những yếu tố văn bản, hay ý tưởng có trước khác, những điều đã ăn sâu vào máu thịt họ, chứ không phải hoàn toàn sáng tân, thoát ly tuyệt đối khỏi di sản tư tưởng, văn chương có trước.

Bên cạnh đó, lý thuyết giải kiến tạo ra đời trong bối cảnh văn hóa hậu hiện đại đã phá vỡ các cặp nhị nguyên mang tính thứ bậc như cũ – mới, văn minh – lạc hậu, già -trẻ, nam -nữ, nguyên gốc -cải biên đều được đem ra soi chiếu lại. Từ đó, người ta nhận thấy rằng, những cái được gọi là văn hóa cao- thấp chỉ là phục vụ cho một thế lực, một thể chế quyền lực nào đó của xã hội. Sự phân lập các cặp nhị nguyên của chủ nghĩa cấu trúc chỉ càng làm tăng thêm địa vị cao thấp vốn đã tồn tại trước đó, chứ không thể nhìn rõ vào vị trí, vai trò, bản chất của mỗi yếu tố trong sự tồn sinh của nó. Chính từ đây, điện ảnh xét trong mối quan hệ với văn chương đã được xem xét lại. Tác phẩm cải biên đã được nhìn nhận một cách công bằng hơn vì bên cạnh việc làm sáng tỏ và thậm chí triển khai, mở rộng những điều mà tác giả văn học chưa làm rõ được trong tác phẩm của mình, nó còn bao hàm những sáng tạo và ý tưởng riêng biệt. Văn học và điện ảnh vì thế được xem xét trên một nền tảng mới mang nhiều tính đồng đẳng hơn.

3. Xử lý khái niệm và gợi tưởng tượng

Mối quan hệ giữa văn học và điện ảnh còn thể hiện ở việc xử lý khái niệm và khả năng khơi gợi tưởng tượng cho người đọc, người xem. Ở bài viết Mười hai sai lầm trong lý thuyết cải biên đương đại, tác giả Thomas Leitch đã chỉ ra quan điểm sai lầm mà các nhà nghiên cứu thường mắc phải khi cho rằng: “Tiểu thuyết xử lý khái niệm, phim xử lý cảm thức”. Rõ ràng, theo cách nhìn thông thường, khái niệm được lọc qua ngôn ngữ nên sẽ gắn với văn chương, cảm thức tiếp nhận hình ảnh nên sẽ gắn với điện ảnh. Tuy nhiên, như trên đã nói, người ta không thể gói gọn văn bản văn chương trong ngôn từ và phim là hình ảnh bởi mối quan hệ của chúng phức tạp hơn nhiều. Chúng ta sẽ không thể nào giải mã được những bộ phim noir, những bộ phim siêu thực nếu chúng ta không biết đến khái niệm noir, khái niệm siêu thực. Vậy, khái niệm mà ngôn từ gợi ra là cơ sở để giải mã những hình ảnh bí ẩn trong phim. Do đó, có thể nói rằng, khái niệm là một cầu nối giữa văn chương và điện ảnh.

Ngoài việc xử lý khái niệm, khả năng khơi gợi tưởng tượng cho người đọc, người xem cũng cho thấy sự tương quan rất rõ ràng giữa văn học và điện ảnh. Quan điểm nghiên cứu cải biên truyền thống đề cao vai trò của tác phẩm văn chương hơn điện ảnh vì cho rằng sức mạnh của ngôn từ khơi gợi trí tưởng tượng nhiều hơn. Điện ảnh đã đưa ra những hình ảnh khá rõ ràng nên việc giải mã tác phẩm sẽ bị bó hẹp, trí tưởng tượng của người xem sẽ bị phá hỏng giống như việc anh ta bị áp đặt bởi một hình ảnh Gatsby do Leonardo di Carpio đóng chứ không phải mường tượng về nhân vật này như những gì mà tác phẩm của F.Scott Fizgerald gợi ra. Để biện minh cho điều này, Thomas Leitch trong bài viết Cải biên và liên văn bản, hay Cái gì không phải là cải biên và vấn đề là gì? đã đưa ra khái niệm đối tả (ekphrasis). Đối tả là sự mô tả mang tính văn chương hoặc nhận xét về một tác phẩm nghệ thuật thị giác (7). Ở đây, có thể dẫn ra ví dụ về một bức họa rất nổi tiếng Monalisa của Leonardo da Vinci. Lâu nay, người ta cứ nghĩ rằng, những câu chữ trên trang giấy khi được cải biên thành một hình ảnh cụ thể nào đó, một nhân vật thực thụ sống động nào đó sẽ làm giảm đi rất nhiều ý nghĩa thực sự của tác phẩm. Tuy nhiên, người ta lại không nghĩ theo trường hợp ngược lại. Chỉ với một bức họa vẽ một người phụ nữ với nụ cười mỉm nhưng không có ngôn từ nào có thể miêu tả được đầy đủ ý nghĩa những điều mà bức họa này gợi ra. Đây rõ ràng là sự bất lực của ngôn từ trong việc miêu tả hình ảnh.

Tác phẩm của Leornardo da Vinci đã khiến cho giới phê bình nghệ thuật tốn không biết bao nhiêu giấy mực để miêu tả, giải mã, và tán dương nó. Tuy nhiên, tất cả những ngôn từ miêu tả, hay lời giải đều không làm hài lòng người xem và bức họa vẫn tiếp tục mời gọi sự tưởng tượng và khám phá, thậm chí là giễu nhại của nhiều thế hệ. Như vậy, chúng ta không thể cho rằng, hình ảnh giết chết trí tưởng tượng của con người. Rõ ràng, một hình ảnh có thể đem đến nhiều cách giải mã khác nhau và không ngôn từ nào có thể giải thích được hết. Thế nên, cảnh phim có thể khiến người xem luận giải theo những hướng khác nhau để giải thích cho hành động nhân vật hoặc giải mã ý nghĩa của bộ phim. Tạo hình của nhân vật cũng có thể làm người xem liên tưởng đến những nhân vật khác của cùng diễn viên đó hoặc những nhân vật có tạo hình tương tự. Đó chính là sức mạnh của liên văn bản trong điện ảnh.

Có thể nói, sự dịch chuyển vị trí của mối quan hệ giữa văn học và điện ảnh trong giới nghiên cứu giai đoạn hậu hiện đại đã đem đến nhiều luận giải thú vị cho tác phẩm cải biên, nhìn nhận nó khách quan hơn và đưa việc nghiên cứu tác phẩm cải biên ngang hàng với việc nghiên cứu các tác phẩm văn học và điện ảnh khác, xóa bỏ định kiến ngoại vi – trung tâm để trả lại cho tác phẩm cải biên những giá trị mà nó xứng đáng được công nhận.

————————–

Chú thích:

1, 2. Phan Bích Thuỷ, Từ tác phẩm văn học đến tác phẩm điện ảnh, Nxb, Mỹ thuật, TP.HCM, tr.190, 197.
3, 6. Lawrence Venuti, Adaptation, Translation, Critique, Journal of Visual Culture, Sage Publications, 2007.
4. Ray Frensham, Tự học viết kịch bản phim, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2011, tr.440, 441.
5. Timothy Corrigan, Điện ảnh và văn học, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2013.
7. Thomas Leitch, Film Adaptation & Its Discontents – From Gone with the Wind to The Passion of Christ, Baltiomre: The John Hopkins University Press, 2007.

Theo TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ THUẬT

Tags: , ,