Những bước thăng trầm lịch sử của nhạc phim

“Chính âm nhạc khái quát ý tưởng của hình ảnh”Đạo diễn Eisenstein.

Những bước thăng trầm lịch sử của nhạc phim

Lời của đạo diễn lỗi lạc Eisenstein đã một phần nào khẳng định ý nghĩa và chức năng nghệ thuật của nhạc phim. Là một thành phần không thể thiếu trong tác phẩm điện ảnh, nhạc phim có những nét đặc thù riêng về phương thức biểu cảm. Nhạc phim có khi đơn thuần dùng để minh họa hình ảnh mang tính chất giải trí nhưng cũng có khi là nhân tố cấu thành vô cùng quan trọng để biểu hiện ý tưởng nghệ thuật và kịch tính của tác phẩm.

Gắn liền với lịch sử điện ảnh, nhạc phim cũng chia làm 2 giai đoạn chính – âm nhạc dành cho phim câm và âm nhạc dành cho phim có âm thanh. Trong giai đoạn đầu, âm nhạc còn chưa nằm trong thành phần của tác phẩm điện ảnh, tức không hình thành trong quá trình sản xuất bộ phim mà chỉ được ghép vào khi trình chiếu. Thời đó, để phụ họa cho màn hình trên tường, các nghệ sĩ dương cầm, các nhóm nhạc và đôi khi cả dàn nhạc thính phòng trình diễn các tiều phẩm quen thuộc – thường là các bài hát, vũ điệu hoặc đôi khi các nghệ sĩ còn tự ngẫu hứng. Nhạc phim kiểu này tuy đơn giản nhưng mang tính chất minh họa tương đối cao, làm cho ta dễ liên tưởng tới hành động cụ thể trên màn ảnh. Ví dụ như khi mô tả một cuộc truy kích, các nhạc công thường chơi galop – một loại vũ điệu đầu thế kỉ XIX được sáng tác trên tiết tấu giật và tốc độ nhanh với những đường giai điệu mang ý nghĩa rất lớn, nó tạo nên một không gian âm thanh sống động vốn đang bị thiếu hụt ở chính tác phẩm điện ảnh. Chính vì vậy nên đã xuất hiện nhiều tập sách nhạc được lựa chọn chuyên để phụ họa cho phim nhưng mặt trái của sự quy cách hóa này ở chỗ mọi ý tưởng nghệ thuật của phim mới chỉ được biểu hiện bằng âm nhạc ở mức độ minh họa, chẳng hạn như khi phụ họa cho thể loại Mélodrame thường sử dụng romance, cho thể loại phim hài thường sử dụng scherzo.

Để giải quyết khúc mắc đó, các nhạc sĩ đã nảy ra ý tưởng sáng tạo tác phẩm âm nhạc hoàn chỉnh để phù hợp với các tác phẩm điện ảnh cụ thể. Người đi đầu trong lĩnh vực này chính là nhạc sĩ Pháp nổi tiếng Saint – Saens với “Tổ khúc cho đàn dây, piano và phylharmonika” sáng tác cho bộ phim “Hành thích công tước Deguise” (1908) của Charles le Bargy. Từ kinh nghiệm của Saint – Saens, nhạc phim đã gặt hái được nhiều thành tựu rực rỡ ở Mỹ và các nước châu Âu, trong đó nổi bật phải kể đến âm nhạc cho các bộ phim “Chiến hạm Pachomkin” do nhạc sĩ Đức Mazet và “Vavilon mới” do nhạc sĩ Nga Schostakovich sáng tác. Ở các tác phẩm kiểu này, các nhạc sĩ thường cố gắng tìm tòi ngôn ngữ tiêng cho từng bộ phim, nhằm biểu hiện một cách tối đa kịch tính và ý tưởng ngầm của tác phẩm điện ảnh.

Từ khi xuất hiện kỹ thuật ghi âm với sự ra đời của phim có âm thanh, nhạc phim bước sang giai đoạn phát triển rực rỡ. Năm 1927, bộ phim “Ca sĩ nhạc jazz” đã mở ra một hướng đi mới cho nghệ thuật điện ảnh – đó là thể loại phim âm nhạc bao gồm nhiều loại hình phong phú như phim hài, phim tạp kĩ, phim operette, phim balet … Ngoài phim âm nhạc, những bộ phim có âm thanh đầu tiên đã thu hút được sự cộng tác của các nhạc sĩ hàng đầu đương thời như Honegger, Auric, Ibert, Milhaud, Britten và Hindemith. Cùng với quá trình tiến triển của nghệ thuật điện ảnh đòi hỏi âm nhạc phải có những phương cách mới để phù hợp nên đầu những năm 30 đã có sự phân biệt nhạc phim thành 2 loại mang những đặc trưng kịch tính, khác nhau – nhạc trong bối cảnhnhạc ngoài bối cảnh. Nhạc trong bối cảnh đóng vai trò mô tả, minh họa hình ảnh, còn nhạc ngoài bối cảnh dường như né tránh hình ảnh cụ thể nhưng đồng thời lại đánh giá và biểu hiện ý tưởng ngầm của hình ảnh. Phim của những năm 30 thường thiên về kịch tính hóa nội dung và đề cao vai trò của hành động, lời nói nên đòi hỏi âm nhạc phải phù hợp với nội dung của tác phẩm điện ảnh. Chính vì vậy nên một trong những phương pháp thể hiện tính cách nhân vật được ưa chuộng lúc bầy giờ chình là ca khúc, đặc biệt là những ca khúc quen thuộc dành cho phim hài. Những hình tượng âm nhạc kinh điển thời kì này phải kể đến các ca khúc của Dunaevsky cho các phim “Những chàng trai vui tính”, “Xiếc” và “Vị hôn thê giàu có”… trong đó toát lên sự giản dị, chân thành mà các nhân vật vẫn mang đậm dấu ấn tính cách. Những ca khúc đó đã vượt ra ngoài khuôn khổ tác phẩm điện ảnh và trở thành những bài hát phổ cập được đông đảo công chúng yêu thích. Ở những bài hát kiểu này, hình ảnh nhân vật chính thường được biểu hiện bằng một nét giai điệu xuyên suốt gọi là đường âm thanh chủ đạo được lặp đi lặp lại nhiều lần làm cho khán giả dễ nhớ và liên tưởng đến hình ảnh nhân vật.

Nhạc phim những năm đầu của phim có âm thanh dựa trên mối tương quan song song giữa âm nhạc và hình ảnh nhưng các nhạc sĩ không chỉ chú trọng minh họa hình ảnh mà còn cố gắng làm phong phú và biểu hiện chiều sâu của hình ảnh. Vì vậy nên sự liên kết mật thiết giữa nhạc sĩ và đạo diễn vô cùng quan trọng. Họ phải cùng nhau tìm giải pháp cho nhạc phim vào thời điểm thích hợp để khi âm nhạc vang lên đạt hiệu quả điện ảnh cao nhất. Có thể kể ra ví dụ về sự hợp tác của hai nhà nghệ thuật vĩ đại của thế kỷ – nhạc sĩ Prokifiev và đạo diễn Eisenstein. Họ đã xuất thần trong bộ phim lịch sử “Alecxandre Nevsky” (1930) và nhạc cho bộ phim này đã được tập hợp thành Cantate thường xuyên được trình diễn như một tác phẩm âm nhạc giao hưởng độc lập.

Ngoài phương thức biểu hiện song song đồng ý tưởng giữa âm nhạc và hình ảnh, vai trò vô cùng quan trọng trong nhạc phim là phương thức biểu hiện tương phản nhằm đầy mạnh kịch tính trên màn ảnh. Có thể kể ra một vài ví dụ như cảnh hành quyết tù binh trong bộ phim “Đêm dài 1943” (1960) được ghép nhạc bằng hành khúc phát xít tưng bừng hay hình ảnh hạnh phúc ở cuối phim “Ly dị kiểu Ý” (1961) diễn ra dưới âm hưởng của hành khúc tang lễ. Đặc biệt, ý nghĩa của âm hình chủ đạo trong nhạc phim đã đạt đến bước tiến triển vượt bậc, nó bao quát và biểu hiện ý tưởng nghệ thuật ngầm của bộ phim mà đôi khi không thể diễn tả hết bằng hình ảnh, chẳng hạn như chủ đề Jelcomine trong phim “Con đường” (1954 – đạo diễn Fellini – âm nhạc Rota). Không hiếm khi nhạc phim không dùng để biểu hiện cảm xúc mà ngược lại – để kiềm chế cảm xúc như trong phim Nga “Bốn trăm cú đánh” (1959 – đạo diễn Truffo – âm nhạc Konstaten). Ở đây, nhạc sĩ đã dựng nên hình tượng – chủ đề âm nhạc nghiêm khắc nhằm đòi hỏi khán giả đánh giá một cách khách quan đối với sự kiện trên màn ảnh.

Nhạc phim có thể là tác phẩm âm nhạc được định hướng sáng tác cho bộ phim cụ thể nhưng cũng có khi được tập hợp từ các giai điệu, ca khúc và giao hưởng nổi tiếng. Rất nhiều bộ phim sử dụng âm nhạc của Bach, Mozart. Wagner … đạt hiệu quả cao, điều đó giúp cho chúng ta kiên tưởng những sự kiện xã hội đương thời với những hình tượng truyền thống cao đẹp. Và tất nhiên, vai trò quan trọng nhất của nhạc phim phải kể đến các phim âm nhạc – đặc biệt về chân dung các nhạc sĩ và nghệ sĩ biểu diễn. Ở đây, âm nhạc không chỉ đảm nhiệm vai trò tổng quát mà còn trở thành nội dung chính của tác phẩm điện ảnh – thí dụ như các phim opera của những năm 80 “La Traviatta”, “Carmen” và “Otello”. Ở các tác phẩm này, khán giả không phải thưởng thức Opera như một chương trình truyền hình với cảnh trí sân khấu mà được cảm nhận các tác phẩm âm nhạc vĩ đại như một bộ phim thực thụ – trong đó kết hợp nhuần nhuyễn cả hai yếu tố – âm nhạc và hình ảnh. Nhiều bản nhạc phim đã vượt xa ý nghĩa khiêm nhường như một nhân tố cấu thành của tác phẩm điện ảnh và trở thành các hình tượng nghệ thuật bất hủ, ví dụ như âm nhạc cho bộ phim “Bão tuyết” của nhạc sĩ Sviridov. Mỗi khi nhắc đến bộ phim này, đầu tiên, người ta thường nghĩ ngay đến âm nhạc, sau đó mới đến nỗi dung của bộ phim. Có lẽ chính vì vậy mà nhạc phim “Bão tuyết” luôn nằm trong danh mục biểu diễn của các Philharmonic danh tiếng trên thế gới. Không những thế, người ta còn sáng tác cả vở balet lớn dựa trên âm nhạc của bộ phim này.

Ngoài phim truyện, với phim khoa học và phim tài liệu, âm nhạc cũng mang ý nghĩa không nhỏ. Riêng đối với phim hoạt hình có những đặc thù âm nhạc riêng. Ở thể loại này, âm nhạc thường đóng vai trò mô phỏng chính xác từng hành động trên màn ảnh và nhiều khi mang lại hiệu quả biểu cảm sâu sắc nhưng nhiều khi lại mang tính diễu cợt, hài hước như một sự nhại lại. Những hình ảnh kinh điển của nhạc phim hoạt hình phải kể đến các tác phẩm của đạo diễn W.Disney, đặc biệt là bộ phim “Các bản giao hưởng tếu táo”. Ngược lại, nhiều tác phẩm âm nhạc vĩ đại như “Mùa xuân thần thánh” của Stravinsky, “Bốn mùa” của Tchaikovsky … đã được hoạt hình hóa một cách táo bạo mang đến cho công chúng những giờ phút giải trí lý thú nhưng cũng gây ra nhiều tranh cãi cho các nhạc sĩ và các nhà nghiên cứu âm nhạc.

Trong nghệ thuật điện ảnh còn non trẻ của nước ta, âm nhạc luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như Phạm Tuyên, Hoàng Vân, Hồng Đăng, Đỗ Hồng Quân, Đặng Hữu Phúc và Trọng Đài… đã dành tâm huyết lớn cho nhạc phim, góp phần không nhỏ vào thành công của nghệ thuật điện ảnh Việt Nam qua các cuộc kháng chiến trường kì và trong công cuộc xây dựng đất nước. Tuy nhiên hiện nay, do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, nhạc phim của chúng ta có sa sút nhiều về chất lượng, không ít nhạc sĩ sáng tác “đại trà” liền một lúc cho mấy bộ phim với mục đích thương mại mà không chịu bỏ thời gian để suy ngẫm thì chúng ta làm sao có được tác phẩm nghệ thuật hay, đấy là chưa kể đến âm nhạc của nhiều bộ phim cứ lặp đi lặp lại phong cách của nhau, thậm chí còn “ăn cắp” nhạc của nhiều bộ phim nước ngoài. Nếu như trước kia, mỗi bản nhạc được sáng tác cho màn ảnh thường được dàn nhạc xưởng phim truyện Việt Nam tập dượt công phu, tuy thể hiện còn có một số mặt hạn chế nhưng đã gây xúc động lớn và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người xem. Còn ngày này, các nghệ sĩ chỉ cần dạo qua organ điện tử là xong nhạc cho một bộ phim nên hiệu quả truyền cảm thấp. Mặc dù vậy, chúng ta cũng hi vọng và tin tưởng rằng trong tương lai, Việt Nam sẽ có những tác phẩm điện ảnh đạt tầm cỡ khu vực và quốc tế, trong đó kết hợp hoàn thiện nhiều yếu tố nghệ thuật mang giá trị đích thực đáp ứng lòng mong mỏi và nhu cầu thưởng thức của công chúng.

Theo CÙ LỆ DUYÊN / VNMUSIC

Tags: ,