NHẬT KÝ HÀNH TRÌNH – Ernesto Che Guevara

26 – Tâm điểm thế giới cổ…

Chặng đầu tiên của chuyến đi không dài lắm bởi vì tài xế xe tải thả chúng tôi xuống ở Juliaca, tại đây chúng tôi phải tìm một chiếc xe khác để đi tiếp về hướng Bắc. Nhờ sự giới thiệu của viên sĩ quan biên phòng tại Puno, chúng tôi đến trạm cảnh sát và gặp một viên trung sĩ đang say xỉn. Anh ta cảm thấy thích chúng tôi nên gọi bia mời chúng tôi cùng uống. Ly của ai cũng đã cạn, chỉ trừ có ly bia của tôi vẫn còn nguyên trên bàn.

“Chuyện gì vậy, người anh em Argentina, cậu không uống sao?”

“Không, không phải vậy. Ở đất nước chúng tôi người ta không uống như thế. Đừng hiểu lầm, chúng tôi chỉ uống khi đang ăn.”

“Nhưng mà, cheee,” hắn nói bằng giọng mũi làm nổi bật một âm thanh giống như cách gọi tên Che thân mật của xứ sở chúng tôi, “Tại sao cậu không nói sớm?” Và với một tiếng vỗ tay, hắn gọi mấy cái bánh sandwich phô mai – điều này làm tôi cảm thấy hài lòng. Rồi trong lúc cao hứng, hắn khoa trương lung tung về những hành động anh hùng, về nỗi sợ hãi và nể phục của nhân dân trong khu vực đối với tài bắn súng của hắn. Để chứng minh, hắn rút súng ra và nói với Alberto: “Này, cheee, ngậm thuốc lá đứng cách xa 20 mét ở đàng kia và nếu tớ không bẻ đôi điếu thuốc của cậu với viên đạn đầu tiên, tớ sẽ cho cậu 50 sol.” Alberto không thích món tiền đó lắm hay sao mà không rời khỏi ghế – ít ra có lẽ là không phải vì 50 sol. “Thôi nào! Cheee, tớ trả cậu 100.” Albeto vẫn không nhúc nhích.

Khi hắn đặt 200 đồng sol trên bàn, mắt Alberto bắt đầu nhấp nháy nhìn, nhưng bản năng tự vệ mạnh hơn nên anh vẫn không cử động. Vì thế tên trung sĩ tung nón ra phía sau, nhìn qua một tấm gương và nổ súng. Tất nhiên là chiếc nón rơi xuống vẫn còn nguyên vẹn, nhưng bức tường phía sau thì không. Bà chủ quán đùng đùng nổi giận và tru tréo chạy như cơn lốc đến trạm cảnh sát. Vài phút sau, một viên sĩ quan xuất hiện để xem chuyện gì đã xảy ra và lôi gã trung sĩ vào góc phòng mắng cho một trận. Khi họ quay lại nhóm chúng tôi thì tên trung sĩ chửi rủa người bạn đồng hành của tôi – lúc đó đang trêu chọc hắn: “Nghe này, mấy thằng Argentina, mày có còn viên pháo nào đốt nữa không?” Alberto làm ra vẻ ngây thơ nói rằng anh hết pháo rồi. Viên sĩ quan cảnh cáo anh không được đốt pháo tại nơi công cộng, rồi bảo chủ quán mọi chuyện đã kết thúc: anh ta không thấy vết đạn nào trên tường. Bà chủ quán đến bảo tên trung sĩ đang dựa sát tường tránh sang một bên. Nhưng nhanh trí tính toán sự thiệt hơn, bà ta im miệng, và thay vào đó bà ta mắng Alberto: “Mấy thằng Argentina này tưởng chúng là sếp ở đây chắc!”. Bà ta chửi thêm vài câu nữa, nhưng chúng nhanh chóng rơi vào khoảng không vì chúng tôi đã kịp chuồn đi, người thì tiếc ly bia, kẻ thì tiếc mấy cái bánh sandwich.

Chúng tôi tìm được một chiếc xe tải khác và đi cùng với hai thanh niên da trắng đến từ Lima. Trên đường đi, họ cố chứng tỏ với chúng tôi là họ tốt đẹp hơn nhiều so với những thổ dân ngồi lặng lẽ chịu đựng những lời chế nhạo và chẳng tỏ vẻ bực tức. Thoạt tiên chúng tôi nhìn ra chỗ khác, không chú ý đến họ, nhưng sau vài giờ của cuộc hành trình buồn tẻ băng qua thảo nguyên mênh mông, chúng tôi buộc phải trao đổi vài câu với họ. Họ là những người duy nhất mà chúng tôi có thể trao đổi, bởi vì những thổ dân mệt mỏi hầu như chẳng để ý gì đến câu hỏi của chúng tôi, chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Sự thật là hai thanh niên từ Lima chỉ là những chàng trai bình thường, họ chỉ muốn làm rõ sự khác biệt giữa họ và những thổ dân. Khi chúng tôi nhai thử lá coca do họ kiếm được, thì hai chàng trai đã cảm thấy thoải mái hơn khi trò chuyện với chúng tôi.

Khi ánh sáng cuối cùng của một ngày đã tắt, chúng tôi đến một ngôi làng tên Ayaviry, nơi chúng tôi được ở trong một khách sạn do viên chỉ huy lực lượng biên phòng trả tiền. “Xin lỗi,” ông ta đáp lại phản kháng yếu ớt của chúng tôi trước cử chỉ kinh ngạc của ông. “Hai bác sĩ Argentina phải ngủ ngoài đường vì không có tiền ư? Không thể như vậy được.” Nhưng cho dù có nằm trên một chiếc giường ấm cúng, chúng tôi vẫn không thể nào chợp mắt được: Suốt đêm, lá coca mà chúng tôi đã nuốt bắt đầu trừng trị cái tội làm ra vẻ hiên ngang, xem thường của chúng tôi bằng một loạt những cơn buồn nôn, đau bụng và nhức đầu kinh khủng.

Sáng hôm sau chúng tôi ra đi rất sớm trên cùng chiếc xe tải của ngày hôm qua và đến Sicuani vào giữa buổi chiều. Chúng tôi cảm thấy choáng váng bởi cái lạnh kinh khủng, mưa và cái đói. Như mọi khi, chúng tôi ngủ qua đêm tại đồn biên phòng, và cũng như mọi khi, họ chăm sóc chúng tôi thật tử tế. Con sông Vilcanota nhỏ bé tội nghiệp chảy qua Sicuani, và chúng tôi sẽ đi theo hướng của dòng sông đầy bùn trong một thời gian.

Tại chợ Sicuani, chúng tôi bị choáng ngợp với màu sắc tràn ngập các gian hàng, tiếng người bán hàng rong rao bằng một giọng đều đều và tiếng lao xao của đám đông. Chúng tôi để ý thấy mọi người đang tập trung ở một góc chợ. Một đám rước đang tiến hành, vây quanh là một đám đông dầy đặc nhưng lặng lẽ. Dẫn đầu là 12 tu sĩ mặc áo dài đầy màu sắc, tiếp theo sau là một đoàn thân hào, nhân sĩ mặc áo dài đen, mặt mày nghiêm trang đang khiêng một cái quan tài, theo sau là một đám đông lố nhố. Đám tang tạm dừng lại và một người mặc đồ đen xuất hiện trên ban công – giấy cầm trên tay: “Khi vĩnh biệt con người vĩ đại và cao quý này, chúng ta có bổn phận phải…” Sau bài diễn văn tràng giang đại hải, đám tang tiếp tục đi thêm một dãy phố nữa và một người mặc đồ đen khác xuất hiện trên ban công: “Ai cũng sẽ chết nhưng danh dự và những hành động tốt đẹp của người ấy sẽ sống mãi…” Đây chính là nghi thức tiễn đưa người chết đến nơi an nghỉ cuối cùng, thế nhưng đâu đó ở mỗi góc đường vẫn có tiếng nguyền rủa người đã chết.

Một ngày nữa lại trôi qua như mọi ngày, và cuối cùng chúng tôi cũng đã đến Cuzco.

XEM TIẾP: 27 – Cái rốn của nền văn minh xưa

Tags: ,