Điều gì tạo nên sự độc đáo cho âm nhạc Trung Quốc?

Trong bài này, tôi sẽ tập trung chủ yếu vào ba chủ đề của văn hoá âm nhạc Trung Quốc. Đầu tiên là bản chất của âm nhạc truyền thống Trung Quốc. Thứ hai là ảnh hưởng của âm nhạc đến suy nghĩ của người dân Trung Quốc. Và thứ ba là nền âm nhạc hiện đại của nước này.

Sau khi đọc xong bài này, bạn có thể cảm nhận được sự độc đáo của nền âm nhạc truyền thống của Trung Quốc và có hiểu biết tổng quát về sự phát triển của nền âm nhạc Trung Quốc.

Bản chất âm nhạc Trung Quốc

Trước hết, bạn có biết, điều gì tạo nên sự khác biệt cho âm nhạc Trung Quốc so với những giai điệu âm nhạc của các quốc gia khác không?

Để trả lời câu hỏi này, đầu tiên, tôi xin giải thích về âm giai ngũ cung.

Chúng ta hãy chia câu hỏi này thành ba câu hỏi nhỏ.

Đầu tiên, âm giai là gì? Theo lịch sử âm nhạc, âm giai là chuỗi các nốt nhạc. Đồ, rê, mi, pha, son, la, si cho thấy cao độ tăng dần. Si, la, son, pha, mi, rê, đồ lại chỉ cao độ giảm dần.

Giai điệu của các tác phẩm âm nhạc đều được thể hiện trên khuông nhạc. Khuông nhạc gồm năm dòng kẻ ngang song song, đồng thời cách đều nhau, tạo thành bốn khoảng trống ở giữa gọi là bốn khe nhạc.

Câu hỏi thứ hai là, có mấy loại thang âm (hay còn gọi là âm giai). Chúng ta có hai loại thang âm chính và phổ biến nhất. Tuy vậy, chúng ta còn một loại âm giai khác, trong số đó, âm giai Trung Quốc là thể loại vô cùng độc đáo.

Thang âm đặc trưng của Trung Quốc bao gồm các nốt: đồ, rê, mi, son, la. Chính vì thế, nếu bạn chọn thang âm chuẩn gồm 7 nốt chính và bỏ đi nốt pha và nốt si, bạn sẽ có một thang âm của Trung Quốc.

Và câu hỏi thứ ba, liệu thang âm có thể hiện cảm xúc hay không?

Bạn có thể nghĩ rằng, một bài hát được viết từ một số ít nốt nhạc, chắc sẽ không giàu cảm xúc hoặc không hay nhưng thực tế lại không phải vậy. Âm nhạc được viết theo giai âm của Trung Quốc có khả năng diễn tả cảm xúc rất mãnh liệt. Bạn có thể dành thời gian lắng nghe giai điệu Jasmine Flower, rất nổi tiếng của Trung Quốc để cảm nhận những tình cảm sâu lắng trong bản nhạc này. Nhà soạn nhạc lừng danh người Italia, Puccini đã đưa giai điệu của Jasmine Flower vào vở opera Turandot của mình. Đây cũng là vở kịch cuối cùng trong sự nghiệp của ông.

Tóm lại, âm giai đặc biệt của Trung Quốc là một trong nhiều khía cạnh khiến âm nhạc Trung Quốc khác biệt so với âm nhạc ở những quốc gia khác.

Suy nghĩ truyền thống của Trung Quốc về âm nhạc

Trong nền văn hoá Trung Quốc, âm nhạc thực sự liên quan mạnh mẽ đến triết lý, đặc biệt là triết lý của Nho giáo.

Chúng ta đều biết, Nho giáo giữ vai trò thống trị về tư tưởng ở Trung Quốc suốt hơn 2.000 năm qua. Và nếu chúng ta nghiên cứ Nho giáo, chúng ta sẽ hiểu sức ảnh hưởng mạnh mẽ của Nho giáo đến nhận thức về âm nhạc của người Trung Quốc.

Trước hết, theo Nho giáo, âm nhạc luôn rất tinh tế, tao nhã, lôi cuốn và mang tính giáo dục đạo đức. Vì thế, âm nhạc nên là cái gì đó hoàn hảo. Âm nhạc như chiếc cầu nối trái tim con người với chốn thần tiên. Vì lẽ đó, âm nhạc thuần khiết, thanh tao là sự phản ánh một thế giới hài hoà. Và nếu bạn đưa những cảm xúc tiêu cực như phẫn nộ, tức giận, thất vọng vào âm nhạc thì có lẽ bạn đã đi ngược lại những gì đạo Nho muốn hướng đến. Các nhà Nho luôn cho rằng, âm nhạc luôn là tấm gương phản chiếu thực tế xã hội cũng như nhiều vấn đề của quốc gia.

Khía cạnh quan trọng thứ hai khi chúng ta nói về mối quan hệ giữa âm nhạc và triết lý Nho giáo đó là âm nhạc luôn là một phần của Lý.

Lý là một trong những ý tưởng quan trọng bậc nhất trong Nho giáo. Nói ngắn gọn, Lý là một bộ quy tắc đạo đức bất thành văn hoặc thành văn. Đó chính là cách chúng ta đối xử lịch sự hay không, lối sống, cách chúng ta làm mọi việc. Chính vì thế, với tư cách là một phần của Lý, âm nhạc cũng là một biểu tượng của địa vị xã hội. Điều đó có nghĩa là, hoàng đế, vua, quý tộc và những người có học thức sẽ sử dụng âm nhạc và dụng cụ nhạc khác nhau để thể hiện địa vị xã hội của họ và chứng minh sự cao quý của họ.

Và khi chúng ta nói về nhận thức của Nho giáo về âm nhạc, chúng ta không thể không nhắc đến phương diện giáo dục. Nhìn chung, giáo dục rất quan trọng đối với tất cả các nhà Nho. Và các Nho sĩ cũng nhận thức đầy đủ rằng, âm nhạc có vai trò rất quan trọng trong giáo dục.

Người ta thường ví âm nhạc giống như chiếc cầu nối trái tim con người với chồn bồng lai tiên cảnh. Và hoàng đế Trung Quốc luôn được xem là con trời trong thời kỳ Trung Quốc cổ đại. Cũng ở thời đó, âm nhạc là phương thức hiệu quả để giáo dục mọi người, đặc biệt là những người không thể đọc và viết. Nói chung, người dân thường có thể tu dưỡng đạo đức và nâng cao phẩm giá bản thân thông qua việc hát và nghe những bản nhạc của các bậc thánh hiền.

Chúng ta đã vừa tìm hiểu những khía cạnh quan trọng nhất của mối quan hệ giữa triết lý Nho giáo với âm nhạc Trung Quốc. Bây giờ, chúng ta sẽ tìm hiểu đôi nét về nhạc pop đương đại. Đây chắc hẳn là một chủ đề rất thú vị.

Âm nhạc hiện đại Trung Quốc

Khi nói về âm nhạc đương đại Trung Quốc, tôi xin bắt đầu từ những năm 30 của thế kỷ trước. Vào thời gian đó, máy hát và phim ảnh bắt đầu trở nên phổ biến ở Trung Quốc.

Nhiều nhà soạn nhạc, những trí thức tại các trường nhạc ở phương Tây đã sáng tác nên thứ âm nhạc có sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống Trung Quốc với kỹ thuật âm nhạc hiện đại. Trong số các tác phẩm đó, nhạc phim là thể loại phổ biến nhất ở thời chiến tranh thế giới thứ hai và cuối cùng đã được chọn là quốc ca chính thức của Trung Quốc. Do vậy, quốc ca Trung Quốc có nguồn gốc từ một bộ phim vào những năm 30 của thế kỷ trước.

Sau khi nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa ra đời vào năm 1949, được sự khuyến khích của nhà nước và tình yêu đối với với nghệ thuật, nhiều nhạc sĩ Trung Quốc đã sáng tác nhiều bài hát, vở nhạc kịch và bản giao hưởng để vinh danh người dân và đất nước xã hội chủ nghĩa mới.

Thay vì học mọi thứ từ phương Tây, các nhà soạn nhạc lại tập trung vào di sản âm nhạc truyền thống Trung Quốc để lấy cảm hứng. Chẳng hạn như các nghệ sĩ nhân dân nổi tiếng như Quách Lan Anh và Hồ Tùng Hoa.

Lương Châu là một bản côngxectô cho viôlông do Hà Triển Hạo và Thành Quang sáng tác vào năm 1959. Bản nhạc ban đầu đã được sửa lại từ một bản opera truyền thống của Trung Quốc mang tên, Butterfly Lovers và được coi là bản nhạc Romeo và Juliet của Trung Quốc.

Bản côngxectô diễn tả chuyện tình lãng mạn rất tế nhị và bay bổng trong một giai điệu truyền thống của Trung Quốc.

Để nói về nhạc pop đương đại Trung Quốc, chúng ta hãy bắt đầu từ Đặng Lệ Quân. Cô là một ca sĩ Đài Loan nổi tiếng vào thập niên 80 và 90, được mệnh danh là “nữ hoàng nhạc trữ tình” của Trung Quốc.

Vào thập niên 90, thời kỳ cải cách ở Trung Quốc đã mở đường cho một kỷ nguyên mới của âm nhạc đương đại Trung Quốc. Các bài hát ca ngợi tình yêu, thể hiện niềm hy vọng và vẻ đẹp thiên nhiên ngay lập tức trở nên phổ biến trong đời sống người dân nước này. Những giọng hát vang danh thời kỳ đó có thể kể đến như Bành Lệ Viện và Khương Đại Vệ.

Các ngôi sao và ban nhạc pop lừng danh của phương Tây như Beatles, Rolling Stones, David Bowie, Bob Dylan, Paul Simon đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến thế hệ các nhạc sĩ thời kỷ đổi mới ở Trung Quốc…

Nhiều nhạc cụ hiện đại và phong cách âm nhạc phổ thông ở phương Tây dần dần du nhập vào Trung Quốc trong thời kỳ này.

Những yếu tố đó đã đưa đến sự hình thành nền âm nhạc phổ thông đương đại ở Trung Quốc vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước.

Tuy vậy, một vài ca sĩ vẫn theo phong cách truyền thống như Tống Tổ Anh và Teng Geer.

Bên cạnh đó, nhiều ca sĩ khác vẫn đang cố gắng phát triển sự nghiệp âm nhạc rock and roll của mình như Thuý Giang và Lục Đại Hữu. Một vài nghệ sĩ lại theo dòng nhạc pop như Lưu Hoan hay Vương Phi.

Chúng ta cũng cần nhắc đến Châu Kiệt Luân. Anh là một ca sĩ nhạc pop, người đã pha trộn nhạc R&B, nhạc rap với các nhạc cụ truyền thống Trung Quốc và giai âm ngũ cung để tạo ra một phong cách âm nhạc mới cho Trung Quốc.

Tôi hy vọng rằng, những điều tôi đã đề cập trong bài này sẽ khơi dậy niềm yêu thích âm nhạc Trung Quốc trong bạn và gợi mở những ý tưởng mới để bạn có thể tiếp tục tìm hiểu về nhiều chủ khác liên quan đến nền âm nhạc của quốc gia này.

Theo TÌM HIỂU THẾ GIỚI

Tags: , ,