Nhìn lại sự nghiệp của danh họa Trần Văn Cẩn

Trần Văn Cẩn (1910-1994) là một trong những họa sĩ hàng đầu đã mang đến cho nền mỹ thuật Việt Nan hiện đại một phong cách sáng tạo nghệ thuật rất riêng và giàu bản sắc dân tộc.Sự nghiệp của danh họa Trần Văn Cẩn

Ông là thành viên của “bộ tứ danh họa” lẫy lừng thời ấy: Nhất Trí (Nguyễn Gia Trí), nhì Vân (Tô Ngọc Vân), tam Lân (Nguyễn Tường Lân), tứ Cẩn (Trần Văn Cẩn). Được đào tạo bài bản, có lớp lang trong một ngôi trường danh tiếng: Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, bên cạnh đó Trần Văn Cẩn còn được nuôi dưỡng bởi một nguồn mạch văn hóa mỹ thuật vốn đã nhiều tầng, nhiều vỉa của các dân tộc. Đó là điều kiện tiên quyết để ông tự ghi tên mình vào lịch sử nghệ thuật nước nhà với tư cách là người nghệ sĩ chân chính.

Em Thúy – Sơn dầu, Trần Văn Cẩn.

Tốt nghiệp thủ khoa Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khoá VII (1931 – 1936) với bức sơn mài Tiễn anh khoá đi thi hương, nhưng phải đến các tác phẩm như: Em Thúy – sơn dầu; Chợ Tết – lụa, Gội đầu – khắc gỗ, Hai cô gái trước bình phong – lụa, Trần Văn Cẩn mới thực sự nổi danh. Em Thúy là một bức tranh sơn dầu được Trần Văn Cẩn sáng tác năm 1944. Có thể nói đó là đỉnh cao nghệ thuật Trần Văn Cẩn và cũng là một trong những đỉnh cao của nền hội hoạ Việt Nam cho đến bây giờ. Với lối biểu hiện chân thực, nhẹ nhàng, không khoa trương, cường điệu. Trần Văn Cẩn đã níu kéo và lưu giữ người xem bằng vẻ đẹp thơ ngây, trong trắng. Dường như với Em Thúy, Trần Văn Cẩn không hề quan tâm đến trường phái khi vẽ mà chỉ cốt nêu lên cái thần thái của nhân vật. Bút pháp có phần chịu ảnh hưởng của nền hội hoạ Pháp đương đại nhưng cái nền móng, gốc rễ vẫn là Việt Nam, nếu không muốn nói là một Việt Nam đích thực nhất. Em Thúy ngây thơ có đôi mắt mở to hồn nhiên như chứa trọn khung trời bình yên, ẩn giấu một bản năng lành mạnh của tác giả. Đấy chính là tiềm năng để sau này Trần Văn Cẩn đón lấy bước đi của cách mạng.

Gội đầu – khắc gỗ, Trần Văn Cẩn.

Hội hoạ Trần Văn Cẩn vừa hiện đại mới mẻ, giàu liên tưởng lại vừa phát huy được tính dân tộc và đậm đà sắc vị dân gian. Đó là kết quả một cuộc kiếm tìm lâu dài, đúng đắn, sáng tạo và sâu sắc trong hành trình nghệ thuật vô cùng gian nan mà cũng không kém phần hứng khởi của ông. Với bức Gội đầu, Trần Văn Cẩn đã đưa nghệ thuật khắc gỗ dân tộc lên một đỉnh cao mới. Tiếp thu phương pháp nghệ thuật hàn lâm phương Tây nhưng Trần Văn Cẩn tìm được cho mình một bản sắc nghệ thuật Việt Nam nhuần nhụy qua việc học tập, nghiên cứu kỹ lưỡng và công phu vốn cổ dân tộc qua tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ, điêu khắc dân gian… bức tranh diễn tả một cô gái khỏa thân trên, dáng và bố cục đẹp. Trong khi quan niệm phương Đông còn cho rằng: phụ nữ gắn liền với phận liễu yếu đào tơ, thân hình mảnh dẻ, Trần Văn Cẩn không thế, ông nhìn ra vẻ đẹp khỏe mạnh, ngồn ngộn sức sống phồn thực của người con gái Việt Nam lao động đang làm công việc “tẩy trần” sau một ngày cực nhọc. Đấy là một cái nhìn mới mẻ của Trần Văn Cẩn. Mái tóc cô gái cũng rất khỏe, xanh, dày, và thẳng. Với tranh khắc gỗ, Trần Văn Cẩn đã khai thác tối đa những thế mạnh đặc thù của chất liệu: Sử dụng nét một cách kinh tế, kết hợp với những mảng màu tĩnh dịu, hoà sắc tươi, nhẹ nhàng, thanh khoát như một khúc ca trữ tình đang ngân nga biểu cảm. Ở đó ta bắt gặp một thế giới thật bình yên, mát mẻ, phảng phất đâu đó hương thơm dịu từ mái tóc, da thịt người con gái, mang đến cái cảm giác lâng lâng nhe nhẹ, tao nhã và thi vị. Gội đầu là kết tinh của một tâm hồn nhạy cảm và tài nghệ của một bút pháp lớn: bút pháp bậc thầy khiến tác phẩm của Trần Văn Cẩn vừa sâu sắc, ý nhị vừa dung dị nhưng cũng đầy chất thơ.

Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công. Người nghệ sĩ có tạng chất hiền lành và mẫn cán ấy vẫn không ngừng tạo ra những tác phẩm có giá trị, góp phần xây dựng một nền nghệ thuật mới, non trẻ Việt Nam vừa tách khỏi sự bảo hộ của người Pháp. Tuy nhiên đề tài, đối tượng vẽ ở đây đã đổi khác, tiết tấu năng động rộn ràng, thiên về chiều hướng khắc hoạ tính cách, động dung nhân vật…Năm 1946, Triển lãm mỹ thuật toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức long trọng tại Nhà hát lớn Hà Nội, đã qui tụ đông đảo những anh tài khắp mọi miền đất nước, với các tác phẩm đủ loại như sơn mài, sơn dầu bột màu, thuốc nước, khắc gỗ, lụa… Và bức Xuống đồng – lụa của Trần Văn Cẩn đoạt giải nhất. Xuống đồng được vẽ với bút pháp táo bạo, mạnh mẽ, độc đáo, hoà sắc tươi, nhẹ và tương phản nhằm lột tả hết công việc đồng áng nhọc nhằn. Qua đấy, ta cảm nhận được tình cảm sâu sắc của ông với đời sống người nông dân, với con người Việt Nam. Đây cũng là hoà sắc và chất liệu chưa từng có ở tranh lụa Việt Nam thời bấy giờ.

Nữ dân quân Bảo Ninh – màu nước, Trần Văn Cẩn.

Trong kháng chiến, Trần Văn Cẩn tham gia giảng dạy khoá mỹ thuật kháng chiến ở Việt Bắc do hoạ sĩ Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng. Năm 1954, sau khi Tô Ngọc Vân hi sinh, Trần Văn Cẩn lãnh trách nhiệm hiệu trưởng và ở cương vị ấy trong suốt 15 năm. Ngoài ra, ông còn là chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, phải quan tâm đến mọi hoạt động của hội: tuyển chọn tranh tham dự triển lãm trong nước và quốc tế; chủ tịch hội đồng duyệt mua tranh của Bảo tàng Mỹ thuật; chấm thi Hội hoa xuân, vẽ mẫu quốc huy…Nhưng dù là nghệ sĩ sáng tạo hay nhà lãnh đạo nghệ thuật Trần Văn Cẩn vẫn luôn là con người đầy trách nhiệm. Là một người hiểu biết hội hoạ thấu đáo, nghiêm túc trong lao động nghệ thuật cũng như trong cuộc sống, dù có bận bịu tới đâu Trần Văn Cẩn vẫn dành một khoảng lặng cho nghệ thuật thăng hoa. Và sau 9 năm kháng chiến vô cùng gian khó mà hào hùng, Trần Văn Cẩn ra mắt công chúng thủ đô bằng hai tác phẩm lụa: Con đọc bầm nghe (1954) và Lò đúc lưỡi cày (1955), đã cho thấy một Trần Văn Cẩn khác: mạnh mẽ, đầy cá tính, toát lên niềm vui cuộc sống.

Tát nước đồng chiêm – sơn mài, Trần Văn Cẩn.

Mùa thu đan len – sơn dầu và Tát nước đồng chiêm – sơn mài là hai tác phẩm xuất sắc của Trần Văn Cẩn. Tát nước đồng chiêm thể hiện một quang cảnh rộng lớn: quang cảnh những người nông dân đang lao động trên chính thửa ruộng của mình. Ông vẽ người lao động mà không thấy vẻ lam lũ, nhọc nhăn, ngược lại, toát lên một vẻ đẹp đầm ấm. Tát nước đồng chiêm biểu hiện một vẻ đẹp chân thật, chất phác không kém phần duyên dáng lãng mạn của người nông dân Việt Nam. Và có lẽ Trần Văn Cẩn còn một trong những danh hoạ vẽ nông dân thành công nhất: bố cục chắc vững, các mảng đầy vơi đan xen tài tình, từ dáng điệu được nghiên cứu một cách công phu, rất xao động, nhuần nhuyên sắc độ đậm nhạt mềm mại, dễ chịu hợp lý. Trong niềm đam mê, hứng khởi Trần Văn Cẩn đã vẽ nên một nét mềm lơi lả. Cả một không gian tươi sáng nhộn nhịp như hoà quyện vào như những cô gái quê uyển chuyển trong động tác tát nước gàu dai, những cúi ngửa tự nhiên, bay bướm, những khóm tre lay động những cánh cò dập dờn, những thửa ruộng chạy xa tít phía chân trời chói loà… Ta nghe có cả âm thanh của tiếng nước đổ. Về mặt nào đó, Tát nước đồng chiêm mãi là bài học hàn lâm cho nền mỹ thuật Việt Nam.

Bộ đội xây dựng cầu – chì, Trần Văn Cẩn.

Trong những năm tháng chống Mỹ, Trần Văn Cẩn đi nhiều, vẽ nhiều. Hàng tập ký hoạ, tranh sơn mài, sơn dầu, thuốc nước, lụa… đã ra đời. Tác phẩm của ông chứa đựng sâu sắc và đa diện về hiện thực đời sống.

Nữ dân quân vùng biển – sơn dầu, sáng tác năm 1960, mang đậm dấu ấn Trần Văn Cẩn: nhuần nhuyễn những qui luật hội họa cổ điển, bố cục, cách phối màu rất chính, biểu hiện nhất quán ý tưởng của tác giỏ: giữ gìn biển trời của Tổ quốc. Nữ dân quân vùng biển là một người con gái da sẫm, khỏe, sẵn sàng vượt qua những khó khăn, sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc. Hơn thế nữa, vữ dân quân vùng biển còn có vẻ đẹp nhuần nhụy của người phụ nữ Việt Nam: dung dị kín đáo mà kiên gan, bền chí. Trần Văn Cẩn đã tổng hợp tri thức của phương Tây và phương Đông. Hình ảnh có tính chất khái quát. Tác giả đã phát huy được lối nhìn phương Đông. Đây là bức sơn dầu thành công nhất của Trần Văn Cẩn sau Em Thúy.

Nữ dân quân vùng biển – sơn dầu, Trần Văn Cẩn.

Với tài năng ấy, địa vị xã hội ấy lẽ dĩ nhiên hoạ sĩ Trần Văn Cẩn được sự mến mộ của người thân, bạn bè, đồng nghiệp và những học trò của mình (đặc biệt là học trò nữ). Không thiếu nhữ rung động riêng tư dành cho ông. Nhưng khác hẳn phần đông nghệ sĩ khác, ông nghiêm túc với nghệ thuật, với đời sống, khiến người ta chỉ có thể khâm phục ngưỡng mộ. Ông là một người thầy mô phạm đúng nghĩa. Danh họa Trần Văn Cẩn đã dành cả cuộc đời mình cho sáng tạo nghệ thuật. Ông là một trong những cây đại thụ của làng Mỹ thuật Việt Nam, một tấm gương sáng chói về lao động nghệ thuật cho các thế hệ mai sau.

Theo TRỊNH CHU / TẠP CHÍ KIẾN THỨC NGÀY NAY

Tags: ,