⠀
Akira Toriyama và ‘Dragon Ball’: Tượng đài bất tử của làng truyện tranh Nhật Bản
Xuất phát điểm của Toriyama không hề thuận lợi. Thế nhưng bằng vào đam mê và sự chăm chỉ, tác giả của Dragon Ball vẫn kiến tạo nên một sự nghiệp vĩ đại và chắc chắn sẽ tồn tại lâu dài.
Họa sĩ Akira Toriyama – người thường được biết đến với tư cách tác giả bộ truyện tranh “Bảy viên ngọc rồng” đã qua đời vào ngày 1/3/2024 do tụ máu dưới màng cứng, hưởng dương 68 tuổi.
Dragon Ball nổi tiếng ở tất cả châu lục hiện nay trên thế giới. Kể từ bộ truyện gốc – Dragon Ball Z – vũ trụ truyện tranh về rồng thần đã mở rộng ra rất nhiều tác phẩm khác. Số lượng người hâm mộ có mặt ở hầu hết quốc gia. Không khó để thấy rằng sức ảnh hưởng của Akira Toriyama là rất lớn.
Sự ra đi của ông ở độ tuổi 68 khiến hàng triệu người hâm mộ trên toàn thế giới bất ngờ, đặc biệt là những fan thuộc thế hệ 8X, 9X – những người có tuổi thơ gắn liền với Goku, Vegeta, Cell hay Frieza…
Cuộc đời và sự nghiệp
Akira Toriyama (1955-2024) là mangaka nổi tiếng bậc nhất tại Nhật Bản. Có nhiều tên tuổi khác cũng sinh ra các tác phẩm kinh điển hoặc có doanh thu khổng lồ, tuy nhiên Akira vẫn sừng sững như một tượng đài bởi những đóng góp của ông cho nền truyện tranh Nhật Bản và xa hơn là cả thế giới.
Akira bắt đầu sự nghiệp của mình từ năm 1978. Ông không có nhiều tác phẩm nhưng lại nổi tiếng bởi số ít tác phẩm của mình và cả sự đa dạng trong cách thể hiện nội dung.
Các sản phẩm nổi tiếng nhất của cố tác giả có thể kể đến như Wonder Island (1978), Dr. Slump (1980-1984) và đặc biệt là loạt manga Dragon Ball Z (1984-1995). Sau này, các tác phẩm khác như Dragon Ball GT (1996-1997), Dragon Ball Super (2015-2018) cũng có nhiều đóng góp lớn của ông.
Vào giữa thế kỷ 20, Nagoya đã trở thành trung tâm ôtô của Nhật Bản và một số công ty sản xuất trong ngành có trụ sở chính tại đây. Đến năm 1961, Toriyama bắt đầu vẽ tranh động vật và xe cộ như một sở thích riêng.
Song song đó, tuổi thơ của Toriyama cũng được tiếp cận nhiều tác phẩm truyện tranh đương thời, đặc biệt là loạt truyện Astro Boy (1952-1968), kể về cuộc phiêu lưu của một người máy có tri giác với siêu năng lực mạnh mẽ. Tới những năm học cấp hai, ông ngày càng đam mê hơn với thể loại này.
Về sau, bất chấp mong muốn của gia đình, Akira Toriyama đưa ra quyết định lớn của cuộc đời khi không theo học đại học mà sử dụng chính những kỹ năng nghệ thuật của mình để vào làm tại một công ty quảng cáo tại Nagoya. Nhưng sự nghiệp này không kéo dài lâu khi công việc thiết kế lặp đi lặp lại một cách nhàm chán.
Ở tuổi 23, Toriyama nghỉ việc và bắt đầu cân nhắc về công việc họa sĩ truyện tranh chuyên nghiệp.
Trong thời điểm đầu của sự nghiệp, Toriyama đã tạo ra một bộ manga nhại lại bộ phim Chiến tranh giữa các vì sao (1977) và gửi tới tham gia cuộc thi do tạp chí Weekly Shonen Jump tổ chức với hy vọng giành giải cho mangaka tân binh. Tuy nhiên bộ truyện bị từ chối bởi đây là một tác phẩm phái sinh còn cuộc thi dành cho các bộ truyện tranh gốc.
Bù lại, một biên tập viên của tạp chí lại rất ấn tượng bởi phong cách nghệ thuật của Toriyama và khuyến khích ông sáng tác thêm, gửi các bộ truyện tranh gốc trong tương lai.
Tác phẩm xuất bản đầu tiên của Toriyama là Wonder Island (1978), kể về một phi công cảm tử bị mắc kẹt trên một hòn đảo suốt 35 năm và đang cố gắng tìm đường trốn thoát. Tác phẩm này không gặt hái được thành công như mong đợi và khiến Toriyama rất thất vọng. Phần tiếp theo của Wonder Island 2 (1979) cũng không gây được ấn tượng với độc giả.
Rất khó để một tác giả trẻ thành công ngay lập tức với các tác phẩm đầu tay. Mọi đỉnh cao đều cần có sự kiên trì để chinh phục. Và quả ngọt chỉ đến với Toriyama vào năm 1980 khi ông cho ra mắt Dr. Slump. Bộ manga nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của độc giả với hệ thống nhân vật lập dị nhưng đầy thú vị.
Tác phẩm đã trở thành một trong những manga nổi tiếng nhất trong thời đại của nó và được chuyển thể hoạt hình (1981-1986). Dr. Slump thành công đến mức, kế hoạch ban đầu của Toriyama sẽ kết thúc sau 6 tháng nhưng cuối cùng nó kéo dài gần 4 năm và đem lại cho Toriyama Giải thưởng Manga Shogakukan vào năm 1981.
Năm 1984 là kết thúc một siêu phẩm nhưng đó cũng là thời điểm Toriyama cho ra mắt một tượng đài bất diệt. Dragon Ball Z chính thức ra mắt và còn đẩy sự hưng phấn của cộng đồng truyện tranh lên một tầm cao mới. Loạt manga này kéo dài 11 năm với 519 chương, được tập hợp thành 42 tập với nội dung kể về hành trình của Goku từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành.
Chỉ riêng ở Nhật Bản, số lượng bán ra của nó đã vượt qua 156 triệu bản và được coi là manga Shonen có ảnh hưởng nhất. Bên cạnh đó, Dragon Ball cũng phổ biến ở châu Âu, Bắc Mỹ, châu Á… Tính tới nay, đã có hơn 240 triệu bản manga đã được bán trên toàn thế giới.
Bộ truyện đã trở nên nổi tiếng nhờ dàn nhân vật đông đảo đầy màu sắc, đa dạng chủng tộc và vô số những cảnh chiến đấu thú vị. Nhiều người hâm mộ cho rằng Toriyama lấy cảm hứng từ Thành Long cho các cảnh chiến đấu, chúng rất kịch tính nhưng không thái quá. Thậm chí ngược lại, các chi tiết hành động được tiếp cận nhẹ nhàng, hài hước, phù hợp với nhiều lứa tuổi.
Mặc dù lịch trình làm việc bận rộn vì phải gắn bó lâu dài với Dragon Ball, Toriyama vẫn được biết đến như một nhà thiết kế nhân vật cho trò chơi điện tử. Đầu tiên là dự án dài hơi Dragon Quest, sau đó là Chrono Trigger (1995), Tobal No.1 (1996) và Tobal 2 (1997).
Năm 1995, Toriyama quyết định kết thúc manga Dragon Ball một cách nhẹ nhàng. Sau phần truyện về Majin Buu, Goku rời Trái Đất để nhường chỗ cho thế hệ anh hùng mới. Toriyama muốn ám chỉ rằng câu chuyện sẽ tiếp tục, mặc dù ông thực sự không có ý định viết phần tiếp theo vào thời điểm đó.
Thời kỳ hậu Dragon Ball Z, Toriyama bắt tay vào loạt phim hoạt hình Dragon Ball GT (1996-1997) – tác phẩm sau này đã được thừa nhận có nằm trong mạch truyện chính – với vai trò nhà thiết kế nhân vật. Trong vài năm tiếp theo, ông chủ yếu cho ra mắt các bộ truyện tranh ngắn: Cowa! (1997-1998), Kajika (1998) và Sand Land (2000).
Năm 2006, Toriyama và Eiichiro Oda hợp tác với tác phẩm cross-over Cross Epoch với sự kết hợp giữa các nhân vật trong Dragon Ball và One Piece.
Năm 2009, Toriyama được ghi nhận là nhà tư vấn sáng tạo cho bộ phim live-action Dragonball Evolution. Được biết, ông đã cảnh báo các nhà sản xuất phim rằng kịch bản của phim “nhạt nhẽo” và không thú vị nhưng những đề xuất thay đổi kịch bản đều bị phớt lờ.
Từ năm 2012 đến năm 2013, Toriyama tham gia thực hiện phim hoạt hình Dragon Ball Z: Battle of Gods (2013). Những năm sau đó, ông liên tục tham gia biên kịch hoặc tư vấn về các dự án vệ tinh cho vũ trụ Dragon Ball. Cho đến trước khi qua đời, Akira Toriyama vẫn miệt mài làm việc với các dự án lớn.
“Dragon Ball” – di sản mang giá trị bất diệt
Nói về Akira Toriyama, có lẽ di sản lớn nhất mà ông để lại chính là sự kết nối. Bộ truyện mang đến nhiều giá trị nhân văn, tư tưởng anh hùng chính nghĩa rõ ràng. Đáng nói, giá trị của nó hiện lên giản dị, gần gũi, dễ hiểu, dễ cảm chứ không đơn thuần là những câu khẩu hiệu sáo rỗng.
Chúng ta có thể dễ dàng thấy được những thông điệp mà Toriyama đã lồng ghép vào trong bộ manga. Chính những điều này đã phá bỏ đi rào cản của khoảng cách địa lý, khác biệt trong ngôn ngữ và đem cộng đồng người hâm mộ khổng lồ trải dài trên cả năm châu lục đến với nhau.
Nếu để ý, Dragon Ball là một bộ truyện đa sắc tộc với hệ thống nhân vật rất đỗi phong phú, đa dạng, nhiều chủng loại. Thậm chí, với Dragon Ball, không có kẻ thù mãi mãi, mọi ác nhân đều có cơ hội làm lại từ đầu – nếu chúng có thể nắm bắt.
Một giá trị đặc biệt nữa mà nhiều người không để ý, phong cách sáng tác, tạo hình của Akira Toriyama phù hợp với nhiều lứa tuổi. Dragon Ball không quá máu me, tàn khốc. Bộ truyện có rất nhiều chi tiết chiến đấu kịch tính nhưng cách tiếp cận của tác giả giúp mạch truyện mềm mại hơn, dễ tiếp nhận hơn. Đó là lý do tác phẩm thu hút đủ mọi lứa tuổi, từ trẻ em cho đến người trưởng thành.
Các tác phẩm của Toriyama được cho là đã thúc đẩy sự phổ biến của hoạt hình Nhật Bản tới thế giới phương Tây. Năm 2019, Toriyama được phong là Chevalier (hiệp sĩ) của “Ordre des Arts et des Lettres” (Order of the Arts and the Letters – Huân chương Văn học và Nghệ thuật của Pháp) dành cho các nhà văn, nghệ sĩ có nhiều đóng góp.
Với tổng giá trị ước tính của thương hiệu Dragon Ball lên tới 27 tỷ đôla, không khó để thấy được giá trị kinh tế mà Akira Toriyama tạo ra lớn đến thế nào. Tin rằng, con số này vẫn còn tăng trưởng đều đặn trong tương lai khi hàng loạt dự án lớn vẫn đang tiếp tục.
Cuối cùng, không thể không nhắc tới cảm hứng mà Toriyama đã tạo ra cho thế hệ các tác giả trẻ. Ông không phải thiên tài, xuất phát điểm của Toriyama cũng không hề thuận lợi. Thế nhưng bằng vào đam mê và sự chăm chỉ, tác giả của Dragon Ball vẫn kiến tạo nên một sự nghiệp vĩ đại và chắc chắn sẽ tồn tại lâu dài.
Theo TẠP CHÍ TRI THỨC
Tags: Truyện tranh, Văn hóa Nhật Bản, Akira Toriyama