NHẬT KÝ HÀNH TRÌNH – Ernesto Che Guevara

18 – Những kẻ khốn cùng…

Bây giờ tôi có thể hình dung rõ viên thuyền trưởng đã say, cũng như tất cả sĩ quan của ông ta và người chủ tàu với hàm râu mép to lớn, những cử chỉ thô lỗ do hậu quả của uống rượu quá nhiều. Họ cười phá lên khi bình phẩm về cuộc phiêu lưu của chúng tôi. “Nghe này! Tụi nó là thứ dữ đó! Chắc chắn bây giờ lên tàu tụi nó không để yên đâu, rồi tụi nó sẽ hành động khi tàu ra xa đất liền.” Ắt hẳn là thuyền trưởng đã để ngoài tai những lời lẽ bình phẩm như thế. Tất nhiên là lúc ấy chúng tôi đã không biết gì về điều này. Một giờ trước khi tàu nhổ neo trở về Valparaiso, chúng tôi còn nằm thoải mái giữa hàng tấn dưa hấu vây bọc chung quanh. Chúng tôi nói về những thủy thủ tốt bụng, vì nhờ có sự trợ giúp của một người trong số họ mà chúng tôi có thể lên tàu và ẩn nấp trong một nơi an toàn. Rồi sau đó chúng tôi nghe giọng nói của ai đó trong cơn giận dữ, và một hàm râu mép to tướng xuất hiện làm chúng tôi bối rối và kinh hoàng. Vỏ dưa hấu trôi lềnh bềnh trên đại dương yên tĩnh, phần dưa hấu ăn dở còn lại trên tàu thật đáng xấu hổ, tất cả đã tố cáo sự hiện diện của chúng tôi. Sau đó người thủy thủ nói với chúng tôi, “Tao đã lừa được ổng đi chỗ khác, nhưng ổng lại thấy vỏ dưa hấu trôi dưới biển và hình như ổng muốn ra lệnh “Đừng để đứa nào trốn thoát”. Lẽ ra hai đứa tụi bay không nên ăn nhiều dưa hấu như thế”.

Một trong những người bạn đồng hành với chúng tôi trên tàu San Antonio đã tóm gọn triết lý sống của hắn trong một câu: “Đừng suy tư vớ vẩn, hỏi han lung tung nữa! Ra khỏi cái chỗ thối tha này và trở về cái quê hương chết tiệt của tụi bay đi.” Thế là chúng tôi không xin xỏ gì nữa, thu dọn đồ đạc, vai mang túi hành trang và im lặng lên đường đến Chuquicamata, một mỏ đồng nổi tiếng. Nhưng chúng tôi không được đi thẳng một mạch đến đó ngay. Trong khi chờ đợi sự chấp thuận của ban giám đốc khu mỏ, chúng tôi phải ở nán lại một ngày và được các thủy thủ nhiệt tình đưa tiễn.

Nằm bên dưới cái bóng khẳng khiu của hai cây cột đèn trên con đường cằn cỗi dẫn đến khu mỏ, thỉnh thoảng chúng tôi lại hướng sang nhau chửi đổng và cãi nhau vô cớ cho đến khi từ phía chân trời hiện ra bóng dáng của một chiếc xe tải nhỏ. Nó chở chúng tôi suốt nửa quãng đường đến một thị trấn có tên là Baquedano. Tại đó chúng tôi làm quen với hai vợ chồng công nhân, đảng viên Đảng cộng sản(1) Chilê. Bên ánh sáng của ngọn nến, uống trà thảo dược và ăn bánh mì phô mai, hình hài héo hắt của người đàn ông mang một vẻ huyền bí và bi đát. Bằng thứ ngôn ngữ đơn giản và truyền cảm, ông kể về chuyện ba tháng ở tù, về người vợ đói khát đang đứng bên cạnh với lòng thủy chung vô hạn, về những đứa con phải gửi cho người hàng xóm tốt bụng chăm sóc, về những cuộc hành trình gian khổ tìm việc và tìm đồng đội, những người đã biến mất một cách bí ẩn mà người ta cho rằng đang nằm đâu đó dưới đáy đại dương. Hai vợ chồng, tê cóng vì lạnh, rúc vào nhau trong đêm sa mạc. Họ đại diện cho cuộc sống của những người nghèo trên thế giới. Họ không có lấy một tấm chăn, vì thế chúng tôi cho họ một cái, còn tôi và Alberto đắp chung một cái. Đó là một trong những đêm lạnh nhất đời tôi, nhưng cũng là một đêm lòng tôi thấm đượm tình anh em với những kẻ xa lạ, mà ít ra đối với tôi, họ thật sự là những con người.

Tám giờ sáng hôm sau chúng tôi đón xe tải đến thị trấn Chuquicamata. Chúng tôi chia tay với hai vợ chồng công nhân. Họ đi về khu mỏ lưu huỳnh ở trong núi. Nơi đây khí hậu vô cùng khắc nghiệt và điều kiện sống vô cùng tồi tệ đến nỗi người ta không cần đến giấy phép lao động và cũng chẳng ai thèm hỏi bạn thuộc phe phái chính trị nào. Điều quan trọng là những giọt mồ hôi công sức mà những người lao động này đổ ra làm tàn lụi sức khoẻ của họ để đổi lấy vài mẩu bánh mì khô đắp đổi qua ngày. Mặc dù hình bóng mờ nhạt của cặp vợ chồng gần như mất hút ở phía xa, chúng tôi vẫn còn nhìn thấy gương mặt cương nghị của người đàn ông và nhớ lời mời thẳng thắn của ông: “Nào cùng dùng bữa, các đồng chí. Tôi cũng là một kẻ lang thang” với giọng đầy chia sẻ trước vẻ cũng lang thang mà ông nhận thấy ở cuộc hành trình phiêu bạt của chúng tôi. Thật đáng thương khi con người bị ức chế, dồn nén như thế. Bỏ qua tất cả những lời lên án “bọn cộng sản sâu mọt” là mối hiểm nguy đối với cuộc sống đời thường, thì chủ nghĩa cộng sản trong lòng họ chẳng gì khác hơn là một niềm mong mỏi một cái gì đó tốt đẹp hơn, một sự phản kháng đối với cái đói triền miên chuyển thành tình yêu đối với một học thuyết kỳ lạ, mà tinh hoa của nó họ vẫn chưa nắm bắt được. Chủ nghĩa cộng sản đối với người công nhân này đơn giản là “bánh mì cho người nghèo khổ”, và quan trọng hơn, nó cho ông một niềm hy vọng để sống, để tin vào. Khi chúng tôi có mặt ở đó, bọn quản lý tóc vàng, trông rất phủ phê và ngạo mạn, nói với chúng tôi bằng giọng thổ ngữ Tây Ban Nha: “Đây không phải là thị trấn du lịch. Tôi sẽ cho một người hướng dẫn các anh tham quan một vòng quanh khu mỏ rồi làm ơn xéo đi nơi khác, chúng ta đây còn nhiều việc phải làm”. Một cuộc đình công sắp xảy ra. Tuy nhiên, tay hướng dẫn viên, một con chó trung thành của mấy tên chủ Yankee(1), bảo chúng tôi: “Mấy thằng Gringo ngu xuẩn, keo kiệt không muốn trả thêm cho công nhân nghèo vài đồng bạc lại chịu tốn cả ngàn pêsô mỗi ngày cho một cuộc đình công. Khi tướng Ibanez của chúng tôi lên nắm quyền thì tất cả sẽ kết thúc” (2). Và một nhà thơ làm đốc công nói với chúng tôi: “Có nhiều thềm đất chứa quặng đồng. Nhiều người như các anh thường hỏi tôi những vấn đề kỹ thuật, nhưng rất ít người hỏi những mỏ đồng như thế này đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng. Tôi không thể trả lời các anh, thưa bác sĩ, nhưng cám ơn vì đã hỏi”. Lạnh lùng và phẫn nộ, căm thù và cam chịu để sống đi đôi với nhau trong khu mỏ rộng lớn này… Rồi một ngày, những người phu mỏ sẽ cầm cuốc lên trong niềm hân hoan, lao động đến hơi thở cuối cùng. Họ nói chủ nghĩa cộng sản là như thế đó, rằng ngọn lửa đỏ ngày nay sẽ bừng cháy chiếu khắp thế giới. Họ nói như thế, nhưng tôi cũng không biết nữa.

“Dưới ánh sáng của một mẩu nến và mặt trăng vừa mới nhô lên khỏi những ngọn đồi, Ernesto đang pha trà thảo dược trong khi người vợ và người chồng run rẩy vì lạnh, bởi vì nhiệt độ giảm đột ngột, mà họ chỉ có một manh áo rách, nhưng với lòng tin và sự chính xác đáng khâm phục, người chồng đả xảy đến cho ông và đồng đội, nhiều người đả bị mưu sát hoặc nhận chìm xuống đáy đại dương.” – Alberto Granado, Hành trình cùng Che Guevara.

XEM TIẾP: 19 – Vùng mỏ Chuquicamata

Tags: ,