NHẬT KÝ HÀNH TRÌNH – Ernesto Che Guevara

19 – Vùng mỏ Chuquicamata

Chuquicamata giống như một cảnh trong vở kịch hiện đại. Bạn không thể nói nó thiếu vẻ đẹp, nhưng nó là một vẻ đẹp lạnh giá thiếu sự duyên dáng, hùng vĩ. Khi bạn đến gần bất cứ khu vực nào của vùng mỏ, toàn bộ khung cảnh dường như tập trung lại, tạo một cảm giác nghẹt thở khắp miền đồng bằng. Xa hơn 200 km, màu xanh nhạt của thị trấn nhỏ Calama làm gián đoạn màu xám đơn điệu của khu mỏ và được chào đón với một niềm hân hoan mà một ốc đảo trong sa mạc xứng đáng nhận được. Đài khí tượng tại Moctezuma, gần “Chuqui” mô tả đây là vùng khô cằn nhất trên thế giới. Những ngọn núi, nơi cỏ không mọc nổi trên đất nitrate, đã phải gánh chịu sự tàn phá của gió và nước. Sườn núi đá xám nhăn nhúm, trơ gan cùng mưa nắng. Và có biết bao ngọn núi như thế nằm vây quanh vùng đất mà trong lòng của nó, những con người nghèo khổ, những vị anh hùng vô danh của trận chiến đấu này, đã phải bỏ mạng một cách đáng thương trong muôn ngàn hiểm nguy mà thiên nhiên đã giăng ra để bảo vệ tài nguyên của nó. Vậy mà tất cả những gì họ mong muốn chỉ là kiếm được những mẩu bánh mì cho mỗi bữa ăn. Chuquicamata là một núi đồng to lớn với những lớp quặng cao 20 mét lấn sâu vào những sườn núi rộng, từ đây quặng mỏ được vận chuyển dễ dàng bằng đường ray, cho phép khai thác trên một quy mô lớn. Mỗi buổi sáng người ta cho nổ mìn và những cần cẩu khổng lồ bắt đầu đổ đầy quặng vào những xe goòng để chuyển đến những máy nghiền. Việc nghiền quặng được thực hiện qua ba công đoạn liên tục, biến quặng thô thành một dạng giống như sỏi mịn vừa. Sau đó người ta trộn quặng vào dung dịch acid sulphuric để chiết xuất đồng dưới dạng sulphate, hình thành nên clorua đồng, khi tiếp xúc với sắt già sẽ thành clorua sắt. Sau đó hợp chất sẽ được dẫn đến chỗ gọi là “nhà kính”, tại đây dung dịch sulphate đồng được đổ vào những cái bể khổng lồ và được điện phân bởi một dòng điện 30 volt trong suốt một tuần: hạt đồng bám vào những tấm đồng mỏng đã được bố trí trước trong những cái bể với dung dịch đậm đặc hơn. Sau năm hoặc sáu ngày, những tấm này được đem đến lò nung kim loại. Sau 12 ngày nấu chảy dưới nhiệt độ 2.000oC, sẽ tạo ra những thỏi đồng nặng 350 cân Anh. Mỗi đêm có đoàn tàu 45 xe goòng, mỗi xe chở 20 tấn đồng, chạy xuống Antofagasta. Đó là kết quả của một ngày lao động. Đây chỉ là tóm tắt đơn giản của quá trình sản xuất. Việc sản xuất này đã phải thuê mướn 3.000 nhân công tại Chuquicamata. Nhưng quá trình này chỉ chiết xuất quặng ôxit. Công ty khai thác mỏ Chilê đang xây dựng một nhà máy khác để khai thác quặng sulphate. Đây là nhà máy khai thác quặng sulphate lớn nhất thế giới, với hai ống khói cao 96 mét và sẽ hầu như sử dụng hết tất cả sản lượng quặng sulphate trong tương lai. Trong khi đó nhà máy cũ sẽ dần dần ngưng hoạt động vì quặng ôxit đang cạn kiệt. Đã có một kho dự trữ khổng lồ nguyên liệu thô cho các lò nung mới và nó sẽ được chế biến vào năm 1954 khi nhà máy bắt đầu hoạt động. Chilê sản xuất 20% lượng đồng của thế giới, và trong những thời kỳ bất ổn, đồng trở nên cực kỳ quan trọng bởi vì nó là chất liệu chủ yếu để chế tạo vũ khí. Vì vậy những cuộc chiến về kinh tế và chính trị luôn xảy ra ở Chilê, giữa những người theo chủ nghĩa dân tộc và những nhóm tả khuynh; giữa những người muốn quốc hữu hóa các hầm mỏ và những người muốn để tư nhân hay người nước ngoài khai thác hiệu quả hơn nhà nước. Quốc hội đã lên án kịch liệt những công ty hiện đang khai thác vùng mỏ, làm kích động phản ứng của những người theo dân tộc chủ nghĩa quanh việc sản xuất đồng. Dù kết quả của cuộc xung đột như thế nào, người ta vẫn không nên quên hàng ngàn thợ mỏ đã bị vùi chôn trong những vụ sụp hầm hoặc bỏ mạng trong cái không khí ngột ngạt silica và cái khí hậu như địa ngục của vùng núi.

“…Những con người nghèo khổ, những vị anh hùng vô danh của trận chiến đấu này, đã phải bỏ mạng một cach đáng thương trong muôn ngàn hiểm nguy mà thiên nhiện đã giăng ra để bảo vệ tài nguey65n của nó. Vậy mà tất cả những gì họ mong muốn chỉ là kiếm được những mẩu bánh mì cho mỗi bữa ăn.” – Ernesto Che Guevara, Nhật ký hành trình, 1952.

XEM TIẾP: 20 – Vượt sa mạc khô cằn

Tags: ,