Tiếng cười phê phán mê tín dị đoan trong ca dao Việt Nam

Những vị thầy bói, thầy cúng xưa nay giỏi thì ít mà lừa bịp thì nhiều làm cho người dân khốn khó vì bói toán. Cho nên, ca dao đã phê phán, đả kích mạnh mẽ những thầy bói, thầy cúng lợi dụng để kiếm tiền và ngu dốt.

Tiếng cười phê phán mê tín dị đoan trong ca dao Việt Nam

Bên cạnh các hình thức sinh hoạt hò hát đối đáp nam nữ phổ biến, dân ca gắn bó mật thiết với công việc lao động (hò cập bến, hò giã gạo, hò mái nhì, hò mái đẩy, hát đậm, hát phường cấy, hát phường vải…) với phong tục tập quán, nghi lễ (hò nện, hò đưa linh, hát sắc bùa, hát hầu văn…) và có quan hệ với các loại hình văn hoá nghệ thuật dân gian khác như truyện kể, câu đố, tuồng đồ, trò chơi… Nó tồn tại và phát triển trong hệ thống văn hoá nghệ thuật dân gian, một thực thể sinh động, là phần hồn, cái tinh hoa được phát tiết ra của một cộng đồng người, ở thời kỳ mà cuộc sống của mỗi thành viên còn hoà nhập, gắn bó mật thiết.

Sự phân công lao động của xã hội phát triển, điều kiện máy móc, kỹ thuật ngày càng tiên tiến, đi kèm theo đó là chuyện hội nhập, xâm nhập lẫn nhau giữa các nền văn hoá, các cộng đồng văn hoá. Từ đó, hệ thống văn hoá nghệ thuật dân gian cũng bị tác động, phân rã dần. Thực tiễn ở đất nước ta, một số hình thức nghi lễ, tập quán không còn, một số loại hình hò hát, kể vè, trò diễn cũng biến mất. Cái còn lại tương đối đầy đủ là ca dao.

Ca dao có được sức sống mạnh mẽ như vậy là nhờ phần lời của nhiều loại hình ca hát, được lưu truyền rộng trên nhiều địa bàn và đặc biệt là nó được lưu giữ trong lòng nhân dân thông qua các hoạt động múa, hát, làm trò… và khi có chữ viết được ghi lại.

Cái ổn định và bất biến trong ca dao chính là phần lời. Có thể các loại hình diễn xướng về giai điệu, phương thức sẽ thay đổi theo năm tháng nhưng cái còn lại chính là phần lời không bị thay đổi. Lời hò hát, diễn xướng thì trước khi diễn xướng cần nghiền ngẫm, suy xét như các văn bản ngôn từ khác, có thể đọc viết. Ca dao được coi là một loại hình thơ dân gian, chủ yếu là những áng thơ trữ tình.

Khi tồn tại với tư cách là tác phẩm thơ dân gian, ca dao mang đặc điểm của một tác phẩm nghệ thuận ngôn từ, cần được tiếp cận dưới góc độ thẩm mỹ, hòng khám phá những khía cạnh của hình tượng, biểu tượng, các tín hiệu nghệ thuật nói chung, như các tác phẩm văn chương khác (cả về văn chương dân gian và bác học). Cũng cần nói thêm là so với các loại hình văn học nghệ thuật dân gian khác như truyện kể, thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười… vè, câu đố… vai trò ngôn từ ở ca dao nổi trội hơn.

Quần chúng nhân dân lao động thời xưa rất ưa dùng ca dao để thổ lộ tâm tình và nói lên những suy nghĩ về cuộc sống. Khi nói chuyện với nhau, cùng với tục ngữ, thành ngữ, họ cũng hay dẫn những câu ca dao có ý nghĩa sâu sắc để lời nói thêm đậm đà và tăng sức thuyết phục. Nhưng chỉ có khi ca hát họ mới bộc lộ đựơc đầy đủ đời sống nội tâm của mình.



Rất nhiều hình thức ca hát đã trở thành những tập quán lâu đời gắn liền với những sinh hoạt lao động, sinh hoạt gia đình và sinh hoạt cộng đồng của người bình dân thời xưa. Trong các sinh hoạt ca hát đã có nhiều câu ca dao ra đời, diễn tả những suy nghĩ sâu sắc, những tâm trạng, những tình cảm và cảm xúc tiêu biểu của người lao động đối với cuộc sống gia đình, phản ánh hiện tượng xã hội của họ.

Thầy bói, thầy cúng là hiện tượng tín ngưỡng trong dân gian, người phương Đông khi có công to việc lớn đều tìm đến thầy bói, thầy cúng để giải quyết. Cho nên giới thầy bói, thầy cúng được kính trọng. Nhưng những vị thầy bói, thầy cúng xưa nay giỏi thì ít mà lừa bịp thì nhiều làm cho người dân khốn khó vì bói toán. Cho nên, ca dao đã phê phán, đả kích mạnh mẽ những thầy bói, thầy cúng lợi dụng để kiếm tiền và ngu dốt.

Phù thuỷ, thầy bói, lái trâu
Nghe ba anh ấy đầu lâu không còn

Nhân dân quy thầy bói cũng giống như bọn phù thuỷ và bọn lái trâu đều là những kẻ ba hoa, nói dóc và khuyên mọi người đừng nghe những kẻ ấy mà đến cái “đầu lâu” cũng chẳng còn.

Thầy cúng ngồi cạnh giường thờ
Mồm thì lẩm bẩm tay sờ đĩa xôi

Hình ảnh thầy cúng ở cạnh giường thờ, miệng thì lẩm bẩm khấn bái và tay sờ đĩa xôi phản ánh sự thực dụng của kẻ lợi dụng thần thánh để kiếm tiền, kiếm ăn.

Dựa vào xem tướng, xem số để nói với mọi người về quá khứ, hiện tại, tương lai nhưng câu ca dao chỉ rằng thầy bói xem số cho người, còn số của thầy để cho “ruồi nó bâu”. Hình ảnh so sánh thú vị nhưng phê phán nặng nề hiện tượng xem bói, xem số trong nhân dân làm ảnh hưởng đến đời sống con người.

Tử vi xem số cho người
Số thầy thì để cho ruồi nó bâu

Khi chưa xem bói thì vui, xem rồi thì thấy cái gì cũng xui. Hình ảnh cô gái tiền buộc dải yếm giữ hàng ngày thế mà khi trao cho thầy bói được “cái lo vào mình”. Những thầy bói luôn lấy cái xấu, cái dở để khuyên người này phải kiêng, người này phải tránh, muốn tai qua nạn khỏi thì phải làm lễ cúng, làm phép giải, phép hoá mà cũng chỉ tránh được thôi chưa chắc đã hết hoàn toàn nhưng phần nào cũng giảm. Thế nên:

Tiền buộc dải yếm bo bo
Trao cho thầy bói đâm lo vào mình.

Khi đến cúng cho người mà thầy cúng vẫn chỉ một tâm niệm là phải đựơc con gà, đĩa xôi mang về. Phản ánh hiện tượng các thầy cúng luôn lấy cái ăn làm trọng chứ không phải lấy sự thành kính làm trọng nữa rồi. Chê trách thầy cúng quá thực dụng chỉ biết lợi riêng cho mình mà chẳng làm được tích sự gì chỉ tâm tâm niệm xôi với gà thôi:

Chập chập thôi lại cheng cheng
Con gà sống thiến để riêng cho thầy
Đơm xôi thì đơm cho đầy
Đơm mà vơi đĩa thì thầy không ưng.

Hiện tượng các thầy bói chỉ biết nói dựa, nói theo mà chẳng hiểu gì về Kinh dịch, âm dương ngũ hành. Những lời phán của thầy chỉ là điều hiển nhiên xưa nay, không xem cũng biết. Câu ca dao chế giễu sự lừa bịp của thầy bói để kiếm tiền:

Số cô chẳng giàu thì nghèo
Ngày ba mươi tết thị treo trong nhà
Số cô có mẹ có cha
Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông
Số cô có vợ có chồng
Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai.

Cơ bản lời thầy bói là đúng chỉ có điều đúng mà không mới mẻ, không ích lợi gì. Về cách nói, chúng ta thấy thầy bói nói nước đôi, ngả nào cũng được (chẳng nghèo thì giàu.. chẳng gái thì trai…); nói dựa (dựa vào tập quán: ngày ba mươi tết thịt treo trong nhà); nói vòng vo, luẩn quẩn trở lại chuyện đã nói chẳng theo trình tự nào cả. Về nội dung được đề cập thì những vấn đề mà thầy bói nêu đều là chuyện trọng đại của con người: chuyện tài lợi (tiền của, lợi lộc), chuyện phụ mẫu (liên quan cha mẹ), chuyện hôn nhân, tử tôn (lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cháu)… Những điều trên có thể kết hợp lại: thầy bói thường nói về những chuyện quan tâm hàng đầu của con người theo kiểu nước đôi, kiểu nói dựa, chẳng đem lại lợi ích gì, do vậy đó là lời nói nhăng cuội, tuyệt không thể nghe theo. Bài ca dao đã mô phỏng kiểu nói năng của thầy bói qua việc xem số cô nhằm đả kích, cười cợt thầy tức là dùng gậy ông đập lưng ông. Để làm điều này, lời thầy bói phải đúng cách thầy bói, phải loại trừ chuyện chân lý thuộc về thầy và phải hay.



Cũng như bài ca dao ở trên, việc thầy bói xem quẻ phán rằng “có động” là do con chó mực “cắn ra đằng mồm”, “người lạ nó cắn, người quen nó mừng”, nhà bà có cái cối xay “bốn chân xuống đất, ngõng ngay lên trời”… Tất cả đều là nói đúng nhưng không có lợi ích gì bởi đó là điều tất yếu của cuộc sống. Chó thì chỉ cắn đằng mồm, cối xay thì chân ở dưới đất là điều hiển nhiên. Đó là sự phê phán thói đoán dựa, đoán nước đôi… Nhưng mở đầu bài ca dao là “nhất hào, nhị hào…” để nói rằng quẻ của thầy tính bằng tiền mà tiền mua những thứ chẳng được tích sự gì, mua cái điều hiển nhiên thì thầy bói chẳng qua là lừa bịp lấy tiền mà thôi!

Nhất hào, nhì hào, tam hào…
Chó chạy bờ rào… Quẻ này có động!

Nhà này có quái trong nhà,
Có con chó mục cắn ra đằng mồm.

Nhà bà có con chó đen,
Người lạ nó cắn, người quen nó mừng.

Nhà bà có cái cối xay,
Bốn chân xuống đất, ngõng ngay lên trời…

Để tổng kết việc phê phán, đả kích giới thầy bói lợi dụng sự mê tín của nhân dân làm điều phi pháp. Câu ca dao khẳng định nếu “hòn đất” mà biết nói năng thì thầy địa lý đến “hàm răng chẳng còn”. Cho thấy việc xem bói, xem số, xem tướng trong dân gian ta còn nặng nề nên cần phải xoá bỏ và hạn chế không để cho những kẻ lợi dụng sự mê tín mà kiếm tiền, lừa gạt mọi người. Người đi xem vừa mất tiền vừa mang lo vào người.

Hòn đất mà biết nói năng,
Thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn.

Có thể nói, hiện tượng xem bói, cúng lễ trong đời sống nhân dân ta còn rất nặng nề. Hiện nay, nhiều người vẫn còn mê tín dị đoan, đến đi công tác còn xem ngày, ra đường cũng xem ai đón ngõ, ngày chẵn, ngày lẻ hoặc có công việc gì cũng đi xem bói. Ngay cả khi có người ốm trong nhà cũng đi xem bói, mọi việc đều phụ thuộc vào thầy bói trong khi bản thân mình thì chẳng quyết định được việc gì. Sự mê muội trong cuộc sống và quá tin vào những lời nói giả dối, phỏng đoán của những người lợi dụng việc này để kiếm tiền bất chính, lừa gạt người nhẹ dạ. Mỗi khi gia đình có công việc như tang ma hiếu hỉ thì lời thầy bói lại quan trọng nhất chứ không phải người chủ gia đình quyết định. Lạm dụng vấn đề này hiện nay có rất nhiều người biết một chút về tướng số, tử vi là đem lừa bịp mọi người để lấy tiền hoặc quan trọng hoá vấn đề để kiếm lợi nhuận. Ca dao đã phản ánh những hiện tượng phổ biến trong nhân dân để đấu tranh chống lại những hoạt động mê tín dị đoan, phê phán giới thầy bói, thầy cúng trong xã hội. Đồng thời cũng kêu gọi mọi người dân thức tỉnh, không nên sa đà, lạm dụng việc xem ngày, xem giờ, xem tướng số mà quên đi công việc hàng ngày của con người là lao động, học tập, làm việc nhằm đem lại lợi ích cho bản thân và xã hội, góp phần xây dựng xã hội ngày càng văn minh, hiện đại.

Ca dao là sự phản ánh trung thực về các lĩnh vực trong đời sống hành ngày của nhân dân lao động.Thông qua tiếng cười để phê phán cái xấu, cái tiêu cực trong xã hội đương thời. Thầy bói, thầy cúng là những người có đạo đức được xã hội kính trọng nhưng lại không giữ được phẩm chất đạo đức. Trước hiện tượng đó, ca dao đã phê phán, chế giễu thông qua tiếng cười để bài trừ và hướng tới cái đẹp, cái tốt của con người và giữ gìn sự trong sáng của nghề thầy bói, thầy cúng.

Từ sự phê phán cái xấu để hướng con người tới cái đẹp, sự chuẩn mực trong cuộc sống của con người. Những kinh nghiệm lịch sử xã hội về đạo đức của con người được phản ánh đậm nét trong ca dao Việt Nam có giá trị lớn trong truyền thụ tư tưởng, đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục. Theo nhà văn Từ Sơn thì “thuần phong mỹ tục Việt Nam là nơi nuôi dưỡng và phát huy lòng yêu nước cho các thế hệ người Việt Nam”, đề cao lòng nhân ái và tình cảm gắn bó với gia đình, họ tộc, nghề nghiệp đến xóm làng, dân tộc, quốc gia và đề cao giá trị đạo đức, coi trọng nhân nghĩa, tôn sư trọng đạo, trọng kẻ hiền tài, đề cao giá trị lao động, đề cao đức tính thuỷ chung, tình cảm gắn bó cộng đồng. Phản ánh theo hướng chân thiện mỹ của văn học dân gian, ca dao phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội nạn mê tín dị đoan đã kết hợp được tính cụ thể với tính khái quát, tính đa dạng phong phú, sinh động với nguyên tắc, nguyên lý của tư tưởng đạo đức, nếp sống, bài học kinh nghiệm và bảo vệ thuần phong mỹ tục Việt Nam theo ý nghĩa tạo nên sức mạnh tinh thần cho việc kế thừa và phát triển đạo đức của dân tộc Việt Nam.

Những câu ca dao phê phán mê tín dị đoan có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc đối với sự rèn luyện phát triển nhân cách của mỗi người. Đó là những kinh nghiệm trong cuộc sống để nâng cao nhận thức và hành động về bài trừ mê tín dị đoan, sống có khoa học, đạo lý, nếp sống thuần phong mỹ tục, cách xử thế có tình có lý để sống và hành động theo đạo đức truyền thống của dân tộc ta. Đó là biết điều đúng, điều tốt để thực hiện, biết điều sai, điều xấu để tránh, luôn giữ vững mối quan hệ với cộng đồng, làng xóm., đồng bào trong xã hội.

Trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, việc xây dựng một “nền văn hoá tiến tiến đậm đà bản sắc dân tộc” là rất cần thiết. Ca dao Việt Nam phê phán hiện tượng mê tín dị đoan trong xã hội nhằm bài trừ cái xấu, cái lạc hậu để xây dựng lối sống chuẩn mực về đạo đức của con người Việt Nam hướng tới một xã hội tiến bộ, văn minh./.

—————————————–

Tài liệu tham khảo

1. Triều Nguyên- Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao và bình giải ca dao, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội 2011;
2. Nguyễn Nghĩa Dân – Đạo làm người trong tục ngữ ca dao Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội 2011;
3. Nguyễn Xuân Đàm – Ca dao dân ca trên vùng đất Phú Yên, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội 2011;
4. Phan Ngọc – Bản sắc văn hoá Việt Nam, NXB Văn học 2001;
5. Ca dao Việt Nam, NXB Đồng Nai 1996.

Theo BTGCP.GOV.VN

Tags: , , ,